Tâm điểm thị trường chứng khoán: Thị trường tăng gấp rút, FOMO có đáng ngại?
Thị trường chứng khoán điều chỉnh ít trong khi đang có những chuỗi phiên tăng gấp rút khiến tâm lý sợ mất cơ hội đầu tư (FOMO) xuất hiện. Các chuyên gia đã đưa ra quan điểm về tâm lý thị trường sau tuần đáo hạn phái sinh tháng 7.
“Thị trường đã có hiện tượng FOMO, nhà đầu tư nên hành động dựa trên các dữ liệu mới”
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC
Có thể nói thị trường chứng khoán trong tháng Bảy bước vào nhịp nước rút khi gần như có rất ít các phiên chỉnh và khi có điều chỉnh, cung cũng được hấp thụ rất nhanh.
Thị trường đã rất nhanh gần áp sát vùng 1.200 điểm. Trong những nhận định vừa qua của các tổ chức, CTCK đều trở nên lạc quan khi hầu hết đưa ra các mức dự đoán kết thúc năm cao hơn mức hiện tại rất nhiều.
Dễ thấy thị trường có hiện tượng FOMO, thể hiện qua (1) thị trường rơi vào trạng thái quá mua nhưng nhà đầu tư (NĐT) vẫn hưng phấn trong khoảng thời gian dài (2) lượng margin tại thời điểm cuối quý II tăng mạnh và khả năng tiếp tục tăng cho đến thời điểm hiện tại và (3) thị trường phớt lờ thông tin xấu.
Trong sóng FOMO của nhà đầu tư cá nhân, khó đoán đỉnh ở đâu, như năm 2022, quá trình tạo đỉnh không phải đỉnh nhọn mà là cả quá trình phân phối kéo dài, khi tiền mới vào không “cân” đủ tiền cũ muốn thoát ra thì thị trường mới thực sự điều chỉnh. Thị trường tăng và mặt bằng định giá cao lên đương nhiên sẽ làm rủi ro cao lên đối với những nhà đầu tư dài hạn.
Có thể thị trường Việt Nam còn có thể tăng tiếp, nhưng để tiến về đỉnh cũ trong năm nay là tương đối khó.
Thứ nhất, đó là động lực tăng trưởng lợi nhuận. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, tăng trưởng lợi nhuận dù có thể tạo đáy nhưng khó hồi phục mạnh mẽ trong 6 tháng còn lại của năm 2023. Thứ hai, thanh khoản thị trường cải thiện nhưng chưa thể mạnh mẽ như trước. Gần đây lượng tài khoản mở mới và thanh khoản thị trường ngày càng cải thiện so với năm 2022 nhưng đa phần thanh khoản khớp lệnh trung bình không quá 20.000 tỷ/phiên trên HOSE.
Với thanh khoản ấy, sẽ khó cân đối được những ngưỡng quá cao khi nguồn cung còn kẹp phía trên là rất nhiều trong giai đoạn thanh khoản cao trước đó. Hiện tại lượng cổ phiếu niêm yết trên HOSE đã tăng 18% so với cuối năm 2021
Thị trường hiện tại là một câu đố đắt giá và phe nào trả lời sai đều có khả năng chịu tổn thất lớn. Câu đố hiện tại là: “Liệu chính sách nới lỏng tiền tệ có thể giúp tiền thực đẩy được ra nền kinh tế và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, hay đà tăng của TTCK chỉ là câu chuyện của sự kỳ vọng”. Thị trường có vẻ như đang đánh cược vào vế lạc quan. Còn thị trường Trung Quốc có thể là một ví dụ cho phần kém lạc quan nếu các chính sách hỗ trợ không đáp ứng được kỳ vọng.
Do đó, theo tôi, phe cầm tiền hay cầm “hàng” đều nên dựa trên các dữ liệu mới để định hình lại kỳ vọng, tham gia ở mức độ vừa phải và biết quản trị rủi ro.
“FOMO không tạo ra rủi ro lớn nhờ sự hỗ trợ từ vĩ mô”
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam
Hiện tượng FOMO chỉ về nỗi sợ của nhà đầu tư khi bỏ lỡ lợi nhuận tiềm năng trong đầu tư vào cổ phiếu. Hiện tượng này xuất hiện khi nhà đầu tư thấy cổ phiếu tăng nhưng danh mục của mình không có cổ phiếu đó, điều này thôi thúc họ mua vào cổ phiếu bất chấp cổ phiếu tốt hay xấu. Thực tế, FOMO luôn tồn tại trên thị trường chứng khoán, đây là điều hết sức bình thường khi tham gia đầu tư đặc biệt là trong một xu hướng tăng.
Vấn đề ở đây là bản chất của xu hướng tăng này có bền vững hay không. Nếu FOMO ở một thị trường tăng giá được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản, vĩ mô thì đây không phải vấn đề quá lớn. Nếu FOMO trong một thị trường tăng với các cổ phiếu đều vượt trên giá trị nội tại thì trước sau gì cũng phải trả giá.
Xu hướng tăng hiện tại đang được hỗ trợ tốt từ sự cải thiện trong các yếu tố vĩ mô, chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng vì thế FOMO ở thời điểm này sẽ không tạo ra rủi ro lớn.
Với Việt Nam câu chuyện có nhiều điểm sáng hơn khi nền kinh tế đã tạo đáy trong quý I và hiện đang trong xu hướng phục hồi trở lại dự kiến 2 quý còn lại GDP sẽ tăng trưởng trên 5%. Dòng vốn FDI cũng đang có xu hướng quay lại Việt Nam. Thêm vào đó, với chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng sẽ tạo ra những điều kiện tốt giúp bức tranh kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ tươi sáng hơn. Với những điều trên, tôi tin rằng thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, để vượt đỉnh cũ sẽ là một câu chuyện dài hơn.
Thị trường đang phục hồi tốt, với sự ủng hỗ từ các yếu tố cơ bản vĩ mô được cải thiện. Vì thế, xu hướng tăng trong trung hạn có thể được hình thành. Với những nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể cơ cấu danh mục của mình vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt và kiểm soát rủi ro đầu tư để bảo toàn lợi nhuận.
Với nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt có thể chờ những nhịp điều chỉnh kỹ thuật nhằm gia tăng tỷ trọng cổ phiếu để không bỏ lỡ cơ hội tìm kiếm lợi nhuận.
Tiến Phát