fbpx

Mỹ tức giận khi OPEC+ hạ sản lượng dầu

Sau động thái cắt giảm mạnh sản lượng của OPEC+, Nhà Trắng đang xem xét các biện pháp nhằm đối phó, bao gồm mở kho dự trữ chiến lược dầu thô. Một số nghị sĩ Mỹ muốn thông qua đạo luật chống độc quyền và ngừng hỗ trợ quân sự cho các nước vùng Vịnh.

Theo CNBC, Nhà Trắng đã tức giận trước quyết định hạ sản lượng lớn nhất kể từ năm 2020 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).

Các nhà phân tích năng lượng tin rằng việc cắt giảm sản lượng sâu có thể phản tác dụng đối với OPEC và đồng minh của Mỹ là Arab Saudi. OPEC + đã nhất trí giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11. 

Theo Investing.com, giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 94,9 USD/thùng vào hôm 6/10, tăng 1,64%. Trong khi đó, dầu WTI đứng ở mức 88,88 USD/thùng, tăng 1,28%.

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi liên minh OPEC+, bao gồm cả Nga, bơm thêm dầu để giúp đỡ nền kinh tế toàn cầu cũng như hạ giá nhiên liệu trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden “thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+ về việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Ukraine”.

Washington nói thêm rằng ông Biden đã chỉ đạo Bộ Năng lượng bán ra thêm 10 triệu thùng từ Kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) vào tháng tới.

Nhà Trắng cho biết: “Sau những hành động của OPEC, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tham khảo ý kiến Quốc hội về các công cụ nhằm giảm bớt sự kiểm soát của liên minh này đối với giá năng lượng”.

Bà Helima Croft và các nhà chiến lược tại RBC Capital Markets cho biết Washington vừa báo hiệu mở kho SPR, nhưng sẽ không có những đợt bán ra lớn trong thời gian tới.

Các nhà phân tích tại RBC Capital Markets cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, rủi ro rõ ràng hơn là việc áp dụng hạn chế xuất khẩu của Mỹ trong môi trường giá xăng bán lẻ tăng”.

“Quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ có động thái với dự luật NOPEC sau tuyên bố của [Hội đồng An ninh Quốc gia] về việc hợp tác với Quốc hội để giảm ảnh hưởng của OPEC trên thị trường dầu”, các nhà phân tích nói. “Sự phản đối của Nhà Trắng với NOPEC trước kia đã hạn chế ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo Quốc hội”.

“Nhưng động thái ngày hôm nay có thể coi như dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ sẽ không ngăn cản cuộc bỏ phiếu dự luật tuyên bố OPEC là một cartel (liên minh độc quyền), và phải tuân thủ theo đạo luật chống độc quyền Sherman”, các nhà phân tích cho biết.

NOPEC là gì?

Dự luật chống độc quyền “No Oil Producing and Exporting Cartels” (NOPEC) được xây dựng nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khỏi các đợt tăng giá nhiên liệu giả tạo.

Dự luật trên đã được một ủy ban của Thượng viện thông qua vào đầu tháng 5 nhưng vẫn chưa chính thức trở thành luật. NOPEC có thể khiến OPEC và các đối tác bị kiện vì cấu kết cắt giảm nguồn cung làm tăng giá dầu thô toàn cầu.

Để có hiệu lực, dự luật này cần được Thượng viện, Hạ viện thông qua và được Tổng thống đặt bút ký thành luật.

Các bộ trưởng hàng đầu của OPEC trước đây đã chỉ trích dự luật NOPEC, cảnh báo quyết định của Mỹ sẽ gây ra sự hỗn loạn lớn cho thị trường năng lượng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Vienna vào hôm 5/10, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết: “Chúng tôi sẽ liên tục chứng minh rằng OPEC+ sẽ là một một liên minh mang lại sự ổn định”.

Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cũng bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng, nói rằng liên minh đang tìm cách cung cấp “an ninh [và] ổn định cho thị trường năng lượng”.

Khi được CNBC hỏi liệu OPEC+ có phải trả giá khi cắt sản lượng không, ông Al Ghais trả lời: “Mọi thứ đều có giá. An ninh năng lượng cũng vậy”.

Chỉ ba tháng trước, Tổng thống Biden đã đến Arab Saudi với nhiệm vụ thúc giục một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới tăng cường sản xuất nhằm hạ giá xăng dầu. Chuyến đi là một phần trong nỗ lực cải thiện quan hệ ngoại giao của Mỹ với Riyadh, vốn đã rạn nứt sau vụ việc của nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018.

Tuy nhiên, nhiều tuần sau đó, OPEC+ đã tăng sản lượng dầu thêm 100.000 thùng/ngày, động thái được nhiều người hiểu là sự xúc phạm đối với Tổng thống Biden.

Khi được hỏi rằng liệu OPEC+ có sử đang dụng năng lượng như một vũ khí hay không, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói: “Hãy chỉ cho tôi đâu là hành động hiếu chiến”.

Tuyên bố chính trị

Các nhà phân tích năng lượng cho biết tác động từ việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ có thể sẽ hạn chế. Đa số ảnh hưởng sẽ đến từ động thái cắt giảm đơn phương của Arab Saudi, UAE, Iraq và Kuwait.

Hơn nữa, hiện rất khó để OPEC+ đưa ra dự báo trong hơn một hoặc hai tháng tới khi thị trường năng lượng đối mặt với sự không chắc chắn do các lệnh trừng phạt Nga.

Ông Michael Stephens, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu của Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), nói: “Arab Saudi tuyên bố hạ sản lượng là quyết định dựa trên thị trường do dự đoán rằng nhu cầu sẽ giảm trong mùa đông. Tôi lại thấy động thái này không khác gì một tuyên bố chính trị”.

“Và ngày cả khi quyết định trên dựa trên lý do kỹ thuật và cung cầu thuần túy, thì Mỹ cũng sẽ hiểu theo cách khác. Nhận thức quyết định đến 90% quy luật, và Arab Saudi đang bị Washington coi là không tuân thủ thỏa thuận”, ông nói.

“Ở thời đại này, nếu Arab Saudi phối hợp với Nga về giá dầu, thì động thái này sẽ được coi là sự ủng hộ công khai đối với Nga”, ông Stephens cho biết thêm.

Ông Herman Wang, biên tập viên điều hành mảng tin tức OPEC và Trung Đông tại S&P Global Platts, nói rằng OPEC+ đã cắt giảm sản lượng sâu với mục tiêu vượt qua cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Wang nói: “Nhưng quyết định này đến vào thời điểm khó khăn về mặt chính trị với Mỹ khi cuộc bầu cử giữa nhiệm khì sắp diễn ra. Nhà Trắng sẽ không muốn giá xăng tăng vọt”.

“Thời điểm nhạy cảm bổ sung thêm yếu tố địa chính trị cho những hành động của OPEC. Trong khi nhóm này tuyên bố không để chính trị ảnh hưởng tới các quyết định, không thể phủ nhận rằng có những yếu tố tác động tới hành động của OPEC+ ngoài giá dầu”, ông nói thêm.

Mỹ phản ứng gay gắt

Vào hôm 5/10, phát biểu tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm Chile, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đã nói rõ quan điểm của mình với các thành viên OPEC.

Khi được hỏi liệu ông có thất vọng với đồng minh là Arab Saudi không, ông Blinken trả lời: “Mỹ có nhiều mối quan tâm liên quan đến Arab Saudi và tôi nghĩ rằng Tổng thống đã nêu ra những vấn đề đó trong chuyến thăm của mình”.

Những vấn đề trên bao gồm cải thiện quan hệ giữa các nước Arab với Israel, Yemen và hợp tác chặt chẽ với Riyadh để duy trì thỏa thuận ngừng bắn, ông Blinken nói. “Nhưng chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để đảm bảo rằng nguồn cung năng lượng từ bất cứ đâu cũng sẽ thực sự đáp ứng nhu cầu và giá được giữ ở mức thấp nhất trong khả năng của mình”, ông cho biết.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders viết trên Twitter: “Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC là một nỗ lực trắng trợn nhằm tăng giá xăng”.

Ông nói thêm: “Chúng ta phải chấm dứt hoạt động ấn định giá bất hợp pháp của OPEC, loại bỏ hỗ trợ quân sự cho Arab Saudi và tích cực chuyển sang năng lượng tái tạo”.

Theo tờ Al Jazeera, ba Nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đưa ra dự luật nhằm rút quân đội và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ khỏi Arab Saudi và UAE. 

Các hạ nghị sĩ Tom Malinowski, Sean Casten và Susan Wild mô tả việc hạ giá dầu là “hành động thù địch chống lại Mỹ và tín hiệu rõ ràng rằng [Arab Saudi và UAE] đã đứng về phía Nga trong xung đột Ukraine”.

“Từ lâu, cả hai quốc gia đã dựa vào sự hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng Vịnh để đảm bảo an ninh và bảo vệ các giếng dầu của mình”, ba hạ nghị sĩ này tuyên bố hôm 5/10.

“Chúng tôi không thấy có lý do gì để binh sĩ Mỹ và các nhà thầu quân sự tiếp tục cung cấp dịch vụ an ninh cho những quốc gia đang chống lại mình. Nếu Arab Saudi và UAE muốn giúp Tổng thống Nga Putin, các nước này hãy tìm đến Moscow để được bảo vệ”, cả ba cho biết.

Nghị sĩ Matt Cartwright cũng ủng hộ dự luật trên, cho rằng việc hạ sản lượng sẽ “tăng sức mạnh cho ông Putin”.

“Chúng ta cần xem xét lại quan hệ với Arab Saudi và nhắc họ rằng ai mới là cường quốc”, ông Cartwright tuyên bố.

Hà An

Vietnambiz

 

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề