fbpx

Sau cuộc họp Fed: Dow Jones vượt 37.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu bật tăng

“Ngày hôm nay, Fed đã tặng cho thị trường một món quà Giáng sinh sớm khi Fed cuối cùng đã có lần đầu tiên bình luận tích cực về lạm phát”…

sau-cuoc-hop-fed-dow-jones-vuot-37-000-diem-lan-dau-tien-trong-lich-su-gia-dau-bat-tang-happy-live-1

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (13/12), khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất vài lần trong năm tới, thoả mãn kỳ vọng trước đó của nhà đầu tư rằng Fed cuối cùng sẽ phải thừa nhận xu hướng giảm của lạm phát bằng một lập trường chính sách tiền tệ bớt cứng rắn hơn. Giá dầu thô cũng hồi phục sau mấy phiên giảm liên tiếp nhờ lạc quan về lãi suất và số liệu thống kê cho thấy lượng tồn kho giảm mạnh.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 512,3 điểm, tương đương tăng 1,4%, chốt ở mức 37.090,24 điểm. Đây là mức điểm chốt phiên cao chưa từng có trong lịch sử của chỉ số blue-chip gồm 30 cổ phiếu thành viên, đánh dấu lần đầu tiên thước đo này vượt mốc 37.000 điểm và phá vỡ kỷ lục cũ thiết lập vào tháng 1/2022.

Chỉ số S&P 500 tăng 1,37%, chốt ở mức 4.707,09 điểm, vượt mốc 4.700 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022. Chỉ số Nasdaq tăng 1,38%, chốt ở mức 14.733,96 điểm.

Trong một quyết định không nằm ngoài dự báo, Fed giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang, tức lãi suất qua vay cho đêm và giữ vai trò là lãi suất điều hành của Fed, ở mức 5,25-5,5%. Quan trọng hơn, trong cập nhật dự báo lãi suất “dot plot”, Fed dự kiến cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm tới – nhiều hơn số 2 lần đưa ra trong lần cập nhật hồi tháng 9.

Trước cuộc họp này của Fed, nhà đầu tư đã ngày càng hy vọng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ gửi đi một tín hiệu rõ ràng hơn về việc giảm lãi suất trong năm 2024 vì số liệu thống kê gần đây cho thấy lạm phát ở Mỹ liên tục xuống thang. Việc Fed tăng dự báo số lần giảm lãi suất đã đáp ứng hy vọng đó của nhà đầu tư.

Tuyên bố sau cuộc họp của Fed cũng thừa nhận lạm phát “đã dịu đi” trong 1 năm qua và Fed chính thức hạ dự báo lạm phát của năm 2024, cho rằng mức lạm phát của năm tới sẽ là 2,4% từ mức 2,6% đưa ra trong lần dự báo trước.

“Ngày hôm nay, Fed đã tặng cho thị trường một món quà Giáng sinh sớm khi Fed cuối cùng đã có lần đầu tiên bình luận tích cực về lạm phát. Có vẻ như Fed đang đi theo hướng của thị trường thay vì thị trường đi theo hướng của Fed. Xu hướng tăng điểm mùa Giáng sinh có thể sẽ tiếp tục”, Chủ tịch Gina Bolvin của công ty quản lý gia sản Bolvin Wealth Management Group nhận định với hãng tin CNBC.

Dow Jones đã trượt khỏi mốc kỷ lục vào đầu năm 2022 khi Fed khởi động chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát. Cả năm ngoái, chỉ số giảm 8,8%, đánh dấu năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Nhưng từ đầu quý 4/2023 đến thời điểm này, Dow Jones đã tăng hơn 10% nhờ hy vọng ngày càng lới về sự xoay trục của Fed sang nới lỏng.

Phiên tăng này đưa tổng mức tăng của Dow Jones từ đầu năm đến nay lên 11,9%. S&P 500, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ, đã tăng 22,6% từ đầu năm; còn Nasdaq – chỉ số với các cổ phiếu công nghệ chiếm đa số – đã tăng 40,8%.

Số liệu thống kê công bố ngày thứ Tư tiếp tục khẳng định xu hướng suy yếu của lạm phát, với chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 11 không thay đổi so với tháng 10. Trước đó, số liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy chỉ số CPI có mức tăng theo tháng và theo năm đều phù hợp với dự báo.

Phản ánh kỳ vọng lãi suất giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 4,03%, thấp nhất kể từ tháng 8, sau khi Fed công bố kết quả cuộc họp.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,02 USD/thùng, tương đương tăng 1,39%, chốt ở mức 74,26 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,86 USD/thùng, tương đương tăng 1,25%, chốt ở 69,47 USD/thùng.

Trước đó, trong phiên ngày thứ Ba, giá của cả hai loại dầu cùng đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ hôm 27/6 do mối lo rằng thế giới sẽ thừa dầu trong năm 2024. Phiên này, giá dầu được hỗ trợ bởi lạc quan về lãi suất, cộng thêm số liệu cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn kho giảm 4,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8/12, lớn hơn nhiều so với mức dự báo giảm 700.000 thùng/ngày mà giới phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Giá “vàng đen” đã đương đầu với áp lực giảm trong nhiều tuần trở lại đây do nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc đặt ra mối lo về triển vọng nhu cầu, trong khi sản lượng dầu của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục.

“Những mối lo về kinh tế toàn cầu trong năm tới, cam kết yếu của OPEC+ đối với việc cắt giảm sản lượng, và sản lượng dầu tăng ngoài OPEC+, bao gồm sản lượng kỷ lục ở Mỹ, sẽ còn đặt ra sức ép giảm giá đối với dầu cho tới cuối năm nay”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.

Tiến Phát

vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề