fbpx

Những điều “điên rồ” mà các startup nổi tiếng thế giới từng làm

Tất cả chúng ta chắc hẳn đều từng nghe những câu chuyện kiểu bỏ học để bắt đầu khởi nghiệp, ở nhờ nhà bạn bè, hay cả tháng trời chỉ ăn mì gói cứu đói . Không chỉ có thế, một số doanh nhân đầy tham vọng còn làm những chuyện vượt sức tưởng tượng để giúp doanh nghiệp của họ thành công.

Dưới đây là 9 câu chuyện khác thường về cách thức khởi nghiệp của một số công ty nổi tiếng như AirBnB, Reddit và PayPal. Khi đọc các câu chuyện này, hãy nhớ qu8y tắc rằng, “Điều gì trông lố bịch nhưng vẫn có ích thì nó không lố bịch chút nào” (If It Looks Stupid, But It Works, It Ain’t Stupid).

1. AirBnB: Bán đồ ăn sáng mang nhãn hiệu Obama

 AirBnB

AirBnB là dịch vụ giúp kết nối những chủ nhà có phòng trống tìm khách du lịch muốn thuê lại ngắn ngày. Gần đây, công ty này vừa gọi vốn được thêm 1 tỷ USD, dựa theo mức định giá 31 tỷ USD.

Tuy nhiên, hồi AirBnB mới ra đời vào năm 2008 thì giới đầu tư lại rất ngần ngại về việc đầu tư vào ý tưởng quá mới mẻ này. Để có tiền duy trì hoạt động, những nhà sáng lập đã nghĩ ra ý tưởng bán các hộp ngũ cốc ăn sáng. Họ mua về số lượng lớn ngũ cốc giá rẻ, sau đó đóng gói số ngũ cốc này vào các hộp các tông được thiết kế khá bắt mắt theo chủ đề cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, với những cái tên như Obama O’s, Cap’n McCain và Breakfast of Change.

Ngũ cốc airbnbTrong 2 tháng, họ đã bán được 800 hộp với giá 40 đô la/hộp và kiếm được hơn 30.000 đô la. Các hộp ngũ cốc nhãn hiệu Obama đã bán rất chạy, trong khi các hộp McCain thì còn dư lại khá nhiều, và thế là những nhà sáng lập đã ăn số ngũ cốc này để sống qua ngày.

2. Reddit: Tạo ra hàng loạt tài khoản giả

Được xem là diễn đàn nổi tiếng nhất Internet, Reddit có khoảng 250 triệu người dùng và 8 tỷ lượt xem trang (pageview) mỗi tháng. Năm 2006, Reddit đã được bán lại cho Conde Nast với giá 20 triệu USD, và đến giờ thì giá trị của diễn đàn này được ước tính là khoảng 500 triệu USD.

Redding

Thế nhưng, khi mới ra mắt vào 2005, Reddit lại có rất ít người dùng, ít đến nỗi các nhà sáng lập đã phải tạo ra nhiều tài khoản giả và tự nói chuyện với chính mình để tạo hình ảnh rằng đây là một diễn đàn rất sôi nổi. Một lợi thế bất ngờ của việc này là họ có thể định hướng được phong cách và nội dung của diễn đàn ngay từ đầu để thu hút đúng đối tượng người dùng mong muốn.

Trong trường hợp này, Reddit đã làm theo quy tắc “Hãy cứ giả bộ cho đến khi trở thành hiện thực” (fake it till you make it) một cách khá hiệu quả. Khi số người dùng thực sự tăng lên, các nhà sáng lập đã có thể từ bỏ việc sử dụng tài khoản giả và an tâm tập trung vào việc phát triển các tính năng.

3. Warby Parker: Mua lại xe bus và đi khắp nước Mỹ để bán hàng

Warby Parker là một trang thương mại điện tử chuyên bán mắt kính thời trang giá rẻ, được thai nghén từ việc nhà đồng sáng lập Dave Gilboa đánh mất chiếc kính trị giá 700 USD trong một chuyến đi “phượt” và không thể kiếm được cái khác thay thế.

Warby Parker

Warby Parker

Để thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông ngay từ đầu, nhóm sáng lập đã mua lại một chiếc xe buýt cũ màu vàng, biến nó thành một cửa hàng lưu động mang tên Warby Parker Class Trip và đi vòng quanh khắp nước Mỹ. Vì Warby Parker biết rằng một nửa số lượt truy cập trang web là đến từ truyền miệng, nên công ty muốn tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng mọi người.

Ra mắt vào đầu năm 2010, đến nay Warby Parker đã được định giá 1,2 tỷ USD theo vòng gọi vốn gần nhất.

4. PayPal: Phát tiền cho người dùng

PayPal

Trong năm 2016, dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal đã xử lý khối lượng giao dịch lên tới 354 tỷ USD, nghĩa là cứ mỗi ngày họ xử lý gần 1 tỷ USD. Với con số như vậy, không có gì ngạc nhiên khi doanh thu của PayPal là 10,84 tỷ USD, còn lợi nhuận là 1,6 tỷ.

Nhưng khi PayPal mới ra mắt vào năm 1998, những nhà sáng lập đã phải “lì xì” 10 USD cho mỗi người dùng mới, và sẵn sàng cho nhiều tiền hơn nữa nếu những người này giới thiệu lại PayPal với bạn bè của họ. Để làm được điều này, PayPal đã phải chịu lỗ rất lớn trong thời gian đầu, nhưng nhờ vậy họ đạt mức 1 triệu người dùng chỉ sau 1 năm ra mắt.

5. The Muse: Bị cấm dùng Gmail vì gửi thư spam quá nhiều

 The Muse

The Muse là một trang web cung cấp lời khuyên tư vấn nghề nghiệp và cơ hội việc làm, hiện đang có nhiều khách hàng là các công ty lớn như Facebook và McKinsey & Co. Với hơn 50 triệu người dùng mỗi năm, The Muse đã huy động vốn được tổng cộng gần 29 triệu USD.

Trong những ngày đầu khởi nghiệp, khi chưa ai biết đến The Muse, nhà đồng sáng lập Kathryn Minshew biết rằng việc tiếp thị truyền miệng có ý nghĩa rất quan trọng. Cô nói: “Chúng tôi không có một xu nào cho tiếp thị, vì vậy tôi quyết định gửi email cho bạn bè và những người tôi quen biết ,và yêu cầu họ giới thiệu về The Muse.” Minshew đã sử dụng Gmail để tải về tên tuổi những người mà cô từng gửi email, nhập chúng vào Excel, từ đó bắt đầu lập danh sách và gửi mail liên tục cho tất cả mọi người – cho đến khi cô bị Google gán nhãn là spammer và khóa luôn tài khoản email cá nhân.

Đây không phải là “chiến thuật du kích” duy nhất mà Minshew đã làm. Để giữ cho The Muse có tiền hoạt động trong những ngày đầu tiên, Minshew đã tổ chức bữa tiệc ra mắt cho 150 người với chi phí chưa tới 10 USD, bao gồm cả tiền taxi để di chuyển ba hộp rượu gin được tặng. Cô cũng đảm bảo việc chi trả lương đúng hạn cho một nhân viên bằng cách sử dụng luôn tiền túi cá nhân của mình.

6. Instacart: Dùng “tửu kế” để thu hút sự chú ý

Instacart là một dịch vụ thương mại điện tử chuyên về giao hàng tạp hóa, hiện đã hoạt động tại 41 thành phố ở Mỹ. Theo mức định giá gần đây nhất hồi tháng 3/2017, Instacart đang có trị giá 3,4 tỷ USD. Mặc dù Instacart chuyên giao hàng với tốc độ vô cùng nhanh chóng – có lúc giao hàng trong thời gian chưa tới 12 phút – tuy nhiên nhà sáng lập kiêm CEO của hãng là Apoorva Mehta không phải lúc nào cũng là người nhanh nhẹn.

Sau 20 lần khởi nghiệp, Apoorva đã tìm được công việc anh thật sự muốn làm
Mặc dù Instacart chuyên giao hàng với tốc độ vô cùng nhanh chóng nhưng nhà sáng lập kiêm CEO của hãng là Apoorva Mehta không phải lúc nào cũng là người nhanh nhẹn.

Mehta từng nộp đơn xin tham gia vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp Y Combinator (YC) sau khi đã quá deadline tới 2 tháng. Để thu hút sự chú ý của Garry Tan, một trong nhà đồng sáng lập của YC, Mehta đã quyết định dùng Instacart gửi tặng cho Tan 6 chai bia. Nửa tiếng sau, anh nhận được một cú điện thoại từ Tan. Mehta nhớ lại: “Tôi không chắc chắn là ông ấy có xỉn hay không, nhưng Tan yêu cầu tôi đến trụ sở của YC ngày hôm sau để gặp gỡ mọi người.”

Mehta còn làm những chuyện “khác người” nữa vì Instacart. Có một lần, Mehta và nhân viên của mình mua tất cả các loại hàng hóa trong một cửa hàng Trader Joe để chụp ảnh lại và bổ sung chúng vào cơ sở dữ liệu Instacart. Anh kể: “Toàn bộ đội ngũ Instacart đã phải ăn đồ Trader Joe ít nhất hai tuần sau khi chụp ảnh xong”.

7. Pinterest: Viết thư riêng cho hàng ngàn người dùng

 

Pinterest.

Với hơn 150 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng, mạng xã hội Pinterest hiện được định giá khoảng 11 tỷ USD. Khi mới hoạt động vào năm 2010, cộng đồng Pinterest rất nhỏ, chính vì vậy nhà đồng sáng lập Ben Silberman đã tự tay viết thư cho 7.000 người dùng đầu tiên để hỏi họ nghĩ gì về Pinterest.

Ngày nay nhìn lại, Ben Silberman cho rằng việc không ngừng thu thập ý kiến từ người dùng đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của Pinterest.

8. Salesforce: Cướp khách hàng ngay trước mũi đối thủ

 Salesforce

Dịch vụ phần mềm bán hàng Salesforce là một trong những hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ, với giá trị vốn hóa thị trường hiện tại là gần 60 tỷ USD.

Nhà đồng sáng lập của Salesforce là Marc Benioff thường được biết đến với những màn tiếp thị đúng nghĩa “không giống ai”. Ông từng thuê người đóng giả người biểu tình để phá vỡ hội thảo của đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Siebel. Ông cũng thuê lại hết toàn bộ số taxi đi từ sân bay đến nơi tổ chức hội thảo, và tận dụng khoảng thời gian 45 phút này để giới thiệu cho các quan khách tham dự hội thảo về Salesforce. Trong một trường hợp khác, ông đã hủy bỏ bài phát biểu quan trọng tại hội nghị Oracle (cũng là một đối thủ cạnh tranh khác), và thu hút đám đông nhà báo đến nghe bài phát biểu của mình tại một nhà hàng gần đó.

Ngoài ra, Benioff đã từng diễn hài kịch tự thoại với giọng Đức trong một cuộc phỏng vấn, và thậm chí còn gặp rắc rối vì đã đưa hình ảnh Đạt Lai Lạt Ma lên một tấm poster với nội dung: “Không có phần mềm trên con đường dẫn đến sự giác ngộ.” Ông cũng tổ chức các bữa tiệc đầy sôi động với hơn 90.000 khách mời, với các ban nhạc nổi tiếng như Metallica, MC Hammer, Red Hot Chili Peppers, cộng thêm các doanh nhân nổi tiếng như Richard Branson và Tony Robbins.

9. Watsi: Nhờ mọi người ở quán bar bỏ phiếu để thắng cuộc thi khởi nghiệp

Grace Garey

Watsi là một dịch vụ gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cho những người thiếu tiền chữa bệnh. Cho đến nay, Watsi đã huy động được 7,5 triệu USD để giúp đỡ 10.000 bệnh nhân ở 24 quốc gia khác nhau.

Để có được thành công như hôm nay không phải là dễ dàng. Watsi từng tham gia vào cuộc thi IgniteGood Impact Challenge có giá trị giải thưởng lên đến 10.000 USD của báo Huffington Post. Khi ấy, nhóm sáng lập đã tình nguyện làm việc không lương tại Watsi được hơn 1 năm, và họ thấy rằng không thể duy trì dự án nếu không có kinh phí hoạt động. Giám đốc tiếp thị Grace Garey nói: “Chúng tôi đã tìm mọi cách để kiếm được tiền, từ đó chúng tôi có thể phát triển tổ chức và cung cấp dịch vụ y tế cho nhiều người hơn”.

Trong vòng 1 giờ cuối cùng của cuộc thi, Watsi cạnh tranh rất khốc liệt với đối thủ về số phiếu bầu. Garey nói: “Tim tôi suýt nữa nhảy ra khỏi lồng ngực khi chứng kiến khoản tiền 10.000 USD sắp tuột khỏi tay. Khi đó, tôi đang ở quầy bar với bạn bè và tôi bắt đầu nhờ mọi người xung quanh chúng tôi bỏ phiếu cho Watsi, kể cả anh chàng bảo vệ.” Nhưng Garey đã không dừng lại ở đó – cô cũng thuyết phục luôn chàng bảo vệ này yêu cầu bất cứ ai bước vào quán bar cũng phải bình chọn cho Watsi. Nhờ đó, Watsi đã giành chiến thắng và được thưởng 10.000 USD chỉ với vài phần trăm sít sao.

Nguồn BI

Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU

Bộ sách Khởi sự - Khởi nghiệp - Làm giàu

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề