Nếu thông minh như thế, tại sao không giàu đi? – Câu nói thay đổi cuộc đời NĐT Edward Thorp
A Man for All Markets – Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường là bản tự truyện thú vị về cuộc sống và công việc của Edward Thorp, một người đàn ông tài giỏi, thành đạt, nhưng khiêm nhường.
Trải qua 85 tuổi đời, có thể khẳng định Edward Thorp đã xây dựng nên một cuộc sống giàu có và hạnh phúc. Cuốn sách “Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường: từ sòng bạc Las Vegas tới phố Wall” là sự kết hợp kỳ lạ của 1) Những lý giải về cách thức tác giả vận dụng để chiến thắng những trận đấu căng não đến không ngờ; 2) Cuốn cẩm nang hướng dẫn các khái niệm số học đơn giản trong tài chính (dễ hiểu với số đông độc giả); và 3) Một phương tiện truyền tải quan điểm của tác giả trên một số đề tài trong cuộc sống hiện đại. Đó là một câu chuyện hay – dù bạn có thể hơi “ngợp” ban đầu trước khả năng liên kết thông tin và chiều rộng hiểu biết của Edward Thorp.
Ký ức đầu đời của Thorp
Đọc lời kể của Thorp về tuổi thơ của ông, tôi phải công nhận có nét tương đồng với bản thân mình: yêu thích môn hóa học từ lúc nhỏ, đặc biệt là các hóa chất có thể gây nổ; hí hoáy với chiếc máy thu vô tuyến tinh thể (đời đầu trong ngành vô tuyết, nhận sóng thông qua angten); sống ở ký túc xá rẻ tiền trong trường đại học cùng một đám sinh viên quốc tế; quần áo tuy còn mặc vừa nhưng cũ rích, ông từng nhận xét thế này “chiếc quần Levi tươm tất nhưng bạc màu mà tôi hay mặc những năm 1940 vì muốn dành dụm tiền. Thế mà 50 năm sau tôi đến là ngạc nhiên khi những người ăn bận phong cách lại bỏ tiền đi mua những chiếc quần jeans cố tình làm cho tả tơi và đầy lỗ, còn thảm hơn nhiều so với chiếc quần của tôi hồi cấp ba.”
Nhưng tình yêu nhiệt thành ông dành cho chất nổ quả vượt xa tôi. Đọc đoạn sau bạn sẽ hiểu rõ hơn:
“Lưu ý khuynh hướng nổ của động cơ, tôi lắp ráp và thử nghiệm các phiên bản gây nổ lớn hơn, bom được làm từ các đường ống dẫn ngắn bằng thép, mà tôi từng làm nổ thành các hố trên mặt vách đứng ở gần bán đảo Palos Verdes chưa được khai khẩn.”
Và sau đó, thì:
“Một ngày thứ bảy êm ả tôi mặc đồ ấm, đeo mặt nạ bảo hộ, và làm ẩm đầu ống thủy tinh bằng nitro. Tôi sử dụng chưa tới một giọt để đảm bảo chắc chắn hàm lượng an toàn, sau đó hơ nóng nó trên ngọn lửa khí đốt và đột nhiên có tiếng RẮC! – với một khoảng thời gian ngắn hơn và khác biệt dữ dội so với tất cả các chất nổ khác của tôi. Các mảnh thủy tinh nhỏ ghim vào bàn tay và cánh tay, máu rỉ ra từ vô số chỗ. Tôi gắp những mảnh thủy tinh với một cây kim trong vài ngày sau đó khi tôi tìm thấy chúng. Tiếp theo tôi đặt một ít nitro trên vỉa hè và sử dụng búa tạ để làm nổ một miệng hố khác.”
Hú hồn!
Những dấu hiệu chớm nở của một người dám chơi với rủi ro đây, hẳn là bạn sẽ nghĩ như vậy. Tuy nhiên, ở những phần sau của cuốn sách bạn sẽ thấy ông không phải là kiểu người như thế. Những người mạo hiểm liều mình trong cảm giác hồi hộp và lợi nhuận cao. Thorp chấp nhận rủi ro, chơi Blackjack trong sòng bạc chẳng hạn, không phải để làm giàu, mà là “một phần nhằm dập tắt lối khiêu khích và đả kích trong giới nghiên cứu, Ồ, nếu anh thông minh như thế, tại sao anh không giàu đi?’”
Thorp là thiên tài bẩm sinh. Ông vượt qua các cuộc thi với số điểm hàng đầu và giành được học bổng tại các trường đại học danh giá nhất California. Và cuối cùng chọn một trường phù hợp với điều kiện bản thân.
Ông và vợ mình mong muốn sống những tháng năm yên bình, thỏa mái và một cuộc đời học thuật ý nghĩa – dù chắc chắn không dư dả tiền bạc. Nhưng nghiên cứu ông đưa ra vào năm 1960 khi đang là giảng viên tại MIT đã thay đổi toàn bộ, và rồi ông đem đến cuộc họp của Hiệp hội Toán học Mỹ một kế hoạch đánh bại các trò chơi Blackjack.
Như lời Thorp mô tả: “Theo thông lệ của các cuộc họp toán học, tôi chuẩn bị một bài nói chuyện đơn giản” tuy nhiên, “Bài trình bày về kỹ thuật súc tích của tôi không làm ru ngủ khán giả bên dưới. Tôi đã hoàn thành và đặt 50 bản tóm tắt của bài diễn thuyết trên chiếc bàn trước mặt tôi. Nhóm người này nhảy chồm lên sấp tài liệu như bầy dã thú tranh giành miếng thịt tươi.”
Một nhà báo trẻ cho tờ The Washington Post tên là Tom Wolfe, sau này trở thành tác giả nổi tiếng của nhiều tựa sách như The Electric Kool-Aid Acid Test, The Right Stuff, và The Bonfire of the Vanities, từng xin phỏng vấn Thorp sau bài nói chuyện của ông và tổng hợp lại thành bài báo có tựa đề, “Chuyên gia Toán học khẳng định bạn Hoàn toàn có thể Đánh bại Nhà cái trong trò Blackjack”. Rồi thông tấn xã của Liên đoàn báo chí quốc gia đưa tin câu chuyện của Tom Wolfe, dẫn đến hàng nghìn bức thư và cuộc gọi đổ vào Khoa Toán đại học MIT. Được nhiều người biết đến, Thorp tiếp tục viết cuốn Beat the Dealer (Đánh bại nhà cái) vào năm 1962, sinh ra hàng trăm đến hàng nghìn tay đếm bài ở Blackjack, và sau đó vào năm 1967 với một cuốn sách có tiêu đề Beat the Market (Đánh bại nhà cái).
Cố gắng bác bỏ giả thuyết “bạn không thể đánh bại”
Động lực nơi Edward Thorp bắt nguồn từ thôi thúc chứng minh các giả định không có khả năng xảy ra dù được cả tập thể nhất trí nhưng không phải luôn luôn đúng. Đầu tiên là giả định bạn không thể đánh bại trò Blackjack. Sau đó, ông bắt tay lật ngược giả định bạn không thể đánh bại trò roulette trong sòng bạc.
Một khi bạn nhìn thấy lý do tại sao ông nghĩ giả định đó là sai, bạn sẽ nhận ra ông không phải kiểu người bám chấp vào niềm tin của mình. Điều quan trọng nằm ở chỗ quả bóng bắt đầu xoáy trong vòng quay roulette trước khi lượt đặt cuối cùng chấm dứt. Thorp nghĩ rằng nếu bạn có thể quan sát bóng trong khoảng thời gian chớp nhoáng trước khi bạn đặt cược và áp dụng các quy luật vật lý thật kỹ lưỡng, bạn có thể tăng khả năng đoán đúng.
Cộng tác cùng nhà toán học Claude Shannon, người nổi tiếng với phát minh lý thuyết thông tin, Edward Thorp tạo ra máy tính có thể mang theo người đầu tiên đạt hiệu quả, giúp đếm bài trong Blackjack và tính toán quỹ đạo trong roulette, truyền (tín hiệu mật) cho người mang thiết bị nên làm gì tiếp theo. Sử dụng máy tính có thể mang theo người giúp Thorp có thể nâng lợi thế trong cả hai trò chơi và giành chiến thắng.
Sau đó, ông chuyển sang thị trường đầu tư, đương đầu với lý thuyết thị trường hiệu quả vốn thịnh hành trong giới học thuật thời đó (và hiện vẫn còn), ông phát minh ra các chiến lược phòng bị nước đôi và khởi động quỹ đầu tư phòng hộ (hedge fund) Princeton Newport Partners vào năm 1969.
Tôi nhớ cuốn Beat the Market của ông được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1967 và phải 10 năm sau tôi mới có dịp đọc lại nó. Trong phiên bản cuốn sách tôi đọc, lời tựa Edward Thorp viết có đoạn thế này: “Bạn có thể hỏi, nếu đây là một chiến lược chiến thắng, tại sao tôi lại tiết lộ cho bạn thay vì sử dụng nó làm giàu cho bản thân? Đáp án đơn giản thôi. Nó không hiệu quả nữa.”
Tôi không thể tìm thấy đoạn văn này trong các phiên bản sách sau này, nhưng đó là những gì tôi đọc được. Đây là điều quan trọng, theo tôi nghĩ, để hiểu chút kỳ lạ của Thorp, ngắt kết nối giữa những gì từng hiệu quả với ông, và những gì hiệu quả nói chung…
Bete noire: lý thuyết thị trường hiệu quả
Đối với Edward Thorp, lý thuyết thị trường hiệu quả chứa nhiều điểm vô lý. Ông chưa bao giờ bình luận bất điều gì tốt đẹp về nó. Một ví dụ là tường thuật của ông về vụ công ty tư vấn nổi tiếng quốc tế yêu cầu ông xem xét các khoản đầu tư vào quỹ phòng hộ của họ vào năm 1991. Ông nói mình tán thành danh mục đầu tư với một ngoại lệ. “Không tính Bernard Madoff Investment.”
Thorp nghi ngờ gian lận. Đây là tường thuật của Thorp về cuộc điều tra của mình:
“Sau khi phân tích 160 giao dịch quyền chọn cá nhân, chúng tôi nhận thấy một nửa trong số đó không diễn ra trên sàn giao dịch theo báo cáo của Madoff. Đối với phần đã giao dịch còn lại, số lượng do Madoff báo cáo chỉ riêng hai tài khoản khách hàng của tôi vượt trên toàn bộ khối lượng báo cáo cho tất cả mọi người. Để kiểm tra phần thiểu số các giao dịch còn lại, tức những giao dịch không mâu thuẫn với giá cả và khối lượng từ báo cáo của các sàn giao dịch, tôi yêu cầu một nhân sự cấp cao của Bear Stearns tìm hiểu độ tín nhiệm của tất cả người mua và người bán quyền chọn. Chúng tôi không thể kết nối bất kỳ ai trong số họ với công ty của Madoff.”
Edward Thorp kết luận các giao dịch là giả mạo và hoạt động đầu tư của Madoff toàn lừa đảo, và nói sự thật đó cho khách hàng của mình. Hãy nhớ rằng, khách hàng là một “công ty tư vấn quốc tế nổi tiếng” và đấy là năm 1991. Tuy nhiên, gian lận vẫn chưa bị vạch trần cho đến năm 2008. Thorp bình luận: “… 13 nghìn nhà đầu tư và các cố vấn của họ đã không phân tích số tiền khả thi vì đinh ninh các nhà đầu tư khác hẳn phải làm công chuyện đó rồi.”
Đối với Edward Thorp, ít nhất trong cuốn sách này, mọi thứ đều là một bài học về tính vô lý trong lý thuyết thị trường hiệu quả. Ông nói, “Tay lừa đảo (và những người khác) nói gì về lý thuyết thị trường “hiệu quả”? Họ cho rằng các nhà đầu tư lý trí đều tra cứu tất cả các thông tin công khai trước khi đưa ra lựa chọn.”
Những ý kiến khác
Đôi khi trong những kiến nghị, Edward Thorp giống như một vị giáo sư toán học (từng là sự nghiệp ông tưởng chừng sẽ bước đi lâu dài) – và khí chất đó có vẻ như bám lấy ông.
Ông bất mãn trước sự gia tăng bất bình đẳng; vạch ra dẫn chứng cho thấy sự thiếu trung thực và thiếu đạo đức trong thế giới tài chính thậm chí còn ghê gớm hơn cả cờ bạc; thể hiện sự không hứng thú hay coi trọng việc theo đuổi tiền bạc và danh tiếng hay thậm chí là công nhận, vỗ tay và tôn vinh vì lợi ích bản thân; cảm thấy tiếc cho những ai theo đuổi sự giàu có không bao giờ biết đủ; tranh luận vấn đề “thuế Tobin” (thuế đánh vào các giao dịch ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá hối đoái do hành vi đầu cơ tiền tệ gây ra) đối với các giao dịch tài chính nhằm ngăn cản giao dịch tần số cao; tin rằng việc tăng thuế để tài trợ cho giáo dục vì “bỏ đói giáo dục” – đặc biệt là khoa học và kỹ thuật – “là ăn hạt ngô giống của chúng ta. Không thuế hôm nay, không công nghệ ngày mai;” xem thường các nhà quản lý quỹ phòng hộ “hối lộ các chính trị gia để đưa điều khoản trong luật cắt giảm thuế suất trên thu nhập của họ bằng tỷ lệ phần trăm của người lao động trung bình”, cũng như “ngôi sao” CEO của công ty tìm cách kéo mức lương nhân viên trung bình của họ xuống nhiều lần nhưng lại bòn rút ngân quỹ công ty; và tin “nhóm tôi gọi là giàu có liên quan đến chính trị thâu tóm nền kinh tế và quyền lực chính trị ở Mỹ. Đây là khái niệm cốt yếu để thấu hiểu điều gì xảy ra trong xã hội chúng ta và tại sao nó xảy ra.”
Chắc chắn, sự liên quan mật thiết của ông với thế giới quỹ phòng hộ hẳn phải khiến ông tiếp xúc thường xuyên với nhiều người có tính cách như kiểu người ông kỳ thị ra mặt – dù thái độ kể cả thực sự dường như không phải bản chất của ông, ít nhất là trong cuốn sách này. (Lời mở đầu của Nassim Taleb là một vấn đề khác). Ông thừa sức viết một cuốn sách tiết lộ tất cả, đó có thể là một cuốn sách rất, rất khác biệt. Nhưng ông không thực hiện.
Nhà kinh tế học và toán học Michael Edesess
Nguồn: advisorperspectives/ Dịch: Happy.Live
Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường: từ sòng bạc Las Vegas tới phố Wall – Edward Thorp