Những người thu nhập không cao thì nên quản lý tiền bạc như thế nào?
Những người thu nhập không cao thì nên quản lý tiền bạc như thế nào? Thói quen sinh hoạt của mỗi người là khác nhau, bởi vậy cần căn cứ từ các đặc điểm cá nhân để lập ra kế hoạch tài chính riêng, đừng áp dụng một cách cứng nhắc phương pháp của người khác lên người mình.
Nhắc đến quản lý tài chính, nhiều người thường nhảy dựng lên cho rằng: “Tôi không có tiền, thu nhập thì thấp, không biết quản lý, mà quản lý thì có tác dụng gì đâu”. Thực ra các bạn đã nghĩ nhầm rồi, tiền bạc là thứ cần tích lũy từng chút từng chút một. Đừng nói bạn không có tiền nên không cần quản lý, ngược lại, cần phải học xong cách quản lý, chi tiêu cho hợp, bạn mới có thể có tiền.
Vậy với những người có thu nhập không cao, họ nên quản lý thu chi của mình như thế nào?
1. Đừng bao giờ vay nợ
Vay nợ là hình thức mọi người luôn hướng tới mỗi lúc trong tay không còn tiền. Tuy nhiên dù là vay bạn bè, vay người thân hay vay ngân hàng, tất cả đều tồn tại rủi ro. Cách giải quyết dành cho bạn là đừng bao giờ để các khoản chi vượt quá thu nhập cá nhân. Hãy khống chế phần chi trong phạm vi năng lực bạn có thể chống đỡ. Thực tế chứng minh có rất nhiều thứ bạn không cần đến thế, mua chỉ để thỏa mãn niềm vui chốc lát sẽ khiến bạn hối hận dài dài.
Bên cạnh đó, hãy học cách ghi chép chi tiêu. Bằng cách này, bạn có thể dễ dàng nhìn ra mình đang “vung tay quá trán” cho việc gì, các khoản chi nào là khoản chi không hợp lý.
2. Đừng ham hố thanh toán bằng thẻ tín dụng
Càng ngày càng có nhiều người sử dụng thẻ tín dụng nhưng có một lời khuyên là đừng học theo họ, đừng sử dụng thẻ tín dụng, trừ khi bạn có nhiều tiền và không bao giờ gặp áp lực phải trả tiền.
Với những người có thu nhập ổn định, cao hoặc trên mức cao, họ tiêu tiền để kiếm được nhiều tiền hơn còn những người thu nhập thấp, tiêu tiền chính là tiêu tiền, áp lực chồng áp lực sẽ khiến bạn rất mệt mỏi. Hãy nhớ rằng về bản chất, tiền trong thẻ tín dụng vẫn là một khoản vay với lãi suất không nhỏ, nếu bạn đã không có tiền còn phải gánh thêm chi phí lãi thì liệu bạn tiêu tiền có còn an tâm không?
3. Sử dụng từng đồng tiền cho mục đích hợp lý
Nếu bạn nghĩ mình chẳng có mấy đồng nên không cần quan trọng chuyện này thì bạn lại tiếp tục nhầm rồi, đến tỷ phú thế giới như Warren Buffett còn có thói quen tiết kiệm đó thôi. Góp gió thì mới thành bão, tích từng đồng thì mới thành được khoản lớn, ở đời nào có mấy ai phất lên chỉ sau một đêm. Đừng bao giờ lãng phí dù chỉ là một đồng tiền, học cách tiết kiệm đúng đắn, bạn mới có thể khiến tiền đẻ ra tiền.
4. Kiên trì với việc tiết kiệm
Bạn nhất định phải trích ra một phần thu nhập cố định mỗi tháng cho quỹ phòng thân, con số này được khuyên là từ 10% trở lên. Cần tiết kiệm trước khi chi tiêu, chứ không phải tiêu rồi còn dư bao nhiêu thì tiết kiệm. Khoản tích trữ ấy bạn có thể gửi tiết kiệm online, gửi sổ tiết kiệm ngoài ngân hàng hay đơn giản là bỏ ống heo, nhưng quy tắc là không được động đến chúng. Với khoản còn lại sau khi tiết kiệm, hãy phân chia sao cho hợp lý. Nếu làm được như vậy, về lâu về dài bạn sẽ có một khoản tài chính dư ra không nhỏ.
5. Quy hoạch cuộc sống rõ ràng
Mỗi giai đoạn của cuộc đời cần có một quy hoạch khác nhau. Chẳng hạn như khi còn trẻ, bạn dám nghĩ dám làm, bạn không có trách nhiệm nào cần gánh vác, vậy có thể quản lý chi tiêu theo cách phóng khoáng một chút. Thế nhưng đến một độ tuổi lớn hơn, bạn cần có trách nhiệm với gia đình, vậy cần cân nhắc phương pháp quản lý tài chính truyền thống hơn.
Thói quen sinh hoạt của mỗi người là khác nhau, bởi vậy cần căn cứ từ các đặc điểm cá nhân để lập ra kế hoạch tài chính riêng, đừng áp dụng một cách cứng nhắc phương pháp của người khác lên người mình.
6. Kiên trì với kế hoạch đề ra
Bạn cần xác định ngay từ đầu rằng phương pháp quản lý tài chính của mình cần thời gian để chứng minh hiệu quả. Việc xác định hướng đi chính xác cho dòng tiền của mình, quy hoạch quản lý tiền tệ cá nhân không phải chuyện một sớm một chiều là xong, mà cần cả đời để hoàn thành.
Khoản dự trữ mỗi tháng cần để riêng ra. Khoản chi cho đầu tư cũng cần ở mức ổn định. Đừng theo được mấy tháng là chán, đồ đạc dùng chán thì bán đi mua lại, mua lại xong chán tiếp tục bán đi.
7. Quan tâm đến tình hình kinh tế trong ngoài nước
Vấn đề nghe có vẻ vĩ mô nhưng thực tế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống tài chính của chính bạn. Chăm đọc báo, xem thời sự, cập nhật thông tin thay vì dành thời gian cho những thứ vô bổ. Đồng tiền không tự sinh ra, cũng không tự mất đi, mấu chốt vẫn là ở bạn mà thôi.
Theo Trí thức trẻ
Có thể bạn quan tâm:
THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI THỊNH VƯỢNG – CẨM NANG XÂY DỰNG MỘT CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG