fbpx

Tại sao các tỷ phú như Elon Musk và Mark Zuckerberg nhận lương chỉ 1 USD?

Việc các CEO nhận lương 1 USD bắt đầu xuất hiện từ những năm 1940. Ngày nay, nhiều tỷ phú thế giới như Elon Musk hay Mark Zuckerberg vẫn tiếp tục truyền thống này, nhưng ý nghĩa khác hẳn trước kia.
Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã và đang nhận lương tiền mặt 1 USD, từ trái qua: Steve Jobs – cố CEO của Apple; Larry Page – đồng sáng lập Google; Elon Musk – CEO Tesla; Mark Zuckerberg – CEO Facebook; và Sergey Brin – đồng sáng lập Google. (Ảnh: Getty Images/AP, Reuters).

Trong vài thập kỷ gần đây, một xu hướng gây tò mò đã xuất hiện: một số lượng nhỏ nhưng ngày càng nhiều CEO quyết định chỉ nhận lương tiền mặt 1 USD/năm. Sau thuế, khoản lương này còn lại khoảng 93 xu.

Một số cái tên nổi tiếng trong “câu lạc bộ 1 USD” có thể kể đến như CEO Facebook – Mark Zuckerberg, CEO Tesla – Elon Musk, CEO Snapchat – Evan Spiegel, cựu CEO Twitter – Jack Dorsey hay hai đồng sáng lập của Google – Larry Page và Sergey Brin.

Việc giảm lương xuống còn 1 USD thường mang tính chất tượng trưng, được giới CEO sử dụng để củng cố mối quan hệ lợi ích với các cổ đông. Ngoài ra, việc này đôi khi còn được ca ngợi là một nghĩa cử hy sinh mà các nhân viên khác nên học hỏi.

Song, xét theo một số khía cạnh thì mức lương 1 USD mỗi năm có thể không đáng khen ngợi như nhiều người lầm tưởng, Yahoo Finance nhận xét. Để hiểu lý do tại sao, hãy thử quay về thời điểm mà xu hướng này bắt đầu hình thành.

Sự hy sinh thời chiến

Vào đầu những năm 1940, Mỹ phải gắng sức để nền kinh tế trụ vững trong Thế chiến II. Mọi người đều được kỳ vọng sẽ góp công và dĩ nhiên là cả giám đốc của các doanh nghiệp hàng đầu đất nước.

Một số lãnh đạo tiếng tăm như CEO Philip Reed của General Electric và Chủ tịch Williams S. Knudsen của General Motors đã đề nghị cung cấp dịch vụ miễn phí cho chính phủ.

Tuy nhiên, luật pháp cấm Washington tiếp nhận dịch vụ không công. Vì vậy, các nhà lãnh đạo này đã đề nghị hạ lương của mình xuống còn 1 USD. Họ nhanh chóng được biết đến với cái tên “dollar-a-year men” (những người đàn ông kiếm được 1 USD mỗi năm).

Vài thập kỷ sau, khái niệm trên đã được một loạt CEO mới trong khu vực tư nhân áp dụng. Lúc này, hành động của họ không phải là biểu tượng của sự hy sinh trong thời chiến, mà là một cử chỉ thiện chí với các cổ đông.

Người tiên phong cho xu hướng nhận lương 1 USD thời hậu chiến là ông Lee Iacocca – khi đó là CEO của tập đoàn Chrysler đang trầy trật với kết quả kinh doanh tồi tệ.

Năm 1979, Chrysler – một trong ba tập đoàn ô tô lớn nhất của Mỹ, đã lâm vào tình cảnh khốn đốn. Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi đầu thập niên 1970, Chrysler phải vật lộn tìm nguồn vốn nhằm bắt kịp thị hiếu đang thay đổi của người tiêu dùng.

Thời điểm đó, người dân Mỹ mong muốn được sử dụng những mẫu ô tô nhỏ hơn. Ngoài ra, Chrysler còn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, theo New York Times.

Cựu CEO Lee Iacocca của Chrysler dự một sự kiện năm 1978. (Ảnh: AP).

Iacocca quyết định nhờ chính phủ giúp đỡ. Để thể hiện rằng ông nghiêm túc muốn xoay chuyển tình thế, vị giám đốc điều hành đã cắt giảm lương của mình xuống còn vỏn vẹn 1 USD.

Khi Chrysler nhận được các khoản vay liên bang trị giá 1,5 tỷ USD và cuối cùng ổn định trở lại, Iacocca được công chúng tôn vinh là “tấm gương đi đầu”, sẵn sàng hy sinh vì doanh nghiệp và cổ đông.

Kể từ đó, mức lương 1 USD đã trở thành một hình thức PR của các CEO giàu có, rằng họ sẵn lòng cắt lương trong những thời điểm khó khăn của doanh nghiệp.

Khi bong bóng dot-com sụp đổ vào đầu những năm 2000, một số nhà điều hành công nghệ nổi tiếng đã gia nhập “câu lạc bộ 1 USD”.

Steve Jobs đã chấp nhận mức lương 1 USD ngay sau khi tái gia nhập Apple và duy trì như vậy trong hơn một thập kur.

Đến khoảng năm 2006, việc các CEO công nghệ nhận lương 1 USD đã trở thành một hiện tượng phổ biến đến mức tờ Los Angeles Times coi động thái này là “một biểu tượng địa vị mới”.

Thời nay đã khác

Ngày nay, nhiều CEO giàu có bậc nhất nước Mỹ vẫn tiếp tục truyền thống kể trên. Song, những “hy sinh” của họ lại khác xa so với những nhà lãnh đạo kiếm được 1 USD vào những năm 1940.

Các CEO trong quá khứ kiếm được ít tiền hơn và phần lớn thu nhập của họ là dưới dạng lương tiền mặt. Ngược lại, ngày nay, lương tiền mặt chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng thu nhập của các CEO.

Khối tài sản kếch xù của các giám đốc điều hành hiện tại chủ yếu đến từ các loại phần thưởng phi tiền mặt như cổ phiếu và quyền chọn.

Chẳng hạn, Jeff Bezos – nhà sáng lập gã khổng lồ công nghệ Amazon, đã tự trả cho mình mức lương 81.840 USD vào năm 2018. Song, cổ phiếu Amazon mà ông nắm giữ đã tăng thêm 24 tỷ USD – qua đó giúp Bezos trở thành người đàn ông duy nhất trên Trái đất có tài sản ròng 12 chữ số ở thời điểm đó.

Nền tảng The Hustle dẫn một nghiên cứu năm 2011 đối với 50 giám đốc điều hành cho thấy, một CEO trung bình trong “câu lạc 1 USD” dù từ bỏ khoản lương tiền mặt 610.000 USD nhưng lại kiếm được 2 triệu USD từ “các khoản thu nhập dựa trên vốn chủ sở hữu không thể thấy rõ” khác.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng phù hợp với nhận định rằng mức lương 1 USD cho các CEO thật ra là mánh khoé để họ kiếm thêm bộn tiền… Thay vì thể hiện sự hy sinh, việc nhận lương 1 USD thực chất là hành vi cơ hội của những CEO giàu có…”

Một nghiên cứu tương tự đã đánh giá thu nhập của các CEO nhận lương 1 USD và những CEO bình thường. Kết quả cho thấy, dù lương tiền mặt của nhóm đầu ít hơn nhóm sau khoảng 1,6 triệu USD, cuối cùng thu nhập của nhóm đầu vẫn cao hơn 3,5 triệu USD nhờ các phúc lợi khác.

Hà An

Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh

 

Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm

Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia định thịnh vượng, bền vững

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề