Người lẽ ra đã trở thành Bill Gates với hàng trăm tỷ USD trong tay: Vì thiếu tầm nhìn hay không màng đến tiền tài danh lợi?
IBM đã tiếp cận Bill Gates, tuy nhiên, do chưa xây dựng được hệ điều hành riêng, ông đã giới thiệu công ty của Gary Kildall cho họ.
Thế giới công nghệ luôn tràn ngập những câu chuyện về cảm hứng, thành công và cả sự phản bội. Tuy nhiên, đây lại không phải một trong số đó mà là câu chuyện về người đàn ông lẽ ra đã “trở thành” Bill Gates – Gary Kildall.
Gary Kildall – nhà lập trình tài ba
Gary Kildall (1942 – 1994) là một nhân vật quan trọng trong sự phát triển của máy tính cá nhân trong những năm 70 và đầu thập niên 80. Ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách là Giáo sư toán học tại Trường sau đại học Hải quân ở Monterey, California. Với nền tảng toán học, ông bắt đầu nghiên cứu về lập trình. Năm 1972, ông hoàn thành bằng Tiến sĩ về Khoa học máy tính và bắt đầu tư vấn cho Intel.
Đây là khoảng thời gian Gary phát triển phần mềm điều hành cho bộ vi xử lý Intel 4004 mà ông gọi là PL/M (Ngôn ngữ lập trình cho máy vi tính). Một thời gian sau, ông đã tạo ra CP/M (Lập trình điều khiển cho máy vi tính), có thể giúp bộ vi xử lý điều khiển ổ đĩa mềm. Tuy nhiên, CP/M đã không thể thu hút sự chú ý của Intel và bị công ty này bỏ qua.
Không hài lòng với phản ứng phũ phàng của Intel, Gary cùng vợ là bà Dorothy quyết định tiếp tục phát triển CP/M. Hai người thành lập công ty tại chính căn nhà của mình ở California. Năm 1977, họ đổi tên công ty thành Digital Research Inc (DRI).
Trước khi CP/M xuất hiện, mọi máy tính đều phải có phần mềm được thiết kế riêng và Gary đã thay đổi điều đó. Đến năm 1979, CP/M là hệ điều hành 8-bit phổ biến nhất trên thế giới. Các công ty máy tính như IMSAO 8080, North Star hay Ostern đều sử dụng CP/M.
Cùng thời điểm đó, Traf-O-Data, một công ty ít được biết đến do Bill Gates và Paul Allen điều hành cũng dùng CP/M để thu thập dữ liệu từ các trạm giao thông đường bộ.
Làn sóng máy tính cá nhân bùng nổ
Vào cuối những năm 70, một làn sóng thay đổi đã xảy ra: Chuyển từ máy tính để bàn sang máy tính cá nhân (PC). Sự thay đổi mà ngay cả Gary cũng không ngờ tới. Steve Wozniak và đồng sự tung ra thị trường chiếc PC đầu tiên của Apple năm 1976 và ngay sau đó, các công ty khác cũng làm theo. Thị trường PC tăng vọt lên tới 1 tỷ USD chỉ trong vòng ba năm.
Không lâu sau, gã khổng lồ công nghệ IBM cũng quyết định nhảy vào cuộc cạnh tranh này. Do tham gia muộn, họ quyết định mua linh kiện ngoài cùng phần mềm để đẩy nhanh việc gia nhập thị trường PC.
Bill Gates và Microsoft đang khá nổi tiếng vào đầu thập niên 80. IBM đã tiếp cận Gates, tuy nhiên, do chưa xây dựng được hệ điều hành riêng, ông đã giới thiệu công ty của Gary cho họ. Để bảo toàn thông tin, nhóm pháp lý của IBM đã yêu cầu Gates ký thỏa thuận không tiết lộ.
Chuyện gì đã xảy ra giữa Gary Kildall và Bill Gates?
Chuyện kể lại rằng Bill Gates đã gọi điện cho Gary Kildall để thông báo về mong muốn hợp tác của một công ty lớn nhưng không tiết lộ cụ thể. Đáng tiếc là Gary không giải mã được thông điệp của Gates và đã rời đi trên chuyến bay sử dụng máy bay riêng của mình.
Khi IBM tìm đến, Gary không có nhà. Bà Dorothy và nhóm luật sư của DRI đã trao đổi với IBM nhưng mọi chuyện không mấy suôn sẻ. IBM muốn có giấy phép vĩnh viễn cho CP/M – điều mà Dorothy từ chối thẳng thừng. Hơn nữa, IBM muốn Dorothy ký một thỏa thuận không tiết lộ khiến bà và nhóm pháp lý không cảm thấy thực sự thoải mái.
Đến khi Gary gặp nhóm của IBM, sự bất đồng tiếp tục xảy ra: Trong khi ông muốn bán CP/M theo phí bản quyền (tính theo % của thu nhập đạt được khi tiến hành thương mại hóa) và giữ nguyên tên sản phẩm thì IBM lại muốn mua đứt một lần.
Sau đó, IBM quyết định tìm đến Bill Gates một lần nữa và thời điểm này, chắc chắn Gates đã nhận thấy một cơ hội rõ ràng. Vấn đề duy nhất là Microsoft vẫn chưa có hệ điều hành riêng.
Để giải quyết, Gates tìm đến Seattle Computer, một nhà sản xuất “bản sao”, dựa trên một phần của CP/M mang tên Q-DOS. Tiếp đó, Microsft đã điều chỉnh nó dưới dạng PC-DOS rồi trình bày cho IBM.
Điều này khiến Gary buồn bực trong khi IBM cảm thấy một sự khó xử với PC-DOS của Microsoft và CP/M của DRI. Cuối cùng, họ để thị trường quyết định sản phẩm nào tốt hơn.
Khi IBM tung ra quảng cáo cho cả hai sản phẩm, một sự chênh lệch lớn đã diễn ra: Trong khi Bill Gates định giá PC-DOS ở mức 40 USD, Gary Kildall lại định giá CP/M lên tới 240 USD. Kết quả là Microsoft được đón nhận nhiệt tình và tiếp tục chinh phục thế giới còn DRI đã chịu một cú đánh lớn.
Bill Gates từng là người giàu nhất thế giới trong hàng chục năm. Hiện tài sản của ông khoảng 100 tỷ USD.
Kết cục bi thảm của Gary Kildall
Cuộc sống của Gary đã rơi vào vòng luẩn quẩn kể từ đó. Năm 1991, ông bán DRI cho Novell như một nỗ lực cuối cùng để chống lại Microsoft. Đáng buồn thay, điều đó cũng thất bại và khiến ông tuyệt vọng.
Gary cắt đứt các mối liên hệ nghề nghiệp. Năm 1991, ông ngừng xuất hiện trong The Computer Chronicles, một chương trình công nghệ nổi tiếng trên TV mà ông đồng tổ chức từ năm 1985.
Và điều tồi tệ nhất đã xảy ra: Năm 1994, Gary ẩu đả tại một quán bar và sau đó qua đời vì chấn thương ở đầu, một kết cục bi thảm cho cuộc sống đầy đam mê với máy tính của ông. Ước tính tài sản của ông khoảng từ 1 triệu USD đến 5 triệu USD, tuy không phải số tiền nhỏ nhưng ít hơn rất nhiều so với khối tài sản khổng lồ của Bill Gates.
Có một sự thật được thừa nhận rằng lịch sử chỉ nhớ tên người chiến thắng. Ngay cả người về thứ hai, dù giỏi đến đâu nhiều khi cũng bị lãng quên và thậm chí là hoàn toàn biến mất. Bạn nghĩ sao về câu chuyện của Gary Kildall?
Nguồn: Guardian, Bookjelly
Có thể bạn quan tâm
Tủ sách tinh hoa chứng khoán – Đầu tư hiệu quả trong mọi thị trường