Rất nhiều người đang ảo tưởng rằng mình quá bận rộn
Cách đây không lâu, tôi lúc nào cũng bận bịu, bận bịu, bận bịu. Hay chí ít là tôi nghĩ là mình bận bịu.
Tôi nói với mọi người rằng mình phải làm việc 60 giờ mỗi tuần. Mỗi tối, tôi chỉ được ngủ 6 tiếng. Bất cứ khi nào gặp gỡ bạn bè trong các buổi gặp mặt hay hẹn hò tôi đều than vãn rằng mình chẳng có thời gian để thở.
Trên thực tế, với tính chất công việc của mình, đúng là tôi phải làm đủ thứ công việc, và tôi có cảm giác mình bị thiếu ngủ, không có thời gian nấu nướng, dọn dẹp hay tập luyện.
Tuy nhiên, giờ nghĩ lại, tôi vẫn có thời gian để online trên Facebook (thậm chí là khá thường xuyên), lướt web, xem phim và nghe nhạc.
Như vậy tôi có thực sự bận như tôi nghĩ không?
Sau một thời gian suy ngẫm thì tôi đã có câu trả lời. Hiện tại, tôi làm việc 45 tiếng mỗi tuần và ngủ đủ 8 tiếng mỗi tối. Cùng lúc đó, tôi vẫn hoàn thành đầy đủ công việc.
Bí kíp ở đây là gì? Đó là tôi đã bắt đầu thử theo dõi cách dùng thời gian của mình, tính toán một cách kỹ lưỡng xem mình đã bỏ bao nhiêu thời gian vào công việc, nghỉ ngơi và những việc lặt vặt khác.
Rất nhanh chóng, tôi nhận ra mình đã tự dối lòng khi nói bản thân quá bận bịu. Tôi nghĩ mình phải làm việc tới 60 giờ mỗi tuần, nhưng con số thực tế thì kém xa. Tôi nghĩ mình phải mất cả tiếng để nấu nướng nhưng những gì tôi làm chỉ mất vài phút. Thêm vào đó, tôi tiêu tốn hàng giờ liền trên Internet hay lòng vòng quanh nhà, với những công việc kiểu “chẳng hiểu mình đang làm gì”.
Và tôi không phải là người duy nhất chìm vào trong “đám sương mù thời gian” này. Những kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, rất nhiều người trong chúng ta ảo tưởng rằng mình rất bận tới mức không có thời gian để thở.
Mỗi người đều có 24 giờ mỗi ngày và 168 giờ một tuần như nhau, nhưng thời gian cứ liên tục trôi chẳng chờ đợi ai, nên chúng ta thường có xu hướng suy nghĩ thiếu chính xác về cách sử dụng thời gian của mình.
Trong một xã hội cạnh tranh, việc than vãn làm quá sức và thiếu ngủ cũng khiến chúng ta trở thành con người vì công việc và gia đình. Việc “bận bịu” và “thiếu thời gian” là cách để chúng ta chứng minh cuộc sống của mình có ý nghĩa, có quan trọng.
Mặc dù vậy, suốt ngày than phiền không bao giờ là cách giải quyết vấn đề, đặc biệt là khi ai cũng có lượng thời gian như nhau, nhưng có người sống hiệu quả hơn người khác. Không phải là họ nhàn rỗi hơn hay làm việc ít hơn, đơn giản là họ biết quản lý thời gian sống của mình tốt hơn.
Và đây là cách để thay đổi
+ Thời gian biểu. Một dụng cụ xưa như trái đất nhưng cực kỳ hiệu quả. Nếu bạn đang cố gắng giảm cân, bạn phải đưa ra thực đơn ăn kiêng của mình và làm theo. Tương tự, dùng thời gian biểu để theo dõi cách bạn dùng thời gian sẽ chỉ ra rõ bạn đang làm những việc vô nghĩa và lừa dối bản thân như thế nào.
Hãy viết ra những thứ bạn thường làm ít nhất một lần mỗi tuần. Đừng ngạc nhiên khi thấy thời lượng online Facebook của bạn còn nhiều hơn thời gian bạn dùng để nấu nướng hay dọn dẹp.
+ Hãy trung thực. Trong khi chúng ta thường nói tôi chỉ được ngủ 6 tới 7 tiếng mỗi đêm, con số thực ra là gần 8 tiếng. Chúng ta nói mình làm việc tới 60 giờ mỗi tuần, con số thực ra chỉ 40 tiếng.
Làm thử một phép tính nho nhỏ, chúng ta có 168 giờ mỗi tuần, kể cả khi bạn làm việc 50 giờ và ngủ 8 tiếng mỗi ngày (56 tiếng), bạn vẫn còn tới 62 giờ đồng hồ để làm những công việc khác. Đó là lượng thời gian rất lớn đủ để bạn ở bên gia đình và thỏa mãn cá nhân – tập luyện, đi làm tình nguyện, xem TV hay thậm chí là đi nhậu hay làm đẹp.
Điều quan trọng ở đây là hãy đưa ra mục tiêu. Có thể là ba giờ tập thể dục mỗi ngày chẳng hạn. Cứ đặt lịch đi và bạn sẽ thấy 168 giờ nhiều như thế nào.
+ Thay đổi cách nói. Thay vì nói “Tôi không có thời gian”, hãy nói rằng “đó không phải là ưu tiên số một”. Chẳng hạn như “tôi có thời gian để là quần áo, nhưng đó không phải là điều tôi cần làm ngay”. Việc thay đổi cách nói nhắc nhở chúng ta thời gian là yếu tố được ưu tiên hàng đầu. Nếu chúng ta thấy sử dụng thời gian như thế này thật phí phạm, chúng ta có thể chuyển sang làm việc khác ngay lập tức.
Nguồn: Trí Thức Trẻ