Những lưu ý ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG trước khi mua cổ phiếu
Trước khi đi trả lời câu hỏi việc chọn mua cổ phiếu nào và thời điểm nào nên mua thì bạn phải trả lời được câu hỏi bạn mua đầu tư theo dạng nào: (1) Đầu tư cơ bản – hay còn gọi là đầu tư theo giá trị, (2) Đầu tư theo tâm lý thị trường, tâm lý đám đông, (3) Kết hợp cả hai trường phái trên, dạng thứ ba này sẽ khó hơn.
Vì sao phải xác định ngay từ đầu, vì chỉ khi bạn xác định được thì bạn sẽ chọn những cổ phiếu theo dạng đầu tư đó đó, cộng với thời điểm mà bạn mua vào bán ra bạn cũng sẽ bán theo dạng đó.
Khi đi mua bất kỳ cổ phiếu nào thì thời điểm mua vào cũng rất quan trọng. Thời điểm này sẽ được quyết định bởi:
– Tình hình kinh tế vĩ mô chung (Việt Nam cũng như thế giới), kinh tế vĩ mô ngành.
– Phân tích tình hình tài chính công ty (dựa vào quá khứ, hiện tại và dự đoán trong tương lai).
– Cổ đông trong công ty (quá khứ, hiện tại và tương lai).
– Nhân sự ban giám đốc (ban điều hành) của công ty.
– Thông tin xung quanh bản thân công ty (cả tích cực và tiêu cực).
– Lịch sử giá và giao dịch cổ phiếu trong công ty.
Tình hình kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành.
Chúng ta hãy nhìn cùng điểm lại một số sự kiện lịch sử để thấy xem những sự kiện để thấy chúng có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam không nhé
– Tình hình thế giới:
+ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng hay hạ lãi suất tiền gửi?
+ Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung?
+ Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ?
+ Anh rút khỏi liên minh Châu Âu?
+ Phong trào “mùa xuân Ả rập” ?
– Tình hình trong nước:
+ Sự kiện bắt giữ bầu Kiên năm 2012 có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam không?
+ Sự kiện Trung Quốc hạ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoan Việt Nam không?
+ Khi ngân hàng nhà nước nới lỏng hoặc thắt chặt tín dụng cho các khoản vay đầu tư?
– Tình hình kinh tế ngành:
+ Khi mà giá dầu giảm: Tất cả các công ty liên quan đến khai thác, sản xuất, chế biến và dịch vụ dầu khí cổ phiếu có bị ảnh không?
+ Khi mà ngành bất động sản có dấu hiệu trùng xuống: thì cổ phiếu của tất cả những công ty như thép, xi măng, vật liệu xây dựng, thi công xây dựng có bị ảnh hưởng?
+ Khi mà nợ xấu ngân hàng đang tăng cao: Cổ phiếu của các công ty ngân hàng, tài chính và kể cả chứng khoán có bị ảnh hưởng?
+ Khi mà hiệp định thương mại CPTPP thì những ngành nào được hưởng lợi, ngành nào bị ảnh hưởng?
Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên là chúng đều sẽ bị ảnh hưởng. Mức độ mà theo mình quan sát là khá lớn. Tuy nhiên tùy vào mỗi sự kiện và ở các thời điểm khác nhau mà mức độ sẽ khác nhau (mức độ ở đây là biên độ tăng giảm trước và sau sự kiện, số lượng các mã cổ phiếu bị ảnh hưởng và thời gian bị ảnh hưởng kéo dài bao lâu). Do vậy dù bạn có đang sở hữu chỉ một mã cổ phiếu thì khi thị trường chung có xu hướng đi xuống hoặc bán tháo thì kể cả công ty bạn có là gì thì vẫn khó tránh khỏi ảnh hưởng chung đó.
Sự kiện vĩ mô mà để lại ấn tượng cũng như để lại nỗi đau lớn nhất trong lòng mình là sự kiện bầu Kiên bị bắt tháng 8/2012. Nếu ai đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu ở thời điểm đó sẽ hiểu được tâm trạng và ảnh hưởng nó sâu và rộng đến mức nào. Ngày 20/08/2012 khi nghe được tin bầu kiên bị bắt, ngày hôm đó tất cả các cổ phiếu từ lớn đến nhỏ, từ đang làm ăn tốt lẫn làm ăn không tốt, từ đã tăng trước đây hay chưa tăng..tất cả chúng đều được bán tháo và không có người mua, tình trạng bán tháo (giảm sàn) diễn ra luôn cả 1 tuần sau đó, làm cho chỉ số vnindex của tuần đó mất gần 12%. Sau sự kiện đó có những cổ phiếu mà đến gần đây mới lấy lại được giá ở tại thời điểm đó. Nhưng nếu xét trên tổng thể của thị trường thì mỗi sự kiện (khủng hoảng ) như vậy xảy ra thì thị trường sẽ có xu hướng đi xuống một thời gian, rồi sau đó tâm lý ổn định và vấn đề sẽ được giải quyết thị trường sẽ phục hồi trở lại. Trước đây mình đã làm một điều mà đến bây giờ mình cho là ngớ ngẩn ở thời điểm 2012, ngay lúc khi thị trường ngừng giảm mà có thể bán được là mình bán hết tất cả cổ phiếu đang giữ.
Theo các bạn khi có các sự kiện vĩ mô như vậy xảy ra. Thì mình nên làm gì? nên mua hay nên bán, các bạn tự phân tích nhé.
Phân tích tình tài chính của công ty.
Muốn dựa vào được các báo cáo tài chính chúng ta cần phải biết đọc hiểu và phân tích. Đọc hiểu và phân tích báo cáo tài chính giúp chúng ta 2 ý: Định giá được cổ phiếu ở thời điểm hiện tại và xác định tiềm năng trong tương lai. Nếu là đầu tư ở Việt Nam bạn còn cần phải có thêm kỹ năng để nhận biết được báo cáo ấy có “fake” hay không (tức là có được xào nấu theo ý của chủ nhân hay không).
Nếu muốn cách tìm hiểu cách đọc hiểu và phân tích các báo cáo tài chính. Các bạn google một cái là nó trả về hàng triệu kết quả, nên mình sẽ không nói thêm ở đây. Ở đây mình sẽ đi phân tích tại sao người ta lại cần xào nấu báo cáo đó:
– Thứ nhất: Không phải là toàn bộ các công ty nhưng cũng chiếm phần khá khá, các công ty ở Việt Nam luôn có 2 sổ kế toán: Một dành cho nội bộ và một dành cho bên ngoài (cho cổ đông, cho các cơ quan thuế). Vì sao họ cần làm vậy? Vì ở Việt Nam có một số khoản chi mà không thể ghi nó vào danh mục cả? Cũng có một số khoản thu mà không muốn nó nằm trong danh mục nào cả?
– Thứ hai: Vì mục đích của công ty. Ví dụ nếu công ty đang cần vốn, mà muốn mang một phần cổ phần đó đem đi bán hoặc mang đi thế chấp. Và muốn cho cổ phần đó có giá trị lớn thì cách nhanh và dễ hơn là làm cho báo cáo tài chính nó trở nên đẹp hơn ở thời điểm hiện tại. Hoặc ví dụ vì không muốn bị hủy niêm yết khi đã lỗ 2 năm rồi, đến năm thứ 3 mà bị lỗ nữa sẽ bị hủy niêm yết, nên công ty phải làm báo cáo tài chính năm thứ 3 cho “đẹp”.
– Thứ ba: Vì mục đích cá nhân của một số cổ đông hoặc người trong ban điều hành công ty muốn buôn bán cổ phiếu. Thế thì cũng nên làm cho báo cáo nó xấu đi khi mua vào và làm nó đẹp lên khi bán ra.
Chẳng lẽ công ty họ xào nấu vậy mà nhà nước và các bên kiểm toán họ lại để yên? Ngoài việc người trong công ty niêm yết thông đồng với công ty kiểm toán hoặc cá nhân kiểm toán viên, thì bản thân pháp luật cũng có những kẽ hở để những người lập báo cáo kiểm toán có thể lách.
Vậy có cách nào (dấu hiệu nào) để nhận biết được báo cáo này có đang xào nấu hay không? Đây có lẽ là câu hỏi khó, vì những chiêu thức mình sẽ liệt kê dưới đây có lẽ đã cũ (viết đầy trên báo- mình copy trên báo) cộng thêm con người luôn luôn sáng tạo ra những chiêu thức mới. Nhưng dù sao vẫn mong nó có ý nghĩa cho những người chưa bao giờ tìm hiểu:
(1). “Cookie Jar Reserve”: Công ty tạo ra “Cookie Jar” (Lọ kẹo ngọt) nhằm mục tiêu “để dành” lợi nhuận. “Cookie Jar” được tạo ra từ các khoản dự phòng, ghi nhận trước chi phí và trì hoãn ghi nhận doanh thu.
(2). “Take a Big Bath”: Công ty xoá bỏ những khoản mục “treo” trên bảng cân đối kế toán nhằm “gột rửa” báo cáo tài chính. Thường nghiệp vụ “Take a big bath” sẽ làm cho công ty lỗ lớn, nhưng có mục đích rất rõ ràng cho các kỳ tiếp theo.
(3) “Big bet on the Future”: Công ty “đánh cược vào tương lai” thông qua áp dụng các lỗ hổng trong quy định của chuẩn mực kế toán để ghi toàn bộ lợi nhuận có thể thu được trong tương lai vào năm hiện tại.
(4). “Throw out the Problem Child”: Công ty loại bỏ những phần xấu nhất trên báo cáo tài chính thông qua các giao dịch tài chính với bên thứ ba.
(5). “Change GAAP”: Công ty sử dụng thủ thuật thay đổi chính sách kế toán nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận mong muốn. Chính sách kế toán được “lợi dụng” nhiều nhất là chính sách ghi nhận doanh thu. Rất nhiều công ty đã thay đổi chính sách ghi nhận doanh thu để đạt được lợi nhuận mong muốn.
(6). “Sales and Lease Back”: Thủ thuật “Bán tái mua/tái thuê” là thủ thuật được Lehman Brothers áp dụng trước khi bị “lộ” và phải bảo hộ phá sản. Năm 2016, Eximbank cũng bị đưa ra công chúng là đã lợi dụng kỹ thuật này.
(7). “Use of SPEs”: Công ty sử dụng các “đơn vị có mục đích đặc biệt – SPEs” nhằm tạo doanh thu ảo, giấu nợ. TTF là trường hợp điển hình nhất sử dụng thủ thuật này.
(8). “Above the Line, Below the Line”: Thủ thuật phổ biến trên thế giới. Trên thị trường Việt Nam, cổ phiếu được giới đầu tư gọi là “con tàu ma” đã áp dụng thủ thuật này, nhằm đánh lạc hướng nhà đầu tư về lợi nhuận.
(9). “Cherry Picking”: Một thủ thuật thông dụng, khi các công ty “chọn lọc” khéo léo hàng bán, chứng khoán đầu tư nhằm tăng lợi nhuận bán hàng.
(10). “Holding gain”: Hàng tồn kho tăng liên tục qua các năm là dấu hiệu thủ thuật “holding gain” đã được sử dụng để “cook” lợi nhuận.
Ngoài ra còn rất nhiều thủ thuật khác như Cross Trade (TTF), Shrink the Ship, Early Retirement of Debts,… đã và đang được lợi dụng trên thị trường.
Trong tất cả những chiêu thức trên thì chúng ta thấy có một điểm chung. Là người ta chỉ làm đẹp/hoặc xấu được trong 1 kỳ hoặc 1 năm, chứ không thể xào nấu được lâu dài. Nên cách nhận biết dễ nhất là chúng ta có thể đem so sánh phân tích với cùng kỳ và so sánh với các quý trước đó, nếu có những mục/khoản có sự tăng/giảm đột biến thì chúng ta cần phải đặt câu hỏi?.
Dựa vào cổ đông lớn của công ty.
– Cổ động lớn trong công ty là những quỹ hay tập đoàn tài chính, họ lại chuyên đi lướt sóng. Thì thời điểm mà bạn mua vào cổ phiếu đó mình cũng nên thận trọng và xem xét kỹ lưỡng. Nó luôn có 2 mặt, có thể trong tương lai họ sẽ “đánh” nó lên hoặc dìm nó xuống, hoặc ngay tại thời điểm mình mua vào họ cũng đang đánh lên hoặc xuống.
– Cổ phiếu của công ty mà cổ đông lớn (là những quỹ hay tập đoàn có tài chính mạnh) họ đầu tư và đầu tư theo kiểu giá trị, thông thường những cổ phiếu này có tính ổn định hơn, tiềm năng tăng trưởng của công ty cũng sẽ tốt hơn…nhưng ngược lại sẽ có những đánh đổi đó là khi họ đã đầu tư thì thường giá cổ phiếu đã được định khá cao, sự biến động (tăng/giảm) về giá trong ngắn hạn sẽ không nhiều.
– Khi cổ đông lớn là những công ty được thành lập bởi cá nhân những người trong hôi đồng quản trị hay ban giám đốc, hay bởi những công ty con mà có sở hữu chéo. Hay việc các công ty mẹ và công ty con có buôn bán (thương mại) lẫn cho nhau. Cổ phiếu của những công ty này nếu muốn được xào nấu thì sẽ rất khó lường.
Dựa vào ban điều hành (ban giám đốc) của công ty.
Cũng giống như cổ đông lớn của công ty. Nếu người trong ban điều hành của công ty đó thế nào thì công ty đó sẽ thế đó. Vấn đề ở đây là làm thế nào để biết được ban điều hành đó có tốt hay không? Có tâm hay không?
Sẽ khó có công thức chung để trả lời cho câu hỏi này. Nhưng bạn thử đặt câu hỏi tương tự với chính công ty mà bạn đang làm xem, ban điều hành công ty mình có TỐT (có tâm, có tầm, có tài) không, mình đang dựa vào yếu tố (tiêu chí) nào để đánh giá chính công ty của mình? Hoặc đặt câu hỏi đó với người hàng xóm nhà bạn? Từ những tiêu chí mà bạn mang ra đánh giá đó, bạn hãy thử dùng nó để đánh giá ban điều hành của công ty mà bạn đang định mua vào?
Dựa vào thông tin xung quanh công ty.
– Thông tin về nhận được hợp đồng này hay trượt hợp đồng kia?
– Thông tin về hợp tác hoặc hủy bỏ hợp tác với các đối tác.
– Thông tin thay đổi nhân sự cấp cao.
– Thông tin về mở rộng/ thu hẹp lĩnh vực kinh doanh.
– Thông tin về tăng hoặc giảm tài sản cố đinh.
– Thông tin mở rộng/thu hẹp các chi nhánh.
– Thông tin về việc chia cổ tức.
Tất cả những thông tin trên và rất nhiều thông tin xung quanh nữa nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh cũng như biến động giá cổ phiếu của một công ty. Với các công ty niêm yết thông thường những thông tin này sẽ bắt buộc phải được công khai. Nhưng có một số chú ý khi chúng ta đọc hoặc phân tích những thông tin trên:
+ Thông thường thông tin đến được với đại chúng, đã có một độ trễ nhất định. Tức là trước khi đến với đại chúng thì những thông tin này đã được các cổ đông lớn và người trong ban điều hành công ty đã biết trước.
+ Khi đọc thông tin đó thì không nên đọc 1 chiều. Mà hãy tìm lại những thông tin tương tự trong quá khứ, hoặc ở trong các công ty niêm yết cùng ngành.
Dựa vào lịch sử giá và giao dịch.
Đây có lẽ là mục mà các nhà đầu cơ và đầu tư theo tâm lý đám đông thích nhất. Dựa vào lịch sử biến động giá (biến động lúc mở cửa so với lúc đóng cửa trong ngày, biến động lúc đóng cửa ngày hôm trước so với đóng cửa ngày hôm sau, biến động đang ở đang ở mức đáy hay mức đỉnh của tháng, của quý và của năm) và dựa lịch sử thay đổi khối lượng số cổ phiếu được giao dịch cũng như được đặt lệnh, để người ta dự đoán ra sự biến động trong tương lai.
Từ đây rất nhiều lý thuyết (phương pháp để dự đoán) được ra đời, người ta cố gắng thống kê để khoa học hóa, hàm số hóa và biểu đồ hóa những lịch sử đó để dự đoán giá cổ phiếu cho tương lai. Để nói chi tiết đến từng phương pháp thì có lẽ phải mất không phải một bài viết mà rất rất nhiều bài viết mới nói hết được từng phương pháp. Ở đây mình chỉ liệt kê những phương pháp phổ biến mà dân ta hay áp dụng (RSI, MACD, Oscillator…)
Tóm lại: Việc chọn thời điểm, và chọn cổ phiếu để mua vào trong đầu tư chứng khoán là vô cùng quan trong. Để tránh mất tiền oan chúng ta cần phải tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ 6 yếu tố trên đối với mỗi cổ phiếu. Nhưng nói đi cũng phải nói lại để tìm hiểu thật sâu những yếu tố đó không hề dễ dàng đối với đại đa số những người nghiệp dư như mình. Nhưng chẳng lẽ lại không có cách nào sao? Đây là sẽ câu hỏi mở, các bạn thử tìm câu trả lời nhé.
Nguồn: Cafe Chứng Khoán
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách
Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Suy nghĩ vượt lên trên đám đông để trở thành
kẻ chiến thắng trong đầu tư