fbpx

Robert Shiller: Hai đại dịch tồi tệ tác động lên nền kinh tế và thị trường tài chính

Chúng ta đang cảm nhận sự lo lắng từ ảnh hưởng của không chỉ một đại dịch, mà là hai. Đầu tiên, Covid-19 khiến ta lo ngại vì bản thân hoặc những người ta yêu thương, ở bất cứ đâu trên thế giới, có thể sớm đổ bệnh và thậm chí tử vong. Và, thứ hai, là đại dịch lo lắng về hậu quả kinh tế theo sau đại dịch đầu tiên.

Robert Shiller: Hai đại dịch tồi tệ tác động lên nền kinh tế và thị trường tài chính

Hai đại dịch này có liên quan đến nhau nhưng không phải hiện tượng giống nhau. Trong đại dịch thứ hai, những câu chuyện về nỗi sợ hãi lan truyền đến mức chúng ta thường nghĩ về chúng liên tục. Thị trường chứng khoán lao dốc, phản ánh những câu chuyện về Covid-19 khiến chúng ta cạn kiệt tiền tiết kiệm trừ khi ta làm gì đó. Nhưng, không giống như Covid-19, nguồn gốc sự lo lắng của chúng ta là không chắc chắn nên làm gì.

Hai đại dịch hoành hành cùng lúc rõ ràng không phải là tin tốt. Cái này có thể bổ trợ cho cái kia. Đóng cửa kinh doanh, thất nghiệp tăng vọt và mất thu nhập làm tăng nỗi lo tài chính, khiến việc thực hiện các biện pháp đề phòng cần thiết trước dịch bệnh trở nên khó khăn hơn cho những người đang tuyệt vọng tìm việc làm.

Một tin xấu nữa là hai sự kiện có tính lây nhiễm này thực sự là đại dịch toàn cầu. Khi lượng cầu giảm chỉ giới hạn ở một quốc gia, thiệt hại ảnh hưởng một phần ra nước ngoài, trong khi nhu cầu xuất khẩu đối với nước này không giảm đi nhiều. Nhưng lần này, van an toàn tự nhiên đó không có tác dụng, vì suy thoái kinh tế đe dọa đến gần như tất cả các nước.

Nhiều người dường như cho rằng sự lo lắng về tài chính không gì khác hơn là sản phẩm phụ trực tiếp của cuộc khủng hoảng Covid-19, một phản ứng hoàn toàn hợp lý đối với đại dịch. Nhưng sự lo lắng không hoàn toàn hợp lý. Khủng hoảng lo lắng tài chính, lây lan qua phản ứng hoảng loạn trước giá giảm và diễn biến thay đổi, có một lịch sử riêng.

Những ảnh hưởng của lo âu tài chính đối với thị trường chứng khoán có thể là kết quả của hiện tượng mà nhà tâm lý học Paul Slovic của Đại học Oregon và các đồng nghiệp gọi là “ảnh hưởng heuristic”. Khi mọi người buồn bã về mặt cảm xúc vì một sự kiện bi thảm, họ phản ứng với nỗi sợ hãi ngay cả trong hoàn cảnh không có lý do gì để sợ hãi.

Robert J. Shiller, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2013, là giáo sư kinh tế tại Đại học Yale, đồng sáng lập chỉ số Case-Shiller về giá nhà ở ở Mỹ.

Trong một tài liệu của William Goetzmann và Dasol Kim, chúng tôi thấy rằng các trận động đất gần đó ảnh hưởng đến phán đoán của mọi người về khả năng xảy ra biến động trên thị trường chứng khoán năm 1929 hoặc 1987. Nếu có một trận động đất lớn trong vòng 48 km trong khoảng 30 ngày trước đó, đánh giá của người được phỏng vấn về xác suất thị trường sụp đổ là cao hơn đáng kể. Đó là ảnh hưởng heuristic.

Có thể sẽ hợp lý hơn khi dự báo thị trường lao dốc do ảnh hưởng từ dịch bệnh hơn là từ một trận động đất, nhưng có lẽ không phải với mức độ như hiện tại. Nếu nhiều người tin rằng một phương pháp điều trị có thể giảm thời gian đại dịch xuống còn tính bằng tháng, hoặc thậm chí có thể kéo dài một hoặc hai năm, điều đó cho thấy rủi ro trên thị trường chứng khoán không quá lớn đối với một nhà đầu tư dài hạn. Họ có thể mua, giữ và chờ đợi.

Nhưng sự lây lan của lo âu tài chính không giống với sự lây lan của dịch bệnh. Nó được thúc đẩy một phần bởi những người nhận thấy sự thiếu tự tin của người khác, được phản ánh qua giá giảm, và phản ứng cảm xúc của người khác đối với sự sụt giảm này. Một bong bóng tiêu cực trong thị trường chứng khoán hình thành khi mọi người thấy giá giảm, và trong nỗ lực cố gắng tìm hiểu lý do, bắt đầu khuếch đại những câu chuyện giải thích cho sự suy giảm. Sau đó, giá lại hạ vào những ngày tiếp theo, và cứ tiếp tục như vậy.

Chứng kiến sự lao dốc liên tiếp của giá cổ phiếu tạo ra cảm giác hối tiếc mạnh mẽ cho những người chưa bán, cùng nỗi sợ rằng họ có nguy cơ bán đáy. Sự tiếc nuối và sợ hãi này của người dân là nền tảng cho mối quan tâm của họ về cả 2 câu chuyện đại dịch. Thị trường từ đó đi về đâu phụ thuộc vào bản chất và sự tiến bộ của họ.

Để thấy rõ hơn điều này, hãy xem thị trường chứng khoán Mỹ đã không sụp đổ vào tháng 9-10/1918, khi các phương tiện truyền thông lần đầu tiên đưa tin về đại dịch cúm Tây Ban Nha, cuối cùng cướp đi 675.000 sinh mạng người Mỹ (và hơn 50 triệu người trên toàn thế giới). Tuy nhiên, giá cả hàng tháng tại thị trường Mỹ đã có xu hướng tăng từ tháng 9/1918 đến tháng 7/1919.

Tại sao thị trường không sụp đổ? Lời giải thích hợp lý có thể là do Thế Chiến I, đang trên đà kết thúc sau trận chiến lớn cuối cùng, Trận chiến thứ hai của Marne vào tháng 7-8/1918, đã phần nào áp đảo câu chuyện về dịch cúm, đặc biệt là sau cuộc đình chiến vào tháng 11 năm đó. Tin tức về chiến tranh có khả năng lan truyền cao hơn tin tức về dịch bệnh.

Một lý do khác là tại thời điểm đó dịch tễ học chỉ mới ở giai đoạn sơ khai. Khó có thể dự báo các đợt bùng phát, và dân chúng không hoàn toàn tin lời khuyên của các chuyên gia khi phần lớn tỏ ra hời hợt với các biện pháp giãn cách xã hội. Hơn nữa, niềm tin thông thường lúc bấy giờ là khủng hoảng kinh tế chính là khủng hoảng ngân hàng và không có khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, nơi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được thành lập chỉ vài năm trước đó, vào 1913, được coi là đã loại bỏ nguy cơ này.

Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất khiến khủng hoảng tài chính không xảy ra trong đại dịch cúm năm 1918 là 100 năm trước có ít người sở hữu cổ phiếu hơn, và tiết kiệm cho nghỉ hưu không phải là mối quan tâm lớn như ngày nay, một phần vì mọi người không sống lâu và nếu có thì thường xuyên phụ thuộc vào gia đình nhiều hơn.

Lần này tất nhiên là khác hẳn. Ta thấy người mua hoảng loạn tại các cửa hàng tạp hóa địa phương, trái ngược với năm 1918, khi tình trạng thiếu thốn thời chiến là chuyện thường ngày. Với cuộc Đại suy thoái chỉ vừa bỏ lại sau lưng, chúng ta chắc chắn nhận thức được khả năng giá tài sản sẽ giảm mạnh. Thay vì chiến tranh thế giới, lần này Mỹ đang có mối quan tâm của riêng mình với phân cực chính trị, và đang nhận nhiều phản ứng giận dữ về cách xử lý yếu kém của chính phủ với dịch bệnh.

Rất khó để dự đoán thị trường chứng khoán tại thời điểm này. Để làm được vậy, chúng ta sẽ phải dự đoán những ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của đại dịch Covid-19, cũng như tất cả các tác động thực và tác động tâm lý của lo âu tài chính. Hai đại dịch tuy khác nhau nhưng không thể tách rời.

Nguồn: bài viết của giáo sư kinh tế Robert Shiller đăng trên Project-syndicate, Minh Ngọc dịch

Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance

Nhận diện SIÊU BONG BÓNG

Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán

Giải mã từ khóa “lạc quan tếu” trong tâm lý đầu tư

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề