fbpx

Fed có thể phải chấp nhận chịu đau để dập lạm phát, nếu may mắn không mỉm cười

Kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào sự cải thiện của nguồn cung. Nếu chuỗi cung ứng không được gỡ rối, Fed sẽ phải dựa hoàn toàn vào chính sách tiền tệ, đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp phải tăng cao hơn nhiều thì lạm phát mới đi xuống.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận thấy có hai con đường tiềm năng cho nền kinh tế và chính sách tiền tệ trong năm tới: Nếu may mắn, lạm phát sẽ hạ nhiệt nhờ nguồn cung được bổ sung. Nếu phương án này thất bại, Fed sẽ không ngần ngại sử dụng giải pháp đau đớn hơn để làm giảm nhu cầu và giá cả. 

Dựa vào may mắn

Trong kịch bản lạc quan nhất, các đợt tăng lãi suất mạnh tay ngay từ đầu của Fed sẽ làm giảm nhu cầu cho những ngành nhạy cảm với lãi suất như nhà đất, xe cộ và hàng tiêu dùng lâu bền được mua bằng nợ vay.

Đồng thời, theo thời gian, tình trạng gián đoạn nguồn cung cải thiện có thể giúp tạo ra điểm cân bằng tốt hơn giữa cung và cầu. Theo quan điểm của ông Powell, đà tăng của giá hàng hoá có thể hạ nhiệt nhanh chóng, giúp Fed kéo lạm phát về với mục tiêu 2%.

Hôm 22/6, ông Powell phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện: “Nếu nhu cầu đi xuống thì lạm phát có thể lùi lại nhanh không kém lúc tiến lên”.

* Theo khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan                                                                                                  ** Xăng thường không chì

Ông Powell thừa nhận Fed đã đánh giá sai về lạm phát trong cuối năm 2021. Theo thước đo ưa thích của ngân hàng trung ương Mỹ, lạm phát hiện ở mức 6,3%. Giờ đây Fed đang cố gắng thắt chặt chính sách ngay từ đầu để quá trình về sau trở nên dễ dàng hơn.

Trong tháng 6, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Ông Powell cho biết các quan chức đang cân nhắc động thái tương tự cho cuộc họp tháng sau. Thị trường gần như đã hoàn toàn phản ánh vào giá một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa vào tháng 7, tờ Bloomberg cho biết. 

Trong dự báo tháng 6, nhìn chung các quan chức Fed nhận định lạm phát sẽ quay về gần mức 2% trong năm 2024, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn trụ vững quanh mốc 2% và tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ. 

Ông Michael Pond, chuyên gia hàng đầu về lạm phát tại Barclays, nói rằng kịch bản trên có khả năng thành hiện thực. Theo ông, lượng hàng tồn kho bán lẻ dồi dào và giá cước vận tải sụt giảm là dấu hiệu cho thấy “các nút thắt trong chuỗi cung ứng bắt đầu được tháo gỡ”. Ông nói tiếp: “Kịch bản cơ sở của chúng tôi là lạm phát sẽ hạ nhiệt đáng kể trong năm sau. Nhưng vẫn còn rất nhiều yếu tố khó lường”.

Chấp nhận nỗi đau

Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm cần phải lưu ý. Giới chức Mỹ lo ngại rằng những cú sốc giá liên tiếp – gần đây nhất là cú sốc năng lượng và thực phẩm sau khi Nga tấn công Ukraine – có thể thay đổi kỳ vọng của công chúng về xu hướng giá cả trong tương lai. Các thước đo về kỳ vọng lạm phát thường khá tương quan với mức giá xăng hiện nay.

Fed lo rằng việc kỳ vọng lạm phát gia tăng vào lúc này có thể hoàn toàn thay đổi cách công chúng nhận định về tỷ lệ lạm phát trung bình trong tương lai. Nhưng trên phương diện này, Fed vừa đón một số tin tốt.

Hồi tháng 6, kết quả sơ bộ về thước đo lạm phát dự kiến ​​trong 5 đến 10 năm tới của Đại học Michigan đã tăng lên 3,3% – mức cao nhất kể từ năm 2008. Chủ tịch Powell và các quan chức khác của Fed nói rằng con số này là một trong những yếu tố khiến họ quyết định tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách hôm 15/6. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng do Đại học Michigan công bố ngày 24/6 cho thấy mức tăng nhỏ hơn là 3,1%.

Ông Charles Evans, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago chia sẻ với các phóng viên: “Chúng tôi không thể bị lạm phát đánh lừa lần nữa, nếu không lạm phát sẽ vượt quá khả năng kiểm soát.

Chúng tôi gần như đều đang trông cậy vào sự cải thiện của các yếu tố thực để kéo lạm phát đi xuống. Nếu chỉ trông chờ vào việc thắt chặt chính sách tiền tệ thì tỷ lệ thất nghiệp phải tăng cao hơn nhiều mới có thể kiềm chế được lạm phát”. Nhận định của ông Evans chính là kịch bản đau đớn của Fed. 

Ông Powell nói với Thượng viện Mỹ rằng suy thoái không phải kết quả mà Fed nhắm đến nhưng “đó là khả năng có thể xảy ra”. Ông nói thêm: “Các sự kiện xảy ra trên thế giới vài tháng qua khiến chúng tôi khó đạt được điều mình mong muốn hơn, đó là lạm phát 2% và giữ cho thị trường lao động mạnh mẽ”.

Giới chức Fed lo ngại giá lương thực và năng lượng tăng nhanh có thể khiến kỳ vọng về lạm phát đi lên, gây khó khăn cho việc khống chế lạm phát chung. Cho đến nay, điều Fed lo ngại chưa xảy ra: lạm phát lương thực và năng lượng đi lên trong tháng 5 nhưng lạm phát lõi (không tính lương thực và năng lượng) lại dịu xuống. Giới phân tích dự kiến sự chênh lệch giữa lạm phát toàn phần và lạm phát lõi sẽ nới rộng ra trong những tháng tới. 

Nguồn: Vietnambiz

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề