fbpx

Nhân viên rao bán công thức pha chế bí mật của Coca Colacho Pepsi và cái kết

Năm 2006, một nữ thư ký của Coca Cola đã lấy trộm công thức bí mật của công ty và chào bán cho Pepsi. Tuy vậy, Pepsi hoàn toàn thời ơ với lời đề nghị và thậm chí còn mời fbi để lên kế hoạch bắt quả tang hành động phi pháp này.

Một buổi chiều hè oi ả năm 2006, Ibrahim Dimson rảo bước xuyên qua Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson ở Atlanta với một hộp bánh quy màu vàng nắm chặt trong tay, bên trong chứa đầy những cuộn tiền 50 và 100 đô la có tổng giá trị 30.000 đô.

Vài phút trước, hắn vừa trao một túi xách vải len hiệu Armani Exchange chứa hàng chục trang tài liệu đánh cắp từ Coca-Cola và một lọ nhỏ đựng công thức bí mật – tất cả đều được dán nhãn “tuyệt mật” – cho “Jerry”, người tự xưng là một giám đốc điều hành của Pepsi.

Mọi thứ đều diễn ra theo kế hoạch. Dimson và tay trong của hắn tại Coca-Cola có hàng trăm bí mật kinh doanh chuẩn bị bán cho Pepsi, và đây chỉ là điểm khởi đầu.

Nhưng chỉ có một vấn đề: Jerry liệu có phải là người ông ta tự giới thiệu hay không. Dimson và những kẻ đồng lõa của hắn không hề biết chính xác Jerry là ai.

Người phụ nữ tay trong

Tại Coca-cola, giữ bí mật là phương châm sống trong văn hóa doanh nghiệp.

Pepsi làm gì khi được rao bán công thức pha chế bí mật của Coca Cola?
Hầm an toàn của Cola Cola tại trụ sở Atlanta.

 

Người lao động thường xuyên bị kiểm tra an ninh. Camera giám sát từng milimét văn phòng làm việc. Và viên kim cương quý nhất của họ, công thức thứ đồ uống Coke nguyên gốc, được khóa trong một két sắt trị giá nhiều triệu đôla; chỉ có hai người trên quả đất này biết cách mở nó, và họ sẽ phải đi trên các chuyến bay khác nhau khi di chuyển, phòng trường hợp có chuyện xấu xảy ra.

Trong công ty với văn hóa tuyệt mật này, cô Joya Williams là một nhân viên gương mẫu.

Là con gái của một người trợ tế nhà thờ, cô thường tham gia dạy các lớp giáo lý vào ngày chủ nhật. Cô đã làm việc 3 năm rưỡi tại nhà máy đóng chai lớn nhất của Coca-Cola trước khi gia nhập tập đoàn mẹ năm 2005. Là trợ lý hành chính cho Giám đốc Tiếp thị Toàn cầu, Williams được tin tưởng tiếp cận với những thư tín nhạy cảm, tài liệu nội bộ, và những sản phẩm sắp lên kệ của hãng.

Pepsi làm gì khi được rao bán công thức pha chế bí mật của Coca Cola?
Joya Williams – Người đánh cắp công thức của Coca Cola và bán cho Pepsi

Nhưng sau 14 tháng làm việc với mức lương 50.000 đô la một năm, người phụ nữ này cảm thấy mình chưa được “đối xử xứng đáng” – và thế là một kế hoạch đâm lén sau lưng đã được lập ra.

Ấp ủ kế hoạch

Cuối năm 2005, Williams được bạn bè giới thiệu một người có tên Edmund Duhaney. Người đàn ông 40 tuổi là cha của 3 đứa con này mới mãn hạn tù vì tội buôn bán cocain và đang tìm kiếm một công việc.

Williams nói với Duhaney rằng cô đang nắm trong tay một loạt các tài liệu “tuyệt mật” của Coca-Cola, thứ mà đối thủ cạnh tranh lớn, Pepsi, sẽ chi một đống tiền để mua – nhưng vì đã ký một thỏa thuận bảo mật nên cô không thể tự mình đi giao món hàng được.

Cô nói cần một người trung gian, và Duhaney biết chính xác người phù hợp: anh bạn tù Ibrahim Dimson, một nhân viên văn phòng biển thủ công quỹ tự cho mình là “một người đầy quyến rũ.”

Với biệt danh “Dirk”, Dimson đã gửi một lá thư (trong phong bì chính thức của Coca-Cola) tới Phó chủ tịch Cấp cao của Pepsi. Trong thư, Dimson tự xưng là một giám đốc cấp cao của Coca-Cola đang nắm trong tay những tài liệu kinh doanh “cực kỳ bí mật”.

Bức thư viết:

Gửi Pepsi,

Tôi có trong tay những thông tin cực kỳ bí mật mà chỉ có vài giám đốc điều hành chủ chốt của công ty được biết. Tôi thậm chí có thể cung cấp các sản phẩm thực và đóng gói của một số sản phẩm nhất định, ngoài 5 giám đốc điều hành cấp cao nhất ra, chưa ai được thấy.

Tôi muốn chuyển chúng cho người trả giá cao nhất. Lời đề nghị có một không hai này chỉ có giá trị trong vòng hai tuần.

Ngài có thể liên lạc với tôi theo số…

DIRK

2 tuần sau, trong sự vui sướng của Joya Williams, Dimson nhận được cuộc gọi từ một nhân viên PepsiCo mang tên “Jerry”. Người này tỏ vẻ quan tâm và yêu cầu Dimson đưa ra bằng chứng về món hàng của mình.

Dimson đã fax cho Jerry 14 trang tài liệu của Coca-Cola – hầu hết đều được dán nhãn “thông tin bí mật” hoặc “bảo mật cấp độ cao” – và nói với Jerry rằng ông cần chuyển tiền tới một tài khoản ngân hàng để thể hiện mình là một “đối tác nghiêm túc.”

Không lâu sau đó, Dimson nhận được khoản tiền 5.000 đô la. Và rồi, màn trao đổi chính thức bắt đầu.

Hàng xịn thì giá phải cao

Pepsi làm gì khi được rao bán công thức pha chế bí mật của Coca Cola?

Là người phụ nữ được các giám đốc cấp cao nhất tin tưởng, Joya Williams không chỉ có trong tay các tài liệu (bản thuyết trình, thư điện tử nội bộ, các đề xuất phát triển), mà còn cả những mẫu sản phẩm chưa được ra mắt.

Trong một đêm muộn tại tòa tháp trụ sở hiện đại của Coca-Cola ở trung tâm thành phố Atlanta, Williams nhét vào cặp các tệp tài liệu mật và một lọ nhỏ chứa sản phẩm “bí mật” đang được phát triển.

Sau đó, các thứ này được chuyển tới cho Dimson, người đã nhanh chóng thuyết phục được Jerry mua lại với giá 75.000 đô la – 30.000 đô trả trước và 45.000 đô sau khi kiểm tra hàng.

Giữa tháng 6, cả hai gặp lại nhau ở Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson ở Atlanta vào ban ngày. Dimson trao một chiếc cặp vải len màu nâu hiệu Armani Exchange chứa đầy tài liệu để nhận lại một hộp bánh quy nhét toàn tiền mặt.

Dimson rời khỏi sân bay, lên một chiếc xe với đồng bọn của mình, Duhaney, và lái tới Decatur, Georgia để chia chác chiến lợi phẩm: 2.000 đô cho Duhaney, 6.000 đô cho Williams và phần kếch sù còn lại 22.000 đô cho Dimson.

Nhưng món chính của bữa tiệc đến 10 ngày sau đó mới xuất hiện, khi Jerry gọi điện cho Dimson và ra giá 1,5 triệu đô cho những bí mật còn lại.

Liệu bộ ba này có giàu sụ lên sau một đêm?

Thân thế của Jerry

Jerry thực ra không phải là một giám đốc điều hành của Pepsi: mà Đặc vụ của FBI tên Gerald Reichard, gọi tắt là Gerry.

Nhiều tháng trước đó, khi Pepsi nhận được bức thư chào hàng của bộ ba kia, họ đã nhanh chóng chuyển tiếp nó tới cho Coca-Cola, và thông báo rằng có kẻ đang tuồn thông tin của hãng ra ngoài. Tới lượt mình, Coca-Cola đã yêu cầu FBI tiến hành một vụ điều tra bí mật.

Ngày 5 tháng 7 năm 2006, Williams, Dimson và Duhaney bị tóm vì tội lừa đảo qua điện thoại, ăn cắp và bán trái phép các bí mật thương mại.

 

Sau một phiên tòa nhanh gọn, Duhaney và Dimson lần lượt lãnh án 2 và 5 năm tù. Quả đúng là niềm vui ngắn chẳng tày gang, Duhaney tiếc nuối nói tại phiên tòa: “Điều kỳ diệu này nên kết thúc ngay khi mới bắt đầu.”

Williams ban đầu phủ nhận cáo buộc và khăng khăng rằng những kẻ đồng lõa đã nói dối và đâm sau lưng mình – nhưng khi đối mặt với hàng loạt các chứng cứ không thể chối cãi, cô ta cuối cùng đã phải nhận bản án 8 năm tù giam. “Mọi chuyện cứ như một tiểu thuyết gián điệp vậy,” luật sư của Williams nói với các phóng viên.

Chiến tranh Cola và sự công bằng

Pepsi làm gì khi được rao bán công thức pha chế bí mật của Coca Cola?

“Chúng tôi đã làm điều mà bất kỳ công ty có trách nhiệm nào cũng làm,” người phát ngôn của Pepsi cho biết. “Cạnh tranh có thể rất khốc liệt, nhưng cạnh tranh cũng phải công bằng và hợp pháp.”

Khốc liệt là một từ phù hợp để mô tả cuộc chiến giữa PepsiCo và Coca-Cola. Được thành lập cách nhau 7 năm vào cuối thế kỷ 19, cả hai công ty này đã cùng nhau tạo ra vào một cuộc chiến tranh giành thị phần kéo dài hàng thập kỷ.

Hai bên từng chạy những quảng cáo toàn trang báo nhằm chống lại nhau, từng tổ chức các cuộc bịt mắt nếm thử quy mô lớn, từng tham gia vào những trận chiến marketing khốc liệt tới mức truyền thông đã đặt tên cho chúng là “chiến tranh Cola”. Trong đại hội của tập đoàn những năm 80 thế kỷ trước, một cựu CEO của Coca-Cola mặc quân phục đã đập vỡ chai Pepsi xuống đất đầy khiêu khích.

Nhưng 13 năm trước, Pepsi đã chẳng chút ngần ngại khước từ bí mật thương mại của đối thủ – và đó là điều các doanh nghiệp ngày nay nên học hỏi.

Thời gian gần đây, một số lượng lớn các công ty có tiếng đã bị cáo buộc ăn trộm bí mật thương mại: Uber bị cáo buộc ăn cắp bí mật của Waymo; Samsung ăn cắp thông tin của nhà sản xuất chip TSMC; Facebook bị yêu cầu trả 500 triệu đô la cho một công ty thực tế ảo vì cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ, và sắp phải hầu toà thêm một lần nữa.

Có những lúc các công ty sẽ phải đối mặt với một câu hỏi lớn: liệu họ sẽ là Dirk hay Jerry?

Nguồn: NHDTV

 

 

Các viết cùng chủ đề