NĐT Edward Thorp: 5 tuổi học lớp 2, kiếm được tiền bằng số lương của cha mình
Mặc dù gia đình của Edward Thorp nghèo, bố mẹ ông vẫn đề cao giá trị của những cuốn sách và gắng mua nó cho ông khi có dịp. “Kết quả là giai đoạn 5 – 7 tuổi, tôi mang theo bên mình những cuốn sách dành cho người lớn khiến cho những người xa lạ luôn ngờ vực liệu tôi có thực sự biết trong những cuốn sách đó viết gì không…”
Khi tôi cầm theo cuốn Child’s History of England của Charles Dickens. Một người lạ đang nói chuyện với bố tôi, chắc mẩm quyển sách nặng nề viết cho trình độ lớp mười, ông ta nhún vai rồi bảo bố tôi: “Thằng bé không thể đọc cuốn sách này.” Cha tôi trả lời tự hào, “Thằng bé đọc sách rồi đấy. Hãy hỏi nó một câu và anh sẽ thấy.”
Với điệu cười thách thức người đàn ông đó tiếp lời, “Được rồi, cậu bé, hãy đọc tên tất cả các vị vua và nữ hoàng Anh Quốc theo trình tự thời gian và cho ta biết số năm họ cai trị.” Mặt bố tôi sạm đi, nhưng với tôi điều này dường như chỉ là một yêu cầu thông thường khác. Tôi lùng sục trong bộ nhớ của mình xem những thông tin có lưu ở đấy không.
Tôi ngẫm và sau đó thuật lại, “Alfred Đại đế, bắt đầu trị vì năm 871, kết thúc năm 901, Ed-ward the Elder, bắt đầu trị vì năm 901, kết thúc 925,”… danh sách kéo dài khoảng 50 người cai trị và dừng lại ở “Victoria, bắt đầu trị vì năm 1837 và nó không nói khi nào bà thoái vị”, nụ cười của người đàn ông tắt ngấm từ lâu. Ông lẳng lặng đưa tôi cuốn sách. Đôi mắt bố tôi thì sáng ngời lên.
Trong khoảng thời gian từ ba đến năm tuổi, tôi đã học cộng, trừ, nhân chia con số ở bất kỳ đơn vị nào. Tôi cũng đã học phiên bản Mỹ của các tiếp đầu ngữ, hàng triệu, tỷ, nghìn tỷ,… cho đến mười lũy thừa sáu mươi (1060). Tôi nhận thấy mình có thể thêm các dãy số một cách nhanh chóng khi nhìn hoặc nghe chúng. Một ngày nọ, lúc lên năm hay sáu tuổi, tôi ở trong cửa hàng tạp hóa gần nhà với mẹ và nghe thấy người chủ báo giá hóa đơn cho khách hàng trên bàn tính. Khi ông báo kết quả tôi bảo sai và đưa cho ông con số của mình. Ông ta cười sảng khoái, cộng lại dãy số và thấy tôi đúng. Để khen ngợi tôi, ông đã thưởng cho một cây kem ốc quế. Sau đó mỗi khi có dịp ghé ngang cửa hàng, tôi đều kiểm tra phép tính của ông ấy. Trong những lần hiếm hoi chúng tôi không đồng tình, tôi thường đúng và lại được thưởng một cây kem ốc quế khác.
Bố tôi dạy tôi cách tính căn bậc hai của một con số. Tôi học và viết ra bằng bút chì và giấy cũng như nhẩm tính câu trả lời trong đầu. Sau đó, tôi học tính căn bậc ba. Trước khi xuất hiện ghi chép vào sách vở, tri thức loài người được ghi nhớ và truyền dạy các thế hệ sau bằng lời kể; nhưng khi kỹ năng này không cần thiết, nó đã bị suy giảm. Tương tự như vậy, trong thời đại của chúng ta với sự phổ biến của máy tính và máy tính cầm tay, khả năng tính nhẩm phần lớn đã biến mất. Tuy nhiên, một người học công thức số học ở trường có thể học nhẩm tính một cách nhẹ nhàng và thường xuyên.
Kỹ năng này, đặc biệt đối với nhẩm tính gần đúng, vẫn còn nguyên giá trị, cụ thể là để đánh giá các tuyên bố định lượng mà ta đối mặt liên tục. Ví dụ, khi nghe tin tức kinh doanh trên đường đến văn phòng vào một sáng nọ, tôi nghe phóng viên nói: “Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones [DJIA] giảm 9 điểm xuống còn 11.075 điểm vì lo ngại về thông tin tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát”. Tôi nhẩm tính chỉ số DJIA điển hình (một sai lệch chuẩn) bắt đầu thay đổi từ phiên đóng cửa trước, một giờ sau khi mở cửa, vào khoảng 0,6% hay khoảng 66 điểm. Khả năng chuyển dịch “ít nhất” 9 điểm như tường thuật từ phóng viên hay nhỏ hơn 1/7 số này (66 điểm), là khoảng 90%, do đó động thái trên thị trường (trái ngược với báo cáo) rất yên ổn và hầu như không cho thấy bất kỳ phản ứng sợ hãi nào. Không có gì phải lo lắng. Phép tính đơn giản cho phép tôi phân tách sự cường điệu khỏi thực tế đang diễn ra trên thị trường.
Một lần khác, một nhà quản lý quỹ tương hỗ (mutual fund manager) nổi tiếng và được trọng vọng cho biết, kể từ khi Warren Buffett tiếp quản Berkshire Hathaway khiến lợi nhuận sau thuế của công ty đạt lãi kép 23-24% mỗi năm. Sau đó ông nói, “Những con số này sẽ không thể đạt được trong 10 năm tới vì như thế ông ta sẽ sở hữu cả thế giới”. Tôi nhanh chóng nhận ra nhận định này đã bị phóng đại hoặc tính sai. Một phép nhẩm tính nhanh cho thấy 1 đô la tăng trưởng trong vòng 10 năm với lãi kép 24% một năm cho tôi kết quả nhỉnh hơn 8 đô la (máy tính cho ra con số 8,59 đô la). Vì lúc này, Berkshire đã có vốn hóa khoảng 100 tỷ đô la, tỷ lệ tăng trưởng này sẽ đưa giá trị vốn hóa của công ty chạm mức 859 tỷ đô la. Con số này cách xa ước đoán của tôi là 400 nghìn tỷ đô la cho tổng giá trị thị trường hiện tại của thị trường chứng khoán thế giới.
Ngay sau khi lên năm tuổi, tôi bắt đầu đi học mẫu giáo ở Dever Grammar School, tây bắc Chicago. Khi đi học, tôi thấy không hiểu vì sao mọi thứ chúng tôi được yêu cầu đều dễ dàng đến vậy. Một ngày nọ giáo viên của chúng tôi giao cho cả lớp những tờ giấy trắng tinh và bảo chúng tôi vẽ một bản phác thảo con ngựa từ bức tranh cô cho. Tôi chấm những điểm nhỏ lên bức tranh và dùng thước để đo khoảng cách từ điểm này đến điểm tiếp theo. Sau đó, tôi sao chép các điểm chấm lên trên tờ giấy của mình, sử dụng thước đo để khoảng cách giữa chúng giống như trong bức tranh và dùng mắt thường ước lượng góc cạnh sao cho phù hợp. Tiếp theo, tôi kết nối những điểm mới thật trơn tru, nối các đường cong khéo léo nhất có thể. Kết quả là một bản phác thảo giống với bức tranh ban đầu.
Bố đã dạy cho tôi phương pháp này và cả cách sử dụng nó để vẽ một hình được phóng to hay thu nhỏ. Ví dụ, để kích thước to gấp đôi, chỉ cần gấp đôi khoảng cách giữa các dấu chấm trên bức vẽ ban đầu, giữ nguyên vị trí tương đối giữa các góc khi đặt các dấu chấm mới. Để nhân ba lần kích thước, nhân khoảng cách giữa các điểm chấm lên ba lần,… Tôi gọi những đứa trẻ kia lại, cho chúng thấy thành quả của mình và cách làm cụ thể, và chúng bắt đầu làm theo. Tất cả chúng tôi nộp lại bản sao nhờ áp dụng phương pháp của tôi thay vì phải phác tay như giáo viên mong đợi, và cô ấy không vui.
Vài ngày sau, khi giáo viên phải rời phòng trong vài phút. Chúng tôi được yêu cầu tự chơi đùa với vài khối gỗ rỗng khổng lồ (đối với chúng tôi) có kích thước bằng bàn chân. Tôi chắc mẩm sẽ hay ho khi xây dựng một bức tường thành vĩ đại vì vậy tôi tụ họp những đứa trẻ khác và chúng tôi nhanh tay xếp thành một bậc thang lớn từ những khối gỗ. Thật không may, dự án của tôi hoàn toàn bị “chết từ trong trứng” khi cô giáo đã quay lại lớp học.
Giọt nước làm tràn ly là vài ngày sau đó, khi tôi ngồi lên một trong những chiếc ghế nhỏ ở trường dành cho trẻ năm tuổi và phát hiện ra một trong hai thanh chống lưng đã bị gãy. Một mảnh vỡ sắc nhọn rơi trên chỗ ngồi do bị tách ra từ phần còn lại của thanh chống, vì vậy toàn bộ phần lưng bây giờ chỉ được hỗ trợ một cách yếu ớt bởi thanh còn lại. Nguy hiểm ngay trước mắt và cần hành động gì đó. Tôi tìm thấy một cái cưa nhỏ và lặng lẽ cắt phăng hai thanh chống để chúng ngang bằng với mặt ghế, gọn gàng biến nó thành một cái ghế đẩu hoàn hảo. Lúc này, giáo viên đưa tôi đến phòng hiệu trưởng và cha mẹ tôi đã được mời tham dự một cuộc họp nghiêm trọng.
Ngài Hiệu trưởng phỏng vấn tôi và ngay lập tức đề nghị tôi được chuyển lên lớp một. Sau vài ngày trong lớp học mới của mình, tôi thấy được một điều rõ ràng rằng bài học ở đó cũng quá ư dễ dàng. Tôi phải làm gì đây? Một cuộc họp phụ huynh và giáo viên nữa lại diễn ra. Hiệu trưởng đề nghị cho tôi nhảy cóc bậc học lần nữa lên lớp hai. Nhưng tôi thì mới vừa đủ tuổi cho lớp mẫu giáo: Trung bình tôi nhỏ hơn 1,5 tuổi so với các bạn học lớp một của mình. Bố mẹ tôi đã cảm thấy bỏ qua một bậc nữa sẽ khiến tôi gặp bất lợi về mặt xã hội, cảm xúc và thể chất. Nhìn lại mười hai năm học trước khi vào đại học, tôi thuộc vào nhóm thấp bé nhất và luôn là người nhỏ tuổi nhất trong lớp của mình, tôi nghĩ rằng họ đã đúng.
Gia đình chúng tôi luôn phải sống chật vật với đồng lương ít ỏi của bố tôi vào thời kì khủng hoảng, nên việc theo học tại một trường tư thục cấp tiến không bao giờ là một lựa chọn của bố tôi dành cho tôi. Chúng tôi đã rất may mắn vì ông tìm được công việc làm nhân viên bảo vệ ở ngân hàng Harris Trust và Savings. Huy chương chiến trận của ông trong Thế chiến thứ nhất có lẽ đã mang lại lợi thế cho ông có công việc đó.
Cuộc suy thoái len lỏi từng ngóc ngách trong cuộc sống chúng tôi. Chi tiêu hạn hẹp trong đồng lương 25 đô la một tuần, chúng tôi không bao giờ phí phạm thức ăn, và chúng tôi mặc quần áo của mình cho đến khi chúng rách bươm.
Tiền khan hiếm và không ai dám khinh rẻ những đồng xu. Nhìn thấy những công nhân WPA (Works Proress Administration – Cơ quan Quản Lý Tiến Độ Công Việc) mệt mỏi trên các đường phố, tôi đã mượn một đồng niken và mua một gói bột trái cây Kool-Aid, từ đó tôi hòa được sáu ly nước rồi bán cho họ một đồng mỗi ly.
Tôi tiếp tục công việc này và thấy rằng phải mất rất nhiều sức lực để kiếm vài đồng xu. Mùa đông tiếp theo, khi bố cho tôi một đồng nikel tiền công cào tuyết từ vỉa hè nhà chúng tôi, tôi như chạm vào cả kho báu. Tôi đã đưa ra thỏa thuận dọn tuyết tương tự với những người hàng xóm và sau một ngày dọn tuyết cật lực, trở về nhà trong mồ hôi ướt đẫm cùng với một khoản tiền khổng lồ (gần bằng một nửa số tiền mà bố tôi được trả cho mỗi ngày). Chẳng mấy chốc, nhiều đứa trẻ đi theo con đường của tôi làm cho “kho báu” cạn đi đây là một bài học đầu tiên về sự cạnh tranh có thể làm giảm lợi nhuận đi như thế nào.
Trích sách Người đàn ông đánh bại mọi thị trường
Có thể bạn quan tâm
Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường – Edward Thorp