fbpx

Peter Norvig: giám đốc nghiên cứu của Google mở lớp học miễn phí cho sinh viên trên toàn thế giới

Dù là một nhà khoa học, tiên phong trong công nghệ nghiên cứu của Google, nhưng Peter Norvig nhận thấy khi đứng lớp ông lại đang sử dụng công nghệ của thế kỷ thứ 14 để dạy học: lấy giấy bút ghi lại bài viết, nhà hiền triết đứng trên bục giảng và bên dưới là học viên đang ngủ gật.

Peter Norvig từng giữ chức giám đốc điều hành trung tâm khoa học tính toán (Computational Science Division) của NASA tại Ames (NASA Ames Research Center), có nhiệm vụ giám sát hoạt động của hơn 200 nhà khoa học. Ngoài ra, ông còn đảm nhận chức vụ giáo sư tại Đại học Nam California, thành viên hội đồng nghiên cứu khoa học của Đại học California tại Berkeley. Hiện nay, ông đang là giám đốc trung tâm nghiên cứu của Google và đang giảng dạy tại Đại học Stanford.

Mở lớp học trực tuyến cho sinh viên toàn thế giới

Năm 2011, Peter và đồng nghiệp của mình là nhà khoa học, nhà giáo dục khởi nghiệp Sebastian Thrun cho ra đời lớp học miễn phí toàn cầu, lớp học này thu hút 160.000 lượt tham gia từ hơn 200 nước trên thế giới.

Ý tưởng lớp học kiểu mới của ông xuất phát từ việc nhận thấy các giờ giảng của giáo sư và sinh viên đại học hiện nay được tổ chức không khác gì những lớp học từ thế kỷ 14. Đó vẫn là cảnh tượng giáo sư giảng bài với máy chiếu và ở phía dưới, một số lắng nghe, ghi chép còn một số ngủ gục cuối lớp, ngay cả ở Đại học Stanford. Cần phải có một hình thức giáo dục khác ưu việt hơn.

Peter Norvig và Sebastian Thrun
Peter Norvig và Sebastian Thrun

Lấy cảm hứng từ những bài học trực quan, tận tình mà mẹ dạy mình từ thuở nhỏ, Norvig cùng đồng nghiệp mong muốn tạo nên những bài giảng có tính tương tác cao, hiệu quả như cách học một kèm một nhưng lại áp dụng đồng loạt được cho số lượng lớn nhờ công nghệ, khoa học máy tính.

Hai nhà khoa học đã cho ra đời lớp học trực tuyến toàn cầu đầu tiên vào năm 2011 với chính bộ môn “Nhập môn Trí tuệ thông minh nhân tạo” ông giảng dạy ở Stanford. Theo đó, công nghệ học tập mới nằm ở điểm Norvig quay từng video mô phỏng hình ảnh một gia sư vừa ghi chép, vừa giải thích, đặt câu hỏi tương tác với học sinh duy nhất của mình.

Các phần kiến thức lần lượt được chia nhỏ, tạo ra khoảng thời gian giúp người học đặt câu hỏi, luyện tập và có những tương tác khác trước khi tiếp thu phần mới. Những câu hỏi mở sáng tạo của sinh viên luôn được khuyến khích không khác gì một giờ thảo luận trên giảng đường. Hiệu quả mà chuỗi video gia sư một kèm một này được ghi nhận tương đương hoặc tốt hơn lớp học truyền thống.

Công nghệ học tập mới nằm ở điểm Norvig quay từng video mô phỏng hình ảnh một gia sư vừa ghi chép, vừa giải thích, đặt câu hỏi tương tác với học sinh duy nhất của mình.
Công nghệ học tập mới nằm ở điểm Norvig quay từng video mô phỏng hình ảnh một gia sư vừa ghi chép, vừa giải thích, đặt câu hỏi tương tác với học sinh duy nhất của mình.

Ông cũng chỉ ra, ưu điểm cũng là khuyết điểm lớn nhất của các lớp học trực tuyến là sự linh hoạt thời gian khiến người học thoải mái sắp xếp lịch học nhưng cũng dễ dàng cho phép bản thân trì hoãn, dần dần từ bỏ việc học. Vì thế, các bài học đều đính kèm thời hạn xem và yêu cầu hoàn thành bài tập trước một mốc thời gian.

Bên cạnh đó, để mở ra một không gian trao đổi giữa các học viên với nhau, ông thành lập, hỗ trợ các diễn đàn thảo luận về các đề tài liên quan. Các thành viên có chung tiến độ học tập nên lại càng thuận lợi hơn khi tham gia những diễn đàn này. Lớp trực tuyến được thiết kế để tận dụng cả những ưu điểm của hình thức giáo dục truyền thống – tương tác nhiều với người giảng lẫn bạn học, đặt ra các quy tắc và thời hạn để tạo động lực học tập.

Nguồn: VnExpress

Các viết cùng chủ đề