Những triết lý làm nên sức mạnh của Honda (Phần 2): Làm việc – Hãy làm kể cả từng tấm kính
Honda Soichiro: trông con cho chủ để được học nghề, từ kẻ đi sau trở thành ông trùm đế chế xe hai bánh
Dưới đây trích lược nội dung của cuốn sách này – một số triết lý sống của vị doanh nhân Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ Soichiro Honda (1906 – 1991).
Xem thêm Những triết lý làm nên sức mạnh của Honda – Phần 1: Sống – tại đây.
Phần 2: LÀM VIỆC
Nhu cầu là mẹ đẻ của mọi phát minh
Khi Thế chiến thứ hai chấm dứt, hầu hết các công ty đều sở hữu rất nhiều đất đai với giá vài chục xu một mét vuông. Trong chiến tranh, các công ty này được đảm bào đủ nguyên vật liệu để sản xuất nhờ thế lực của quân đội. Thế nhưng, trường hợp của Sony hay Honda chúng tôi chẳng hạn, chúng tôi đã bắt đầu xây dựng công ty một hoặc hai năm sau khi chiến tranh chấm dứt mà không có lấy một cắc trong túi.
Để có thể biến từ “không” thành “có”, chúng tôi chỉ có thể dựa vào ý tưởng. Tôi có lần đã lượm một con ốc chữ thập rớt dưới đất trong lúc tham quan một xưởng sản xuất ở nước ngoài. Nhật Bản lúc bấy giờ không có loại ốc này. Tôi đã cho chế tạo loại vít này ở xưởng sản xuất của mình và sử dụng để lắp ráp, năng suất làm việc tăng lên rõ rệt.
Đó là minh chứng chính xác cho quan điểm “Nhu cầu là mẹ đẻ của phát minh”. Vì nếu không có sáng tạo cái mới hoặc không nặn óc suy nghĩ cách làm mới khác với hiện tại thì không thể thắng ai được.
Tri thức là điều có thể tích lũy được
Nhân loại có câu “Chỉ có phát kiến chứ không có phát minh”. Những phát minh cho dù có là phát minh độc quyền, thoạt trông có vẻ là độc đáo sáng tạo nhưng thật ra trong sản phẩm đó có sự vận dụng trí tuệ mà loài người đã tích lũy hàng nghìn năm. Phần cánh đẩy (phần đuôi) của tên lửa hay đạn pháo có hình dạng phần lông gắn ở đuôi mũi tên thời xưa là ví dụ điển hình cho thấy sáng kiến ở trình độ cao tạo ra những kỹ thuật mũi nhọn tối tân nhất thời hiện đại cũng đều được sinh ra dựa trên sự sáng tạo của các bậc tiền nhân. Thêm nữa, giấc mơ được bay trên không trung như loài chim của nhân loại được hiện thực hóa bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cánh của máy bay, đặc biệt là những cánh phụ xếp gấp của máy bay và phần chân bánh xe giấu vào trong chính là phát kiến từ hình ảnh loài chim.
Khi hiểu được sự hiện diện trí tuệ của người xưa trong những kỹ thuật tiên tiến hiện đại thì có lẽ chẳng ai còn dám hùng hồn tuyên bố là phát minh được.
Không nên trở thành người chỉ biết vâng lời
Tôi muốn nóii với những nhân viên mới đang tràn đầy nhiệt huyết rằng: “Các bạn không nên trở thành một nhân viên chỉ biết vâng lời”.
Cấp trên nói cái gì các bạn cũng nghe theo hết thì không được. Kể cả chỉ thị, ý kiến của cấp trên cũng cần phải xem xét đúng sai. Không được tâng bốc, ton hót theo số đông. Dĩ nhiên cũng không được dễ dàng tiếp nhận sự phê phán theo số đông.
Người làm kinh doanh nếu chỉ biết tập hợp những người chỉ biết vâng lời ở xung quanh để thể hiện uy quyền trong khi công ty lụi dần mà bản thân vẫn đang ở trên tận mây xanh thì mọi chuyện sẽ ra sao?
Người làm kinh doanh nếu chỉ biết tập hợp những người chỉ biết vâng lời ở xung quanh để thể hiện uy quyền trong khi công ty lụi dần mà bản thân vẫn đang ở trên tận mây xanh thì mọi chuyện sẽ ra sao? Hãy đặt niềm tin ở người trẻ, nếu không thì ngay cả sự tồn vong của quốc gia cũng sẽ bị đe dọa.
Phải biết nghĩ tới người khác
Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều phương án để tránh xung đột trong thương mại quốc tế. Cuối cùng tôi rút ra kết luận là các doanh nghiệp chỉ cần làm giống như những gì tôi đã làm thì không phải lo lắng. Hay nói cách khác, các công ty muốn tổ chức thương mại ở đâu thì phải sản xuất ngay tại đó.
Giả sử công ty bạn mở rộng sang một nước A nào đó, người dân xứ này luôn tự hào mình sở hữu công nghệ sản xuất xe ô tô tốt nhất thế giới, vậy mà nay do kỹ thuật lạc hậu, tự dưng bị Nhật Bản đánh bại trên đất của mình, đáng buồn đúng không? Cảm giác ấy như thể nước mình vừa bị “xâm lược”. Cho nên, chúng tôi chủ trương phải kết thân với người bản địa để cùng nhau sản xuất. Vì mục tiêu của một doanh nghiệp không phải là xâm chiếm đất đai của đất nước ấy mà chỉ sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Hoàn toàn không liên quan đến chuyện biên giới quốc gia. Dù anh là người nước nào thì chúng ta cũng đều có thể cùng nhau làm việc.
Bản thân mình càng mạnh thì càng cần phải nghĩ cho người khác.
Con mắt của công chúng
Những ý tưởng độc đáo và mới lạ không thể nào được sản sinh ra từ những người “ếch ngồi đáy giếng” hay những người chỉ biết “cày như trâu như ngựa” được. Sản phẩm bán ra thị trường phải hướng đến đối tượng là số đông khách hàng, cho nên cần nắm rõ nhu cầu của khách hàng.
Phỏng vấn một nhân viên công sở ở thành phố về xu hướng sinh hoạt của vùng nông thôn là một việc làm vô ích. Tương tự, thình lình hỏi một người hằng ngày chỉ cầm cuốc xẻng về cảm nghĩ của họ với những biến động của thời trang thì vừa vô lý mà lại không có ý nghĩa gì. Cho nên kế hoạch đương nhiên phải được xây dựng không chỉ trên bàn giấy.
Công chúng thật ra là những nhà phê bình nghiêm khắc và vô cùng sắc sảo. Họ nhận định tốt hay xấu rất nhạy bén. Tuyệt đối không thể lấy vải thưa mà che mắt thánh để qua mặt công chúng được.
Tác dụng của “lập lờ”
“Sắc tức thị không, không tức thị sắc” là đạo lý cơ bản trong triết học của người Nhật. Cho nên ở Nhật tồn tại rất nhiều thứ mang tính lập lờ. Bản thân người Nhật hiểu rất rõ rằng có những thứ mà ta không thể nói rõ ràng là “có” hay “không”. Lập lờ giống như thời khắc chạng vạng cuối ngày, thời khắc đó vừa là ngày cũng vừa là đêm, không thể phân định được.
Nếu mọi thứ đều có thể phân định rạch ròi thành “có” hoặc “không” thì thế giới sẽ nhỏ bé lắm. Tác dụng của tính “lập lờ” là nó giúp ta không bao giờ bị bế tắc. Nó liên đới lưng chừng với nhiều hướng đi khác nhau đồng nghĩa với việc nó có thể phát triển theo bất cứ hướng nào.
Các nhà kỹ thuật đôi khi cũng cần “lập lờ”. Tất nhiên không thể lạm dụng nhưng nếu biết dùng đúng lúc, đúng chỗ thì công việc sẽ tiến triển thuận lợi hơn.
Nghĩ lại
Sau khi rời ghế giám đốc, tôi đã phải cố gắng kiềm chế bản thân. Vì về bản chất, tôi là một người rất yêu công việc. Cứ sáng ra là tôi lại muốn làm việc. Sau khi về hưu, không ít lần sáng ra tôi lại lên xe ô tô và lái xe đến phòng nghiên cứu. Một nửa trong số đó là do tôi làm theo tiềm thức, nửa còn lại là do tôi lo lắng không yên.
Tuy nhiên, đi được nửa đường, trong khi chờ đèn đỏ bất chợt tôi lại nghĩ: “Nếu bây giờ mà tôi đến phòng nghiên cứu thản nhiên như trước thì thẳng phải tôi làm ngược với quan điểm của mình hay sao? Tôi làm thế có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tinh thần tự lập của những người đang cố gắng cho công việc được chính tôi giao phó”.
Tôi nghĩ lại và quay trở về nhà. Việc này đã lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian khá lâu.
“Báu vật” của tôi
Hai bàn tay phải trái của tôi hoàn toàn khác nhau. Bàn tay phải to và dầy. Bàn tay trái chằng chịt các vết sẹo.
Tôi dùng tay phải để cầm các loại dụng cụ làm đủ các công việc. Tay trái còn lại phải hứng chịu hết mọi tác động do tay phải gây ra, có thể coi bàn tay trái là “bàn tay chịu thiệt thòi”. Móng bàn tay trái của tôi đã bị dập không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần như thế, móng cũ bị bong đi, móng mới mọc lên thay vào đó. Ngón cái và ngón trỏ thì bị máy cưa cắt lìa ra thành ra ngắn hơn tay phải chừng một centimet. Lòng bàn tay trái còn chằng chịt những vết sẹo do dao công cụ đâm xuyên qua tới tận mu bàn tay do dính phải những mảnh dẫm to tướng cắm vào.
Có thể nói tôi là kiểu người có khả năng chịu đựng những vết thương gấp đôi người bình thường. Những vết sẹo này có khi đã hơn năm mươi năm, nhưng với tôi chúng là những “báu vật”.
Tai của con bò
Một hôm tôi tới thăm một trang trại, tôi đã hỏi người chăn bò – người hằng ngày chăm sóc những con bò rằng “Tai con bò nằm ở đâu?”. Người chăn bò trả lời là không biết. Trở về Tokyo, tôi đem chuyện này hỏi một anh bạn làm họa sĩ, anh này bảo tôi mang giấy bút ra, loáng cái đã vẽ ngay một con bò và bảo: “Tai con bò nằm ngay bên dưới cái sừng”.
Bỗng nhiên tôi giật mình. Hóa ra cùng quan sát một con bò nhưng vì mục đích quan sát khác nhau kéo theo vị trí quan sát cũng khác nhau.
Tương tự, có rất nhiều việc trên đời tưởng chừng như đã biết nhưng khi đi vào chi tiết sâu và kỹ thì hóa ra lại thành không biết gì. Đó là điều tôi chiêm nghiệm được khi bắt tay vào vẽ tranh.
Cách quảng cáo có một không hai
Honda chính thức mở rộng thị phần sang Mỹ vào năm 1959. Thời điểm đó, ở Mỹ chỉ phổ biến ô tô còn lĩnh vực sản xuất xe máy gần như bế tắc cả về kỹ thuật lẫn kinh doanh. Để bán được ở Mỹ thì không thể tiếp tục nhấn mạnh yếu tố thực dụng đang áp dụng, vì vậy Honda lên chiến dịch tuyên truyền xe máy là loại phương tiện phục vụ mục đích thư giãn, nghỉ ngơi.
Honda đã thiết kế và bán ra thị trường các loại xe máy mà phụ nữ hay trẻ em đều dễ dàng điều khiển như Hunter Cub (xe để đi săn) hay Fishing Cub (xe để đi câu). Ấn tượng của người Mỹ về xe máy là hình ảnh các anh chàng ăn chơi khoác chiếc áo da màu đen, ngồi xe máy lạng lách đánh võng. Để thay đổi quan niệm ấy, Honda đã cho đăng thông tin quảng cáo lên hầu hết các tạp chí hàng đầu như Times Life. Chiến lược có một không hai đó đã mở đường cho Honda chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
Lý luận và thực tiễn
Kỹ thuật vốn rất kỳ lạ, có khi có thể dễ dàng thực hiện đúng như lý thuyết, nhưng có khi lại cho kết quả chẳng ngờ chỉ vì một chút khác biệt trong quá trình làm thử. Với kinh nghiệm làm việc lâu năm thì tự nhiên sẽ có linh tính “à chỗ này có cái gì đó” và bắt tay vào kiểm chứng linh tính ấy.
Khi bắt tay vào làm việc gì, nếu cách này không được thì tôi làm cách khác. Và điều đó lại tiếp tục trở thành kinh nghiệm mới mà mình sẽ tích lũy được.
Qua nhà vệ sinh sẽ biết…
Ở chỗ tôi ngày xưa, điều đầu tiên phải cân nhắc và thảo luận khi thiết kế nhà máy là nhà vệ sinh, nơi tất cả mọi người đều sử dụng chung. Đây cũng là nơi vô cùng quan trọng để đảm bảo tiến hành công việc thuận lợi. Có những xưởng sản xuất đặt nhà vệ sinh ở trung tâm nhà máy để tất cả mọi công nhân đều cảm thấy bình đẳng về khoảng cách. Nhờ vậy mọi người tự quản lý thời gian, mang lại kết quả tốt, tạo cảm giác bình đẳng.
Khi khách đến nhà hoặc tham quan nhà máy, tôi đều muốn cho họ sử dụng nhà vệ sinh. Vì điều đó thể hiện tấm lòng luôn quan tâm đến người sử dụng. Tôi tránh tiếp xúc quan hệ với những công ty không có tinh thần quan tâm đến chuyện nhà vệ sinh bẩn hay ít quan tâm vệ sinh những khu vực sử dụng chung thường xuyên.
Để có ưu thế trong cuộc đua
Kinh doanh là một cuộc đua khốc liệt không kém những cuộc đua xe. Không đến mức phải đổ máu, nhưng có thể coi là cuộc chiến để được hàng vạn người thừa nhận. Chỉ cần một thoáng lơ đễnh sẽ bị phá sản trong chốc lát. Tôi có thể khẳng định như vậy sau quãng thời gian dài làm việc trong thế giới đó.
“Dù thế giới có bình yên trở lại thì dưới chế độ tự do cạnh tranh, sự khốc liệt trên thương trường sẽ không bao giờ thay đổi”.
Tôi muốn bạn hình dung về các cuộc đua xe. Sự thú vị của cuộc đua nằm ở chỗ những chiếc xe cùng xuất phát tại một điểm lại có thể nhanh chóng phân định thắng thua trên đường đua. Sự phân định ấy có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó hẳn nhiên có vận may, nhưng phần lớn là phụ thuộc vào suy nghĩ của người chơi về cuộc đua đó.
Hãy giao quá khứ cho luật sư
Công ty Honda Giken trực tiếp chiếm lĩnh thị trường nước ngoài mà không cần cầu viện bất cứ công ty thương mại nào. Tự xác lập cách thức bán hàng riêng tại nước ngoài và thu được thành công tốt đẹp hoàn toàn không phải điều dễ dàng. Fujisawa – người phụ trách xây dựng mạng lưới bán hàng lúc bấy giờ đã trình bày các phương án đối phó với những khó khăn công ty có thể gặp phải, như thua lỗ hay sa lầy trên thị trường. Ông ấy đã nói như sau:
“Trong kinh doanh không thể tránh khỏi lúc sa cơ lỡ vận. Điểm yếu của các công ty Nhật Bản là thường quy trách nhiệm làm ăn thua lỗ cho nhân viên phụ trách. Điều này sẽ đánh mất sự tích cực của nhân viên. Nếu chẳng may làm ăn thua lỗ thì hãy để mọi việc còn lại cho luật sư giải quyết. Còn chúng ta phải tiếp tục nỗ lực khai thác lại thị trường hơn là ngồi bàn về chuyện đã qua. Việc khai thác năng lực là chuyện tương lai, còn quá khứ hãy để các luật sư giải quyết”.
Hãy làm kể cả từng tấm kính
Tôi luôn tin rằng chỉ cần có quyết tâm, con người có thể làm ra mọi thứ. Khi sáng lập Honda Giken, tôi đã xuất phát từ việc tái chế lại một nhà máy cũ nát. Khi sản xuất pít tông và lốp xe, do không có tiền để mua thiết bị phân tích nên tôi đến xưởng sản xuất và tự tay làm ra toàn bộ thiết bị ấy. Không có vốn thì mọi thứ đều phải bỏ công, tự tay mình làm nên. Rốt cuộc tôi đã tự làm từ đầu đến cuối.
Chính tay tôi tự trộn bê tông khi xây nhà máy. Nhà máy xây xong tương đối nhưng không có cửa kính. Thế là tôi tự làm kính luôn. Tôi đi thu gom một số kính vỡ, đem nấu chảy trong lò rồi đúc kính, tất nhiên sản phẩm ra lò là những tấm kính lồi lõm, nhưng trước mắt coi như đã hoàn thiện được nhà máy. Nếu không đủ vốn thì bạn phải lấp đầy sự thiếu hụt ấy bằng kiến thức và sức lao động của chính mình.
Ngay cả trong lĩnh vực thế mạnh của mình…
Tôi tuyệt nhiên không bao giờ nhúng tay vào việc mà tôi không giỏi. Trong công ty, tôi có một cộng sự mà tôi có thể tin tưởng 100% là ông Fujisawa Takeo. Tôi có thể giao phó hoàn toàn công việc kinh doanh cho ông ấy. Tôi chỉ tập trung vào thế mạnh của mình.
Nhưng ngay cả trong lĩnh vực thế mạnh của tôi, thành công chỉ chiếm 1% trong khi 99% còn lại là thất bại và vấp váp.
Dù chỉ miệt mài trong lĩnh vực sở trường nhưng đã có lúc tôi đứng trên bờ vực phá sản. Thế nên nếu tôi lại còn nhúng tay vào những việc không phải sở trường thì có lẽ thất bại là điều không thể tránh khỏi.
Nguồn: Doanhnhansaigon