Tại sao cần quan tâm “tài chính cá nhân” trước khi đầu tư chứng khoán?
Tài chính cá nhân là thuật ngữ chỉ việc quản lý tiền của một cá nhân, tiết kiệm và đầu tư; bao gồm quá trình lập ngân sách – quản lý dòng tiền, chiến lược tăng thu – giảm chi cũng như lên kế hoạch nghỉ hưu.
Tuy vậy, rất nhiều người chưa “thoát nghèo đã vội làm giàu”, mang toàn bộ số tiền tiết kiệm đi đầu tư, sử dụng margin, vay nợ và rồi cuối cùng phải còng lưng trả nợ hoặc bán tài sản. Vậy làm thế nào với xuất phát điểm khiêm tốn, chúng ta có thể từng bước đạt được các nấc thang về tài chính? Dưới đây là 5 bước bạn đọc có thể tham khảo:
1. Thiết lập các mục tiêu về tài chính
Có 5 nấc thang về tài chính cá nhân mà bạn có thể bắt đầu thiết lập và chinh phục:
1. Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp (quỹ này sẽ bằng chi phí cơ bản trong 6 – 9 tháng). Nếu bạn làm kinh doanh sẽ phải cộng thêm chi phí 3 – 6 tháng kinh doanh.
Ví dụ: Chi phí hàng tháng của gia đình là 10 triệu đồng, chi phí kinh doanh là 30 triệu. Vậy bạn sẽ cần xây quỹ = 10 triệu*6-9 tháng + 30 triệu*3-6 tháng
2. Mốc an toàn tài chính
3. Mốc đảm bảo tài chính
4. Mốc độc lập tài chính
5. Mốc tự do tài chính
2. Lập ngân sách và quản lý dòng tiền
Bạn có nắm rõ những khoản thu – chi trong tháng? Hay khi lãnh lương xong, bạn sẽ mang tiền đi trả nợ, đi ăn một bữa ngon, sau đó sẽ tiêu số tiền còn lại và dành tiết kiệm một phần tiền rất nhỏ? Nếu bạn vẫn còn giữ những thói quen đó, dưới đây là mẹo dành cho bạn:
Hãy chọn một phương pháp quản lý tiền phù hợp với bạn: phương pháp 6 chiếc lọ; phương pháp 50/30/20; phương pháp Kakeibo và sau đó chia tiền thành những danh mục nhỏ như chi phí sinh hoạt cần, giáo dục, tiết kiệm, trả nợ, cho đi,… theo tỷ lệ %. Khoản tiền tiết kiệm – đầu tư nên bắt đầu với con số 10% và sau đó tăng dần qua thời gian bởi vì số tiền bạn tiết kiệm – đầu tư là số tiền bạn sẽ trả cho tương lai tài chính của bạn.
3. Nâng cao năng suất lao động và kiếm tiền với hiệu suất tối đa
Bạn được trả tiền qua giá trị của bạn, không phải theo thời gian. Do đó, hãy tập trung làm việc và nâng cao hiệu quả công việc (tìm ra những phương án xử lý vấn đề nhanh hơn, trở thành người chủ động đưa ra giải pháp mới,… ). Đồng thời, tăng thêm nguồn thu nhập khác bằng những công việc tự do, buôn bán nhỏ,…
4. Trả nợ
Rất nhiều bạn trẻ có thói quen dùng thẻ tín dụng và vay nợ để mua sắm hàng hiệu, làm phông nền cho bản thân nhưng bạn có biết, tỷ suất sinh lợi trên thị trường chứng khoán dao động 15%/năm còn lãi suất thẻ tín dụng là 25 – 40%/năm?
Thay vì ôm các khoản nợ và luôn stress với việc dùng tiền đầu này đắp đầu kia, hãy bắt đầu lên kế hoạch trả nợ, đặc biệt là các khoản lãi cao. Khi hoàn tất việc trả nợ, bạn sẽ thấy bản thân đã có một bước tiến xa trên hành trình chinh phục các mục tiêu về tài chính đấy.
5.Tìm hiểu về đầu tư chứng khoán như là một nghề/một công việc
Đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, kinh doanh,… bất cứ một hoạt động nào có thể tạo ra lợi nhuận, đều cần quá trình học tập và rèn luyện nghiêm túc.
Chứng khoán Việt Nam được xem là một thị trường tiềm năng, nhiều cơ hội tìm kiếm các khoản lợi nhuận, nếu bạn muốn bước vào con đường đầu tư chứng khoán, hãy bắt đầu trở thành một đứa trẻ và kiên nhẫn học tập từ những bước cơ bản đầu tiên vì sau cùng, phần thưởng sẽ dành cho người kiên trì, bền bỉ và nỗ lực học tập không ngừng.
Bạn đang vướng mắc ở bước nào trong 5 bước chinh phục các nấc thang về tài chính, hãy chia sẻ với Happy.Live nhé.
Happy Live Team
Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm
Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia đình thịnh vượng, bền vững