fbpx

NGƯỜI TRẺ VÀ TIỀN

Lớn lên trong thời Internet, vừa chớm trưởng thành đã gặp ngay cú sốc COVID-19, Gen Z (thế hệ Z, sinh năm 1997 trở lại) có đủ nguyên nhân khách quan và chủ quan để có suy nghĩ về tiền bạc và các mục tiêu tài chính khác với thế hệ cha anh.

“Tôi rất lo rằng tương lai mình sẽ giống như những người tốt nghiệp giữa cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 – Maya Tribitt, sinh viên năm 3 tại Đại học Nam California, trả lời Business Insider – Bạn bè đồng trang lứa với tôi cũng sốt sắng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, phần nhiều vì sợ phải đối mặt những câu chuyện đang sợ mà những người đi trước chúng tôi 10 năm đã gặp phải. Thật rùng rợn khi nhận ra rằng chuyện ấy có thể xảy ra với chúng tôi”. 

Những lo lắng của Tribitt không phải là vô căn cứ. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), lao động trẻ từ 15-24 tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng việc làm năm 2020 tại Mỹ, với 8,7% thất nghiệp so với mặt bằng chung 3,7%. Một báo cáo khác của Bank of America Research còn chỉ ra rằng đại dịch sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính và sự nghiệp của Gen Z tương tự như cuộc Đại suy thoái cuối thập niên 2000 với thế hệ Millennial (hay thế hệ Y, sinh năm 1980-1995). 

“Cũng giống với một thập kỷ trước, vết thương kinh tế của thời kỳ suy thoái sẽ đánh mạnh nhất vào những người trẻ và thiếu kinh nghiệm” – báo cáo “OK Zoomer” (một cách thậm xưng khi nhắc đến thế hệ Z) nhận định. Thị trường việc làm biến động, giá nhà đất tăng phi mã có thể khiến cho mọi kế hoạch đạt đến tự do tài chính của người trẻ trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.

(kì 1) Người trẻ và tiền - Ảnh 1.

Thế nhưng, “nhờ” việc phải đối mặt với khó khăn – từ môi trường, kinh tế đến xã hội từ khi mới chào đời, Gen Z đang cho thấy một sự chuẩn bị về tài chính cá nhân kỹ càng hơn hẳn so với các thế hệ đi trước. Những người trẻ này cũng có một lợi thế khác: họ biết các thế hệ trước đã trải qua những gì – thế hệ X vật lộn vì cuộc Đại suy thoái, và thế hệ Millennial chật vật theo đuổi ước mơ sự nghiệp với khoản nợ sinh viên khổng lồ – để có thể tìm cách tránh vết xe đổ.

“Nhờ tiếp thu kiến thức về những sai lầm trong quá khứ, thế hệ Z đã trở thành một lực lượng khôn ngoan khi nói đến các quyết định, kế hoạch về tài chính” – trang Money Fit nhận xét trong bài “Thế hệ Z và tiền” tháng 10-2021.

người trẻ và tiền

Chẳng hạn, các sinh viên thế hệ Z đang nhìn nhận việc học đại học một cách thực tế và dài hơi hơn thay vì tư duy “theo đuổi đam mê” theo kiểu thế hệ Millennial. Thế hệ Millennial tiết kiệm được nhiều tiền hơn, nhưng Gen Z lại gánh ít nợ hơn. Chỉ có 21% Gen Z muốn vay vốn sinh viên và việc học đại học chính quy (với số nợ sinh viên khổng lồ) không phải lựa chọn hàng đầu của người trẻ, theo Money Fit.

Cũng từ chỗ nhìn vào khó khăn của thế hệ cha mẹ trong thời đại suy thoái, thế hệ Z giờ đây sẵn sàng bỏ công sức trên thị trường lao động để đổi lấy an toàn về mặt tài chính. Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018 cho thấy 58% sinh viên sẵn sàng làm thêm giờ và cuối tuần, 77% đang làm tự do hoặc bán thời gian kiếm thêm thu nhập, trong khi 35% cho biết đã (hoặc sắp) bước chân vào con đường khởi nghiệp. 

Những khó khăn của đại dịch khiến thế hệ Z biết tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu tốt hơn. Theo báo cáo State of Gen Z năm 2020, 54% trong số 1.000 người được hỏi cho biết đã bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn so với trước khi có đại dịch.

Vốn được coi là thế hệ “bản địa Internet”, Gen Z cũng cho thấy độ thức thời tài chính sớm hơn hẳn Millennial. 38% người được hỏi trong báo cáo State of Gen Z cho biết có mở tài khoản đầu tư online và 39% có tài khoản ngân hàng. Còn theo báo cáo năm 2019 của Next Gen Personal Finance, tỉ lệ Gen Z sở hữu chứng khoán đã lên tới 28%, cao hơn hẳn mức 18,7% của Millenial cùng tuổi năm 2004. Góp công lớn trong sự dịch chuyển này là sự xuất hiện của các ứng dụng đầu tư như Robinhood hoặc các robot tư vấn tài chính như Wealthfront, đã tạo điều kiện cho những người trẻ sành công nghệ trở thành nhà đầu tư mà không cần đăng ký nhiêu khê. 

Không dừng lại ở đó, Gen Z còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt với quỹ lương hưu – ngay từ khi mới bắt đầu đi làm. Theo một khảo sát năm 2021 của TransAmerica Center, 70% thế hệ Z đã bắt đầu kế hoạch tiết kiệm hưu trí, với độ tuổi trung vị là 19 (thế hệ Y chỉ bắt đầu lo hưu trí ở tuổi 25, trong khi con số này ở thế hệ X và Boomer (sinh từ 1946-1964) lần lượt là 30 và 35). Có lẽ do sớm thấm thía câu “thời gian là tiền bạc”, Gen Z đã biết cách hành động sớm hòng có được cuộc sống viên mãn hơn khi về già.

(kì 1) Người trẻ và tiền - Ảnh 4.

Nhưng ai đã dạy người trẻ cách hoạch định tương lai tài chính như đã kể? Chắc chắn không phải nhà trường – nhiều người tốt nghiệp đại học cũng chưa chắc biết lãi suất kép hay thị trường chứng khoán hoạt động thế nào. Câu trả lời, ngạc nhiên thay, có thể là TikTok. 

(kì 1) Người trẻ và tiền - Ảnh 5.

Xu hướng sử dụng mạng xã hội để học đầu tư vốn không mới. Thế hệ Millennial đã sử dụng Facebook (57%) và Instagram (53%) để tra cứu thông tin và tìm lời khuyên tài chính, theo khảo sát của Công ty tư vấn tài chính Credit Karma. Tuy nhiên, TikTok lại trở thành lựa chọn hàng đầu của Gen Z khi tìm hiểu về đầu tư và tài chính cá nhân, có lẽ do không khí thoải mái và kết cấu ngắn gọn mà các video trên nền tảng này thường mang lại. 

Với nội dung đa dạng từ giảng giải khái niệm tài chính, hướng dẫn chơi chứng khoán đến khoe nhà, khoe xe, các video gắn hashtag #moneytok trên TikTok đã thu về tổng cộng 11,5 tỉ lượt xem. Nổi bật trong số này là các video của nhà đầu tư 28 tuổi Tori Dunlap, người đã đạt được hơn 2 triệu lượt theo dõi với các video ghi hình bản thân vừa nhún nhảy theo nhạc vừa trình bày các khái niệm như IRA (tài khoản hưu trí cá nhân) đến các công dân Mỹ nhỏ tuổi. 

Theo Dunlap, thế hệ Z được tiếp cận với nguồn thông tin tài chính dồi dào hơn nhiều lần so với thời cha mẹ chúng, nhưng thứ gì quá cũng không tốt. Phần lớn lời khuyên kiểu “ngừng uống cà phê, ăn vặt để giàu” không chỉ thừa thãi, mà còn đầy phán xét và coi thường. “Không có một giải pháp toàn năng nào, mỗi người cần có một hành trình tài chính riêng” – cô khuyên. 

Thế nhưng, lời khuyên của Dunlap cũng thường bị bỏ quên. 37% Gen Z được Credit Karma hỏi cho biết họ tiếp thu lời khuyên tiền bạc trên mạng mà không cần kiểm chứng. Dù mang vẻ chân thành như những người bạn “bỏ nhỏ” nhau thông tin mật, phần lớn các video #moneytok được chế tác kỹ càng với mục tiêu kiếm view là trước hết. Các thông tin đi kèm ít khi được dẫn nguồn và chuyện chúng kiếm được tiền hay không cũng chẳng ai kiểm chứng. 

“Tôi thật sự khuyên mọi người nên sử dụng loại video này như một cánh cửa để bắt đầu tìm hiểu về tài chính cá nhân, sau đó tiến tới nói chuyện với các chuyên gia” – Colleen McCreary, lãnh đạo Credit Karma, nhắn nhủ. 

Thông thạo công nghệ nhưng còn nhẹ dạ, biết lo nghĩ cho tương lai nhưng tình cảnh bấp bênh kéo dài, có lẽ còn quá sớm để biết Gen Z có trở thành một thế hệ thành công về mặt tiền bạc hay không. Tuy nhiên, chỉ riêng sự chủ động và táo bạo của lớp trẻ, điều giúp chúng làm những điều mà các thế hệ trước không làm được, có lẽ đã đủ để ta đặt niềm tin.

NGƯỜI TRẺ VÀ TIỀN

Theo tuoitre.vn

Có thể bạn quan tâm

Tủ sách Tinh hoa chứng khoán toàn tập

Tủ sách Tinh hoa Chứng khoán toàn tập 2021

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề