Những “chân lý” nguy hiểm trên thị trường tài chính có thể khiến chúng ta “lầm đường lạc lối”!
Nhiều “chân lý” trong đầu tư tưởng chừng như là điều hiển nhiên nhưng thực tế lại là điều hoang đường. Việc cố chấp tin tưởng vào những điều này có thể khiến chúng ta “Lầm đường lạc lối”. Hãy cùng Happy Live tìm hiểu xem đó những “chân lý” nguy hiểm nào nhé!
1. Mua và nắm giữ là một “chén thánh” của thị trường chứng khoán.
Nghiên cứu Ibbotson năm 1976 và các bản cập nhật sửa đổi sau đó đã cung cấp những bằng chứng đầy thuyết phục rằng: Chiến lược mua và nắm giữ là một chiến lược tốt nhất để đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khảo sát này được thực hiện cho hơn 100 năm. Và có 1 điều hiển nhiên hơn đó là, chúng ta có rất ít cơ hội để có thể sống hơn 100 năm chứ chưa nói đến là trở giàu có nhờ đầu tư … 100 năm trên thị trường chứng khoán. Hầu hết chúng ta thường sẽ chỉ có tầm 15, có thể là 20 năm, để tích lũy và đầu tư trên thị trường chứng khoán; một số sẽ có nhiều thời gian hơn, nhưng trung bình là vậy. Trong suốt 100 năm mà nghiên cứu Ibbotson thực hiện, đã có nhiều khoảng thời gian 15 – 20 năm mà cách tiếp cận mua và giữ sẽ dẫn đến những thua lỗ đáng kể. Sau khi thua lỗ lớn, chúng ta sẽ phải mất thêm một thời gian dài mới có thể hòa vốn. Hãy nhớ rằng, hòa vốn không phải là một chiến lược thành công.
2. Các nhà kinh tế học rất giỏi trong việc dự báo thị trường.
Điều kỳ lạ là Conference Board Leading Economic Index có bao gồm các chỉ số chứng khoán (*). Điều này có nghĩa là các nhà kinh tế học sử dụng thị trường chứng khoán như là 1 yếu tố để dự báo nền kinh tế. Tuy nhiên, sự thật là nền kinh tế sẽ giúp chúng ta dự báo tốt hơn về thị trường chứng khoán. Vào năm 1973, một nhà kinh tế trẻ tên là Alan Greenspan đã tuyên bố: “Bây giờ là thời điểm tốt nhất trong lịch sử để mua cổ phiếu”. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi thị trường gấu 1973-74 bắt đầu, khiến Chỉ số S&P 500 giảm hơn 48% trong thời gian chưa đầy 2 năm. Rõ ràng, quan niệm các nhà kinh tế học rất giỏi trong việc dự báo thị trường là sai lầm!
* Conference Board Leading Economic Index: là một chỉ số sử dụng để dự báo hoạt động kinh tế trong tương lai, được tính toán bởi một tổ chức phi chính phủ bao gồm nhiều nhà kinh tế học có tên là The Conference Board.)
3. Đa dạng hóa sẽ bảo vệ bạn khỏi tổn thất.
Harry Markowitz đã giành được giải Nobel năm 1990 cho nghiên cứu mang tính đột phá về đa dạng hóa (lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại) vào năm 1952. Trọng tâm của lý thuyết này là: bằng cách đa dạng hóa trên nhiều loại tài sản, danh mục của bạn sẽ không bị tàn phá đáng kể. Điểm mấu chốt ở đây là, Markowitz ủng hộ việc đầu tư vào danh mục đầu tư, chứ không phải là các mã chứng khoán riêng lẻ. Peter Lynch, cựu quản lý thành công của quỹ tương hỗ Fidelity’s Magellan cho biết: “Đa dạng hóa không phải là sự đảm bảo chống lại việc mất tiền, nó chỉ là một đảm bảo rằng bạn sẽ không mất tất cả tiền của mình cùng một lúc”.
4. Lãi kép là kỳ quan thứ tám của thế giới.
Trên thị trường chứng khoán, có nhiều lần thị trường rơi vào mùa đông và những thời điểm đó có thể tàn phá tài sản của nhà đầu tư một cách nhanh chóng. “Lãi kép âm” bắt buộc chúng ta phải kiếm được những khoản lợi nhuận đột biến trong những năm tiếp theo chỉ để phục hồi. Nếu bạn bị sụt giảm 33% tài khoản, bạn phải tăng trưởng 50% để hòa vốn. Hòa vốn không phải là mục đích của chúng. Một tuyên bố tốt hơn và chính xác hơn sẽ là: Lãi kép dương là kỳ quan thứ tám của thế giới.
Theo nhà đầu tư Phil Town, trong cuốn sách Ngày Đòi Nợ của mình, ông cũng đưa ra quan điểm: Lãi kép có hiệu ứng lớn nhất khi được đầu tư sớm nhất có thể! Một khi bạn đã hiểu, bạn nên lên kế hoạch đầu tư xuất phát điểm dù bao nhiêu cũng được, càng sớm càng tốt.
Nếu bạn bỏ lỡ 10 ngày tăng trưởng tốt nhất mỗi năm, bạn sẽ không thể đạt được hiệu suất như thị trường chung. Đây chắc chắn là một chân lý và nó thường được sử dụng để thuyết phục bạn phải đầu tư dài hạn. Một câu nói khác cũng đúng là: “nếu bạn không tham gia thị trường vào 10 ngày tồi tệ nhất mỗi năm, bạn sẽ vượt trội hơn rất, rất nhiều so với thị trường chung”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu bạn bỏ qua 10 ngày tồi tệ nhất mỗi năm, bạn sẽ đạt được những khoản lợi nhuận đặc biệt, tốt hơn đáng kể so với thị trường chung và tốt hơn nhiều so với những gì đạt được nếu bỏ lỡ 10 ngày tốt nhất mỗi năm. Trong giai đoạn từ 1979 đến 2004 (25 năm), tính trên chỉ số S&P 500, chiến lược mua và nắm giữ mang lại lợi nhuận +10% mỗi năm. Nếu bạn không may bỏ lỡ 10 ngày tốt nhất của mỗi năm, lợi nhuận của bạn sẽ là -10%/năm, tệ hơn đáng kể so với mua và nắm giữ. Rất thuyết phục phải không nào? Tuy nhiên, nếu bạn không tham gia thị trường vào 10 ngày tồi tệ nhất mỗi năm, lợi nhuận của bạn sẽ là +38% mỗi năm. Tất nhiên, cả hai kịch bản này đều là giả thuyết và không phải là chiến lược đầu tư thực tế, nhưng điểm mấu chốt là: Tránh được những thời điểm xấu sẽ tốt hơn nhiều so với bỏ lỡ những ngày tốt nhất.
5. Theo đuổi hiệu suất (thành tích) sẽ mang lại thành công.
Theo đuổi hiệu suất sẽ tàn phá sức khỏe của nhà đầu tư. Chúng ta có thể giao dịch/đầu tư tốt hơn hoặc kém hơn so với tiêu chuẩn của mình. Hiệu suất trong quá khứ không mang tính dự báo, nó chỉ là thước đo để đánh giá thành công của chúng ta trong quá khứ. Thành công (hoặc thất bại) có thể là do phong cách đầu tư, điều kiện của nền kinh tế, thị trường Bò/Gấu, v.v. Thành tích trong quá khứ có thể cung cấp cho chúng ta hy vọng, là người bạn đồng hành an ủi chúng ta trong chặng đường sắp tới, nhưng không phải là một chỉ báo tốt dự báo tương lai. Chúng ta nên hiểu là thị trường sẽ có những giai đoạn tốt và những giai đoạn xấu, và chúng ta cần điều chỉnh, linh hoạt khi cần thiết. Việc cố gắng theo đuổi hiệu suất sẽ không đảm bảo thành công của chúng ta.
Nguồn: Greg Morris – Stockcharts/ Traderviet
Có thể bạn quan tâm: Ngày đòi nợ (Payback Time) – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)