Những sai lầm tai hại mà nhà đầu tư nào cũng từng mắc phải
Theo Investopedia, những sai lầm tồi tệ nhất là không lập kế hoạch dài hạn, để cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định và không đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Không hiểu khoản đầu tư
Warren Buffett từng cảnh báo nhà đầu tư: “Đừng bao giờ rót tiền vào doanh nghiệp bạn không hiểu rõ”. Cách tốt nhất để tránh sai lầm này là xây dựng danh mục đầu tư đa dạng hóa bao gồm các chứng chỉ quỹ ETF hay quỹ tương hỗ. Nếu đầu tư và từng cổ phiếu riêng lẻ, phải chắc rằng bạn hiểu rõ các công ty mà chúng đại diện trước khi xuống tiền.
Quá yêu thích một công ty
Khi nhìn thấy công ty đang đầu tư làm ăn tốt, bạn sẽ dễ trở nên yêu thích nó thay vì nhìn nhận lý trí với tư cách một khoản đầu tư. Phải luôn nhớ rằng bạn mua cổ phiếu để kiếm tiền. Nếu bất cứ yếu tố quan trọng nào từng thôi thúc bạn đầu tư vào công ty giờ đây đã thay đổi, hãy cân nhắc bán ra.
Thiếu kiên nhẫn
Về lâu dài, cách tiếp cận chậm và ổn định sẽ mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn là vội vã. Kỳ vọng danh mục đầu tư sinh lãi nhanh hơn khả năng của nó chắc chắn sẽ tạo ra thảm họa. Bạn cần giữ cho kỳ vọng về thời gian tăng trưởng lợi nhuận phù hợp với thực tế.
Mua đi bán lại quá nhiều lần
Liên tục thay đổi giữa vị thế mua và bán sẽ giết chết lợi nhuận. Trừ khi bạn là nhà đầu tư tổ chức được hưởng phí giao dịch thấp, chi phí hoa hồng mỗi lần mua bán có thể lấy sạch lợi nhuận của bạn. Đó là chưa kể đến thuế thu nhập khi bán chứng khoán và chi phí cơ hội từ việc bỏ lỡ lợi nhuận dài hạn của các khoản đầu tư hợp lý khác.
Cố gắng mua đáy bán đỉnh
Mua đáy bán đỉnh cực kỳ khó, ngay cả nhà đầu tư tổ chức cũng hiếm khi thành công trong việc này. Một nghiên cứu nổi tiếng đăng trên Tạp chí phân tích tài chính năm 1986 đã phân tích lợi nhuận của các quỹ hưu trí Mỹ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng trung bình, gần 94% sự thay đổi của lợi nhuận theo thời gian có thể được giải thích bởi quyết định chính sách đầu tư. Nói đơn giản, điều này có nghĩa là hầu hết lợi nhuận của danh mục là kết quả của quyết định phân bổ tài sản chứ không phải là thời điểm mua/bán hay thậm chí là việc chọn lựa khoản đầu tư.
Chờ hòa vốn
Cố gắng nắm giữ một cổ phiếu cho đến khi giá phục hồi về mức mua vào là một sai lầm phổ biến khác. Tài chính hành vi gọi đây là “lỗi nhận thức”. Với việc không chịu cắt lỗ, nhà đầu tư tự khiến mình thiệt đơn thiệt kép.
Thứ nhất, giá cổ phiếu có thể tiếp tục giảm xuống 0. Thứ hai, nhà đầu tư bở lỡ cơ hội dùng số tiền thu hồi được cho những việc tốt hơn.
Không đa dạng hóa
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp (như Warren Buffett) có thể tạo ra lợi nhuận vượt trội so với mặt bằng chung bằng cách dồn tiền vào một số cổ phiếu. Nhưng nhà đầu tư thông thường không nên bắt chước phương pháp này mà cần tuân theo nguyên tắc của đa dạng hóa.
Khi xây dựng danh mục, hãy mua cổ phiếu của tất cả các ngành lớn. Một nguyên tắc phổ biến khác là không phân bổ quá 5 hay 10% tỷ trọng danh mục cho một khoản đầu tư riêng lẻ nào.
Để cảm xúc chi phối
Có lẽ sát thủ nguy hiểm nhất của lợi nhuận là cảm xúc. Nỗi sợ và lòng tham thống thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư không nên để lòng tham hay nỗi sợ chi phối quyết định của mình. Thay vào đó, nhà đầu tư nên tập trung vào cái nhìn toàn cảnh hơn.
Tỷ suất lợi nhuận chứng khoán có thể biến động dữ dội trong khoảng thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, cổ phiếu vốn hóa cao có thể đạt tỷ suất lợi nhuận trung bình 10%.
Trong một khoảng thời gian dài, lợi nhuận của danh mục đầu tư sẽ không chênh lệch nhiều so với mức trung bình trên. Ngoài ra, nhà đầu tư kiên nhẫn có thể được hưởng lợi từ quyết định phi lý trí của những người khác.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z