fbpx

Sóng cổ phiếu giữa trùng vây địa chính trị: Sói già và cáo trẻ, ai sẽ đúng

Cổ phiếu toàn cầu tăng điểm trong thời gian qua trái ngược với những diễn biến địa chính trị phức tạp gần đây.

Trong tháng 5 và đầu tháng 6, cổ phiếu toàn cầu giữ xu hướng chung là tăng, một số thị trường “tăng rực rỡ”. Nhiều cổ phiếu hàng không như American Airlines đã tăng 1,5-2 lần, trong khi một số cổ phiếu của công ty vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản như Hertz tăng 8 lần. Ở châu Á, ngay cả Hồng Kông, tâm điểm của tranh chấp Mỹ – Trung trong thời gian gần đây, cổ phiếu cũng tăng điểm trong tuần đầu tháng 6.

Sóng cổ phiếu giữa trùng vây địa chính trị: Sói già và cáo trẻ, ai sẽ đúng

Mấu chốt tăng điểm của thị trường trong tháng 5 và đầu tháng 6 nằm ở việc các nhà đầu tư lạc quan và đầy hy vọng về triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu và những gói cứu trợ mới ở châu Âu. Giá dầu tăng về mốc 40 USD/thùng, còn giá vàng rớt về mức 1.683 USD/ounce. Chỉ số hoảng sợ/tham lam của CNBC ở mức 66, tiến gần mức “rất tham lam”. Chỉ số VIX dưới 30, phản ánh rủi ro bất ổn thị trường thấp.

Những điều này trái ngược với nhận định của giới kinh tế là tình hình kinh tế trong 9-12 tháng tới sẽ không có hồi phục hình chữ V, thị trường lao động cũng như tín dụng sẽ còn gặp nhiều khó khăn, sức cầu sẽ khó tăng mạnh. Không chỉ vậy, điều đó còn trái ngược với những diễn biến địa chính trị phức tạp thời gian gần đây, mà điển hình là căng thẳng Mỹ – Trung, kéo theo cả Hồng Kông, Đài Loan và tranh chấp ở biển Đông lên “sân khấu chính” của màn trình diễn căng thẳng địa chính trị trên thế giới.

Ăn miếng, trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc

Căng thẳng Mỹ – Trung những ngày cuối tháng 5 vừa qua có thể coi là nóng nhất, khi Trung Quốc kiên quyết áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông. Luật này được cho là sẽ thu hẹp hơn nữa quyền tự trị ở Hồng Kông, hạn chế các quyền tự do của công dân vẫn đang được tuân thủ ở Hồng Kông, như đa đảng chính trị, tự do ngôn luận, tự do hội họp. Nhiều nước phản đối luật này, cho rằng nó đi ngược lại tinh thần “một quốc gia, hai thể chế” mà Trung Quốc cam kết tôn trọng khi nhận trao trả Hồng Kông.

Một số nhà phân tích cho rằng, động thái trên của Bắc Kinh là để thăm dò và đáp trả việc lưỡng viện của Mỹ thông qua đạo luật liên quan đến hành vi đàn áp dân tộc thiểu số người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc, đe dọa trừng phạt nhiều quan chức cao cấp của Trung Quốc liên quan đến những hành động này.

Sóng cổ phiếu giữa trùng vây địa chính trị: Sói già và cáo trẻ, ai sẽ đúng

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cho rằng, thật ra đây chỉ là tính toán lâu dài của Trung Quốc, vì họ đã “không còn kiên nhẫn” với Hồng Kông. Nay nhân việc quan hệ với Mỹ không còn tốt đẹp, họ đẩy luôn việc thực thi sớm đạo luật này để sau này “mọi sự đã rồi”, Mỹ hay đồng minh muốn duy trì dân chủ cho Hồng Kông thì quyền quyết định đã nằm trong tay Trung Quốc. Sau này Trung Quốc có thể lấy việc nới lỏng hay siết chặt luật an ninh quốc gia.

Ngay sau động thái trên của phía Trung Quốc, Tổng thống Mỹ thông báo rút lại quy chế ưu đãi thương mại đối với Hồng Kông và tiếp theo là cấm các hãng hàng không của Trung Quốc bay đến Mỹ bắt đầu từ ngày 16/6. Động thái cấm các hãng hàng không Trung Quốc bay đến Mỹ thật ra không liên quan nhiều đến sự kiện Hồng Kông, mà chủ yếu do Trung Quốc chưa cho phép các hãng hàng không của Mỹ hoạt động lại tại Trung Quốc. Bắc Kinh cấm máy bay của Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, thì Washington lại cấm may bay của Trung Quốc bay đến Mỹ.

Sự kiện Hồng Kông chỉ là một điểm nóng mới trong quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước đó, hai nước đã rất căng thẳng với nhau do Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu số liệu về Covid-19, dẫn đến tổn thất cho nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ và đã có những kêu gọi trong thành phần diều hâu cốt cán của Đảng Cộng hòa, bao gồm việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, có bằng chứng coronavirus gây ra Covid-19 bắt đầu từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.

Một số nhà phân tích khi đó đã lo sợ rằng, thành phần “diều hâu” trong đảng Cộng hòa sẽ nhân cơ hội đó thúc đẩy một đạo luật trừng phạt Trung Quốc. Đáp trả điều đó, truyền thông Trung Quốc chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là “dối trá”.

Khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát biểu rằng, tuyên bố của Mỹ là “mang tính suy đoán” và rằng, tổ chức này chưa hề thấy có “bằng chứng cụ thể” nào. Kết quả là ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chấm dứt quan hệ của Mỹ với WHO. Chia tay WHO, chấm dứt ưu đãi cho Hồng Kông là đoạn kết của màn “ăn miếng, trả miếng” liên tục giữa Mỹ và Trung Quốc trong suốt tháng 4 và tháng 5.

Những ngày đầu tháng 6, Hãng tin Bloomberg cho rằng, đã có động thái cho thấy, chính quyền Trung Quốc chỉ đạo các công ty nhà nước tạm dừng mua hàng nông sản từ Mỹ, một phần của cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn I mà Mỹ và Trung Quốc ký kết cuối năm 2019. Điều này làm dấy lên lo ngại thỏa thuận thương mại này sẽ đổ vỡ.

Tuy nhiên, những ngày sau đó, có tín hiệu cho thấy, các công ty Trung Quốc vẫn đang mua nông sản của Mỹ, mà giới phân tích cho rằng, chủ yếu là vì các công ty này vẫn chưa mua đủ nhu cầu họ cần. Việc chấm dứt mua nông sản có thể sẽ diễn ra trong vài tuần tới.

Đó chỉ là những bề nổi được chú ý. Ở phía chìm của tảng băng, căng thẳng dữ dội nhất giữa Mỹ và Trung Quốc là việc giữa tháng 5, phía Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế cấp giấy phép bán các chip bán dẫn được sản xuất ở nước ngoài với công nghệ của Mỹ cho Huawei. Một trong những hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới là TSMC và là một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Huawei, đã ngừng nhận các đơn đặt hàng mới từ hãng này. Điều này được cho là sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng của hãng này.

Sóng cổ phiếu giữa trùng vây địa chính trị: Sói già và cáo trẻ, ai sẽ đúng

Tờ Financial Times ước tính, hơn 50% phần cứng và khoảng 85% phần mềm giúp sản xuất chip bán dẫn liên quan đến công nghệ Mỹ. Điều này gần như là một động thái của Mỹ để đông cứng chuỗi cung ứng cho Huawei. Trong thời gian ngắn, hãng này không thể tìm ra nhà cung cấp nào có thể thay thế nguồn chip bán dẫn của các công ty như TSMC.

Đây là một nỗ lực khác của Mỹ trong việc “đánh” tham vọng bành trướng trong ngành viễn thông của Trung Quốc. Vào cuối tháng 5, đồng minh thân cận của Mỹ là Anh đã bày tỏ mong muốn giảm vai trò của Huawei trong xây dựng mạng 5G tại nước này. Đây là một bước chuyển hướng đột ngột của Anh, khi cuối tháng 4/2020, Anh còn xác nhận cho phép Huawei cùng xây dựng mạng điện thoại 5G.

Không biết liệu hành động “quẹo cua” này của Thủ tướng Anh Boris Johnson có liên quan gì với thông điệp của Mỹ rằng, họ quan ngại về thiết bị Huawei và cảnh báo đồng minh còn sử dụng chúng trong mạng sẽ có thể không được chia sẻ thông tin tình báo nữa hay không?

Trong khi Hồng Kông là một chuyện ngoài nước Mỹ, thì “đánh” Huawei liên quan trực tiếp đến lợi ích sát sườn của các công ty viễn thông và công nghệ Mỹ. Cuộc chiến Huawei sẽ còn dai dẳng hơn cả cuộc chiến Hồng Kông.

Sóng gió còn ở phía trước 

Trong những ngày tăng điểm đầu tháng 6 của thị trường, những nhà phân tích tỏ ra lạc quan về thị trường như Jim Cramer tin rằng, kinh tế Mỹ đang hy vọng hồi phục chữ V là nhờ các gói cứu trợ kinh tế và nhờ Fed đang cam kết làm tất cả những gì cần thiết để hỗ trợ thị trường. Điều này có thể đúng hoặc không, nhưng có một điều chắc chắn, không có gói cứu trợ nào có thể làm căng thẳng Mỹ – Trung biến mất hay triệt tiêu ảnh hưởng của việc giảm sút về thương mại toàn cầu đến tăng trưởng toàn cầu.

Tất nhiên, suy giảm thương mại toàn cầu không có tác động lớn như Covid-19, không làm đóng băng nền kinh tế toàn cầu. Có chăng là tăng trưởng chậm lại, nhưng không tạo ra tỷ lệ thất nghiệp 13-20% khắp nơi trên thế giới và làm cả cung lẫn cầu đều rơi tự do trong tháng 3 và tháng 4.

Với thị trường tài chính, sự khó chịu của căng thẳng thương mại, mà nay chuyển sang căng thẳng toàn diện Mỹ – Trung, là ở chỗ nhà đầu tư không thể biết khi nào các quan chức ở Washington hay Bắc Kinh lại có những phát biểu làm “nóng” cuộc chiến này. Đài Loan, Hồng Kông, biển Đông, Huawei, nhà khoa học và sinh viên gốc Trung Quốc đều là những điểm nóng có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Và nay, còn xuất hiện thêm tranh chấp biên giới Ấn Độ – Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi đã leo thang từ cuối tháng 5/2020. Theo tờ Guardian, hàng ngàn binh sĩ Trung Quốc đã di chuyển tới các khu vực nhạy cảm dọc biên giới Ladakh, dựng lều và đặt các máy móc hạng nặng tại nơi mà Ấn Độ coi là lãnh thổ nước này. Để đáp trả, Ấn Độ cũng phái vài tiểu đoàn thuộc bộ binh thường đóng ở Ladakh tới các khu vực báo động dọc biên giới và đưa thêm quân tăng viện tới khu vực này.

Tuy căng thẳng và so kè giữa Trung Quốc và Ấn Độ dọc biên giới là chuyện mỗi năm đều diễn ra, nhưng trong bối cảnh căng thẳng hiện tại, nó lại là một mồi lửa mới cho căng thẳng Mỹ – Trung có dịp leo thang. Nếu Mỹ bênh Ấn Độ ra mặt, Trung Quốc có thể lại đem vấn đề Đài Loan ra để đáp trả.

Lực mua của vàng mỗi khi giá giảm mạnh về 1.650-1.680 USD/ounce trong năm nay đều tăng lên, phản ánh một bộ phận nhà đầu tư vẫn âm thầm mua vàng khi giá rẻ. Phải chăng vì họ lo sợ điều này? Và điều đáng chú ý là, mặc dù tiền vào thị trường cổ phiếu rất mạnh ở Mỹ trong những ngày qua, đó vẫn chủ yếu là tiền của những nhà đầu tư “trẻ” và “nguy hiểm” giao dịch qua nền tảng Công ty Fintech Robinhood.

Sóng cổ phiếu giữa trùng vây địa chính trị: Sói già và cáo trẻ, ai sẽ đúng

Theo số liệu của Refinitiv, tính đến giữa tháng 5/2020, vẫn có khoảng 1.100 tỷ USD nằm yên trong các tài khoản mua giấy tờ có giá ngắn hạn như trái phiếu kỳ hạn rất ngắn ở các quỹ thị trường tiền tệ của Mỹ (money market funds). Điều đó cho thấy, còn một lượng tiền mặt rất lớn ở Mỹ vẫn đang rất thận trọng.

JP Morgan cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy, cổ phiếu Mỹ còn có thể lên nữa vì tính luôn tỷ trọng tiền mặt ở những quỹ đầu tư hơn trăm tỷ USD, thì số tiền mặt có thể chảy vào cổ phiếu ở thị trường Mỹ là hơn 1.200 tỷ USD. Nhưng việc chúng vẫn nằm yên đó mặc cho thị trường Mỹ đã hồi phục hơn 30% tính đến giữa tháng 5/2020 cho thấy, những nhà đầu tư kỳ cựu vẫn đang sợ cái gì đó, bất chấp những nhà đầu tư trẻ trên nền tảng Robinhood đang nhìn thấy danh mục đầu tư tăng 60-80%.

Sói già và cáo trẻ, ai sẽ đúng? Căng thẳng địa chính trị, hồi phục kinh tế và rủi ro tái bùng phát Covid-19 là 3 ẩn số quyết định cuộc chơi này. Trong đó, số liệu kinh tế có định kỳ công bố hàng tuần, nên ít nhiều có tính dự báo trước mà chuẩn bị. Dịch bệnh rồi cũng sẽ được kiểm soát khi có vắc-xin. Căng thẳng địa chính trị thì không có lịch báo trước, cũng không có vắc-xin để kiểm soát. Đây mới là điều khó chịu nhất cho giới đầu tư.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề