Những tiết lộ đầy giá trị từ Cuộc phỏng vấn Ed Seykota, một trong những nhà giao dịch tốt nhất thời đại hiện nay.
Ed Seykota là một trong những nhà giao dịch tốt nhất trong thời đại chúng ta. Theo tôi biết không một nhà giao dịch nào đạt được thành tích như Ed Seykota trong một khoảng thời gian tương tự (một trong những tài khoản khách hàng của anh tăng 250.000% từ năm 1972 tới 1988).
Tôi chưa từng nghe về Ed Seykota khi tôi bắt đầu thực hiện Cuốn sách “những phù thuỷ sàn chứng khoán” này. Tên của Seykota đã được nhắc đến vài lần trong cuộc phỏng vấn của tôi với Michael Marcus với tư cách là một người có sức ảnh hưởng nhất trong việc biến anh trở thành một nhà giao dịch thành công. Sau cuộc phỏng vấn, Marcus trầm ngâm nói: “Anh biết không anh thật sự nên phỏng vấn Seykota. Anh ấy không chỉ là một một nhà giao dịch vĩ đại đại; Anh ấy còn là một nhà hiền triết”.
Đối lập với hầu hết các nhà giao dịch khác tôi thường phỏng vấn, bàn làm việc của Seykota không hề có một màn hình giao dịch nào. Giao dịch của anh phần lớn chỉ gói gọn trong một vài phút mở chương trình máy tính, mà chương trình này báo hiệu cho ngày tiếp theo.
Trong cuộc đối thoại với Seykota, tôi bị choáng ngợp bởi sự thông minh và nhạy bén của anh. Tôi nghĩ đó là một sự kết hợp kỳ lạ. Anh có cách nhìn nhận mọi thứ theo kiểu cổ điển độc đáo. Tại một thời điểm Anh nói về những phân tích kỹ thuật trên máy tính như một nhà khoa học tài năng (anh có bằng kỹ sư điện tử từ MIT), nhưng ở những thời điểm khác khi cuộc đối thoại chuyển thành tâm lý giao dịch, anh biểu lộ một sự nhạy bén sâu sắc và cái nhìn xuyên thấu vào bên trong hành vi của con người.
Thành công của Seykota vượt lên trên sự giao dịch thuần túy. Anh gây ấn tượng với tôi như một người đã tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời mình và sống một cuộc sống chính xác như anh mong muốn.
Phong cách của tôi về cơ bản là đi theo xu hướng, với khả năng nhận diện một vài mẫu hình đặc biệt và các thuật toán quản lý tiền bạc.
(Bình luận: Lại là mấy cái mẫu hình với mấy cái Pivot…)
Anh nghĩ gì về việc sử dụng phân tích cơ bản làm đầu vào của giao dịch?
Những nhân tố cơ bản mà anh đọc được về căn bản là vô tác dụng vì thị trường đã phản ánh chúng vào giá, và tôi gọi chúng là “những những ảo tưởng hài hước”. Tuy nhiên, nếu anh nắm bắt được chúng sớm trước khi những người khác biết và tin vào điều đó, anh có thể có được những lợi thế đầy giá trị.
(Bình luận: Tôi có vài mánh khoé giúp đoán trước yếu tố cơ bản, cụ thể là KQKD, nhờ đó trong nhiều vụ có thể giành được lợi thế, bữa nào rảnh trình bày chi tiết sau).
Câu trả lời của anh có một chút khôi hài. Có phải anh chỉ sử dụng phân tích kỹ thuật không?
Tôi chủ yếu giao dịch theo xu hướng với lợi thế là khoảng 20 năm kinh nghiệm. Thứ tự ưu tiên quan trọng đối với tôi là:
- Xu hướng dài hạn bạn.
- Mẫu hình biểu đồ hiện tại và
- Chọn một thời điểm giao dịch tốt để mua hoặc bán.
Đây là 3 yếu tố chủ đạo trong giao dịch của tôi. Ở vị trí thứ tư là những ý tưởng cơ bản, và có vẻ như sau khi cân nhắc kỹ thì các yếu tố cơ bản đã làm tôi mất tiền.
(Bình luận: Bạn có thể dễ dàng nhận thấy nhiều nhà giao dịch có thành tích vượt trội hàng đầu thế giới sử dụng cùng một cách tương tự theo thứ tự ưu tiên này, thậm chí một số nhà đầu tư siêu hạng còn bày tỏ sự căm thù với phân tích cơ bản, do từng chết sấp mặt vì tin vào cơ bản doanh nghiệp, ôm cổ phiếu qua thị trường gấu bị thua lỗ nặng, hoặc vì quá tin vào cơ bản doanh nghiệp mà không cắt lỗ nhận sai sớm khiến khoản thua lỗ nhỏ ban đầu trở thành khoản thua lỗ quá lớn, như Dan Zanger hồi mới đầu tư chẳng hạn).
Giao dịch bi kịch nhất hoặc để lại nhiều cảm xúc nhất của anh là gì?
Những trải nghiệm giao dịch nhiều cảm xúc và bi kịch nghe có vẻ tiêu cực quá. Cú trượt chân lớn nhất của tôi xảy ra ngay sau khi tôi đưa cảm xúc tham gia vào những vị thế của mình.
(Bình luận: Nguy hại nhất là cảm xúc hưng phấn khi cổ phiếu tăng mạnh, khiến cho người ta không chốt lãi được và để khoản lãi lớn biến mất. Nhiều người còn đau đớn hơn khi đã bán chốt rồi, sau đó cổ phiếu tăng thêm một quãng lại hưng phấn mua lại giá cao và ăn trái đắng. Nhiều người thì ôm tới đỉnh không chốt lại còn mua thêm, sau đó cổ phiếu giảm tiếp thì dùng margin bình quân giá xuống. Cảm xúc sợ hãi không tham gia mua sớm ngay khi thị trường thoát khỏi điều chỉnh cũng nguy hại không kém. Cảm xúc hưng phấn và sợ hãi thực sự là kẻ thù của nhà đầu tư và nhà giao dịch.)
Các yếu tố của một giao dịch tốt là gì?
Các yếu tố của một giao dịch tốt bao gồm: (1) Cắt lỗ (2) Cắt lỗ và (3) Cắt lỗ. Nếu anh có thể tuân theo ba nguyên tắc này anh sẽ có cơ hội.
Thế anh giải quyết việc gặp thua lỗ liên tiếp như thế nào, liên tục phải cắt lỗ có thể cháy tài khoản?
Tôi giải quyết việc lỗ liên tiếp bằng cách cắt giảm hoạt động. Tôi chỉ đơn giản là đợi nó qua đi. Cố gắng giao dịch trong suốt một chuỗi thua lỗ là việc làm tàn phá tinh thần, mất đi tinh thần là đánh mất tất cả. Cố gắng tham gia trò “đuổi bắt” có thể dẫn đến kết cục chết chóc..
Rất ít nhà giao dịch đạt được thành công rực rỡ như anh, điều gì đã làm anh khác biệt?
Tôi nghĩ thành công của mình đến từ tình yêu dành cho thị trường. Tôi không phải là một nhà giao dịch thông thường. Giao dịch là cuộc sống của tôi, tôi đam mê giao dịch. Nó không chỉ là một thói quen, thậm chí không chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp đối với tôi. Giao dịch là những gì tôi dự định sẽ làm trong suốt cuộc đời mình.
(Bình luận: Không riêng nghề giao dịch trên thị trường tài chính, bất cứ nghề nào nếu làm mà không có lòng yêu nghề thì đều khó có thành tựu lớn).
Những quy tắc giao dịch nào giúp anh sống sót?
- Cắt lỗ
- Nắm giữ vị thế chiến thắng
- Giữ tỷ lệ đánh cược hợp lý
- Tuân theo nguyên tắc mà không thắc mắc
- Biết khi nào cần phá vỡ nguyên tắc
Hai nguyên tắc cuối cùng của anh rất thú vị vì chúng trái ngược nhau, giờ hay nói một cách nghiêm túc, anh tin tưởng vào cái nào: tuân thủ nguyên tắc hay biết khi nào nên phá vỡ chúng?
Tôi tin tưởng cả hai. Hầu hết thời gian tôi tuân theo nguyên tắc. Khi tiếp tục nghiên cứu thị trường, đôi khi tôi tìm được một nguyên tắc mới (của thị trường, không phải chủ kiến cá nhân) phá vỡ và thay thế một nguyên tắc cũ trước đó. Thỉnh thoảng tôi phá vỡ quy tắc theo chủ quan cá nhân. Khi điều đó xảy ra tôi chỉ đơn giản thoát khỏi thị trường và đi nghỉ cho tới khi cảm thấy mình sẵn sàng tuân theo nguyên tắc một lần nữa.
Tôi không nghĩ nhà giao dịch có thể tuân theo những nguyên tắc trong thời gian rất dài trừ khi chúng phản ánh phương pháp giao dịch của họ. Cuối cùng, thời điểm phá vỡ quy tắc sẽ đến (khi quy tắc không còn đúng, do thị trường thay đổi) và nhà giao dịch phải thoát ra, hoặc phải thay đổi, hoặc tìm ra những bộ quy tắc mới mà anh ta có thể tuân theo. Điều này dường như là một phần của sự tăng trưởng và tiến hóa của một nhà giao dịch.
Lời khuyên quan trọng nhất mà anh dành cho những nhà giao dịch bình thường là gì?
Anh nên tìm một nhà giao dịch siêu hạng để thực hiện giao dịch cho mình, và sau đó anh nên tìm điều gì đó anh thực sự yêu thích để làm.
(Bình luận: Hoặc nếu thực sự muốn học nghề giao dịch, anh có thể nhân cơ hội đang là khách hàng mà bám theo anh ta để học hỏi, qua nói chuyện trao đổi trực tiếp, qua các nhận định tư vấn của nhà giao dịch đó, chỉ một vài năm anh có thể hiểu được rất nhiều thứ mà nếu tự mầy mò anh có thể mất cả thập kỷ…)
Anh có sử dụng dịch vụ báo cáo thị trường do bên khác cung cấp không?
Không. Những báo cáo thị trường có xu hướng bị chậm so với thị trường, bởi nó phản ánh nhu cầu tin tức về những hành động gần đây. Dù có những ngoại lệ quan trọng, nhưng việc viết báo cáo thị trường thường là nghề khởi đầu trong ngành công nghiệp đầu tư/giao dịch tài chính. Do đó, việc này thường được đảm nhận bởi những nhà giao dịch không có kinh nghiệm, hoặc người không làm nghề giao dịch. Những người giao dịch tốt sẽ giao dịch, còn những người viết báo cáo phân tích sẽ chuyên viên viết báo cáo phân tích.
(Bình luận: Theo ý của Ed Seykota, thử hỏi nếu anh giao dịch tốt tại sao anh lại làm nghề viết báo cáo phân tích mà không làm giao dịch để kiếm nhiều tiền hơn? Chỉ một lý do này thôi đã đủ để bạn phớt lờ các báo cáo phân tích thị trường rồi.)
Tôi để ý thấy không có màn hình giao dịch trên bàn làm việc của anh, vì sao thế?
Có một màn hình giao dịch giống như có một máy bán hàng tự động trên bàn, anh sẽ giao dịch liên tục cả ngày. Tôi chỉ xem số liệu về giá sau khi đóng cửa mỗi ngày.
(Bình luận: Nhiều người mong chờ thị trường VN được giao dịch T+0, nhưng điều này có thể trở thành thảm hoạ vì họ sẽ bị cuốn theo giao dịch quá mức liên tục trong ngày, Ed Saykota không giao dịch trong ngày mà cuối ngày mới xem xét giá đóng cửa).
Anh đã tập trung rất nhiều vào mặt tâm lý, anh có thể đoán biết được liệu một người sẽ có thể trở thành một nhà giao dịch thắng lợi hay thua lỗ bằng cách nói chuyện với anh ta không?
Có chứ, những người giao dịch Thắng Lợi Thường Chiến Thắng ở bất kỳ lĩnh vực nào mà họ tham gia trong nhiều năm.
Anh tìm kiếm phẩm chất nào để nhận ra đặc điểm của một người giao dịch Chiến Thắng?
Anh ta yêu thích giao dịch và anh ta khát khao Chiến Thắng.
Vì sao có quá nhiều nhà giao dịch thất bại trên thị trường?
Hầu hết những con rùa con đều không sống được tới khi trưởng thành (*). Trên thị trường tài chính cũng vậy, nhiều người được xướng tên nhưng chỉ một vài người được chọn. Xã hội vận hành bằng việc hấp dẫn số đông. Khi họ bị loại bỏ sẽ chỉ còn những tay chơi tốt ở lại, những người khác được giải phóng để làm công việc khác cho tới khi họ tìm thấy tiếng gọi của bản thân. Việc theo đuổi các ngành nghề khác cũng dựa trên chân lý tương tự, những người giỏi nhất ở mỗi ngành nghề đều sẽ trở nên giàu có.
(*) Bình luận: Câu trả lời cho thấy Ed Saykota không chỉ là nhà đầu tư giỏi mà còn là người có hiểu biết và triết lý sống sâu sắc. Số lượng rùa con trên mỗi ổ trứng là rất nhiều, nhưng do thời gian đạt độ tuổi trường thành rất lâu, lên tới 15-30 năm tuỳ loài, và có nhiều loài địch hại, do đó tỷ lệ sống sót của rùa con tới tuổi trưởng thành là 1/1.000. Nhà giao dịch mới thử sức với thị trường cũng vậy, ban đầu rất nhiều và đông đảo người muốn tham gia và thử sức, nhưng để có thể trở nên trưởng thành trong giao dịch và đầu tư thì cần thời gian rất dài (trong cuốn Momentum Master, Mark Minervini cho rằng cần tới 5-6 năm học hỏi và thất bại mới có thể trở nên thành thạo), cũng có rất nhiều những cám dỗ và sai lầm trong “đoạn đầu đời giao dịch” khiến nhà giao dịch mới không thể đạt tới tuổi trưởng thành. Bởi thế có rất ít người thực sự trải qua được “đoạn đầu đài = đoạn đầu đời” để trở nên khác biệt nhờ rèn luyện được “cái mai rùa vững chắc”.
“Rùa con định hướng ra biển dựa vào ánh sáng của đường chân trời. Ban đêm, phía biển bao giờ cũng sáng hơn phía đất liền. Do đó, nếu có ánh sáng mạnh ở phía đất liền do con người tạo ra, rùa biển con sẽ bị nhầm lẫn và di chuyển ngược vào vùng có ánh sáng đó. Những con di chuyển sâu vào trong đất liền sẽ bị chết do mất nước và mất sức.” – Đối với nhà giao dịch mới tham gia thị trường, những cám dỗ mong muốn làm giàu nhanh chóng đưa chúng ta đến những cổ phiếu nóng – những vụ đầu tư mạo hiểm cao kém bền vững, chính là đi ngược lại với con đường để thành công trong chứng khoán, đó là “tăng trưởng một cách bền vững qua từng năm, chứ không phải chỉ huy hoàng rồi vụt tắt”. Khi thắng vài vụ, chúng ta dễ dàng sinh ra những ảo giác về khả năng của bản thân, cảm xúc dâng trào và “ánh sáng ảo giác” che mờ hết mọi thứ, việc gặp thất bại trước khi kịp trường thành trong đầu tư tài chính gần như là điều đương nhiên.
“Khi con rùa non mới sinh ra rất yếu ớt, lại phải băng qua bãi biển trống và vùng nước nông ven bờ, nơi có rất nhiều động vật ăn thịt sinh sống. Trên bãi biển, con non có thể bị các loài như kiến, cua, kỳ nhông, chó, mèo… ăn thịt. Khi xuống mặt nước và bơi qua vùng nước nông ven bờ thì bị các loài cá lớn, chim… ăn thịt. Ước tính chỉ có khoảng 40%-50% tổng số con non sinh ra trên bãi biển có thể sống sót ra đến đại dương.” – Nhà giao dịch mới – những người còn non nớt trên thị trường tài chính cũng vậy, họ dễ dàng bị “làm thịt” trước khi kịp có được những hiểu biết nhất định và làm chủ được bản thân, làm chủ được giao dịch, và hiểu được thị trường.
“Sau khi ra đến đại dương, con non sẽ bơi liên tục trong vòng 2 – 5 ngày không ăn cho đến khi gặp được dòng chảy lớn. Sau đó, con non sẽ dựa vào dòng chảy này để di chuyển, ăn thức ăn nổi như động vật phù du và “mất tích” từ 5-15 năm. Sau 5-15 năm, rùa biển sẽ di chuyển vào khu vực nước nông ven bờ và bắt đầu ăn thức ăn dưới đáy giống như con trưởng thành.” Ở đây, chúng ta lại tìm thấy một triết lý trong quá trình trưởng thành của một nhà giao dịch. Khi đã bơi ra được tới biển lớn, tức đã bắt đầu có được một số định hướng nhất định, nhưng thành tích đầu tư lúc này cũng chỉ là lúc được lúc mất, chẳng ăn được gì (2-5 ngày không ăn). Sau đó, bắt đầu theo dòng chảy của thị trường, nhà đầu tư “non nớt” ban đầu lúc này có thể bắt đầu kiếm được một vài vụ nho nhỏ, bắt đầu làm chủ được “cuộc đời giao dịch” của mình, nhưng vẫn “mất tích” trên thị trường trong nhiều năm. Cho tới khi “trưởng thành” vẫn cần rất nhiều năm học hỏi nữa, và khi đã trưởng thành rồi, nhà giao dịch – giống như rùa biển, có thể sống rất thọ – nhờ vào “cái mai cứng được tôi luyện qua thời gian” của mình.
Nguồn: Chiemtinhtaichinh
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm Giàu Từ Chứng Khoán (phiên bản mới) + Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)