fbpx

Ông chủ tiết kiệm của hãng nội thất IKEA nổi tiếng thế giới

Ingvar Kamprad – sáng lập hãng nội thất IKEA không lái xe đời mới, chỉ đi máy bay hạng phổ thông và cố gắng tối thiểu hóa mọi chi phí.

Ingvar Kamprad – nhà sáng lập Ikea

Doanh nhân Thụy Điển trở thành một trong những người giàu nhất thế giới bằng cách biến những nội thất đơn giản, giá rẻ trở thành đế chế toàn cầu mang tên Ikea. Năm 2017, doanh thu của hãng đạt gần 46 tỷ USD. Từ 2005-2010, ông luôn nằm trong top 10 người giàu nhất hành tinh của tạp chí Forbes. Năm 2016, ông rời danh sách này sau khi chuyển tài sản cho ba con trai. Ingvar Kamprad mất vào tháng một năm nay ở tuổi 91.

Tỷ phú tên thật là Ingvar Feodor Kamprad, sinh ngày 30/3/1926, lớn lên trong một trang trại ở miền Nam Thụy Điển. Giấc mơ kinh doanh của ông có từ sớm. Lúc 5 tuổi, doanh nhân đã bắt đầu bán các hộp diêm cho hàng xóm để kiếm tiền. Cuộc sống còn khó khăn ở quê hương – Smaland sớm hình thành trong ông nhận thức rằng giá cả là yếu tố quan trọng trong kinh doanh. Năm 11 tuổi, ông thành công với thương vụ đầu tiên liên quan đến các hạt giống và mua một chiếc xe đua từ số tiền kiếm được.

Năm 1943, ở tuổi 17, Kamprad lập công ty đặt hàng qua thư để bán những cây bút nhập khẩu, đặt tên là IKEA – ghép từ những chữ cái đầu tiên của tên ông Ingvar Kamprad và trang trại Elmtaryd, làng Agunnaryd nơi ông sống.

Trong bảy thập kỷ kể từ đó, Kamprad đã biến hãng nội thất IKEA trở thành nhà bán lẻ nội thất lớn nhất thế giới với hơn 350 cửa hàng ở 29 quốc gia khắp châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông và châu Á, với trên 930 triệu lượt ghé cửa hàng và 210 triệu người nhận catalogue với 32 thứ tiếng.

Dù không có kiến thức về nội thất hay đam mê mãnh liệt trong thiết kế nhưng Kamprad tự hào mình là người “không có khẩu vị”. Năm 1948, ông bắt đầu quảng cáo các sản phẩm hãng nội thất IKEA  chủ yếu cho nông dân và người nghèo nông thôn. Những dòng sản phẩm đầu tiên đều có giá rẻ bao gồm chiếc ghế không tay gọi là Ruth, một chiếc bàn cà phê, giường sofa và một chiếc đèn chùm. Tất cả đều được thực hiện bởi các nhà sản xuất địa phương ở Almhult và bán với giá rẻ nhất có thể.

Chỉ trong vài tháng, doanh nhân bắt đầu mua cửa hàng đầu tiên để trưng bày các sản phẩm in trong catalogue, người tiêu dùng có thể đến và kiểm tra chất lượng các mặt hàng. Tại đây, khách hàng được mời ăn bánh và uống cà phê. Cửa hàng thành công lớn khi mang đến một sự tươi mới với giá cả phải chăng.

Bước đột phá kinh doanh lớn nhất của Kamprad là làm đồ nội thất phẳng. Ý tưởng xuất hiện năm 1953, trong quá trình chụp hình cho catalogue. Nhiếp ảnh gia phàn nàn về những chiếc chân bàn chiếm quá nhiều không gian phòng, nên cố gắng gập và giấu chúng dưới phần trên của bàn. Một người nổi tiếng siêu tiết kiệm như Kamprad nhanh chóng nhận ra cách này có thể giúp giảm giá thành vận chuyển. Ngay sau đó, các khách hàng của IKEA rất vui vẻ tự lắp ráp hàng khi vận chuyển đến nhà vì chi phí tiết kiệm hơn.

Trong những năm 1960, hãng nội thất IKEA mở rộng ra thủ đô Stockholm và nhiều nơi khác ở Thụy Điển trước khi tấn công sang các nước láng giềng như Đan Mạch và Na Uy. Với doanh số liên tục tăng trưởng của đơn vị, các đối thủ tổ chức tẩy chay các nhà cung cấp của hãng nội thất IKEA và bản thân Kamprad bị cấm tham dự các hội chợ thương mại. Có một lần doanh nhân đã lén lút tham gia một hội chợ và sau đó quyết định chống lại lệnh cấm bằng việc tự tổ chức hội chợ cho riêng mình. Ông cũng bắt đầu qua Ba Lan tìm nguyên liệu và sản xuất, thậm chí còn cắt giảm được nhiều chi phí hơn ở Thụy Điển.

Thập niên 70, công ty mở rộng sang Thụy Sĩ và Canada. Năm 1985, cửa hàng đầu tiên tại Mỹ được mở ở Philadelphia. Những năm 1990, hãng nội thất IKEA trở thành thương hiệu phổ biến ở Đông Âu. Đến năm 2000, họ đã có mặt ở Nga và Trung Quốc. Hãng sở hữu phần lớn cửa hàng của mình, chỉ 10% là nhượng quyền thương mại.

Kamprad có hai đời vợ. Ông kết hôn với bà Kerstin Wadling năm 1950. Họ có một con gái nuôi tên Annika và ly dị vào 1960. Năm 1963, tỷ phú lấy bà Margaretha Sennert và sinh ra ba người con trai. Người vợ thứ hai của ông qua đời năm 2011.

Năm 1976, tỷ phú chuyển đến sống tại Thụy Sĩ. Đến 1982, ông chuyển quyền kiểm soát công ty cho một tổ chức ở Hà Lan và từ chức chủ tịch tập đoàn quốc tế IKEA vào 2013. Con út Mathias kế nhiệm ông trong vai trò chủ tịch hội đồng quản trị, trong khi hai con trai còn lại cũng nắm những vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp. Kamprad thông báo nghỉ hưu từ 1986 nhưng vẫn thường xuyên đi khắp các cửa hàng và đưa ra những quyết định quan trọng.

Dù sở hữu tài sản cá nhân ước tính 27 tỷ USD nhưng tỷ phú thừa nhận mình có cuộc sống khiêm tốn chứ không vương giả. Trong suốt cuộc đời, ông chủ hãng nội thất IKEA luôn thực hành tiết kiệm và siêng năng.

Doanh nhân mô tả những đặc điểm đó đã trở thành nền tảng cho thành công của IKEA. Họ xây dựng các cửa hàng trên những mảnh đất rẻ tiền bên ngoài thành phố, mua nguyên liệu giảm giá, giảm tối đa nhân viên ở cửa hàng và đóng gói đồ trong các hộp phẳng để lắp ráp tại nhà theo hướng dẫn.

Ông chủ tiết kiệm của hãng nội thất IKEA nổi tiếng thế giới

Kamprad sống ở Thụy Sĩ để tránh thuế cao tại Thụy Điển, lái chiếc Volvo cũ, chỉ đi máy bay với hạng phổ thông, ở trong những khách sạn rẻ tiền, ăn những bữa ăn không đắt đỏ, trả giá khi mua sắm.

Kamprad nổi tiếng là người luôn cố gắng giữ ngân sách ở mức tối thiểu. Sau khi trả 27 USD để cắt tóc ở Hà Lan năm 2008, ông chia sẻ với một tờ báo Thụy Điển là giá này quá đắt so với ngân sách cắt tóc thông thường của ông. “Thường thì tôi luôn cố gắng cắt tóc khi đang ở những quốc gia đang phát triển, lần gần đây nhất là ở Việt Nam”.

Giảm tối đa chi phí luôn là bắt buộc đối với vị tỷ phú. Ông sẽ khiển trách nếu nhân viên ra về mà không tắt đèn và la rầy cấp dưới nếu họ bỏ đi thứ gì đó có thể tái sử dụng.

Doanh nhân cũng tìm cách kiểm soát lực lượng lao động của mình. Năm 1976, Kamprad viết ra một ban tuyên ngôn mang tên “Cẩm nang của người bán đồ nội thất”. Nhân viên được kỳ vọng sẽ hấp thụ “tinh thần IKEA”, là những người khiêm tốn, trong sạch và lịch sự. Họ không chỉ am hiểu về các sản phẩm mà còn thấu hiểu tư tưởng của công ty. Đó là những nguyên tắc để làm việc và sống.

Kamprad thích nghĩ rằng ông đối xử với nhân viên như một đại gia đình. Thư Giáng sinh của ông luôn bắt đầu bằng “Gia đình IKEA thân yêu. Xin gửi một cái ôm thật chặt đến mọi người…”.

Một trong những điều hối tiếc nhất trong đời tỷ phú là ông cảm thấy đã bỏ bê ba đứa con trai. Kamprad quá bận rộn với công việc đến nỗi không thể chứng kiến quá trình lớn lên từng ngày của những đứa trẻ do mình và vợ sinh ra. Theo một người con của tỷ phú, ông đã bắt đầu chuẩn bị cho sự ra đi của mình từ năm 1976. Ngoài kế hoạch kinh doanh, ông cũng chọn sẵn nơi chôn cất tại một rừng phong ở Smaland – nơi hãng nội thất IKEA bắt đầu.

Kamprad là một người cầu toàn và hay lo xa nên thường đến sân bay rất sớm. Ông sẽ xấu hổ nếu đến trễ một cuộc họp. Tỷ phú luôn thức dậy vào 5h30 và hỏi quan điểm của những người làm công việc vận chuyển về công ty.

Trong thời gian ở ẩn, Kamprad đến các cửa hàng hãng nội thất IKEA khắp nơi trên thế giới, đôi khi dạo quanh và hỏi chuyện nhân viên như là một khách hàng bình thường. Doanh nhân vượt qua sự nhút nhát để tiến gần đến khách hàng với câu nói “Xin chào. Tôi làm việc ở đây. Bạn nghĩ gì về chúng tôi?” với tư cách một nhân viên nhiệt thành của IKEA. Ông chủ hãng nội thất có phát biểu trong những cuộc họp ban hội đồng quản trị và đôi khi giảng dạy tại các trường đại học. Tuy nhiên, Kamprad rất ít khi tham gia các cuộc phỏng vấn.

“Công việc của tôi là phục vụ mọi người. Câu hỏi chính là làm cách nào để biết khách hàng muốn gì và làm sao để phục vụ họ tốt nhất. Câu trả lời của tôi là đến gần với những người bình thường, bởi tôi cũng là một trong số họ”, ông chia sẻ về sự nghiệp của mình với tạp chí Forbes năm 2000.

Nguồn: Vnexpress

Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU  

Bộ sách Khởi sự - Khởi nghiệp - Làm giàu

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề