Nhà đầu tư đại tài 98 tuổi tiết lộ : Muốn giàu phải ‘che giấu’ 1 thứ và ‘hạ thấp’ 1 điều, càng khoe ra càng dễ thất bại
2 bí mật nhỏ này đã giúp tỷ phú Charlie Munger có được sự giàu có và xây dựng được sự thịnh vượng như hiện tại.
Năm 1954, trên đường phố Pasadena, Mỹ, một người đàn ông trung niên ôm cậu con trai 9 tuổi mắc bệnh ung thư máu vừa đi vừa khóc. Sau khi ly hôn, anh một mình nuôi con và cố gắng chạy chữa để giành giật mạng sống của đứa trẻ với tử thần. Thế nhưng đến cuối cùng, anh không thể thay đổi được số phận của con mình.
30 tuổi, thời hoàng kim của một người đàn ông nhưng bắt đầu bằng cuộc hôn nhân tan vỡ, mất con, phá sản, có lẽ lúc này, anh cũng đang than trách số phận bất công. Tuy nhiên, khi đi qua quá nhiều mất mát, anh ta vẫn tự dặn lòng mình phải trở nên mạnh mẽ bởi nếu tiếp tục yếu đuối hay than trách số phận chỉ khiến những bi kịch tiếp tục kéo theo mà thôi.
Năm năm sau, anh ta gặp một người tên là Warren Buffett trong bữa tiệc của một người bạn. Đó cũng là cuộc gặp gỡ đinh mệnh, là khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác kéo dài hơn nửa thế kỷ giữa hai người. Người đàn ông trên chính là một nhà tư tưởng xuất sắc trong thế giới đầu tư ngày nay, Charlie Munger.
Ông cho biết: “Trong khoảng thời gian đen tối nhất của cuộc đời, tôi đã tự lôi mình ra khỏi vực thẳm.”
Từ kinh nghiệm của mình, nhà thông thái này cho rằng cách tốt nhất để muốn đạt được một thứ gì đó là khiến bản thân bạn xứng đáng với nó. Theo ông, mỗi bất hạnh là một cơ hội để học hỏi thêm một điều gì đó. Và nhiệm vụ của bạn không phải là chìm đắm trong sự tủi thân hay tự ti mà là tận dụng tối đa biến cố khủng khiếp đó theo cách có tính xây dựng.
Đặc biệt, nhà đầu tư đại tài 98 tuổi nhận ra rằng một người muốn thành công, giàu có cũng cần phải có bí quyết. Bản thân Munger cũng đã hơn một lần đề cập rằng một cuộc sống giàu sang và hạnh phúc không thể thiếu hai điểm: Một là hạ thấp kỳ vọng, hai là che giấu trí tuệ.
Tại sao Munger lại có quan điểm như vậy và những điều này được ông áp dụng như thế nào?
1. Hạ thấp sự kỳ vọng
Trong tâm lý học có một từ gọi là “chỉ số thất vọng”. Một người có chỉ số thất vọng thấp khó có thể nhìn thấy mặt tích cực của một vấn đề, và rất dễ kéo dài sự thất vọng của một việc sang các khía cạnh khác. Kết quả là những cảm xúc tiêu cực như tự ti, ghen tị,…,kéo đến và vùi bạn xuống hố sâu.
Theo quan điểm của Munger, đây là những bi kịch không thể đảo ngược. Chỉ bằng cách từ bỏ sự thất vọng ở bản thân và tự cứu mình mới có thể vượt qua được. Một cuộc sống quá suôn sẻ cũng không tốt, việc chấp nhận sóng gió trong cuộc sống sẽ tôi luyện bạn trưởng thành hơn.
Năm 1956, Munger tái hôn. Hai vợ chồng phải gồng gánh 8 người con, trước áp lực tài chính quá lớn, Munger vẫn kiên quyết thực hiện quy luật sắt thừa hưởng từ ông nội: “Tập trung vào nhiệm vụ hiện tại, kiểm soát chi tiêu. Nhà đầu tư đại tài chia sẻ: “Vì tôi tin chắc rằng bí quyết thành công và hạnh phúc của con người là hạ thấp mục tiêu của mình, nên tôi lập tức làm như vậy”.
Nhiều khi chúng ta biết mình cần hạ thấp kỳ vọng, nhưng lại không biết hạ thấp kỳ vọng như thế nào cho đúng. Cách tiếp cận của Munger là: Không đặt mục tiêu vào những sự kiện xác suất nhỏ, giống như việc ông chưa bao giờ đặt ra mục tiêu “trở thành triệu phú”. Cách tiếp cận đúng là đặt mục tiêu trong một phạm vi nhỏ trong “vòng tròn năng lực”, rồi dốc toàn lực để đạt được mục tiêu đó.
Munger đặt mục tiêu rất thấp cho bản thân. Và sự giàu có mà nhà đầu tư 98 tuổi được ngày hôm nay là kết quả của những điều vượt quá kế hoạch đặt ra. Tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway, hai nhà sáng lập ngồi cạnh nhau và Warren Buffett luôn là người đầu tiên trả lời các câu hỏi. Bất cứ khi nào anh ấy quay đầu sang Munger bên cạnh, ông ấy luôn nhận được một câu nói: “Tôi không có gì để nói thêm.”
Vào thời điểm này, Munger rất vui khi được đóng “vai phụ”. Nhiều người cho rằng ông cư xử như một cấp dưới trước mặt Buffett nhưng với Munger, điều đó giúp ông nhìn thấy những khía cạnh tốt hơn của người khác so với chính mình. Loại phong cách làm việc này không phải bẩm sinh đã có mà phải trải qua quá trình mài giũa. Bản thân Munger khi còn trẻ cũng rất kiêu ngạo, thích tỏ ra mình hiểu biết, luôn làm mất lòng người khác.
2. Che giấu sự khôn ngoan
Theo Munger, việc che giấu sự khôn ngoan trong cuộc sống là điều cần thiết bởi vì chúng ta không thông minh như chúng ta nghĩ. Ông từng nói rằng: “Không có người thông minh nào tôi biết mà không đọc sách hay học hỏi mỗi ngày.”
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Trung Quốc vào năm 2018, Munger nói rằng ông phải đọc 20 cuốn sách mỗi tuần. Khi đó Munger đã 95 tuổi nhưng ông vẫn có thể đọc và tiếp thu kiến thức mỗi ngày. Cách đọc của Munger có 2 lưu ý: Một là đừng chỉ đọc một loại sách và chỉ quan tâm đến kiến thức trong một lĩnh vực mà nên đa dạng để dễ dàng nhìn nhận vấn đề. Thứ hai là: Đọc thêm tiểu sử về những người nổi tiếng để học hỏi thêm ở họ.
Munger là một người đam mê viết tiểu sử, ông tin rằng nếu có thể kết bạn với những “vĩ nhân” sẽ có tác động hoàn toàn tích cực đến cuộc đời của một người. Từ đó suy nghĩ hay tư duy của bạn cũng thay đổi tích cực hơn. Điều quan trọng nhất của việc đọc sách là phá vỡ ranh giới của bản thân và mang đến những ý tưởng nổi bật hơn cho cuộc sống của một người.
Năm 2021, Charlie Munger ở tuổi 98. Khi được hỏi về bí quyết trường thọ, ông đã cười và trả lời: “Không đố kị, không phàn nàn, không phung phí; gặp khó khăn cũng lạc quan mà đối phó”. Về bí quyết thành công, nhà đầu tư đại tài cho rằng việc tuân theo những nguyên tắc đơn giản nhất và giữ cho cuộc sống càng đơn giản càng tốt sẽ giúp bạn luôn đi đúng lộ trình và không bị lệch hướng. Có như thế thì mới dễ dàng có được thành công.
Hà An