Rùa và ốc sên: Kinh tế thế giới trước chủ nghĩa tư bản
“Cô giáo Lintott: Bây giờ. Em định nghĩa lịch sử như thế nào, Rudge?
Rudge: Em có được phép nói thẳng không cô? Mà không bị đánh?
Cô Lintott: Cô sẽ bảo vệ em.
Rudge: Em định nghĩa lịch sử là gì ư? Đó chỉ là một thứ ngu xuẩn tiếp sau một thứ ngu xuẩn khác.”
– Kịch gia Alan Bennett, Những cậu bé lịch sử (The History Boys)
Cũng như Rudge, nhiều người cho rằng lịch sử kinh tế hay lịch sử phát triển của nền kinh tế, đặc biệt vô nghĩa. Chúng ta có thực sự cần phải biết điều gì đã xảy ra trong hai, ba thế kỷ trước thì mới hiểu được những thứ này không – thương mại tự do thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thuế cao ngăn cản việc tạo ra của cải hay việc cắt giảm quy định sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh? Ngày nay nhiều trường còn không giảng dạy khóa học lịch sử kinh tế nữa, thậm chí nhiều nhà kinh tế học còn xem lịch sử kinh tế chỉ là một thứ giải trí vô hại, như trò chơi đếm tàu chạy qua.
Tuy nhiên, nắm bắt một số kiến thức về giai đoạn lịch sử đó vô cùng quan trọng để hiểu đầy đủ các hiện tượng kinh tế đương đại.
Cuộc sống không phải là tiểu thuyết: tại sao lịch sử quan trọng?
Lịch sử buộc chúng ta đặt câu hỏi về một số giả định vẫn luôn được công nhận nghiễm nhiên. Một khi bạn biết rằng rất nhiều thứ không thể mua và bán ngày nay – như con người (nô lệ), lao động trẻ em, các cơ quan chính phủ – từng hoàn toàn có thể được đem ra thị trường, bạn sẽ ngừng nghĩ rằng ranh giới của “thị trường tự do” được vẽ ra bởi một định luật khoa học bất biến nào đó và bắt đầu thấy rằng nó có thể được vẽ lại. Khi bạn biết rằng các nền kinh tế tư bản phát triển nhanh nhất trong lịch sử từ giữa những năm 1950 và 1970, thời điểm có rất nhiều quy định và thuế cao, bạn sẽ ngay lập tức trở nên hoài nghi đối với quan điểm cho rằng muốn thúc đẩy tăng trưởng thì phải cắt giảm thuế và các quy định.
Lịch sử cũng hữu ích trong việc làm rõ các giới hạn của lý thuyết kinh tế. Cuộc sống thường không như tiểu thuyết, và lịch sử có thể cung cấp nhiều kinh nghiệm thành công về kinh tế (ở tất cả các cấp – quốc gia, công ty, cá nhân) mà không một lý thuyết kinh tế đơn lẻ nào có thể giải thích ngắn gọn.
Ví dụ, nếu bạn chỉ đọc những tờ báo như The Economist, Wall Street Journal, bạn sẽ chỉ nghe về chính sách thương mại tự do của Singapore và thái độ niềm nở chào đón của đất nước này đối với đầu tư nước ngoài. Điều này có thể khiến bạn kết luận thành công kinh tế của Singapore chứng minh tự do thương mại và thị trường tự do là điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế – cho đến khi bạn biết rằng hầu hết đất đai ở Singapore thuộc sở hữu của chính phủ, 85% nhà ở được cung cấp bởi cơ quan nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và 22% sản lượng quốc gia được sản xuất bởi các doanh nghiệp nhà nước (trung bình trên thế giới là khoảng 10%).
Những ví dụ như thế này sẽ khiến bạn nghi ngờ về sức mạnh của lý thuyết kinh tế và thận trọng hơn trong việc đưa ra khuyến nghị về chính sách.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta cần tìm hiểu lịch sử vì chúng ta có nghĩa vụ đạo đức là TRÁNH “thử nghiệm trực tiếp” lên con người càng nhiều càng tốt. Từ kế hoạch hóa tập trung trong khối xã hội chủ nghĩa cũ (và cú chuyển đổi ngoạn mục trở về chủ nghĩa tư bản), qua các thảm họa của chính sách “thắt lưng buộc bụng” ở hầu hết các nước châu Âu sau cuộc Đại khủng hoảng, đến thất bại của “kinh tế học nhỏ giọt”* ở Mỹ và Anh trong những năm 1980 và 1990.
*Kinh tế học nhỏ giọt (Trickle-down economics) là học thuyết kinh tế cho rằng việc giảm thuế cho doanh nghiệp và người giàu sẽ giúp thúc đẩy đầu tư kinh doanh và lâu dài sẽ giúp thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế và nâng cao kinh tế cho tất cả mọi người (không chỉ riêng người giàu).
Lịch sử chứa đầy rác thải của các thử nghiệm triệt để về chính sách, đã phá hủy cuộc sống của hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người. Tìm hiểu lịch sử sẽ không hẳn giúp chúng ta hoàn toàn tránh được những sai lầm trong hiện tại, nhưng chúng ta cần cố gắng hết sức để học từ những bài học của lịch sử trước khi xây dựng một chính sách ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng bao người.
Rùa và ốc sên: Kinh tế thế giới trước chủ nghĩa tư bản
Tây Âu đã từng tăng trưởng rất chậm…
Chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ Tây Âu, đặc biệt là ở Anh và các nước Benelux (Bỉ và Hà Lan ngày nay) vào khoảng thế kỷ 16 và 17. Tại sao lại bắt đầu ở đó – thay vì, ví dụ từ Trung Quốc hay Ấn Độ, các nước trong thời đó đã có mức độ phát triển kinh tế ngang với Tây Âu – là một chủ đề tranh luận căng thẳng và dài hơi. Tất cả, từ thái độ khinh thị của giới tinh hoa Trung Quốc đối với việc theo đuổi vật chất (như hoạt động thương mại và công nghiệp), việc khám phá ra châu Mỹ và khuôn mẫu mỏ than ở Anh được cho là lời giải thích thích đáng cho câu hỏi trên. Ở đây, chúng ta không tranh luận về điều này. Thực tế là, chủ nghĩa tư bản phát triển đầu tiên ở Tây Âu.
Trước khi chủ nghĩa tư bản trỗi dậy, xã hội Tây Âu, giống như tất cả các xã hội tiền tư bản khác, đều thay đổi rất chậm. Xã hội về cơ bản được tổ chức xung quanh nông nghiệp, sử dụng hầu như các công nghệ đồng nhất từ nhiều thế kỷ trước, trong khi ngành công nghiệp thương mại và thủ công mỹ nghệ còn hạn chế.
Từ năm 1000 đến 1500, vào thời kỳ Trung Cổ, thu nhập bình quân đầu người, cụ thể hơn, thu nhập trung bình của một người, ở Tây Âu tăng 0,12% mỗi năm. Điều này có nghĩa là thu nhập năm 1500 chỉ cao hơn 82% so với năm 2000. Nhìn rộng ra, đây là mức tăng trưởng của Trung Quốc, với mức tăng 11% mỗi năm, chỉ mất 6 năm từ 2002 đến 2008 để đạt được. Điều này có nghĩa là, về tăng trưởng vật chất, một năm ở Trung Quốc thời nay tương đương với 83 năm phát triển ở Tây Âu thời Trung Cổ (tương đương với ba lần rưỡi vòng đời của người thời Trung cổ, vì tuổi thọ trung bình vào thời điểm đó chỉ là 24 năm).
…nhưng tốc độ tăng trưởng của Tây Âu lúc đó vẫn nhanh hơn những nơi khác trên thế giới
Mặc dù nói vậy, tăng trưởng ở Tây Âu thời đó vẫn được tính là nhanh hơn so với những nước ở châu Á và Đông Âu (bao gồm cả Nga), những nước với ước tính tăng trưởng chỉ bằng một phần ba mức ở Tây Âu (0,04%). Điều này có nghĩa là thu nhập của những nước này chỉ tăng 22% sau nửa thiên niên kỷ. Nếu so sánh, Tây Âu Có thể đã di chuyển như một con rùa, còn các nước khác trên thế giới thì chỉ giống như ốc sên.
Nguồn: Sách Cẩm nang kinh tế học
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live