fbpx

Nhà đầu tư sợ Fed và ECB mắc sai lầm trong cuộc chiến chống lạm phát

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thể hiện thái độ quyết liệt trong việc kiểm soát lạm phát. Một số nhà phân tích đang lo ngại tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài của ngân hàng trung ương Mỹ đối với nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư sợ Fed và ECB mắc sai lầm trong cuộc chiến chống lạm phát
Lạm phát ở Mỹ cũng như châu Âu đều đang ở vùng đỉnh nhiều năm.

Cuối tuần trước (26/8), Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ phải chịu “đau đớn” trong quá trình Fed nâng mạnh lãi suất để bình ổn giá cả. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng như nhiều nước khác bị bán tháo mạnh khi nhà đầu tư lo ngại kinh tế rơi vào suy thoái vì phi phí vốn lên cao.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại công ty tư vấn CrossBorder Capital ở London cho rằng chương trình nới lỏng định lượng (QE) và thắt chặt định lượng (QT) có tác động lớn hơn nhiều so với các đợt điều chỉnh lãi suất

“Fed coi QT và QE là như là những chiếc điều hòa nhiệt độ chạy ở hậu trường của hệ thống kinh tế, nhưng chúng tôi coi QT như là một một quả cầu kim loại có sức phá hủy khủng khiếp và sau đó sẽ đảo chiều để trở thành QE”, CNBC dẫn lời CEO Michael Howell nhận định.

Mặt bằng lãi suất quỹ liên bang đã quay lại mức trước dịch COVID-19.

Trước khi ông Powell đọc bài biểu với nội dung “diều hâu” tại hội nghị Jackson Hole hôm 26/8, các nhà phân tích của CrossBorder đã cảnh báo về rủi ro “sai lầm chính sách lớn sắp tới” từ phía Fed, đặc biệt là “tác động quá mạnh của thắt chặt định lượng (QT) đối với ổn định tài chính”.

Thắt chặt định lượng

Thắt chặt định lượng là một kiểu chính sách tiền tệ mà các ngân hàng trung ương hay dùng để giảm thanh khoản trong hệ thống tài chính và thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của chính mình. Thông thường, các ngân hàng trung ương sẽ bán trái phiếu chính phủ hoặc các loại chứng khoán khác để hút tiền trên thị trường về.

CrossBorder Capital cho rằng các ngân hàng trung ương đang hút mất quá nhiều thanh khoản với tốc độ quá nhanh, CEO Michael Howell chỉ ra sự thay đổi lập trường theo hướng “diều hâu” (tức là ủng hộ thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát) của một số lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Những thay đổi này có thể khiến cho đồng euro mất ổn định và cuối cùng khiến cho các ngân hàng trung ương phải thay đổi chính sách thanh khoản vào năm 2023.

“Lo ngại của chúng tôi là các chính sách QE/QT có những tác động quá lớn lên sự ổn định tài chính. Chúng tôi ước tính nếu bảng cân đối kế toán của Fed giảm đi 1/3 thì tác động sẽ tương đương như khi lãi suất quỹ liên bang tăng thêm 5 điểm phần trăm”, ông Howell nói.

“Trong năm 2023, Fed sẽ buộc phải chuyển sang giai đoạn nâng quy mô bảng cân đối kế toán lên trở lại, giá trị USD sẽ đi xuống. Trước khi tình hình chuyển biến tới mức này, chính sách thắt chặt định lượng (QT) sẽ tiếp diễn trong vài tháng tới và khiến cho thị trường hoảng sợ”, CEO của CrossBorder Capital nhận định.

Ông George Lagarias, Kinh tế trưởng của công ty kiểm toán Mazars, cũng bày tỏ lo ngại về tác động của QT. Ông khuyến nghị nhà đầu tư hãy phớt lờ bài phát biểu của Chủ tịch Fed tại Jackson Hole, thay vào đó hãy tập trung theo dõi quy mô tài sản của Fed như là chỉ báo sớm duy nhất.

Fed đang gia tăng tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán, từ 45 tỷ USD/tháng lên 95 tỷ USD/tháng. Bắt đầu từ tháng 9, ECB cũng chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE).

“Có phải Fed sẽ tăng tốc hút tiền ra khỏi các thị trường tài chính? Ý định thực sự của Fed sẽ được thể hiện thông qua các động thái bơm/hút tiền, không phải qua các bài phát biểu”, ông Lagarias nói.

“Trong khi đó, nhà đầu tư nên lo lắng về những tác động dài hạn của lập trường chính sách của Fed. Sự giảm tốc của nền kinh tế có thể biến thành một cuộc suy thoái sâu. Lạm phát có thể biến thành giảm phát”.

Bảng cân đối kế toán của Fed thu hẹp dần trong quá trình triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt.

Ông Lagarias chỉ ra rằng các thị trường mới nổi và doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ đang phải chịu thiệt hại vì đồng USD mạnh lên, còn người tiêu dùng đang “bên bờ vực sụp đổ” đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương đang chuẩn bị thực hiện các chính sách kiềm chế tiền lương trong lúc người dân đang khủng hoảng vì chi phí sinh hoạt.

Đánh giá thấp tác động của QT

Khi Fed bán bớt danh mục trái phiếu vào năm 2018, các thị trường tài chính suýt nữa đã lặp lại cơn giận dỗi (taper tantrum) của năm 2013, tức là các loại tài sản bị bán tháo và buộc ngân hàng trung ương phải điều chỉnh chính sách, giảm tốc độ hút tiền về.

Chủ tịch Fed Jerome Powell (phải) và Chủ tịch ECB Christine Legarde. (Ảnh: Getty Images).

CNBC dẫn lời ông Garry White, Giám đốc phân tích đầu tư tại công ty quản lý tài sản Charles Stanley, nhận định: “Các ngân hàng trung ương cho rằng mình có thể giảm quy mô nắm giữ trái phiếu vì các ngân hàng thương mại vẫn còn lượng lớn tiền dự trữ và không cần ngân hàng trung ương phải sở hữu quá nhiều trái phiếu chính phủ…. Có lẽ các ngân hàng trung ương đang đánh giá quá thấp tác động của thắt chặt định lượng”.

Các chính phủ sẽ bán ra lượng lớn trái phiếu trong các năm tới nhằm huy động nguồn vốn cho chi tiêu, chính sách tài khóa sẽ được nới lỏng chưa từng thấy.

Ông Garry White cho rằng việc các ngân hàng trung ương chấm dứt chương trình mua trái phiếu sẽ đồng nghĩa với việc các chính phủ sẽ phải trả lãi suất cao hơn khi vay nợ.

“Mục tiêu chính của Fed và ECB hiện nay là chấm dứt mọi hoạt động mua mới trái phiếu và để cho các trái phiếu đã mua trên bảng cân đối kế toán tự đáo hạn, chính phủ sẽ phải thanh toán các khoản vay trái phiếu đến hạn”.

Ông Beat Wittmann, Chủ tịch công ty tư vấn Porta Advisors, gần đây cũng cảnh báo rủi ro xảy ra một “tai nạn tài chính lớn” trong quá trình chính sách tiền tệ được thắt chắt trên toàn cầu.

Hà An

Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh 

Có thể bạn quan tâm: Trend Following

“Thánh kinh” giao dịch theo xu hướng – Làm chủ dòng chảy thị trường tài chính

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề