fbpx

Cuộc chơi chứng khoán Trung Quốc và giấc mơ đổi đời của nông dân

Vài tháng trước, người dân còn ra đồng vào sáng sớm, sau đó về nhà trưởng thôn theo dõi phiên giao dịch, trước khi thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào bi kịch.

Cánh cổng nhà trưởng thôn tại một ngôi làng ở Nanliu (Trung Quốc) đã đóng im lìm nhiều ngày nay. Mới vài tháng trước, sân nhà ông còn là nơi nông dân trong làng tụ tập để chia sẻ bí quyết và theo dõi tình hình trên sàn Thượng Hải. Thế mà hôm nay, chẳng ai còn muốn nói chuyện về vị trưởng thôn chơi chứng khoán này nữa.

“Ông ta đi vắng cả ngày ấy”, một người hàng xóm cho biết.

“Ai cơ?” người khác hỏi lại.

“Có khi ông ta phi máy bay trốn đi rồi”, người thứ ba đùa cợt.

Tình trạng này đang diễn ra khắp Trung Quốc. Đầu năm 2015, cơn sốt chứng khoán bao trùm cả nước này. Người dân điên cuồng vay tiền mua cổ phiếu khiến thị trường Trung Quốc lên cao kỷ lục. Hàng chục triệu nhà đầu tư mới đã gia nhập thị trường, trong đó có hàng chục người từ ngôi làng phía Bắc Trung Quốc này.

nông dân Trung Quốc chơi chứng khoán
Người dân tụ tập theo dõi thị trường tại làng Nanliu. Ảnh: WP

Trào lưu này càng được các kênh thông tấn của Chính phủ khuyến khích. Tờ People’s Daily gọi việc giá cổ phiếu tăng là “bệ đỡ của giấc mơ Trung Hoa”. Khi Shanghai Composite Index đạt 4.000 điểm, một tờ báo khác còn nhận định đây mới chỉ là sự khởi đầu.

Tuy nhiên, thời kỳ này chẳng kéo dài được lâu. Những nỗ lực của Chính phủ nhằm vực lại thị trường hồi tháng 7 liên tục thất bại. Phiên 24/8/2015 được coi là ngày “thứ Hai đen tối” khi chứng khoán Trung Quốc giảm 8,5%, làm chao đảo thị trường toàn cầu trong tuần qua.

Nhà đầu tư trên khắp cả nước đang tự hỏi tại sao tình hình lại có thể đảo chiều nhanh như vậy, và Chính phủ sẽ làm gì để cứu vãn tình thế này. Nanliu cũng nằm trong số đó. Được mệnh danh là “ngôi làng chứng khoán của Trung Quốc”, ngôi làng này đã thu hút sự chú ý của truyền thông địa phương và thế giới.

Những người già trong làng đều từng trải qua chiến tranh và nạn đói, nhưng nay cuộc sống với họ đã dễ dàng hơn nhiều. Những người trẻ thì rời làng để kiếm việc trên thành phố và gửi tiền về nhà giúp trang trải sinh hoạt.

Nhưng việc nhà nông thì luôn vất vả, không ổn định và nhiều người vẫn sống trong cảnh túng thiếu. Khi chứng khoán bắt đầu bùng nổ, nhiều người dân nơi đây đã rủ nhau đầu tư với mong muốn kiếm thêm. Câu chuyện về những trường hợp giàu lên nhanh chóng chỉ sau một đêm đã lôi kéo ngày càng nhiều người tham gia, trong số đó có cả trưởng thôn – Nan Xinglao.

Nan năm nay 64 tuổi, là một giáo viên nghỉ hưu. Hai vợ chồng ông sống bằng nghề trồng táo, ngô và lúa mỳ. Nan đã theo dõi thị trường nhiều tháng trước khi mở một tài khoản giao dịch. Dù lo lắng sẽ mất trắng khoản tiền tiết kiệm, ông vẫn quyết định làm liều. Nghề nông là công việc chân tay, ông mong muốn được một lần sử dụng trí óc của mình.

Bỏ qua sự phản đối vủa vợ, Nan đã đầu tư 80.000 NDT (12.500 USD), khoảng nửa số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng. Cũng như hàng triệu nhà đầu thiếu kinh nghiệm khác, khi thấy tiền có lãi nhanh chóng, ông lập tức vay mượn từ gia đình và bạn bè để không bỏ lỡ cơ hội.

nông dân Trung Quốc chơi chứng khoán
Nhà đầu tư đang theo dõi giá cổ phiếu tại một công ty môi giới ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Nhịp điệu của thị trường chứng khoán rất phù hợp với cuộc sống ở nông thôn. Nông dân ra đồng vào sáng sớm rồi trở về, cùng nhau theo dõi các động thái cho đến khi hết phiên giao dịch, rồi quay lại công việc. Khi mặt trời lặn, họ lại tụ tập để mổ xẻ những tin đồn mới nhất: liệu Chính phủ có đang đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp nhà nước? Cổ phiếu bluechip là gì?

Tại cửa hàng phân bón của Liu Lianguo, hội chơi mạt chược vào buổi trưa đã phải nhường chỗ cho một nhóm những người xúm quanh chiếc máy tính xách tay. Cửa hàng bách hóa nhỏ của Wang Lili – cựu chiến binh 42 tuổi, cũng thành nơi tụ họp của các nhà đầu tư mỗi tối.

Ngày nào Nan cũng trở về nhà và cho vợ ông hay những tín hiệu đáng mừng trên thị trường.

Và rồi, thời kỳ đen tối ập đến.

Khi chứng khoán lần đầu rớt giá, rất nhiều người, trong đó có Wang Lili lập tức rút khỏi thị trường, nhưng Nan vẫn kiên quyết bám trụ. Ông vẫn tin tưởng. Và theo những gì đọc được trên mạng, ông càng tin đó là quyết định đúng. Chính phủ khẳng định sự việc là do “các thế lực nước ngoài thù địch” gây ra, và kêu gọi các nhà đầu tư hãy hành động một cách yêu nước.

Nhưng rồi tháng 7 qua đi, chứng khoán giảm mạnh làm bốc hơi hàng nghìn tỷ USD vốn hóa. Dân làng cũng không còn tụ tập ở sân nhà của trưởng thôn nữa. Không rõ là ông đi vắng hay không nhận điện thoại, nhưng thực tế là mọi người đều không muốn bàn đến việc ông đang ở đâu, coi đó là vấn đề nhạy cảm.

Vợ Nan thì chẳng biết nên khóc hay nên cười. Bà nói: “Thời tiết nóng nực thế này, tôi vẫn phải ra đồng làm việc để kiếm số tiền ít ỏi. Thế mà ông ấy có thể đi và mất ngần ấy chỉ trong một ngày. Cậu hỏi tôi có giận dữ không à? Dĩ nhiên là có rồi”.

Cửa hàng phân bón của Liu giờ lại trở về là nơi tụ tập chơi mạt chược. Nhưng dù thua lỗ, Liu cho biết ông sẽ vẫn tiếp tục đầu tư: “Anh không thể đủ sống nếu chỉ dựa vào nông nghiệp”. Tương tự, một nhóm các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lui tới cửa hàng bách hóa của Wang Lili. Wang tin rằng nền kinh tế sẽ sớm hồi phục.

Còn với Nan, ông vẫn chưa quên được cảm giác kiếm tiền nhanh chóng. Người vợ muốn ông quay lại với làm nông, nhưng ông tin rằng mình có thể lấy lại những gì đã mất, thậm chí là hơn. Ông đã bắt đầu mua sách đầu tư về tìm hiểu và chuẩn bị cho những lần đầu tư tiếp theo.

Nguồn: Vnexpress/ Washington Post

Các viết cùng chủ đề