Sai lầm buổi sáng làm giảm năng suất hoạt động của bạn
Chúng ta đều muốn hoạt động trở lại sau một khoảng thời gian nghỉ dài với mức năng suất cao hơn. Hãy bắt đầu từ việc xóa bỏ những thói quen dở tệ của mình vào buổi sáng để thiết lập một ngày hoạt động tràn đầy năng lượng!
Buộc bản thân dậy sớm
Không ít bài báo nói về lợi ích của thói quen dậy sớm, hay về những người đạt thành tích cao thường dậy sớm như thế nào. Nhưng, Chris Bailey, tác giả của The Productivity Project (Dự án Năng suất), cho biết, quan niệm bạn phải trở thành một con chim đầu đàn, thức dậy đầu tiên để hoàn thành khối lượng lớn công việc là không đúng. Ông khẳng định “Chúng ta có xu hướng đánh bại chính mình ngay khi phải thức dậy, tất cả chúng ta có những cách hoạt động khác nhau.”
Một người thức dậy lúc 10 giờ sáng hoàn toàn có thể làm việc hiệu quả như một người thức dậy lúc 5 giờ sáng. Thức dậy lúc 5 giờ sáng sẽ không biến bạn thành Elon Musk hay Mark Zuckerberg một cách kỳ diệu. Đó chỉ là phương tiện thành công, chứ không phải là thành công. Nếu bạn là một con cú đêm và thói quen đó tốt cho bạn, bạn cũng không cần phải thay đổi.
Điều quan trọng là bạn hành động “có chủ ý” như thế nào sau khi thức dậy. Thành công đến từ việc bạn tìm ra giá trị của mình là gì và sắp xếp những việc bạn làm xung quanh những giá trị đó. Một khi bạn nhận ra rằng thức dậy sớm phục vụ một mục đích, bạn sẽ coi nó như một phương tiện để đạt được mục đích. Khi đó, bạn sẽ thực sự có cơ hội biến nó thành một thói quen thành công.
Bắt đầu ngày mới một cách bị động
Nhiều người trong chúng ta thức dậy và ngay lập tức kiểm tra điện thoại của mình. Nhưng thói quen này lại đưa chúng ta vào thế bị động.
Ngược lại, hãy khởi động chủ động cho buổi sáng bằng cách xem qua lịch, danh sách các việc cần làm, lựa chọn việc ưu tiên trong ngày và lập kế hoạch.
Nếu bạn không có một kế hoạch rõ ràng cho những gì mình định làm, email sẽ luôn lấp đầy tất cả các khoảng thời gian có sẵn và khiến bạn trở nên bận rộn mà không hề có hiệu quả. Allcott chia sẻ trong cuốn How to be a Productivity Ninja (Làm thế nào để trở thành Ninja năng suất): “Hộp thư đến không phải là một danh sách việc cần làm. Trên thực tế, đó là danh sách các ưu tiên của người khác, không phải của bạn.”
Không mặc trang phục phù hợp
Có thể một trong những điều khiến bạn cảm thấy thích thú tại nhà trong mùa đại dịch Covid-19 chính là được mặc thoải mái cả ngày, ngay cả bộ đồ ngủ trong khi làm việc.
Cảm giác thoải mái đó lại có thể là nguyên nhân làm giảm năng suất của bạn. Mặc dù bạn có thể không muốn, nhưng các nghiên cứu sơ bộ đã cho thấy rằng việc ăn mặc có thể có ảnh hưởng thực sự đến mức độ chú ý của một người do tính biểu tượng của nó.
Theo Allcott: “Mặc quần áo phù hợp sẽ giúp ích rất nhiều. Có một thứ trong tâm lý học gọi là ‘nhận thức được bao bọc’ cho chúng ta thấy rằng bộ não hoạt động khác biệt nếu bạn mặc một bộ đồ comple nghiêm túc và bạn sẽ có chỉ số thông minh cao hơn nếu bạn mặc áo khoác phòng thí nghiệm của nhà khoa học – ngay cả khi bạn không phải là nhà khoa học.”
Bỏ bữa sáng
Bữa sáng là thói quen cần thiết cho buổi sáng thành công vì nó cung cấp cho bạn năng lượng mà bạn cần để tập trung vào bất cứ việc gì sẽ diễn ra thời gian còn lại của ngày. Không cần cầu kỳ, bạn chỉ cần làm một món ăn đơn giản, quan trọng là cân bằng với protein và calo ví như miếng bánh mì nướng với một ít bơ đậu phộng.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể làm suy giảm tâm trạng, trí nhớ, sự tập trung và chức năng điều hành. Vì vậy, bạn cần tập thói quen uống một ly nước đầu tiên vào buổi sáng để có điểm khởi đầu tốt cho một ngày hoạt động năng suất.
Làm quá nhiều nhiệm vụ
Khi đang cố gắng lướt qua một danh sách dài những việc cần làm, bạn sẽ rất muốn tung hê hết tất cả. Điều này thật khó tránh khỏi nếu bạn phải cân bằng giữa công việc, chăm sóc con cái và những trách nhiệm khác.
Nhưng trong phạm vi có thể, bạn nên hướng đến “đơn nhiệm”, có nghĩa là chỉ làm một nhiệm vụ trong một thời điểm. Bà Erica Zellner, một huấn luyện viên sức khỏe của Parsley Health ở Thành phố New York giải thích: “Làm việc đa nhiệm làm giảm năng suất tới 40% và có thể có những tác động tiêu cực lâu dài đến não bộ.”
Hãy tập trung vào một việc trong một khoảng thời gian nhất định. Bạn có thể mất vài tuần để huấn luyện lại bộ não của mình chuyển sang chế độ làm việc “đơn nhiệm”. Nhưng hãy cố gắng, bạn sẽ thấy mình hoạt động hiệu quả hơn nhiều theo cách thức này!
Không chuẩn bị vào đêm hôm trước
Sau mỗi ngày dài, điều cuối cùng mà ai cũng muốn làm là lên kế hoạch cho những việc tiếp theo. Nhưng các chuyên gia nói rằng điều đó kết cục lại có thể khiến bạn mất nhiều thời gian hơn.
Kế hoạch mà bạn cần chuẩn bị trước chỉ nên là những việc cần làm cho ngày hôm sau. Theo Laura Vanderkam, tác giả của Off the Clock: Feel Less Busy While Getting More Done: “Tôi khuyên rằng vào cuối mỗi ngày làm việc, mọi người hãy liệt kê ra những việc cần làm cho ngày hôm sau. Sau đó, nhìn vào những khó khăn trong ngày – các cuộc họp, cuộc điện thoại – để xác định một lịch trình sơ bộ.”
Một phần quan trọng khác của việc chuẩn bị cho ngày hôm sau là gì? Đó là một giấc ngủ đêm chất lượng. Một đêm ngủ không ngon giấc sẽ cản trở khả năng làm việc hiệu quả của bạn bởi thiếu ngủ sẽ làm suy giảm đáng kể sự chú ý, khả năng tập trung vào thông tin cụ thể khi những thứ khác đang xảy ra xung quanh bạn.
Không thể bình tĩnh
Buổi sáng của bạn có thể trở nên hỗn loạn, nhất là khi bạn đang cố gắng nhồi nhét quá nhiều thứ. Những cố gắng đó lại có thể thực sự gây phản tác dụng cho chính bạn.
Khởi đầu một ngày mới chậm rãi, bình tĩnh bằng sự yên tĩnh bên tách cà phê hay đi dạo cùng thú cưng… sẽ giúp tinh thần bạn thư thái, khả năng tập trung cao hơn. Sau đó hãy rà soát lại kế hoạch hàng ngày và bắt tay vào công việc của mình. Nói đến năng suất, hãy chậm và ổn định, bạn sẽ chiến thắng mọi cuộc đua.
Happy Live Team
Nguồn: her.vn
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay Thói Quen Đổi Vận Mệnh
Bộ công cụ mạnh mẽ giúp bạn phá bỏ những xiềng xích của thói quen và tiềm thức để lập trình lại con người và vận mệnh của chính mình