fbpx

Sức mạnh của đồng USD khiến Phố Wall phải đau đầu

Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại USD mạnh lên sẽ gây áp lực cho các nền kinh tế khác, cả thị trường mới nổi lẫn những nước phát triển.

Đồng USD mạnh lên làm tăng sức mua tương đối của người tiêu dùng Mỹ vì khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Nhưng đồng bạc xanh cũng nằm trong trung tâm của thị trường tài chính toàn cầu, và USD tăng giá có thể tạo ra hậu quả khó lường cho thế giới.   

Các nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách buộc phải nhìn lại những bài học đau buồn trong quá khứ. Sự thăng trầm của tiền tệ là nguyên nhân đằng sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và một trong những yếu tố gây ra khủng hoảng tài chính Nga 1998, sự kiện hạ gục quỹ đầu cơ khổng lồ Long-Term Capital Management (LTCM) của Mỹ.

Năm 2022 là khoảng thời gian tuyệt vời với đồng USD. Trong bối cảnh cả cổ phiếu lẫn trái phiếu đều suy sụp, các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn thi nhau vơ vét nội tệ của Mỹ. Trong năm nay, giá USD đã tăng 17% so với bảng Anh và “vượt mặt” euro lần đầu tiên trong hai thập kỷ. Chỉ số Dollar WSJ, phản ánh tỷ giá của USD so với một rổ tiền tệ, đã tăng 13% từ đầu năm đến nay.

Dưới đây là 4 lĩnh vực có thể gặp rắc rối vì sức mạnh của USD.

Các thị trường mới nổi

Với vai trò là đồng tiền dự trữ thế giới, USD được sử dụng trong việc mua bán hàng hóa giữa các quốc gia. Các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương khi USD tăng giá một phần là bởi nguy cơ vốn ngoại rời đi và những nước này thường vay nợ bằng USD.

Theo tờ Wall Street Journal, đồng USD mạnh lên thường khiến tiền tệ của các thị trường mới nổi mất giá. Và điều này lại càng khuếch đại lạm phát tại những nước mới nổi thông qua sự tăng giá của hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu.

Đầu năm nay, các thị trường mới nổi vẫn khá vững vàng dẫu USD bật tăng. Nhưng đó chủ yếu là do giá hàng hóa leo thang làm lợi cho những nước xuất khẩu đồng, đậu nành và cà phê. Giờ đây giá hàng hóa đang hạ nhiệt và các nhà kinh tế toàn cầu cảnh báo các thị trường mới nổi có thể sắp gặp phải thách thức lớn.

Lợi nhuận doanh nghiệp

Các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế đã hạ dự báo lợi nhuận kể từ tháng 6, viện dẫn lý do đồng USD tăng giá. Microsoft là một trong những công ty đầu tiên phát đi cảnh báo. Công ty sản xuất máy móc nông nghiệp Deere cũng cảnh báo đồng USD mạnh lên sẽ khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng tiêu cực.

Lo lắng của các doanh nghiệp đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Nhiều công ty có nguồn doanh thu lớn từ nước ngoài chứng kiến cổ phiếu sụt giảm mạnh hồi đầu năm, bao gồm Apple, Nvidia và Alphabet – công ty mẹ của Google.

Tuy thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục kể từ đó, nhưng số doanh nghiệp ra báo động đã tăng lên, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư có thể sẽ còn phải chịu nhiều đau đớn.  

Nền kinh tế toàn cầu

Ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang chạy đua để thắt chặt chính sách tiền tệ hòng khống chế lạm phát. Nhưng đồng USD mạnh lên khiến công việc của họ càng trở nên phức tạp.

Ông Keith DeCarluccim, Giám đốc đầu tư của quỹ đầu cơ Melqart KEAL Capital, cho biết: “Có nhiều lý do đồng USD mạnh khiến cho việc hạ nhiệt lạm phát tại châu Âu trở nên cực kỳ khó khăn. Những hàng hóa quan trọng nhất mà các nước trong khu vực nhập khẩu được yết giá bằng USD, bao gồm năng lượng”.

Nếu các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất quá nhanh thì họ có nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái. Nhưng các nhà đầu tư lại có xu hướng đánh giá cao những nước có ngân hàng trung ương hành động quyết liệt để ghìm cương lạm phát. Hành động thắt chặt chính sách nhanh chóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một trong những nguyên nhân USD tăng vọt trong năm nay.

Trong những tuần gần đây, Australia và Canada đã tăng lãi suất. Hôm 8/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất kỷ lục 75 điểm cơ bản bất chấp nguy cơ suy thoái khi mùa đông đến gần.

Can thiệp tiền tệ

Một số nhà quan sát lo ngại rằng đà tăng của USD có thể khuyến khích các chính phủ can thiệp trực tiếp hơn để củng cố đồng nội tệ bằng cách bán USD để mua nội tệ hoặc từ bỏ việc neo giá vào USD.

Mục tiêu này có thể đạt được, đặc biệt là nếu có sự tham gia của Mỹ. Năm 1985, Anh, Pháp, Tây Đức và Nhật Bản đã cùng Mỹ ký kết Hiệp định Plaza nhằm kéo giá USD đi xuống. Hầu hết các nhà phân tích Phố Wall cho rằng sự can thiệp như vậy khó có thể xảy ra trong bối cảnh chính trị hiện nay, nhưng một số người khẳng định biện pháp này vẫn có khả năng được thực hiện.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phản đối ý tưởng trên. Tại cuộc họp với các quan chức Nhật Bản ở Tokyo, bà tuyên bố: “Quan điểm chung của chúng tôi là các nước như Nhật Bản, Mỹ và nhóm G-7 nên để tỷ giá được quyết định bởi thị trường. Chúng ta sẽ chỉ can thiệp trong những trường hợp đặc biệt và hiếm thấy”.

Hà An

Vietnambiz

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z

bo-sach-dau-tu-gia-tri-tu-den-z

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề