NHỮNG CÔNG CỤ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG MỘT QUY TRÌNH ĐẦU TƯ TỐT HƠN
NẾU LOÀI KIẾN CÓ THỂ SỬ DỤNG MỘT LOẠT CÁC NGUYÊN TẮC cơ bản để phát triển một chiến lược sinh tồn phức tạp đến vô tận, vậy các nhà đầu tư thì sao? Liệu chúng ta có thể tạo nên bộ nguyên tắc có tính đột phá giúp ta đưa ra các quyết định đầu tư thông minh hơn và ít bị tổn thương bởi sự méo mó của bộ não phi lý trí của ta? Đây là một cách để nhìn nhận về điều này: người ta nói rằng bộ não có công suất 12 watt – nói cách khác, chỉ bằng 1/5 năng lượng cần để thắp sáng một bóng đèn 60 watt.
Như thế là không nhiều khi so với lượng điện năng tiêu thụ của các hệ thống máy tính hiện thời. Thế nhưng ta mong đợi cỗ máy có phần cứng rất khiêm tốn này thực hiện cách tính toán phức tạp vô cùng của giới đầu tư, và chúng ta còn bạo dạn mong rằng mình có thể tính toán đúng. Như chúng ta đã bàn, một cách để nghiêng bàn cờ về phía có lợi cho ta là xây dựng một môi trường nơi ta có thể hoạt động có lý trí hơn – hay chí ít là bớt phi lý trí đi. Nhưng có một công cụ khác mà ta đã bỏ qua: nếu chúng ta muốn đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn hơn, một điều vô cùng giá trị là phát triển một loạt các quy tắc và thói quen mà ta có thể liên tục áp dụng. Trong thời hậu khủng hoảng, tôi cần mẫn làm việc để thiết lập cho mình cách tiếp cận đầu tư có hệ thống hơn, nhằm đem lại sự ngăn nắp và tính dễ suy đoán hơn đối với hành vi của tôi, đồng thời làm giảm độ phức tạp của quá trình đưa ra quyết định của mình. Đơn giản hóa mọi việc quả thực rất có ý nghĩa, do não bộ vốn có nguồn năng lượng rất hạn chế. Những quy tắc tôi thiết lập bao gồm một tập hợp phổ biến và rộng rãi những quy trình đầu tư thiết yếu, bao gồm những gì tôi đọc (và cả thứ tự) khi nghiên cứu cổ phiếu; những người tôi sẽ thảo luận (và từ chối nói chuyện) về những thương vụ đầu tư tiềm năng; cách tôi nói chuyện với ban điều hành công ty; cách tôi mua bán cổ phiếu; cách tôi trao đổi (và những điều không nên trao đổi) với cổ đông. Một số quy tắc có thể áp dụng rộng rãi; một số lại chỉ dành riêng cho tôi và có thể có tác dụng với tôi hơn là với bạn. Hơn thế nữa, đây vẫn là một công trình dang dở – một sách lược chơi game mà tôi vẫn tiếp tục nâng cấp khi học hỏi từ kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn.
Tuy nhiên, tôi vững tin rằng những sách lược này có thể giúp bạn rất nhiều nếu bạn bắt đầu suy nghĩ về quy trình đầu tư của mình theo cách thức có hệ thống, bài bản như thế này. Các phi công đã dung nạp những bộ quy tắc, quy trình hướng dẫn từng hành động của họ và đảm bảo an toàn của chính họ cũng như các hành khách. Những nhà đầu tư nghiêm túc muốn đạt lợi nhuận cao mà không phải đánh đổi bằng rủi ro nên theo bước các phi công. Vì sao? Vì trong đầu tư, cũng như lái may bay, sai lầm có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Cũng như nhiều điều khác trong cuộc đời đầu tư của tôi, sự hiểu biết về vấn đề này cũng nảy ra từ những cuộc trò chuyện với Mohnish. Trong chuyến đi của chúng tôi đến Ấn Độ năm 2009, tôi hỏi han ông ấy về đủ mọi thứ trên đời, bao gồm cả cách Monish đầu tư. Rõ ràng là ông đã nghĩ thấu đáo về những câu hỏi này bằng một tư duy logic và thiết lập nên những quy tắc dẫn đường cho mọi điều ông ấy làm. Ví dụ, Monish quyết định rằng sẽ không bao giờ đặt lệnh mua hay bán trong khi thị trường đang mở cửa (tôi biết bạn đang chau mày, chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này sau). Khi tôi trở về sau chuyến đi, tôi nói với chính mình, “Guy à, mày làm sai hết rồi”. Mohnish được di truyền lối tư duy khác tôi về nhiều mặt, bao gồm cả sự sẵn lòng đảm đương những rủi ro rõ rệt – hay sự không rõ ràng (uncertainty) – hơn hẳn tôi về mức độ cảm xúc. Nhưng tôi kiên quyết theo gương Monish bằng cách áp dụng tiêu chuẩn ngặt nghèo của ông vào quy trình của chính tôi. Rồi, đây là 8 nguyên tắc, thói quen, và lệ thường tôi đã đưa vào áp dụng. Đây không phải là một danh sách các nguyên tắc đã kiện toàn. Nhưng tôi hy vọng cho bạn trải nghiệm những điều tôi đã học được cho đến giờ.
Bạn có thể đọc tiếp những kiến thức trên qua quyển sách Lột xác thành nhà đầu tư giá trị – Guy Spier
Hà An
Trích sách Lột xác thành nhà đầu tư giá trị – Guy Spier
ĐẶT NGAY
Tìm hiểu thêm về sách LỘT XÁC ĐỂ TRỞ THÀNH NHÀ ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ