fbpx

Tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu trong quản lý tài chính cá nhân

Nhiều người lúc nào cũng cảm thấy thiếu định hướng trong công việc. Họ chăm chỉ làm việc, kiếm ra rất nhiều tiền nhưng lúc nào cũng cảm thấy dường như mình đang đi không đúng hướng, tiền kiếm ra dường như không có ý nghĩa và được sử dụng chưa đúng cách.

Tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu trong quản lý tài chính cá nhân

Đến 30 tuổi mà vẫn tiêu tháng nào hết tháng đó, chẳng có sự nghiệp gì đáng để người khác nhớ đến, chẳng đóng góp được gì cho xã hội. Một lý do quan trọng khiến họ cảm thấy cuộc sống như một hành trình không đích đến, đó là vì họ chưa dành đủ thời gian để suy nghĩ và đặt ra cho mình một mục tiêu để phấn đấu trên hành trình của mình.

Thiết lập các mục tiêu về tài chính cá nhân là một cách thúc đẩy bản thân tiến lên phía trước, biến tương lai thành hiện thực. Quá trình thiết lập mục tiêu sẽ giúp bạn chọn được đích đến của đời mình, tập trung nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, trở thành người có tài chính riêng ổn định, vững chắc.

Khi thiết lập mục tiêu tài chính cần quan tâm tới rất nhiều yếu tố

Hãy cùng xem Trent Hamm – người sáng lập của trang web tài chính cá nhân TheSimpleDollar.com, cung cấp cho chúng ta những điều cần biết khi đặt mục tiêu tài chính ngay sau đây:

Tại sao phải xác lập mục tiêu tài chính?

Dù là vận động viên đạt được thành tích cao, người doanh nhân thành đạt với công ty “tỷ đô” hay là ca sỹ nổi tiếng quốc tế, bất kể là ai trong lĩnh vực nào muốn thành công được cũng nhờ việc đặt mục tiêu. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta sẽ phải bước những bước nhỏ hơn, nhưng dễ dàng hơn và không cảm thấy nản chí. Bạn cũng sẽ cảm thấy tự tin và có nhiều động lực mạnh mẽ hơn khi nhận ra mình hoàn toàn có khả năng chạy được tới đích và không còn cảm thấy lạc lối như trước nữa.

Hãy bắt tay vào lập mục tiêu tài chính cá nhân như sau:

Trước hết, hình dung ra một bức tranh tổng quan về những gì bạn muốn đạt được trong 10 năm tới. Ví dụ: trong 10 năm tới đây, thu nhập hàng tháng của tôi phải là 50 triệu, có ô tô để đi, mua được chung cư cao cấp ở trung tâm thành phố v.v..

Tiếp theo, chia nhỏ mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ hơn, với thời gian thực hiện ngắn hơn. Ví dụ: Trong tháng tới tôi sẽ phải trả xong nợ, tháng tiếp theo tôi phải tiết kiệm được ít nhất 2 triệu v.v..

Cuối cùng, hãy bắt tay vào biến mục tiêu ngắn hạn thành hiện thực thôi! Rồi bạn sẽ đến được cái đích cuối cùng nhanh chóng!

Những lưu ý khi thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân cho mình:

1. Tạo một kế hoạch chi tiết, nhưng linh hoạt.

Hãy tự hỏi làm thế nào thì bạn sẽ đến chính xác nơi mình muốn đến? Khung thời gian mà bạn mong muốn để đạt được mục tiêu đó là gì? Bạn sẽ tích lũy được hàng tháng bao nhiêu? Hàng năm bao nhiêu?

Mục tiêu ở phía trước nhưng thực hiện cần linh hoạt
Mục tiêu ở phía trước nhưng thực hiện cần linh hoạt

Kế hoạch thực hiện mục tiêu của bạn phải dựa trên những câu trả lời rõ ràng cho tất cả các câu hỏi đó. Đồng thời, giúp bạn hình dung ra các kế hoạch dự phòng vì chúng ta chẳng bao giờ biết trước được tương lai như thế nào. Đương nhiên, những thay đổi lớn trong cuộc đời có thể làm sụp đổ một mục tiêu tài chính. Nhưng nếu mục tiêu thực sự kết thúc vì những lý do không đâu làm chệch hướng đi của chúng ta, thì đó quả thật là không đáng chút nào cho những nỗ lực và công sức chúng ta đã bỏ ra!

Để không gặp phải tình huống đó, thay vì cứng nhắc chỉ chăm chăm đi theo một đường, hãy linh hoạt đi vòng một chút, dù chậm hơn nhưng vẫn tới được đích cuối cùng.

2. Kế hoạch thực hiện mục tiêu phải gắn liền với thực tế

Để có được sự linh hoạt, điều quan trọng nhất là chúng ta phải luôn dựa trên thực tế. Nếu như không có con số cụ thể nào được đưa ra, chúng ta sẽ mãi mù mờ với kế hoạch của chính mình. Ví dụ: Bạn muốn trả hết nợ trong năm năm nhưng lại chẳng tính xem mỗi năm, mỗi tháng phải trả bao nhiêu mà cứ tiêu bừa, để ra được bao nhiêu thì trả nợ, không thì lại thôi. Vậy thì mục tiêu năm năm đó chắc chắn không bao giờ đạt được.

3. Chia mục tiêu càng nhỏ càng tốt

Để tâm trí và dồn lực hoàn thành các mục tiêu ngắn trong thời gian đề ra là cách nhanh chóng nhất để thành công trong mục tiêu tài chính lâu dài. Ví dụ: Mục tiêu tài chính của bạn là tiết kiệm được 500.000.000 VNĐ trong 10 năm để mở một doanh nghiệp nhỏ. Vậy thì mục tiêu của bạn phải là tiết kiệm 50.000.000 VNĐ trong năm nay. Trong tháng này phải để được riêng 4.200.000 VNĐ. Trong tuần này phải để được 1.050.000VNĐ.

Khi chia nhỏ tới giới hạn, việc tích lũy trở nên rõ ràng hơn khi bạn biết tại một thời điểm xác định mình cần phải làm những gì để đạt được con số đó.

Để đạt được thành công trong tài chính cá nhân, bạn cần nhanh chóng biến kế hoạch thành hành động. Đừng chần chờ và lãng phí bất cứ giây phút nào. Phải nghiêm túc thực hiện từng bước trong kế hoạch đã đề ra, không để bất cứ quyết định nào khác thay thế và làm bạn nản chí. Khi việc tích lũy mới bắt đầu, thường thì chúng ta sẽ rất dễ bị những khoản chi cho nhu cầu cá nhân khác hấp dẫn. Tuy nhiên, hy vọng rằng bạn sẽ luôn kiên định với mục tiêu tài chính của mình! Chúc bạn thành công!

Nguồn: blog.generali-life

>> Xem thêm<<  Quản lý tài chính cá nhân cực kỳ HIỆU QUẢ với “6 cái lọ”

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề