fbpx

Rakuten thất bại trước Amazon và bài học “nhớ đời” của tỷ phú Masayoshi Son

Năm 2015, Rakuten và Amazon Nhật Bản có thị phần gần như ngang nhau. Đến năm 2020, thị phần của Amazon Nhật Bản đã tăng tới 25,7%, gấp đôi thị phần của Rakuten là 12,6%.

Nhiều người cho rằng, các đế chế kinh doanh trên nền tảng Internet như Google hay Amazon sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường toàn cầu trải dài khắp các quốc gia. Dữ liệu doanh thu theo phân khúc thị trường của một số gã khổng lồ internet hàng đầu cho thấy, 54% doanh thu của Google đến từ bên ngoài khu vực Bắc Mỹ. Con số này với Amazon, eBay và Netflix lần lượt là 30%, 60% và 54%.

Hệ quả dễ thấy là những doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng internet chỉ phục vụ cho một thị trường duy nhất – ví dụ như hãng thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản Rakuten – không sớm thì muộn, cũng sẽ bị các đối thủ toàn cầu nuốt chửng.

Cách các nền tảng internet nội địa hàng đầu của Nhật Bản như Rakuten và Z Holdings thuộc tập đoàn SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son đang cố gắng chống lại Google và Amazon chính là minh chứng cho giả thuyết này.

Các rào cản văn hóa tại thị trường địa phương có thể gây ra khó khăn ban đầu, nhưng không đủ để ngăn chặn việc doanh nghiệp địa phương bị đánh bại bởi đối thủ toàn cầu. Rakuten, nền tảng mua sắm trực tuyến của Nhật Bản đã cho thấy dữ liệu rõ ràng nhất.

Năm 2015, Rakuten và Amazon Nhật Bản có thị phần gần như ngang nhau. Đến năm 2020, thị phần của Amazon Nhật Bản đã tăng tới 25,7%, gấp đôi thị phần của Rakuten là 12,6%. Trong giai đoạn này, quy mô của Amazon đã cho phép hãng tích hợp các dịch vụ từ hậu cần đến phân phối, và hình ảnh những chiếc xe tải giao hàng được trang trí bằng mũi tên hình nụ cười đặc trưng đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản.

Khởi đầu, Rakuten có lợi thế khi các trang web và ứng dụng của họ sử dụng ngôn ngữ tiếng Nhật bản địa, đồng thời sử hữu một lượng lớn người bán và khách hàng trung thành ở Nhật Bản. Nhưng Amazon đã vượt qua lợi thế địa phương ban đầu của Rakuten bằng cách tận dụng quy mô toàn cầu và tài sản khổng lồ của mình.

Kinh nghiệm tích lũy tại các thị trường trên thế giới đã giúp Amazon bản địa hóa giao diện người dùng để phù hợp với thị hiếu của người Nhật Bản.

Không những thế, mạng lưới toàn cầu của Amazon cho phép người dùng Nhật Bản so sánh các sản phẩm và giá cả từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ trong phạm vi nước Nhật. Trên hết, Amazon bắt đầu cung cấp danh mục mới như dịch vụ xem phim Amazon Prime Video, trợ lý ảo Alexa và máy đọc sách Kindle, những danh mục vượt xa các sản phẩm thông thường của Rakuten.

Rakuten hiện đang phải đối mặt với vòng xoáy thất bại khi liên tiếp lỗ ròng trong hai năm. Giá cổ phiếu của Rakuten giờ đây cũng chỉ bằng một nửa so với năm 2015. Con đường để phục hồi là không rõ ràng.

Trong khi đó, nói đến Z Holdings, công ty có lượng khách hàng và doanh thu gần như đến hoàn toàn từ Nhật Bản, bức tranh kinh doanh của họ có vẻ phức tạp hơn nhưng ít nhất vẫn có được cơ sở để lạc quan.

Câu chuyện ở đây là: các nền tảng địa phương, khi chiếm lĩnh được những vị trí thích hợp, hoàn toàn có thể sống sót dưới sức ép của những gã khổng lồ toàn cầu.

Danh mục đầu tư của Z Holdings bao gồm trang thương mại điện tử và công cụ tìm kiếm Yahoo Nhật Bản, ứng dụng trò chuyện LINE, ứng dụng thanh toán kỹ thuật số PayPay, nền tảng thời trang Zozo, trang web giao các đồ dùng văn phòng Askul, cũng như trang web đặt phòng khách sạn và nhà hàng Ikkyu.

Hiện tại Yahoo Nhật Bản đang nắm giữ 15% thị phần so với 75% của Google. Cách đây 10 năm, thị phần của Yahoo là 30%, còn của Google là 60%. Những con số này một lần nữa đã xác nhận tính dễ bị tổn thương của các doanh nghiệp bản địa trước sự xâm nhập của các đế chế toàn cầu.

Tuy nhiên, điều thú vị là thị phần của Google tại Nhật Bản ít hơn so với thị phần của hãng trên toàn thế giới, nơi nó thường chiếm tới 90% thị phần hoặc hơn. Việc nắm giữ 15% thị phần của Yahoo Nhật Bản dường như khá bền bỉ và an toàn.

Lý do có thể là sự khác biệt về văn hóa. Cổng thông tin Yahoo Nhật Bản dày đặc nội dung theo định dạng mà hầu hết người phương Tây thấy rườm rà và thiếu lịch sự, nhưng lại phù hợp với thị hiếu của người Nhật. Điều này giúp Yahoo Nhật Bản giữ chân được nhiều người dùng địa phương.

Các ứng dụng khác của Z Holdings như trang thương mại điện tử, ứng dụng trò chuyện LINE, Askul hay Ikkyu cũng đều được thiết kế phù hợp với thị hiếu của người Nhật Bản.

Giờ đây, SoftBank – cổ đông kiểm soát của Z Holdings – đang tự mình thử nghiệm khả năng tồn tại của nền tảng internet dành riêng cho từng quốc gia bên ngoài Nhật Bản. Người sáng lập SoftBank, tỷ phú Masayoshi Son, vài năm gần đây đang cố gắng tái tạo lại thành công ông đã đạt được như với khoản đầu tư 20 triệu USD vào giai đoạn đầu của Alibaba cách đây 20 năm.

Các khoản đầu tư song song của Quỹ Vision Fund thuộc SoftBank vào các nền tảng gọi xe Uber và Didi cũng cũng giúp tỷ phú Son hiểu, Trung Quốc là một thị trường có cách thức vận hành rất khác biệt.

Những thương vụ đầu tư này sẽ là bài học tương lai cho tỷ phú Masayoshi Son khi có ý định đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử dành riêng cho từng quốc gia ở các đất nước có quy mô kinh tế và dân số nhỏ hơn như Coupang của Hàn Quốc, Flipkart ở Ấn Độ, Goto của Indonesia, Trendyol ở Thổ Nhĩ Kỳ hay các khoản đầu tư vào nền tảng gọi xe như Grab ở Đông Nam Á.

Trừ khi các nền tảng địa phương này có thể phát triển và tận dụng bản sắc văn hóa tại quê nhà để kinh doanh, nếu không, việc đi theo vết xe đổ của Rakuten sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Theo Đỗ Hiền/Doanh nhân và Pháp luật

Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU

Bộ sách Khởi sự - Khởi nghiệp - Làm giàu

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề