Những MÓN HỜI trong đầu tư thường xuất hiện ở đâu?
Trong thị trường tài chính, việc các nhà đầu cơ trở nên điên cuồng mua có thể dẫn tới bong bóng. Ngược lại, sự bỏ lơ hoặc bán tháo có thể khiến một cổ phiếu ngày càng trở nên rẻ, khiến việc mua cổ phiếu đó có vẻ như một “món hời”. Và hàng nghìn nhà đầu tư theo đuổi một kỹ thuật tìm kiếm cơ hội đầu tư thành công – một Chén Thánh trong đầu tư!
Yếu tố nào biến cơ hội thành khoản đầu tư thật sự tiềm năng? Như tôi đã nhắc đến ở chương 4, đó chủ yếu là giá cả. Mục tiêu của chúng ta không phải tìm những tài sản tốt, mà là những thương vụ tốt. Nói cách khác, nó không phải là thứ mà chúng ta mua, mà chính là cái giá chúng ta bỏ ra để mua nó. Một tài sản chất lượng cao có thể tạo thành một thương vụ tốt hoặc xấu, và một tài sản chất lượng thấp cũng có thể thể tạo thành một thương vụ tốt hoặc xấu. Việc nhầm lẫn giá trị của từng cơ hội đầu tư và thất bại trong việc phân biệt tài sản tốt hay xấu là nguyên nhân dẫn đến rắc rối cho phần lớn các nhà đầu tư.
Chính vì tìm kiếm những thương vụ đầu tư tốt, mục tiêu chính của tôi trong chương sách này là giải thích điều làm cho một thương vụ đầu tư thật sự tốt. Nhìn chung, đó là giá cả của nó thấp hơn so với giá trị thật, và lợi nhuận tiềm năng cao hơn so với rủi ro kèm theo. Vậy bằng cách nào để tìm ra món hời đó?
Ở chương 10, tôi đã dùng cơn sốt của các cổ phiếu công nghệ làm ví dụ cho một quá trình mà qua đó một ý tưởng tốt có thể biến thành một bong bóng đầu tư. Chúng đều bắt đầu với một cổ phiếu khá hấp dẫn. Khi mọi người bắt đầu chú ý đến nó hơn, họ càng muốn sở hữu nó. Điều này khiến cho tiền đầu tư đổ vào nó, làm cho giá tăng lên. Khi giá tăng, mọi người sẽ cho rằng đó là một khoản đầu tư chất lượng, họ sẽ tiếp tục mua nó. Những người khác bắt đầu nghe về khoản đầu tư này và nhảy vào, và như thế chu kỳ tăng giá càng tiếp tục được đẩy mạnh không ngừng. Đây như là một cuộc thi và cổ phiếu này chính là kẻ chiến thắng. Nếu họ tiếp tục mua vào đủ lâu và đủ mạnh, khoản đầu tư này sẽ biến thành bong bóng. Và bong bóng khiến những nhà đầu tư gạo cội rất nhiều cơ hội để bán và bán khống.
Quá trình mà một cổ phiếu giá hời được tạo ra thì lại hoàn toàn trái ngược. Vì thế để tìm thấy chúng, điều tiên quyết nhất là chúng ta phải hiểu được nguyên nhân tại sao cổ phiếu đó lại mất đi tính hấp dẫn của nó. Tuy nhiên, đây không hẳn phải là kết quả từ những phân tích chuyên sâu. Thực tế, phần lớn quá trình này lại trái ngược lại với phân tích thông thường, mà là tìm hiểu những chuyển biến tâm lý thị trường và những thay đổi khiến cho nó mất đi tính hấp dẫn vốn có.
Vậy điều gì khiến cho giá cả thấp hơn so với giá trị thật, và lợi nhuận cao hơn so với rủi ro? Nói cách khác, nguyên nhân nào khiến khoản đầu tư rẻ hơn bình thường?
- Khác với những cổ phiếu gây sốt, những cổ phiếu có giá hời thường có hình hài của một sản phẩm lỗi. Có thể nhóm tài sản đó có nhiều điểm yếu, có thể công ty khá tụt hậu so với các công ty cùng ngành, có thể bảng cân đối kế toán có quá nhiều nợ, hoặc có thể cổ phiếu đó làm tăng cao mức độ rủi ro của danh mục đầu tư nếu nắm giữ nó.
- Trong một thị trường hiệu quả, để định giá đúng cần sự tham gia của những chuyên gia phân tích thị trường công tâm, tuy nhiên những món hời thường tìm thấy từ những những điều không hợp lý hay hiểu biết sai lầm. Vì thế, món hời thường được tạo ra khi nhà đầu tư định giá sai cổ phiếu, hay không hiểu rõ nguyên nhân của sự việc, hay không vượt qua những truyền thống đầu tư, định kiến hay những chỉ trích.
- Không như những cổ phiếu “con cưng” của thị trường, cổ phiếu “con ghẻ” bị lờ đi, khinh rẻ hoặc chế giễu trên các phương tiện truyền thông hay trong các bữa tiệc cocktail giữa các nhà đầu tư.
- Thông thường thì giá của các cổ phiếu này đang trên đà giảm, khiến cho những người tư duy cấp độ một tự hỏi, “Ai mà thèm mua chúng chứ?” (Cần nhắc lại hầu hết các nhà đầu tư suy từ dữ liệu quá khứ và mong chờ sự tiếp diễn của xu thế hơn là dựa vào phương pháp đáng tin cậy hơn, đó là quy luật hồi quy về trung bình. Những người tư duy cấp độ một có xu hướng xem giá quá khứ thấp là điều đáng lo ngại, hơn là cổ phiếu đã thật sự rẻ đi.)
- Chính vì thế, cổ phiếu hời là cổ phiếu mà không ai muốn sở hữu. Các quỹ đầu tư tránh xa hay tháo chạy khỏi chúng, và không ai có lý do gì để giữ chúng cả.
Sau đây là một ví dụ mà món hời có thể được tạo ra khi toàn bộ phân nhóm tài sản trở nên lỗi thời.
Câu chuyện của trái phiếu trong suốt 60 năm trước là hình ảnh đối lập của sự tăng trưởng của cổ phiếu. Trái phiếu bắt đầu mất đi sự hấp dẫn khi cổ phiếu độc quyền chiếm lấy sân khấu trong những năm 50 và 60, và đến cuối năm 1969, tuần báo của First National City Bank kết luận cái chết của trái phiếu với dòng chủ đề “Phát Hành Cuối Cùng” được đóng trong khung đen. Trái phiếu đã bị triệt hạ trong môi trường lãi suất cao của những năm 70, và dù cho lãi suất có giảm dần vào những năm 80 và 90, trái phiếu cũng không có một lần lần vực dậy để đối đầu với sự tăng trưởng chóng mặt của cổ phiếu.
Đến nửa sau những năm 90, bất cứ khoản đầu tư nào vào trái phiếu thay vì cổ phiếu đều bị xem như là một cái neo kiềm hãm lợi nhuận. Tôi đã điều hành ủy ban đầu tư của một tổ chức từ thiện và chứng kiến một tổ chức từ thiện thân cận ở thành phố khác – với tỉ lệ danh mục 80:20 trái phiếu/cổ phiếu – chuyển đổi tỷ lệ danh mục sang 0:100. Tôi đồ rằng một nhà đầu tư tổ chức thông thường sẽ nói rằng: Chúng ta có một phần danh mục đặt vào lợi nhuận cố định. Tôi không thể nói cho anh biết tại sao. Đó là một sai lầm trong quá khứ. Những người đi trước tôi đã tạo ra nó, nhưng lý do tại sao thì không ai nhớ được nữa. Bây giờ thì chúng ta đang xem xét để giảm đi tỷ trọng của nó.
Mặc dù sự hấp dẫn của việc mua thêm cổ phiếu vẫn còn thấp trong thập kỷ hiện tại, vẫn còn rất ít dòng tiền chảy vào những trái phiếu cấp cao. Sự hấp dẫn của trái phiếu tiếp tục đi xuống một phần là do chủ tịch Greenspan của Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích nền kinh tế và chống lại những cú sốc từ bên ngoài (như sự kiện Y2K). Với việc trái phiếu kho bạc và trái phiếu cấp cao đem về lợi nhuận 3-4%, chúng không đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư tổ chức muốn nhắm đến 8%.
HEMLINES,” 10/09/2010
Trích: sách Điều Quan Trọng Nhất – Howard Marks, Happy Live tổng hợp.
Có thể bạn quan tâm: Điều Quan Trọng Nhất – Howard Marks
Sự khôn ngoan khác biệt dành cho những nhà đầu tư thông minh
(Cuốn sách huyền thoại Warren Buffett khuyên mọi NĐT nên đọc)