fbpx

Phil Town: Ba quy tắc đầu tư để tránh trở thành mồi ngon cho cá mập

Đầu tư vào thị trường chứng khoán là một hoạt động phức tạp, nhiều rủi ro nhưng cũng đầy lý thú. Thế nhưng, ở một thị trường phức tạp và những chiêu lừa đảo tinh vi, chúng ta phải làm thế nào để trở thành một nhà đầu tư “tự thân” khôn ngoan và sáng suốt? NĐT Phil Town sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn khi chỉ ra những quy tắc hoang đường (nhưng lại được nhiều người xem là chân lý) trong đầu tư chứng khoán.

Quy tắc số 1: Đầu tư thành công chỉ với 15 phút mỗi tuần – một quyển sách thực tế và hữu ích cho những người mới bắt đầu bước vào lĩnh vực đầu tư chứng khoán đầy thách thức. Phil Town (tác giả quyển sách) – được biết đến là một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, ngoài việc tham gia đầu tư gia tăng giá trị, Phil Town còn muốn chia sẻ kiến thức mình có được cho những ai đam mê chứng khoán.

Sau thành công của sách Quy tắc số 1, Phil Town cho ra mắt quyển Ngày đòi nợ (Payback Time), đây được xem là bản “nâng cấp” khi ngoài những điều đã đề cập trong quyển sách trước, Phil Town còn cập nhật và bổ sung thêm nhiều thông tin thú vị (Xem thông tin về sách Ngày đòi nợ).

Bài viết sau đây được trích từ phần “3 quy tắc đầu tư hoang đường” trong sách Quy tắc số 1 của Phil Town: 

Quy tắc 1: Bạn cần phải là một chuyên gia quản lý tiền của mình – Phil Town

Quy tắc hoang đường đầu tiên Phil Town muốn phá vỡ là: Cần phải có nhiều thời gian và kiến thức chuyên môn để quản lý tiền của mình. Điều này sẽ đúng nếu đầu tư là một môn học khó hoặc cần rất nhiều thời gian thu thập thông tin để đi tới quyết định. Phil Town sẽ chứng minh cho các bạn thấy rằng điều này không đúng, dù toàn bộ ngành dịch vụ tài chính muốn chúng ta tin vào điều đó. Những nhà tư vấn tài chính tiếp tục thu được hàng tỷ đô la tiền hoa hồng, tiền lệ phí nếu họ có thể làm cho các bạn tiếp tục tin rằng các bạn không thể tự mình đầu tư.

 

Mạng Internet làm thay đổi tất cả. Giờ đây, các công cụ từng có giá lên đến 50.000 đô la đã trở nên sẵn có với chi phí chưa đến 2 đô la/ngày và chỉ cần mất một vài phút trong ngày để sử dụng thay vì 50 giờ/tuần. Các công cụ được cung cấp qua mạng Internet hiện cũng hoạt động chính xác hơn, đúng thời gian hơn và dễ dàng ứng dụng hơn bất cứ công cụ nào mà nhà quản lý quỹ của bạn sử dụng một vài năm trước đây. Tất cả những gì bạn cần là một chút hướng dẫn và một thời gian ngắn để học.

Tuy nhiên, nếu muốn tự mình đầu tư, bạn đừng làm phiền các nhà môi giới chứng khoán, nhà lập kế hoạch/tư vấn tài chính, các kế toán viên công chứng (CPA) hoặc các nhà quản lý quỹ của bạn. Bạn chắc hẳn đã biết những gì họ sẽ nói. Đại loại là một điều gì đó như: “Nhưng đó là công việc tôi sẽ làm cho bạn, do đó bạn sẽ không cần phải lo lắng về nó”. Không phải vậy, bạn cần phải lo lắng về việc đầu tư của mình. Bạn sẽ lo lắng nhiều về nó. Đó là tiền của bạn và bạn là người duy nhất thực sự quan tâm đến những gì xảy ra với tiền của mình.

Thậm chí, những chuyên gia hàng đầu như Jim Cramer, một người ủng hộ bạn và muốn bạn tự mình đầu tư, cũng thực sự không ở vào địa vị của bạn. Cũng giống như những chuyên gia hàng đầu khác của ngành tài chính, những chuyên gia cũng được đào tạo từ trường Ivy League mà Jim từng theo học, họ rất thông minh, thích chơi chứng khoán cả ngày lẫn đêm, họ sống và hít thở bầu không khí chứng khoán và không hề biết về mối bận tâm của chúng ta, những người phải làm việc miệt mài và hy vọng có cuộc sống sung túc khi nghỉ hưu. Với những con người đó, thì cũng đầu tư chỉ là một trò chơi. Một trò chơi dù nghiêm túc thì cũng vẫn là một trò chơi. Jim là một thương gia và yêu thích công việc đầu cơ. Theo hướng tiếp cận của ông, bạn sẽ phải dành ít nhất từ 5 đến 10 giờ đồng hồ mỗi tuần và bạn đang rất mạo hiểm với số tiền mà bạn không được phép đánh mất khi đối thủ của bạn là những người rất giàu, thông minh và rất chuyên tâm – những người giống như Jim.

Nếu bạn nghĩ, bạn có thể thắng trong cuộc chơi đó, hãy trở thành độc giả của tôi. Nếu bạn thắng, tôi sẽ ngả mũ kính phục bạn. Bạn thông minh hơn nhiều so với chúng tôi. Phần lớn chúng ta, bao gồm cả tôi, phải làm nhiều công việc khác. Phần lớn mọi người như chúng ta không có đủ năm tiếng một tuần dành cho việc đầu tư. Hãy lưu ý điều đó. Chúng ta phải chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, sống và làm việc, khiến chúng ta mất nhiều thời gian. Chúng ta cũng không muốn lúc nào cũng phải dõi theo thị trường chứng khoán, hoặc trở thành một người kinh doanh chứng khoán có mặt cả ngày tại sàn giao dịch. Thế thì còn gì thú vị nữa? Chúng ta mong muốn đầu tư vào loại chứng khoán đem lại lợi nhuận lớn nhưng không có rủi ro và không tốn nhiều thời gian.

Quy tắc 1 chính là công cụ đầu tư cho những người như chúng ta.

Quy tắc 2: Bạn không thể thắng được thị trường – Phil Town

Vậy, sự thật là 96% tổng số các nhà quản lý các quỹ đầu tư không có khả năng chiến thắng thị trường trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, bạn không phải là nhà quản lý quỹ và bạn cũng không bị đánh giá trong việc có thắng được thị trường hay không. Kỹ năng tài chính của bạn được đánh giá thông qua việc bạn có thể sống sung túc vào độ tuổi 75 hay không. Bạn không cần quan tâm đến việc bạn có thắng được thị trường hay không? Nếu thị trường giảm sút 50% nhưng nhà quản lý quỹ của bạn chỉ thua lỗ 40% số tiền của bạn, có thể anh ta thành công trong việc đánh bại thị trường, nhưng điều đó đối với bạn đã phải là điều tốt đẹp chưa? Những nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 mong đợi mức tỷ suất lợi nhuận gộp hàng năm ít nhất là 15% hoặc hơn. Nếu chúng ta đạt được mức đó, chúng ta không cần quan tâm đến diễn biến thị trường vì dù sao chúng ta cũng sẽ nghỉ hưu thật sung túc. Nếu đánh giá theo tiêu chuẩn này, các nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 là những người thành công.

Quy tắc đầu tư hoang đường cho rằng bạn không thể thắng được thị trường do Giáo sư Burton Malkiel của trường đại học Princeton (cùng với một số người khác) đưa ra vào thập kỷ 1970. Ông đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu nhằm chứng minh rằng không một ai có thể thắng được thị trường (chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu các chi tiết trong lý thuyết của Malkiel ở phần sau cuốn sách, nhưng ở đây chúng ta cần nhắc đến ông để phá vỡ quy tắc đầu tư hoang đường này). Cuốn sách của ông với nhan đề A Random Walk Down Wall Street (Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall) vẫn tiếp tục được bán trên thị trường. Ông có ảnh hưởng tới cả một thế hệ các giáo sư giảng dạy ở các trường kinh doanh, những người tin vào Lý thuyết Thị trường Hiệu quả (Efficient Market Theory – EMT).

Lý thuyết này cho rằng, các thị trường nói chung (và thị trường chứng khoán nói riêng) là thị trường hiệu quả, nghĩa là những thị trường này định giá hàng hoá theo giá trị của chúng. Tại thị trường chứng khoán, những thăng trầm của thị trường được tạo ra bởi các nhà đầu tư duy lý, những người từng giây từng phút phản ứng lại trước các sự kiện có thể ảnh hưởng đến việc đầu tư của họ. Theo lý thuyết EMT, thị trường hiệu quả đến mức mọi thông tin về công ty đều được phản ánh ngay lập tức thông qua giá cổ phiếu của nó. Nói cách khác, giá cổ phiếu tại mọi thời điểm đều ngang bằng giá trị của công ty.

Nếu điều này là đúng, theo cách nói của các giáo sư tin vào lý thuyết EMT, thì đơn giản là người ta không tìm thấy một cổ phiếu được định giá dưới giá trị thực và cũng không thể trả giá quá cao cho một cổ phiếu. Tại sao? Bởi vì giá cổ phiếu luôn ngang bằng giá trị thực. Theo đó, không có giao dịch trên thị trường và không có những hành vi gian lận. Những người theo lý thuyết EMT cho rằng, tình huống này giải thích cho thực tế là hầu như không một nhà quản lý quỹ nào từng thắng được thị trường. Những nhà quản lý quỹ này là những người thông minh, và nếu không một ai trong số họ thắng được thị trường trong một thời gian dài thì thị trường đang định giá tất cả mọi thứ thật hoàn hảo. Tuy nhiên, một số người đã thắng được thị trường trong thời gian dài và mục đích của cuốn sách này là nhằm chỉ cho bạn cách làm điều đó. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng lý thuyết EMT là sai.

Vào năm 1984, Warren Buffett đã có một giờ giảng tại Trường Kinh doanh Columbia. Tại đó, ông chỉ ra rằng ít nhất 20 nhà đầu tư mà ông dự đoán sẽ thu được tỷ suất lợi nhuận cao, đều đạt được mục tiêu 15% lợi nhuận hoặc cao hơn trong thời gian dài hơn 20 năm. Tất cả các nhà đầu tư này đều theo học tại cùng một trường kinh doanh, ngôi trường mà ông gọi là “Graham và Doddsville” vì tất cả đều theo học Giáo sư Graham và Giáo sư Dodd, từ Buffett hoặc ai đó đã sao chép ý tưởng của Buffett – cũng giống như cách tôi học từ người thầy của mình và giờ đây đang nói lại cho các bạn (Benjamin Graham là thầy của Buffett tại Trường Kinh doanh Columbia. David Dodd cũng là một giáo sư ở đó). Tỷ suất lợi nhuận gộp hàng năm của những nhà đầu tư này trong hơn 8 thập kỷ luôn nằm trong khoảng 18 – 33%/năm. Điều Buffett muốn nói với các sinh viên theo học tại trường Columbia là những người mà ông biết có thể thu được trên 15% lợi nhuận mỗi năm trong khoảng thời gian dài đều hành động giống nhau. Họ đều bắt đầu với Quy tắc số 1.

Sau giai đoạn 2000 – 2003, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Giá trị cổ phiếu của một số doanh nghiệp hoạt động tốt giảm tới 90%. Người ta phỏng vấn Giáo sư Malkiel, ông đã phải xem xét lại lý thuyết của mình và thừa nhận rằng “thị trường nói chung là hiệu quả… nhưng đôi lúc bất thường”. Như vậy, thị trường hiệu quả nhưng thỉnh thoảng lại không hiệu quả. Điều nực cười là, Buffett và Graham nói về điều này trong suốt 80 năm qua. Buffett châm biếm rằng, ông hy vọng các trường kinh doanh sẽ tiếp tục đào tạo ra những nhà quản lý quỹ tin vào lý thuyết thị trường hiệu quả (EMT) để rồi ông có thể tiếp tục mua được những cổ phiếu mà do thiếu thông tin, các nhà quản lý quỹ sẽ bán chúng với giá thấp và ông sẽ bán lại cho họ khi họ sẵn sàng trả giá cao.

Các nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 thu được kết quả thế nào so với mức bình quân của những chỉ số phổ biến nhất. Biểu đồ trên có vẻ không chính xác hoặc được cường điệu quá mức, nhưng không phải vậy. Các nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 luôn thu được lợi nhuận vượt mức bình quân của chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones về tổng thể. Sự kỳ diệu của tăng trưởng gộp giải thích cho sự khác biệt lớn giữa lợi nhuận gộp 8 hoặc 9% mỗi năm và lợi nhuận gộp trên 23% mỗi năm. Thoạt nhìn thì sự khác biệt lớn này không rõ rệt lắm. Bởi vì 23% lớn gần gấp 3 lần so với 8%, mọi người lập tức nghĩ ngay là số tiền cũng sẽ gấp 3 lần. Nhưng tăng trưởng gộp không phải một đường thẳng, nó là một khái niệm hình học. Việc phức hợp làm tăng tỷ lệ lợi nhuận không chỉ trên số tiền đầu tư gốc, mà còn trên số lợi nhuận tích lũy (lãi mẹ đẻ lãi con). Vì 23% tạo ra khoản lợi nhuận lớn hơn mỗi năm, khoản này cũng có tỷ suất lợi nhuận là 23%, tổng số tiền tăng gia tốc bùng phát sau một số năm và tăng vọt so với mức lợi nhuận gộp thấp 8%.

Quy tắc 3: Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là đa dạng hoá và nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài – Phil Town

Mọi người đều biết đa dạng hoá và nắm giữ cổ phiếu là cách an toàn nhất để đầu tư vào thị trường chứng khoán, phải vậy không? Tuy nhiên, điều này cũng giống như trước đây mọi người nghĩ rằng trái đất là một mặt phẳng. Sự thật là việc đa dạng hoá danh mục đầu tư trong khoảng thời gian dài đem lại tỷ suất lợi nhuận bằng không trong vòng 37 năm từ 1905 đến 1942, trong 18 năm từ 1965 đến 1983, và từ 2000 đến 2005. Tất cả là 60 năm trong số 100 năm. Nếu bạn biết cách đầu tư, nghĩa là bạn hiểu Quy tắc số 1 và biết cách tìm mua chứng khoán của một công ty làm ăn tốt với mức giá hấp dẫn, thì bạn sẽ không đa dạng hoá khi đầu tư khoản tiền của mình vào việc mua 50 loại chứng khoán hoặc vào một quỹ đầu tư đầu tư theo chỉ số chứng khoán. Bạn sẽ tập trung đầu tư vào một số doanh nghiệp bạn hiểu rõ. Bạn sẽ mua vào khi những ông lớn này – những nhà quản lý quỹ kiểm soát thị trường – đang lo ngại, và bạn sẽ bán ra khi họ muốn mua chúng. Điều này có khiến bạn kinh ngạc không?

Ngày nay, hơn 80% số tiền trên thị trường chứng khoán được đầu tư thông qua các nhà quản lý quỹ (các quỹ lương hưu, các quỹ ngân hàng, các quỹ bảo hiểm và các quỹ đầu tư). Như tôi nói trong phần giới thiệu, các khoản tiền này được xem là “tiền đầu tư theo tổ chức”. Trong số 17.000 tỷ đô la đầu tư, các quỹ đầu tư quản lý trên 14.000 tỷ đô la. Nói cách khác, các nhà quản lý quỹ chính là thị trường. Khi họ đổ hàng tỷ đô la vào một loại chứng khoán, giá của chứng khoán này sẽ tăng. Khi họ rút tiền khỏi chứng khoán này, giá nó sẽ sụt giảm. Tác động của những quỹ này đến thị trường lớn đến nỗi nếu họ đột nhiên quyết định bán, họ có thể làm thị trường sụp đổ. Hiểu được điều này chính là trọng tâm của Quy tắc số 1: Các nhà quản lý quỹ kiểm soát giá của gần hết các loại chứng khoán trên thị trường, nhưng họ không thể dễ dàng rút khỏi thị trường ngay khi họ muốn. Nhưng bạn và tôi có thể gia nhập và rút khỏi thị trường gần như ngay lập tức.

 

Vậy điều gì sẽ xảy ra về lâu dài nếu khoản tiền đầu tư của thế hệ những người sinh sau Thế chiến thứ II, khoản tiền đã làm thị trường tăng giá, được rút ra khi họ đến tuổi về hưu? Hoặc sẽ thế nào nếu những sự kiện khác làm các khoản tiền chảy ra khỏi thị trường? Khi các quỹ đầu tư bị giảm giá trị, các nhà đầu tư sẽ phản ứng lại bằng cách nhanh chóng rút tiền ra khỏi đó, việc này rốt cục sẽ làm thị trường rơi tự do. Trớ trêu là trong khi trên lý thuyết, việc đầu tư dài hạn thông qua các quỹ đầu tư đa dạng hoá sẽ giảm thiểu rủi ro thì trên thực tế chiến lược đầu tư như vậy lại làm tăng rủi ro. Trên thị trường chứng khoán, không hề có một “danh mục đầu tư cân bằng” giúp bạn giảm thiểu rủi ro, dù cho các nhà kinh doanh trong ngành dịch vụ tài chính ra sức rao giảng về điều đó.

Nếu bạn cho rằng sự sụp đổ của cả thị trường là khó có thể xảy ra trong nền kinh tế hiện đại, xin hãy nghĩ lại. Điều này vừa xảy ra với Nhật Bản trong 10 năm qua, khi thị trường chứng khoán mất đến 85% giá trị trong khoảng thời gian từ 1992 đến 2002. Hiện tại, thị trường này vẫn chưa hồi phục. Thế hệ những người sinh sau Thế chiến II ở Nhật có độ tuổi cao hơn khoảng 10 năm so với thế hệ này ở Mỹ (các nhân tố kinh tế và chính trị đã khiến dân số bùng nổ tại Nhật trước Thế chiến thứ hai). Nếu thị trường Mỹ sụt giảm 85%, chỉ số Dow Jones sẽ giảm còn khoảng 1.500. Điều này từng xảy ra trong thập kỷ 1930. Và nó có thể lặp lại.

Việc đa dạng hoá khiến bạn ôm đồm quá nhiều và chỉ đảm bảo mức lợi nhuận thị trường, đồng nghĩa với việc những gì xảy ra với thị trường sẽ xảy ra với bạn. Rõ ràng, có hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh tốt để lựa chọn mua, nhưng nếu bạn có một công việc, một gia đình và không muốn lúc nào cũng phải gắn chặt với cái máy vi tính thì bạn không có đủ thời gian để theo đuổi quá nhiều loại chứng khoán. Nếu bạn mua những cổ phiếu mà bạn không thể theo dõi kỹ càng, ở một mức nào đó, bạn rõ ràng đã vi phạm Quy tắc số 1, làm cho tổng lợi nhuận của bạn giảm xuống.

Là người mua theo Quy tắc số 1, chúng ta sẽ chỉ lựa chọn một vài doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, dù không “đa dạng hoá” như những nhà quản lý các quỹ đầu tư bằng cách mua hàng chục hoặc hàng trăm loại cổ phiếu của nhiều công ty cùng một lúc, chúng ta vẫn thiết lập một danh mục đầu tư phản ánh những phạm trù khác nhau của các công ty. Nhưng chính xác bạn có thể mua bao nhiêu loại cổ phiếu phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu tiền để đầu tư. Tôi sẽ nói cho bạn biết tỷ lệ phân bổ đúng trong đầu tư.

Việc đa dạng hoá dành cho những nhà đầu tư có thể đầu tư trong khoảng thời gian tới 30 năm, không muốn học cách đầu tư, hài lòng với tỷ suất lợi nhuận 8%/năm và mức sống tối thiểu khi nghỉ hưu. Mục tiêu của chúng ta là tìm mua cổ phiếu của những công ty làm ăn tốt với mức giá thực sự hấp dẫn, và để thị trường tự điều tiết. Điều này có nghĩa là cuối cùng thị trường định giá cổ phiếu của các công ty đó theo đúng giá trị của chúng. Chỉ trong vòng một vài tuần, vài tháng hoặc vài năm chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn nhiều so với hiện nay. Đó là điều chúng ta muốn làm. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta không nên trở thành những nhà đầu tư thờ ơ bị toàn bộ ngành dịch vụ tài chính lợi dụng, và phải bắt đầu làm một nhà đầu tư theo Quy tắc số 1 có kiến thức. Chúng ta không là con mồi mà sẽ trở thành người đi săn.

Giữa những năm 60, bố tôi gợi ý tôi nên đầu tư tiền vào một quỹ đầu tư. Phil Town đã đầu tư 600 đô-la và quên mất khoản đầu tư này. Mười tám năm sau, khoản đầu tư chỉ còn lại 400 đô-la. Hãy tưởng tượng nếu thời gian đó, tôi 45 tuổi và tôi đã đầu tư 60.000 đô-la chứ không phải là 600 đô-la. Liệu Phil Town sẽ cảm thấy thất vọng thế nào sau 18 năm khi phát hiện ra khoản tiền 60.000 đô-la chỉ còn lại 40.000 đô-la thay vì số tiền 240.000 đô-la tôi lên kế hoạch cho việc nghỉ hưu? Mục tiêu của cuốn sách này là nhằm tránh cho bạn phải chứng kiến vực thẳm tài chính đó.”

Nguồn: Sách Quy tắc số 1

Có thể bạn quan tâm: Ngày đòi nợ (Payback Time) – Phil Town

(đầu tư theo phong cách của Warren Buffett và Charlie Munger)

sach-Payback-Time-ngay-doi-no-phil-town

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề