Nhà đầu tư thông minh (kỳ 2) – Ứng phó với Ngài thị trường
“It is easy to stand with the crowd. It takes courage to stand alone” – Mahatma Gandhi
Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu thị trường chứng khoán được thiết kế như “trò chơi một người” đòi hỏi tính kỷ luật, kiên nhẫn và sự tính toán cẩn trọng. Tuy nhiên, nếu đơn giản như vậy thì câu chuyện đánh bại thị trường đã thuộc về bất cứ nhà phân tích số học, lí thuyết gia hay những tay chơi cờ với IQ siêu việt nào. Thay vào đó, thị trường chứng khoán là chốn chợ xô bồ với rất nhiều những “đám đông tâm lý” khác nhau – theo định nghĩa của triết gia Gustave Le Bon – nơi hầu hết những lí thuyết, mô hình hay robot máy tính đều không thể dự đoán được do bản chất hiện hữu của yếu tố cảm xúc của con người – thứ không chỉ tiêu diệt mọi lí trí, mà còn có sức lan tỏa đáng kinh ngạc.
Vì thế, những nhà đầu tư cá nhân thông minh sẽ không chỉ tự hiểu bản thân và thu gọn mình trong một góc mà ngược lại, họ sẽ đứng bên ngoài, quan sát và thậm chí tận dụng sự bất hợp lý của con người trên thị trường như cơ hội. Như vậy, câu hỏi nên được đặt ra là: nhà đầu tư thông minh sẽ đối phó với yếu tố thị trường như thế nào? Xin quý đọc giả hãy chiêm nghiệm câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng dưới đây của Benjamin Graham trong chương 8 quyển The Intelligent Investor mà ngài Buffett thường xuyên trích dẫn là “đã thay đổi cuộc đời tôi”.
I. Ngài thị trường (Mr. Market)
“Hãy để chúng tôi đúc kết vấn đề thị trường này lại bằng một câu chuyện ngụ ngôn như sau. Hãy tưởng tượng rằng trong một doanh nghiệp tư nhân nhỏ bạn nắm giữ cổ phần trị giá 1000 đô la. Một trong những đối tác của bạn, có tên gọi là Ngài Thị Trường – Mr. Market, là một người rất tốt bụng.
Hằng ngày, anh ta đều đến gõ cửa nhà bạn và chào một mức giá với số cổ phần đó. Một số ngày, mức giá của anh ta hoàn toàn hợp lý dựa trên các yếu tố cơ bản và triển vọng của công ty như bạn đã biết. Song những ngày còn lại, anh ta để tính phi lí trí cực đoan – bao gồm nỗi sợ hoặc sự hưng phấn – lấn át chính mình, dẫn đến mức giá anh ta đề nghị cho bạn cách biệt đáng kể với giá trị cơ bản và có phần không thông minh.”
Graham tiếp tục câu chuyện ngụ ngôn với một câu hỏi lớn: “Như vậy, nếu bạn là một nhà đầu tư cẩn trọng/một người kinh doanh có lý trí, liệu bạn có để sự trao đổi hằng ngày của Ngài Thị Trường quyết định mức giá trị của số cổ phần đó? Hay bạn sẽ vui vẻ bán cho anh ta với mức giá cao ngất ngưởng và cũng vui vẻ mua lại cổ phần từ anh ta với mức giá rẻ mạt?
Một nhà đầu tư thực sự sẽ sáng suốt hơn khi “làm lơ” với biến động thị giá hằng ngày và tự hình thành quan điểm riêng về giá trị công ty mà anh ta nắm giữ. Về cơ bản, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán niêm yết chỉ có một lợi ích duy nhất cho nhà đầu tư: nó tạo ra cho anh ta cơ hội để mua thấp và bán cao một cách thông minh. Vào những thời điểm khác, nhà đầu tư sẽ được lợi hơn rất nhiều nếu anh quên đi sự hiện diện của thị trường và chú ý hơn đến lợi nhuận và cổ tức hàng năm mà công ty mang lại cũng như tình hình phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.”
Song với bản chất con người là một sinh vật xã hội hoạt động theo tập thể, rõ ràng không hề dễ dàng cho nhà đầu tư có thể tách biệt suy nghĩ và tin tưởng vào lập luận của mình khi có biến động mạnh đến tài khoản hoặc có một sự tác động từ báo chí/các chuyên gia. Một lần nữa, không phải yếu tố IQ – mà sự rèn luyện tâm lý – mới chính là thành tố quan trọng nhất cho một nhà đầu tư chứng khoán thành công.
II. Ai cần biết và quan tâm cơ chứ?
Để nhấn mạnh một lần nữa cách suy nghĩ đúng đắn về thị trường, chúng tôi sẽ tiếp tục trích dẫn và tóm tắt câu chuyện bài giảng cho các sinh viên MBA tại đại học Columbia của nhà đầu tư giá trị huyền thoại Joel Greenblatt như sau:
“… Trong suốt 9 năm giảng dạy môn đầu tư tài chính qua, mỗi năm vào ngày đầu tiên, tôi đều bước vào lớp học, mở chuyên mục tài chính trên một tờ báo ra, và sau đó đặt câu hỏi: ‘… Họ nói ở đây rằng giá một cổ phiếu General Motors (GM) là $37 ngày hôm qua; họ cũng nói rằng giá cao nhất cho GM trong 12 tháng qua là $68, trong khi giá thấp nhất là $30.
Tôi lặp lại một câu hỏi khác: ‘Làm sao chuyện này có thể xảy ra được? Tại sao giá trị vốn hóa của General Motors, nhà sản xuất phương tiện vận tải lớn nhất Bắc Mỹ, lại có thể thay đổi đáng kinh ngạc trong vòng vỏn vẹn một năm? Với 1 tỷ cổ phiếu lưu hành, có lẽ nào một công ty có thể đáng giá 30 tỷ USD một ngày, và một vài tháng sau đáng giá 60 tỷ USD như vậy? Liệu có phải rằng họ đã bán gấp đôi số ô tô – kiếm gấp đôi số tiền – hay liệu họ đã làm điều gì sai trái để hợp lý hóa sự thay đổi vốn hóa kinh ngạc đó?’
Không ngoa khi nói đây là một câu hỏi khó; tôi đã để cho các học trò của mình một khoảng thời gian để nghĩ ra tất cả những lí thuyết và giả định phức tạp. Thật ra, câu hỏi đó khó đến mức các giáo sư phải có hẳn một lĩnh vực về kinh tế học, toán học và xã hội học để cố gắng giải thích mức độ bất hợp lí của thị trường. Và có thể nói họ phải thật sự thông minh mới có thể giải thích được những thứ ấy. Song ngạc nhiên thay, tôi lại trả lời các sinh viên của mình rằng:
‘Ai cần biết và quan tâm cơ chứ?’
(Who knows and who cares?)
Có thể người ta trở nên điên khùng đôi chút. Cũng có thể dự đoán lợi nhuận tương lai thường sai lệch. Cũng có thể họ không thể quyết định được tỷ suất sinh lời trên giá mua hợp lý (fair rate of return) là bao nhiêu. Và nhiều lúc tâm lý thất vọng/kì vọng quá mức đã hợp lý hóa mức giá phải trả bất thường cho một doanh nghiệp.
Sự thật là tôi chưa bao giờ phải đi tìm hiểu động cơ đằng sau mỗi quyết định của những cá nhân khi mua/bán cổ phiếu của những công ty ở mức giá cách nhau kinh ngạc trong thời điểm vô cùng ngắn. Tôi chỉ cần phải tin rằng họ đã làm điều đó! Để tóm tắt, bạn không cần phải hành động và hiểu động cơ của người khác mọi lúc mọi nơi. Bạn – và một mình bạn – được lựa chọn để hành động khi và chỉ khi mức giá mà Ngài thị trường (Mr. Market) đưa ra rất thấp hoặc cực kỳ cao. Đó chính là thời điểm tuyệt vời biên độ an toàn xuất hiện và sự gặt hái thành quả của đức tính kiên nhẫn ở mỗi người… “
Lí do chúng tôi rất ưa thích và thán phục bài giảng trên là nhờ vào tính thực dụng và sự đơn giản hóa của nó. Nhìn lại, trong khi một số chuyên gia phân tích, báo chí và chính bản thân các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam chúng ta ngày ngày tìm cách lý giải những biến động của VN-Index, hành vi mua bán của quỹ ETF hay một “đội lái” nào đấy, những nhà đầu tư thông minh chỉ cần ung dung chờ đợi và chỉ hành động khi mọi người đồng loạt tham lam hoặc sợ hãi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với Greenblatt khi ông khuyên nhà đầu tư nên “làm lơ” hoàn toàn với động cơ thị trường. Thay vào đó, chúng tôi nghĩ họ cần hiểu một số lý do cơ bản khiến cổ phiếu bị định giá quá thấp hoặc quá cao để có thể tự tin vào quyết định của mình. Song điều đó không có nghĩa rằng họ phải lo sợ hoặc lạc quan quá mức đến nỗi không thể đưa ra được một quyết định có lí trí.
III. Nhà đầu tư vs biến động thị trường
Quay trở lại câu hỏi đầu bài: làm thế nào một nhà đầu tư có thể tự rèn luyện tâm lí và tận dụng biến động thị trường một cách thông minh nhất? Graham đã đưa ra một số phương pháp phổ biến nhất, so sánh chúng và đúc kết những bài học mà cho đến nay vẫn còn hiệu nghiệm:
Chọn thời điểm (timing) & chọn giá (pricing):
Nếu dùng phương pháp chọn thời điểm mua (timing) tương tự như việc các chuyên gia phân tích kĩ thuật cố gắng làm, ông cho rằng những cá nhân sẽ tự biến mình thành những tay đầu cơ chuyên dự đoán may rủi và có kết cục tài chính hệt như họ.
Mặt khác, họ có thể có được mức lợi nhuận vô cùng khả quan nếu sử dụng một trong hai phương pháp chọn giá mua: (1) mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị thực một cách đáng kể hoặc bán cổ phiếu trong trường hợp ngược lại (2) đối với những cá nhân không có thế mạnh về định giá, ông cho rằng với một chút cẩn trọng mỗi khi mua, phương pháp đảm bảo rằng mức giá họ phải trả không quá cao so với giá trị thực – bằng cách so sánh với lợi nhuận, cổ tức hay tài sản ròng – cũng đem lại kết quả khá khả quan cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư phòng thủ.
Mua thấp & bán cao (buy low & sell high):
Graham nhắc đến một định nghĩa kinh điển về nhà đầu tư cẩn trọng (shrewd investor) trước 1900 là một người “mua trong thị trường giá xuống khi mọi người khác đều bán ra, và thoái vốn trong một thị trường bong bóng khi mọi người khác đều mua vào.” Và có lẽ sau này Buffett đã biến thể định nghĩa này thành câu châm ngôn tham lam và sợ hãi nổi tiếng của ông.
Tuy nhiên, nhiều độc giả sẽ thắc mắc thế nào là một thị trường bong bóng, và ngược lại? Đơn giản hơn mọi người thường nghĩ, một thị trường bong bóng là nơi: (1) có mức giá cao nhất mọi thời đại (2) mức P/E cao nhất mọi thời đại, như mức 90 lần trung bình của thị trường Việt Nam năm 2007 (3) mức cổ tức thấp hơn lợi tức từ các tài sản phi rủi ro khác (4) quá nhiều đầu cơ dựa trên vốn vay ký quỹ – margin (5) có vô vàn những cổ phiếu chất lượng tệ được IPO trên thị trường. Nhưng đáng buồn thay, việc chờ đợi chỉ để mua chứng khoán khi thị trường thấp và chỉ bán khi thị trường cao sẽ không thể hiệu nghiệm do chu kỳ khủng hoảng có thể sẽ ngày càng nở rộng ra. Do đó, một phương pháp tái cơ cấu danh mục (rebalancing) dựa trên chu kỳ lớn của thị trường sẽ hiệu quả hơn hẳn.
Đầu tư liên tục thường kỳ (formula investing):
Graham phản đối các công thức đầu tư đơn giản được đưa ra vào thời điểm đó – chẳng hạn như công thức Dow (tương tự như việc mua các bluechips VN30 thường xuyên) – sẽ khó có thể đem lại kết quả khả quan cho nhà đầu tư xét đến thời gian lâu dài và sự áp dụng của số đông sẽ triệt tiêu cơ sở lợi ích giản đơn mà nó vốn được tạo ra.
Dù như vậy, chúng tôi cũng cảm thấy khá thú vị khi gần đây công thức đầu tư vào chỉ số ETF dựa trên phương thức đầu tư thường kỳ (dollar cost averaging) đang khá được ưa chuộng trên thế giới – ngay cả nhiều nhà đầu tư nổi tiếng như Buffett, Jack C.Bogle cũng khuyên các cá nhân nên làm tương tự. Song, có lẽ do chúng tôi chưa từng thấy bất kỳ tấm gương thành công nào từ ETF cũng như sự nghi ngờ của chúng tôi cho các công thức giản đơn, nên chúng ta sẽ còn phải chờ đợi một khoảng thời gian đủ dài để trả lời thích đáng cho phương pháp này.
Đối phó với biến động thị trường ở Việt Nam:
Với kinh nghiệm của chúng tôi ở một thị trường kém minh bạch và rung lắc nhiều như Việt Nam, việc chọn giá (pricing) khi mua thật cẩn thận như lời khuyên của Graham sẽ giúp nhà đầu tư rất nhiều khi đối phó với những cạm bẫy trên.
Thuộc loại nhà đầu tư năng động, việc luôn yêu cầu biên an toàn và thường xuyên tái cơ cấu danh mục theo cơ hội thị trường đã đem lại cho chúng tôi kết quả khá khả quan trong quá khứ. Hơn nữa, chúng tôi cũng từng chứng kiến nhiều nhà đầu tư phòng thủ cũng lựa chọn phương pháp chọn giá – tuy họ không định ra được một giá trị thực rõ ràng – nhưng việc đảm bảo mua không quá cao đã đem lại cho họ dòng cổ tức và lợi nhuận từ việc tăng giá cổ phiếu đáng kể qua nhiều năm.
IV. Kết luận
“Đừng bao giờ mua cổ phiếu ngay sau một đợt tăng hoặc bán chúng ngay sau một đợt giảm mạnh.” Một nhà đầu tư thực thụ sẽ hiếm khi nào bị buộc phải bán cổ phiếu của anh ta nếu anh ta lựa chọn cách dẹp biến động thị giá sang một bên. Anh ta chỉ quan tâm đến nó khi nó làm lợi cho anh ta, và chỉ như thế.
Những cá nhân để biến động giá thị trường ảnh hưởng lên tâm lý và quyết định của mình đang biến lợi thế cơ bản thành bất lợi. Vì thế, tốt hơn hết anh ta nên hạn chế việc tiếp xúc với bảng điện hoặc các kênh báo chí – có thể chỉ nên từ 1,2 lần một tuần. Chúng tôi hiểu rằng việc chúng tôi nói ra dễ hơn làm rất nhiều; bởi vì một nhà đầu tư thông minh sẽ cần một ý chí thép vô cùng lớn, nếu không muốn bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, tâm lý và môi trường hỗn loạn xung quanh.
Nhà đầu tư thông minh (Kỳ 1) – Đầu tư hay Đầu cơ
Filologos, Skopos & Angelos
Newslettervietnam
Trích dẫn, lược dịch và bình luận thêm từ tác phẩm The Intelligent Investor – Benjamin Graham, 1949
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)