Quản trị Tâm lý trong đầu tư ra sao? – Các loại cảm xúc mà nhà đầu tư phải đối mặt (phần 2)
Cảm xúc là gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của bất kỳ con người nào. Giao dịch tài chính với những cảm xúc mãnh liệt đi kèm luôn làm ta phát điên. Tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận là những cảm xúc đó làm chúng ta bị nghiện. Giống như khi yêu vậy, những cảm xúc của ta nhảy nhót, hòa cùng với những khao khát, lo lắng mang tính bản năng là điều khiến cho tình yêu trở nên tuyệt vời.
Có rất nhiều người giao dịch tài chính không thể điều khiển được bản thân. Lí do chính là vì cái cảm giác nghiện mà nó tạo ra cho họ. Điều đáng buồn ở đây là hầu như sự thú vị không đi liền với hiệu quả trong đầu tư. Sự thật như Soros đã nói: “nếu như vẫn còn thấy giao dịch là thú vị thì có lẽ bạn sẽ chưa kiếm được tiền đâu”. Tất nhiên ai cũng muốn giao dịch thì phải kiếm được tiền. Nhưng để từ bỏ hết những cảm xúc thì lại là điều gần như BẤT KHẢ THI. Cách hay hơn trong trường hợp này có lẽ là bạn cần phải biết những cảm xúc mà mình phải trải qua. Bạn cần học cách làm quen với nó, không để nó kiểm soát mình thì tốt hơn.
Hãy bắt đầu bằng câu hỏi đầu tiên: “Khi giao dịch bạn đã từng ?”
- Hạnh phúc
- Thiếu kiên nhẫn
- Phẫn nộ
- Hưng phấn
- Tham lam
- Sợ Hãi
- Tự hào
- Vô cảm
- Thiên vị
Thôi nào, chắc chắn là “Có, tôi đã từng như vậy!!”. Bạn có nhớ cảm giác của mình lúc đó không?
Câu hỏi thứ 2: “Bạn nhớ kết quả sau đó sẽ như thế nào chứ !!!”
Các bạn hãy tự trả lời. Theo kinh nghiệm, sau khi rất nhiều lần đối mặt với những cảm xúc này là “Không mấy tốt đẹp cho lắm!”. Bạn sẽ lại đối mặt với nó trong tương lai đấy. Điều quan trọng nhất bây giờ của chúng ta đó là “Làm thế nào để những cảm xúc này không khiến tôi mất kiểm soát một lần nữa?”.
Hãy tìm hiểu nguồn gốc của những cảm xúc này nhé !!!
1. Sự “hạnh phúc”
Hạnh phúc sinh ra sau một chiến thắng. Nó được nhân lên sau mỗi lần chiến thắng đó được lặp lại. Thông thường các chiến thắng này đến liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn.
2. Sự “thiếu kiên nhẫn”
Bạn không hiểu thị trường sẽ luôn luôn có rất nhiều cơ hội. Bạn lo sợ sẽ bỏ mất cơ hội đó. Cảm xúc này sẽ khiến chúng ta trở nên hấp tấp hơn. Nó làm ta lờ đi những dấu hiệu chưa thực sự thuận lợi.
3. Sự “phẫn nộ”
Cảm xúc này thường đến sau một chuỗi những lệnh thua liên tiếp quá mức chịu đựng. Hoặc thị trường không diễn biến đúng như bạn tính. Chủ yếu điều này đến do bạn không chuẩn bị tâm lý từ trước hoặc chiến thuật giao dịch của bạn chưa thật sự tốt.
4. Sự “hưng phấn”
Hưng phấn sẽ đến sau một chuỗi lệnh thắng hoặc do ảnh hưởng sự cộng hưởng của đám đông mà tôi đã đề cập trong phần 1 về 5 quy luật tâm lý trước.
5. Sự “tham lam”
Tham lam hình thành do sự không xác định thực tế. Bạn không thực tế với bản thân và kỳ vọng của mình. Hãy thành thực là chúng ta không thể kiếm được 1 triệu đô từ 1 triệu ban đầu trong 5 phút. Trong đạo phật, sự tham lam đến do sự ngã mạn. Ví dụ: Bạn là một người mới giao dịch, kinh nghiệm chưa có gì, mới học được một vài kiến thức (kể cả là kiến thức tốt), tiền chưa nhiều, quan hệ cũng chưa có mấy, sẽ như thế nào nếu bạn kỳ vọng rằng sau 2 năm mình sẽ thành triệu phú đô bằng giao dịch tài chính. Đó chính là sự tham lam đấy.
6. Sự “sợ hãi”
Sợ hãi sinh ra do không kiểm soát thất bại. Thất bại trong quá khứ vượt quá khả năng chịu đựng của bạn.
Tôi có câu chuyện vui thế này: Cách đây 10 năm, khi đi qua ngôi nhà đầu ngõ nhà mình, nơi có một con chó nổi tiếng là rất hung dữ. Tôi nghĩ xuề xòa, chắc chẳng sao đâu và vẫn đi qua đó để đi đến sân bóng. Kết quả là nó đã cắn cho tôi một miếng vào chân và làm tôi chảy rất nhiều máu cùng một vết sẹo rất to. Và sau 10 năm, đến bây giờ khi đi qua cái đấy, tâm trí tôi vẫn tồn tại một nỗi sợ ”Biết đâu con chó vẫn còn ở đó nó lại cắn mình thì sao?”. Đó chính là cách nỗi sợ hình thành.
Nhưng nếu bạn ứng xử khác đi, khi bạn biết có con chó ở đó, bạn đi đường khác hoặc về nhà lấy cái gì đó để che chắn thì bạn sẽ không còn sợ hãi nữa đâu. Đồ che chắn trong trường hợp này chính là kiểm soát thất bại.
7. Sự “tự hào”
Tự hào hình thành do những chiến thắng liên tục trong một khoảng thời gian ngắn. Đặc biệt là vào thời gian 3 năm đầu khi bạn tham dự vào thị trường. Bạn sẽ bắt đầu nghĩ mình là thiên tài sau một chuỗi thắng liên tiếp.
8. Sự “thiên vị”
Rất nhiều thời điểm bạn rất thiên vị các quyết định của mình. Có một sự thật là khi bạn đã muốn làm điều gì đó, tâm trí sẽ bịa ra đủ mọi lý do để bạn làm điều đó. Đôi khi bạn mua vào một cổ phiếu nhiều hơn rất nhiều so với những cổ phiếu khác chỉ đơn giản vì bạn thích nó. Để tránh cái này, bạn cần có một BỘ CHẤM ĐIỂM các quyết định của mình. Việc này để tránh cho não làm việc mà nó giỏi nhất – nghĩ ngợi lung tung.(tôi sẽ nói chi tiết hơn về bộ chấm điểm này sau).
9. Sự “vô cảm”
Do sự thua lỗ quá nặng nề vượt quá rất nhiều lần sức chịu đựng của bạn, cảm xúc thường đến sau khi bạn đã thua lỗ hơn 50% tài khoản. Ở trong trạng thái này bạn sẽ nghĩ là “Thôi, kệ nó, đến đâu thì đến, tiền trên thị trường có phải tiền của mình đâu/Kệ nó, 10 năm nữa kiểu gì nó chẳng lên, về mức ban đầu…”
Đây chính là cảm xúc mà chúng ta ít mong muốn phải đối mặt nhất, vì nếu bị thế này chúng ta sẽ mất một thời gian dài để hồi phục, thậm chí có thể từ bỏ luôn. Để tránh ở trong trạng thái này bạn cần kết hợp cả kỹ năng kiểm soát thua lỗ lẫn phải trưởng thành để chấp nhận việc mình sai là bình thường. Và khi đã biết rằng mình sai, việc đầu tiên là chấm dứt cái sai đó ngay lập tức.
Đây là 9 cảm xúc phổ biến nhất mà chúng ta – những người giao dịch tài chính phải đối mặt trong quá trình chiến đấu. Hi vọng rằng bạn đã hiểu nguồn gốc của những cảm xúc này.
Nguồn: davinci.edu.vn
Có thể bạn quan tâm