fbpx

Tại sao phụ nữ đầu tư sinh lời nhiều hơn nam giới?

Nhiều nghiên cứu về đầu tư chứng khoán cùng đưa ra kết luận: nhà đầu tư nữ có tỷ suất lợi nhuận ròng cao hơn đáng kể so với nam. Ngay cả các quỹ đầu cơ do phụ nữ quản lý cũng có tỷ suất lợi nhuận ròng cao hơn các quỹ do nam quản lý.

Phụ nữ sinh lời nhiều hơn nam giới khi đầu tư chứng khoán

Sau khi nghiên cứu dữ liệu từ tài khoản chứng khoán của hơn 35.000 nhà đầu tư (NĐT) trong khoảng thời gian 6 năm, hai học giả Brad Barber và Terrance Odean rút ra kết luận:

NĐT nam giao dịch nhiều hơn NĐT nữ 45%, tức gần gấp rưỡi. Ngược lại, suất sinh lợi ròng (sau khi trừ phí giao dịch) của NĐT nữ lại cao hơn NĐT nam 0,94 điểm % một năm.

Khi xét riêng số liệu của các NĐT độc thân, sự chênh lệch lại càng lớn. NĐT nam độc thân giao dịch nhiều hơn NĐT nữ độc thân 67%, và suất sinh lợi của nam thấp hơn nữ là 1,44 điểm % một năm.

Trong một nghiên cứu tương tự, công ty tư vấn tài chính Hargreaves Lansdown tiết lộ thống kê kết quả đầu tư của khách hàng công ty mình: trong 3 năm từ tháng 8/2014 đến tháng 8/2017, các NĐT nữ có tỷ suất sinh lợi cao hơn các NĐT nam 0,81 điểm % một năm.

Hiện tượng này còn xuất hiện cả ở các nhà đầu tư tổ chức. Năm 2012, công ty tư vấn Rothstein Kass công bố số liệu cho thấy trong 5 năm liền, các quỹ đầu cơ (hedge fund) do phụ nữ làm quản lý luôn có suất sinh lợi cao hơn các quỹ do nam giới quản lý. Cụ thể, suất sinh lợi trung bình của các nữ quản lý là 9%/năm trong khi trung bình toàn ngành chỉ 3%/năm.

Năm 2017, tờ Financial Times khi nghiên cứu dữ liệu chỉ số HRFI trong 5 năm trước đó cũng công bố kết quả tương tự.

Biến động chỉ số HRFI Women Index (đường màu xanh) và HRFI Fund Weighted Composite Index (đường màu cam) từ tháng 12/2006 đến tháng 5/2018.  Nguồn: Hedge Fund Research
Biến động chỉ số HRFI Women Index (đường màu xanh) và HRFI Fund Weighted Composite Index (đường màu cam) từ tháng 12/2006 đến tháng 5/2018.
Nguồn: Hedge Fund Research

Chỉ số HFRI Fund Weighted Composite Index được xây dựng từ báo cáo của hơn 1.500 quỹ đầu tư chỉ có một quản lý (single-manager funds) trên toàn thế giới và có tài sản từ 50 triệu USD trở lên. Suất sinh lợi ở đây là số liệu ròng sau khi đã trừ đi các loại phí.

Chỉ số HFRI Women Index cũng được xây dựng tương tự như trên nhưng chỉ bao gồm các quỹ do phụ nữ sở hữu và/hoặc quản lý.

Từ tháng 12/2006 đến tháng 5/2018, các quỹ do phụ nữ làm chủ và/hoặc quản lý có tỷ suất sinh lợi 72% trong khi tỷ suất sinh lợi chung toàn ngành là 52%.

Nguyên nhân: Tâm lý tự tin thái quá của nam giới

Kết quả một khảo sát được hãng Gallup thực hiện trên gần 1.000 NĐT cho thấy, khi được hỏi anh/chị dự đoán suất sinh lợi của danh mục đầu tư của mình trong 12 tháng tới sẽ thấy nào, NĐT nam kỳ vọng sẽ đánh bại trung bình thị trường 2,8%/năm trong khi con số này với NĐT nữ là 2,1%. Cả hai giới đều tỏ ra tự tin thái quá (overconfident) nhưng mức độ tự tin của NĐT nam rõ ràng lớn hơn NĐT nữ.

Điều này bắt nguồn từ suy nghĩ lĩnh vực tài chính-đầu tư là thế mạnh của nam giới và có đa số nhân sự là nam giới; phụ nữ nói chung bị coi là kém hiểu biết hơn.

Khi tự tin thái quá, tức cho rằng mình giỏi hơn người khác, NĐT sẽ giao dịch nhiều hơn với hy vọng kiếm lợi từ những điều mình biết mà người khác không biết, dẫn tới tăng chi phí giao dịch và giảm suất sinh lợi ròng. Một thống kê dựa trên hơn 66.000 tài khoản cho thấy, 20% những NĐT giao dịch nhiều nhất có suất sinh lợi thấp hơn trung bình thị trường 10,3%/năm.

Các tác giả Barber và Odean kết luận: tỷ suất sinh lợi gộp của nam giới và phụ nữ là ngang nhau, chỉ có tỷ suất sinh lợi ròng của nam thấp hơn của nữ do chịu chi phí giao dịch lớn hơn.

Theo giải thích của các tác giả, tin tức tài chính ngắn hạn chỉ là sự “nhiễu” và không có ý nghĩa đặc biệt, nhưng các NĐT tự tin thái quá luôn tìm cách diễn giải thông điệp từ tin tức này và giao dịch theo kết luận của mình.

Hãng tư vấn Hargreaves Lansdown cũng nhận thấy NĐT nữ thường theo đuổi chiến lược mua, nắm giữ và ít giao dịch hơn so với NĐT nam. Ngoài ra, hãng còn phát hiện rằng phụ nữ thường đa dạng hóa danh mục rất tốt và ít khi chọn các khoản đầu tư rủi ro; còn nam giới lại tỏ ra ưa phiêu lưu mạo hiểm hơn và thường tập trung rủi ro vào một số ít cổ phiếu.

Một số giả thuyết cho rằng phụ nữ có những kỹ năng và cách tiếp cận ưu việt hơn nam giới trong lĩnh vực tài chính – kinh doanh. Một thống kê của Ngân hàng Credit Suisse còn phát hiện rằng cổ phiếu của những công ty có ít nhất một thành viên HĐQT là nữ sẽ có tỷ suất sinh lợi cao hơn 4 điểm % so với cổ phiếu của những công ty mà HĐQT toàn nam giới.

Nguồn: Kinh tế & tiêu dùng

Có thể bạn quan tâm: Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị – Guy Spier (Hành trình lột xác từ một tay “mafia” cò mồi phố Wall trở thành nhà đầu tư giá trị chân chính)

Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề