Tuy có thêm Tôn Thục Hoa nhưng điều kiện sống của gia đình vẫn không có gì thay đổi đáng kể. Ông quyết tâm đến một thành phố lớn làm việc, kiếm thật nhiều tiền. Ban ngày, ông đổ mồ hôi trên công trường thì tới tối lại mở quầy hàng bán mấy món đồ lặt vặt kiếm thêm thu nhập.
Làm việc một thời gian, đội trưởng sẽ sắp xếp để Tôn Thục Hoa đem bán các thanh thép, vỏ các-tông và các chất thải khác từ công trường cho một trạm thu gom rác thải gần đó. Khoản tiền thu về sẽ dùng để mời mọi người ăn một bữa cơm.
Sau đó, mối quan hệ giữa Tôn Thục Hoa và ông chủ thu gom đồng nát dần trở nên thân thiết với nhau. Cả hai trở thành đôi bạn thân tâm đầu ý hợp. Được ông chủ “mách nước”, Tôn Thục Hoa bắt đầu hành trình thu gom đồng nát.
Khởi điểm khiêm tốn bằng nghề nhặt rác
Ban đầu, ông chủ cửa hàng thu gom có ý định để Tôn Thục Hoa trở thành một người đi thu gom nhỏ lẻ, sau đó cung cấp cho mình hàng hóa và tài nguyên. Họ không ngờ rằng, cuối cùng Tôn Thục Hoa đã tận dụng công việc này để tạo ra “hũ vàng đầu tiên”.
Khi mới tiếp xúc với ngành này, Tôn Thục Hoa còn rất khó chịu vì luôn phải đối mặt với đống rác cũ kỹ, bốc mùi khó chịu. Đến ngày mưa thì lại càng thảm họa.
Môi trường làm việc quá tệ nhưng Tôn Thục Hoa chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ vì gánh nặng kinh tế trên vai. Ông biết rằng, chỉ có kiên trì thì cuộc sống của gia đình và bản thân mới có ngày được cải thiện. Càng làm lâu, càng có kinh nghiệm, ông càng nhận thấy rằng tỷ suất lợi nhuận của ngành thu gom phế thải là tương đối đáng kể.
Hiểu được điều này, Tôn Thục Hoa càng lao vào làm nhiều hơn. Ông đi khắp nơi, tiếp xúc với đủ kiểu người, dần dần gia tăng nguồn lực của bản thân và đạt được những bước tiến rõ rệt.
Vì thường xuyên đi về vùng nông thôn để mua phế liệu nên ông cũng hiểu rất rõ về nhu cầu của nông dân. Những hộ gia đình gieo trồng bông ở gần đây đều cần dùng màng phủ nông nghiệp, mà đây lại là vật liệu có thể tái sử dụng. Ông đã thu gom rất nhiều màng phủ bán cho nhà xưởng, sau đó lại mua màng phủ đã qua sử dụng từ nhà xưởng để bán cho nông dân.
Cứ như vậy, Tôn Thụa Hoa có thể nhận được khoản chênh lệch ở giữa. Đồng thời, trong quá trình đi lại, ông cũng tranh thủ mua một số loại phân bón và thuốc trừ sâu tương đối rẻ ở thành phố để đem về bán cho nông dân trong vùng.
Việc mua bán diễn ra không ngừng đã tạo ra một vòng tuần hoàn cho quá trình kinh doanh của Tôn Thục Hoa. Ông thường xuyên nảy ra những ý tưởng mới lạ, gắn liền với thực tiễn nhu cầu của mọi người xung quanh nên công việc làm ăn ngày càng lớn, bắt đầu hình thành quy mô tổ chức.
Việc kinh doanh diễn ra một cách tuần tự, có nề nếp đem tới nguồn của cải không ngừng. Chắt chiu dành dụm suốt một thời gian, cuối cùng Tôn Thục Hoa cũng có trong tay 1 triệu tệ đầu tiên.
Từ đó, ông bắt đầu để ý cải thiện điều kiện sống của gia đình mình nhiều hơn. Cha mẹ lớn tuổi được đón lên thành phố để tận hưởng cuộc sống tuổi già. Các anh chị em trong nhà cũng được thu xếp tìm việc làm ưng ý. Đến lúc này, ước nguyện ban đầu của ông về cơ bản đã hoàn thành.
Tuy nhiên, Tôn Thục Hoa không định dừng lại ở đó. Ông bắt đầu muốn đạt được nhiều thứ hơn nên tìm mọi cách để khiến công việc kinh doanh của mình lớn mạnh hơn nữa.
Lớn mạnh và sụp đổ
Để nâng tầm việc làm ăn kinh doanh, việc mở nhà máy riêng là chuyện không thể bỏ qua. Tôn Thục Hoa đã nhanh chóng phân bổ tài chính của mình để thành lập nhà máy đầu tiên. Ông đã có rất nhiều kênh bán hàng nên tự tin về doanh số hàng năm. Quả thật, các đơn đặt hàng màng phủ nông nghiệp không ngừng “gõ cửa”, dần dần vượt quá khả năng cung cấp ra thị trường.
Không chấp nhận ngồi im nhìn “tiền chảy ra ngoài”, Tôn Thục Hoa lập tức quyết định mở rộng quy mô và xây dựng thêm nhà máy. Năng lực sản xuất tăng thêm, nhu cầu của thị trường vẫn duy trì ổn định, khách hàng mới không ngừng xuất hiện. Tình trạng kinh doanh ngày càng thuận lợi giúp Tôn Thục Hoa kiếm được rất nhiều.
Để tận dụng khoản lợi nhuận này, ông đã thành lập Tập đoàn Hoa Lâm và bắt đầu đầu tư vào nhiều ngành nghề khác như xây dựng, giáo dục, bất động sản, du lịch, đồ uống…
Tập đoàn có thời gian phát triển cực thịnh dưới sự lãnh đạo của Tôn Thục Hoa. Bản thân ông cũng nhanh chóng tích lũy được vốn liếng giàu có. Vào thời kỳ đỉnh cao, giá trị tài sản ròng của ông có thể lên tới 1,4 tỷ tệ và trở thành người giàu nhất tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vào năm 2004.
Tuy nhiên, dù đã trở thành người giàu nhất, những tham vọng khiến Tôn Thục Hoa vẫn không thỏa mãn. Ông ngày càng khao khát có được nhiều tiền hơn nữa. Và chính sự mù quáng này đã đẩy ông tới một quyết định sai lầm.
Tôn Thục Hoa đã sử dụng giấy chứng nhận đất đai của Tập đoàn Hoa Lâm để vay nhiều khoản tiền khổng lồ từ ngân hàng một cách bất chính. Số tiền này được “đổ” hết vào đầu tư với hy vọng tiếp tục kiếm lời gấp bội như trước. Tiền bạc khiến ông trở nên liều lĩnh hơn cả.
Nhưng cuộc chơi nào cũng có lúc thắng, lúc bại. Với khoản tiền khổng lồ trong tay, Tôn Thục Hoa đã bại. Vào cuối tháng 3 năm 2007, Tập đoàn Hoa Lâm phải nộp đơn xin phá sản. Ông ta đánh mất toàn bộ những gì đang có, toàn bộ tài sản bị cưỡng chế tịch thu để gánh vác khoản nợ ngân hàng, đồng thời trả giá cho những hành động bất chính của mình.
Khi một người không thể kiềm chế được dục vọng mù quáng, bị sa ngã bởi đồng tiền thì cuối cùng, anh ta sẽ đánh mất tất cả. Cơ nghiệp vất vả gây dựng cả đời của Tôn Thục Hoa đã “tan thành mây gió”.
*Theo Twgreatdaily, Finance Sina