Người tiêu dùng Mỹ cũng góp phần gây ra suy thoái?
Theo một số nhà kinh tế, cái nhìn bi quan của người tiêu dùng về nền kinh tế Mỹ có thể kích hoạt một cuộc suy thoái thực sự.
Kể từ đầu năm nay, không thiếu các dự báo ảm đạm từ Phố Wall về triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Từ các nhà đầu tư tỷ phú đến những cựu quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), danh sách các chuyên gia phỏng đoán về nguy cơ suy thoái đang ngày càng dài thêm.
Bất chấp những điểm sáng như báo cáo việc làm tháng 5 tương đối mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,6%, “cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt”, các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán và các dự đoán liên tục về suy thoái đang tàn phá niềm tin của người Mỹ vào nền kinh tế.
Theo một khảo sát hồi tháng 4 của CNBC, hơn 80% người tiêu dùng tại Mỹ hiện tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Tháng trước, tâm lý người tiêu dùng, được đo lường bởi Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan, đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, tụt xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ Đại Suy thoái.
Hầu hết các chuyên gia tin rằng chính sách tiền tệ của Fed, những tai ương kinh tế vĩ mô như cuộc chiến tại Ukraine và lạm phát cao kỷ lục sẽ là nguyên nhân dẫn đến cuộc suy thoái tiếp theo.
Song, một số nhà phân tích lập luận rằng tâm lý bi quan và thiếu tin tưởng vào nền kinh tế của người tiêu dùng – đôi khi không liên quan đến tình trạng tài chính thực tế của chính họ, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng hoặc thậm chí gây ra suy thoái.
Chia sẻ với Fortune, ông Peter Atwater, phó giáo sư kinh tế tại Trường William & Mary, cho biết nếu tâm lý người tiêu dùng tiếp tục đi xuống, điều đó có thể khiến người Mỹ giảm chi tiêu, dẫn đến một lời tiên tri tự ứng nghiệm về suy thoái.
“Tôi thuộc nhóm các chuyên gia tin rằng, cách chúng ta nhìn nhận sẽ thúc đẩy cách chúng ta hành động. Do đó, tâm lý của người tiêu dùng là một chỉ báo cho nền kinh tế trong tương lai”, vị phó giáo sư nhấn mạnh.
Một vòng tròn luẩn quẩn
Một vòng luẩn quẩn sẽ xuất hiện khi niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp. Theo ông Atwater, nó thường bắt đầu bằng một giai đoạn mà trong đó người dân quá tự tin vào nền kinh tế, chẳng hạn như khi thị trường chứng khoán và tiền ảo tăng chóng mặt trong năm 2020 và 2021.
Ông nói: “Các cuộc suy thoái hầu như luôn bắt đầu bằng sự tin tin thái quá của người tiêu dùng, vô hình trung khiến họ tiếp nhận quá nhiều rủi ro mà không hay biết. Sau đó, họ lại bất ngờ cảm thấy mình dễ bị tổn thương khi những gì mình mường tượng không xảy ra”.
Vị chuyên gia giải thích thêm, khi rơi vào trạng thái hoang mang và dễ bị tổn thương, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu, góp phần dẫn đến suy thoái kinh tế và gây thêm nhiều nỗi lo sợ hơn.
Để củng cố quan điểm của mình, ông Atwater đã chỉ ra dữ liệu từ các nghiên cứu về tác động của tâm lý người dùng Twitter đối với giá cổ phiếu. Ví dụ, năm 2015, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Cao cấp IMT đã phát hiện ra rằng “lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu và tâm lý người dùng Twitter có sự phụ thuộc nhau” đáng kể.
“Trong vòng 24 đến 48 giờ, tâm trạng của người dùng Twitter thường sẽ được phản ánh qua giá giao dịch trên thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy cảm giác thường dẫn lối hành động của chúng ta”, phó giáo sư Atwater nhấn mạnh.
Con gà hay quả trứng?
Tất nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng tình rằng niềm tin của người tiêu dùng giảm sút có thể gây ra suy thoái kinh tế, và ngay cả ông Atwater cũng thừa nhận rằng các nhà kinh tế không phải là người giỏi nhất trong việc “phân biệt con gà hay quả trứng”.
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng đến chi tiêu, vốn là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn 60% GDP của Mỹ, Fortune lưu ý.
Theo một nghiên cứu năm 1994 do Hiệp hội Kinh tế Mỹ công bố, các nhà nghiên cứu kết luận rằng “tâm lý người tiêu dùng quả thực có thể dự báo những thay đổi về chi tiêu hộ gia đình trong tương lai”. Song, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng khả năng dự đoán suy thoái của tâm lý người tiêu dùng là “quá thấp”.
Ông Jeffrey Fuhrer, một trong các tác giả, cựu Phó Chủ tịch Fed chi nhánh Boston và hiện là giảng viên tại Trường Harvard Kennedy, cho biết ông tin rằng tâm lý người tiêu dùng thường phản ánh tình hình kinh tế hiện tại hơn là nguyên nhân cho biến chuyển kinh tế.
Tuy nhiên, trao đổi với Fortune, ông Fuhrer nói niềm tin của người tiêu dùng đi xuống có thể làm giảm chi tiêu tiêu dùng, ít nhất điều này sẽ làm trầm trọng thêm các cú sốc của nền kinh tế.
Ý tưởng trên từng được củng cố bởi một nghiên cứu năm 2020 của Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “tính dễ bị tổn thương về mặt tài chính” quả thực có tác động đến hành vi có ý thức về giá cả.
“Cảm giác dễ bị tổn thương”
Đọc quá nhiều dữ liệu về niềm tin người tiêu dùng và khả năng ảnh hưởng của chỉ số này đến nền kinh tế có thể là một trò chơi nguy hiểm, đặc biệt là khi không có liên kết nào về mặt tài chính hoặc lý do cụ thể tại sao người tiêu dùng cảm thấy như vậy.
Nhìn vào dữ liệu của tổ chức phi lợi nhuận Conference Board về dự đoán của người tiêu dùng đối với tương lai của nền kinh tế và tình hình tài chính hiện tại của họ, có vẻ Mỹ đang ở giai đoạn nguy hiểm đó.
Chỉ số Tình hình Hiện tại – thước đo thể hiện nhận định của người tiêu dùng về các điều kiện kinh doanh và thị trường lao động hiện nay, đang ở mức 149,6 điểm – tương đối cao trong thập kỷ qua.
Song, Chỉ số Kỳ vọng – mô tả nhận định ngắn hạn của người tiêu dùng đối với nền kinh tế, lại đang ở mức 77,5 điểm – thấp hơn mức trước đại dịch. Chưa kể, cách biệt giữa hai thước đo đang ở mức gần kỷ lục.
Các dữ liệu trên cho thấy người tiêu dùng đang lo sợ, dù điều kiện kinh tế tương đối mạnh và điều này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cách biệt nói trên và đôi khi chúng có liên quan tới chính trị.
Ông Atwater nói: “Tâm lý của người tiêu dùng ngày nay dường như còn liên kết với vấn đề chính trị. Nhiều cá nhân, khi được hỏi về sức khỏe của nền kinh tế, thường thể hiện nhiều góc nhìn, chứ không chỉ là quan điểm của họ về tình hình kinh tế hay tài chính. Có thể họ đang bày tỏ sự yêu ghét đối với ông chủ Nhà Trắng khi đó”.
Cho dù lý do thực sự là gì, thì cái nhìn bi quan của người tiêu dùng đối với nền kinh tế vẫn có thể làm tăng khả năng suy thoái, phó giáo sư Atwater cảnh báo.
Nguồn: Vietnambiz
Có thể bạn quan tâm: 396 LỜI KHUYÊN ĐẮT GIÁ VỀ KINH DOANH – TRÒ CHUYỆN 5 ĐÔ VỚI DOANH NHÂN TRIỆU ĐÔ