Oscar Pistorius – “Người không chân” chinh phục cả thế giới
Định mệnh đã lấy đi của Oscar Pistorius đôi chân, khiến anh phải sống đời tàn tật từ khi cất tiếng khóc lọt lòng. Nhưng từ sâu thẳm trái tim mình, “người không chân” chưa bao giờ có ý nghĩ đầu hàng số phận.
Hơn mười năm miệt mài băng mình trên đường chạy, nâng cơ thể mình bằng đôi chân sợi các-bon, Pistorius muốn chứng minh cho cả thế giới thấy rằng những người không may bị khuyết một phần cơ thể như anh vẫn có quyền mơ đến mọi đỉnh cao. Olympic 2012, Pistorius cuối cùng đã thỏa nguyện.
Qua cơn đau bằng máu và nước mắt
Pistorius đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới, kể từ khi anh bước ra đấu trường Paralympic 2004 và giành mọi HCV ở những cự ly chạy quan trọng nhất. Tại Athens năm đó, hàng vạn khán giả đã tung hô anh như một thần tượng lớn với danh hiệu người không chân chạy nhanh nhất hành tinh. Nhưng ở Nam Phi, thay vì cái danh hiệu dài lê thê đó, người ta vẫn trìu mến gọi anh bằng cái tên Oscar.
Một đồng đội bình thường (hoàn toàn lành lặn) ở đội tuyển điền kinh Nam Phi dự Olympic 2012 đã lý giải: “Chỉ với cách gọi ấy, chúng tôi mới thể hiện được hết lòng kính phục của mình. Oscar không chỉ là một VĐV thể thao xuất sắc. Nỗi bất hạnh cuộc đời mà anh ấy phải chịu đựng và vượt qua xứng đáng là một biểu tượng về ý chí vươn lên cho hàng tỷ người trên khắp hành tinh này”.
Người đồng đội của Pistorius không hề quá lời. Tại đất nước từng sản sinh ra huyền thoại Nelson Mandela, từng giành quyền đăng cai vòng chung kết World Cup 2010, Oscar Pistorius vẫn thường được mang ra làm tấm gương cho lũ trẻ. Khi các nhà báo nước ngoài lặn lội về tận Nam Phi trước Thế vận hội 2012, họ đã được nghe kể về quá khứ đầy nước mắt của Oscar. 11 tháng tuổi, anh đã bị bác sỹ kết luận căn bệnh không có xương mác bẩm sinh là vô phương chữa trị. Vì căn bệnh ấy, Oscar không thể có chân và suốt cuộc đời phải gắn bó cùng đôi chân giả hoặc chiếc xe lăn.
Tuổi ấu thơ trải qua nhiều ký ức về một nỗi ám ảnh kinh khủng. Pistorius từng kể rằng anh đã khóc hàng trăm lần khi nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa với mình đá bóng, chạy chơi trên đường hoặc làm bất cứ điều gì đó với đôi chân lành lặn, nhưng nỗi đau lớn ấy không thể đánh gục ý chí của Pistorius. Thay vì tự thu mình vào bóng tối, Pistorius xin cha mẹ đưa đến bệnh viện để tìm kiếm cơ hội khôi phục” đôi chân. Chuyện tái tạo xương mác dĩ nhiên là vô vọng, song các bác sỹ đã giúp Pistorius một đôi chân sợi các-bon rất bền và vừa vặn để anh tập chạy hàng ngày.
Tâm sự cùng báo giới bên lề Olympic, “người không chân” bảo rằng suốt hơn mười năm qua, anh đã chạy nhiều đến mức điểm tiếp xúc giữa cơ đùi với đôi chân sợi các bon tứa máu đầy đau đớn. Có những lúc, sự mệt mỏi quá độ về thể xác thậm chí khiến anh phải ngã gục ngay trên đường chạy của mình, nhưng Oscar Pistorius đã vượt qua tất cả bằng thần kinh thép và nghị lực phi thường. Câu chuyện về một huyền thoại Olympic bắt đầu, chính từ những tháng ngày cay cực như thế.
“Bay” trên đỉnh cao
Lẽ ra, Oscar Pistorius đã có thể tham dự Olympic từ năm 2008. Thời điểm đó, một nghiên cứu của Trường đại học Cologne (Đức) nói rằng Pistorius sẽ tiêu tốn ít hơn các vận động viên bình thường khác 25% năng lượng nhờ đôi chân sợi các-bon nên không thể để anh thi đấu tại vòng loại Olympic. Vì chuyện này, Oscar Pistorius đã quyết định khiếu nại. Dù Liên đoàn điền kinh thế giới sau đó đã xử thắng cho Pistorius, nhưng việc mất quá nhiều thời gian vào vụ lùm xùm này đã khiến anh không đạt được thành tích đủ tốt để giành vé chính thức đến Bắc Kinh.
4 năm sau, câu chuyện đã hoàn toàn khác. Việc Liên đoàn điền kinh thế giới chính thức cho phép Pistorius thi đấu tại giải Vô địch thế giới tổ chức năm 2011, giống như một sự thừa nhận mặc nhiên rằng Oscar Pistorius phải được đối xử như bất kỳ vận động viên bình thường nào. Phấn khích, Oscar Pistorius đã vượt qua thành tích chuẩn A để đường hoàng giành vé dự Thế vận hội London 2012. Từ đây, một chương mới của thể thao thế giới đã mở ra khi Oscar trở thành vận động viên khuyết tật đầu tiên trong lịch sử dự một kỳ Olympic. Cả đất nước Nam Phi ăn mừng sự kiện đó một cách tự hào. Oscar đã trở thành biểu tượng cho nghị lực, lòng quả cả của cả một dân tộc và Tổng thống Mbeki, thậm chí đã đề nghị Oscar Pistorius nên cầm cờ cho Đoàn thể thao Nam Phi trong lễ khai mạc.
Thời khắc lịch sử đã đến hôm 4/8. Oscar Pistorius xuất hiện trên sân Olympics trong sự hò reo của 8 vạn người. Anh khởi động, bước lên bục xuất phát và bứt lên kết thúc vòng loại với vị trí thứ 2 chung cuộc. “Người không chân” đã “chạy” vào đến vòng bán kết cự ly chạy 400m bên cạnh những kỷ lục gia lành lặn. Dù không thể giành được một tấm huy chương sau đó, Pistorius đã khoác lên mình lá cờ Nam Phi. Anh ăn mừng tấm huy chương của riêng mình, tấm huy chương có ý nghĩa không kém gì những kỷ lục thế giới hay Olympic đã được thiết lập bởi những siêu sao lừng danh khác. Từ hôm nay, cả thế giới sẽ phải nghiêng mình chào đón một huyền thoại: Oscar Pistorius
Siêu nhân tại Paralympic 2012?
Cũng giống như Usain Bolt, Oscar Pistorius đã thống trị toàn bộ những cự ly chạy quan trọng nhất tại Paralympic 4 năm về trước. Trên đất Bắc Kinh, Oscar đã giành 3 HCV trên đường chạy 100m nam, 200m nam và 400m nam. London 2012, ở tuổi 25 sung sức nhất và sau màn trình diễn cực kỳ ấn tượng tại Olympic, Oscar Pistorius được dự báo sẽ bảo vệ dễ dàng những đỉnh cao vinh quang của mình. Một quan chức của Liên đoàn điền kinh thế giới đã ví von: “Nếu coi Usain Bolt là một siêu nhân tại Thế vận hội, thì Oscar chính là siêu nhân ở đấu trường Paralympic”.
(Happy Live tổng hợp)
Có thể bạn quan tâm:
THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI THỊNH VƯỢNG – CẨM NANG X Y DỰNG MỘT CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG