fbpx

Thế hệ nhân viên văn phòng chi tiêu tằn tiện vì muốn nghỉ hưu ở tuổi 30

Tự do tài chính là một chủ đề hết sức thú vị với giới trẻ trên thế giới nói chung và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều độc giả người Việt lần đầu được tiếp xúc với khái niệm “tự do tài chính” từ cuốn sách nổi tiếng “Cha giàu, Cha nghèo” của tác giả Robert Kiyosaki. Khi ấy, những cách nhìn mới mẻ về “tài sản”, “tiêu sản”… của cuốn sách đã gợi mở ra nhiều ý tưởng và thay đổi quan niệm về cuộc sống và công việc của nhiều người trẻ tuổi Việt Nam.

Tuy vậy ở Mỹ, một số người trẻ tuổi, đặc biệt là những người đang làm trong lĩnh vực công nghệ, lại đang có một cách tiếp cận về tự do tài chính có phần khác biệt so với phong cách của Robert Kiyosaki. Ngày càng nhiều người trong số họ đang tăng tốc trên con đường đến với sự tự do tài chính bằng lối sống tiết kiệm và “nguyên tắc 4%”.

Không lâu sau khi Kristy Chen và chồng mình, Bryce, bước sang tuổi 31, cả hai người cùng rời bỏ công ty lập trình phần mềm và nghỉ hưu.

nghỉ hưu ở tuổi 30

Cặp đôi đã thoát khỏi “giấc mơ điển hình của những người làm công ăn lương”: kiếm một công việc, mua một căn nhà, làm việc trung thành và nghỉ hưu ở tuổi 65. Thay vào đó, họ chọn một lối sống giản tiện nhất, tiết kiệm 80% thu nhập hàng năm, và tích cóp được một tài khoản đầu tư 1 triệu đô la – rồi sống một cách tự do (nhưng tiết kiệm) nhờ tiền cổ tức.

Nhiều người Mỹ sinh ra vào khoảng thập niên 80-90 của thế kỷ trước thường phải sống chật vật vì thiếu kỹ năng quản lý tài chính. 66% số người từ 21-32 tuổi chẳng có chút tiền tiết kiệm nào, và 1/3 trong số đó không chủ động nghĩ đến chuyện nghỉ hưu.

Nhưng ngày một nhiều những người trẻ tuổi – phần lớn là người lao động trong lĩnh vực công nghệ được trả lương cao như Chen – đã quyết tâm đạt cho bằng được sự tự chủ tài chính khi mới bước sang tuổi 30.

Họ tự gọi mình là cộng đồng “FIRE”

Những người sống theo phong cách FIRE – viết tắt của “Financial Independence, Retire Early” (tạm dịch: Tự do tài chính, Nghỉ hưu sớm), không muốn phải chờ đợi đến cuối đời để được làm những gì mình muốn.

Nghỉ hưu sớm không phải khái niệm mới mẻ. Nó đã được đề cập đến lần đầu vào khoảng giữa thế kỷ 20, và bắt đầu phát triển vào giai đoạn bùng nổ công nghệ đầu tiên những năm 90, khi những cuốn sách như “Your money or your life” (tạm dịch: Chọn tiền hay cuộc sống), và “The Tightwad Gazette” (tạm dịch: Nhật báo hà tiện) ra đời và cổ súy cho lối sống tự lập, giản tiện và đầu tư thông minh để hướng đến sự tự do về tài chính.

Trong thập kỷ vừa qua, FIRE đã tìm được một bệ phóng mới trên mạng Internet, nhờ vào những bậc thầy như Mr. Money Mustache và Mad Fientist, những người đã truyền giảng về tự chủ tài chính và làm cho những trang blog của họ nổi tiếng. Trên đó, bạn có thể bắt gặp những chủ đề như “An toàn là một giấc mơ đắt đỏ” và “Xa hoa chỉ là một sự yếu đuối khác.”

Mr. Money Mustache, người nghỉ hưu ở tuổi 30 với 600 ngàn đô la tiền tiết kiệm, đã nhắc nhở người đọc của mình rằng “tiết kiệm là tự do, chứ không phải mất mát.” Ông sống một cuộc sống khắc khổ ở Colorada, chi tiêu hết 24 ngàn đô la một năm cho gia đình 3 người của mình. Tạp chí The New Yorker gọi ông là kiểu người “vắt cổ chày ra nước.”

Mad Flentist (trái) và Mr. Money Mustache (phải) nghỉ hưu khi bước sang tuổi 30, và giờ đang quản lý các trang blog về tự do tài chính với hàng triệu người theo dõi hàng tháng
Mad Flentist (trái) và Mr. Money Mustache (phải) nghỉ hưu khi bước sang tuổi 30, và giờ đang quản lý các trang blog về tự do tài chính với hàng triệu người theo dõi hàng tháng

Một trong những nền tảng chính của phong trào này là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm FinancialIndependence thuộc Reddit.com, đã tăng quy mô lên gấp đôi vào năm ngoái. Những người tham gia trao đổi không biết mệt về tất cả mọi thứ từ “tối ưu hóa” việc đóng thuế cho đến làm thế nào để sống trên một chiếc xe van.

Trong số những người nghỉ hưu sớm tham gia vào đây, có rất nhiều kỹ sư công nghệ dưới 30 tuổi được trả lương tốt, nhưng diễn đàn cũng rất phổ biến với giới y tá, người trông nhà, giáo viên, và người làm trong lĩnh vực đồ ăn nhanh.

Họ tuân theo những lý thuyết tài chính như “nguyên tắc 4%” (tỷ lệ lý tưởng khi rút tiền ra khỏi tài khoản nghỉ hưu để trang trải cho cuộc sống hằng năm mà không động chạm đến tiền vốn), và “Số FI – Financial Independent” (số tiền cần thiết phải đạt được để nghỉ hưu).

Mặc dù FIRE chỉ phù hợp với một số người nhất định trong xã hội, nhưng bất kỳ ai cũng có thể tuân thủ theo công thức không chính thức của nó:

Trẻ, giàu và tằn tiện

Kevin*, 28 tuổi, một tín đồ của FIRE đang sống ở San Francisco, gần như đã đẩy mọi thứ tới giới hạn để tối thiểu hóa chi phí hàng tháng của mình.

Tự nhận mình là “lập trình viên khốn khổ” tại một công ty công nghệ đám mây lớn, Kevin nhận được mức lương trước thuế 165 ngàn đô la một năm – đủ để tạo cho anh ấy một cuộc sống “tươm tất” tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Tuy vậy, Kevin chia sẻ một căn nhà thuê có 5 phòng ngủ cùng vài người khác với giá 800 đô/tháng, ngủ trên một tấm đệm bơm hơi dành cho cắm trại, ăn các món nấu từ đậu và gạo 5 tối một tuần. Anh dành ngân sách 20 đô/tuần cho các hoạt động xã hội (đi bar, ăn hàng), đến phòng tập gym của công ty để rèn luyện thể dục miễn phí, và đạp xe quanh thành phố.

Anh ghi lại tất cả chi tiêu của mình vào một bảng tính Excel: 3,47 đô cho một cuộn chỉ nha khoa: 8,81 đô cho một cái săm xe đạp; 14 đô mua quà nhân Ngày của Mẹ… (mẹ của anh hiểu rằng con trai mình đang cần tiết kiệm, anh cho biết)

Đây là chi tiêu một tháng điển hình của anh ấy:

Chi tiêu một tháng điển hình của Kevin

Mỗi năm Kevin đã tiết kiệm được trung bình 85% thu nhập của mình, sau đó dùng số tiền này để đầu tư vào các danh mục khác nhau (một tài khoản quỹ ETF VTSAX, một tài khoản nghỉ hưu cá nhân IRA, và một tài khoản quỹ hưu trí tư nhân 401k). Bằng cách tiết kiệm 78 nghìn đô la mỗi năm và đầu tư thu về trung bình 8%, sau 4 năm anh đã kiếm được 380 nghìn đô la – gần một nửa mục tiêu 800 nghìn đô la nghỉ hưu của mình.

“Tôi sẽ đạt được mốc 800 nghìn đô la vào năm 2022, tôi sẽ nghỉ hưu và chuyển đến một thành phố rẻ hơn – có thể là Minneapolis – và rồi sống với đam mê của mình,”anh nói. “Prince (một ca sỹ nổi tiếng của Mỹ) cũng đã sinh ra ở đây, vậy nên chắc nó cũng không thể quá tệ được.”

Giống như rất nhiều người đang sống theo phong trào FIRE khác, Kevin không định ngừng làm việc sau khi “nghỉ hưu”: anh muốn theo đuổi đam mê của mình (chơi đàn xen-lô), làm tình nguyện viên tại một trại lập trình của thành phố, và lập trình miễn phí cho các tổ chức phi lợi nhuận.

“Với hầu hết chúng tôi, tự do tài chính không phải là để rời bỏ cuộc sống và xã hội,”anh nói. “Chúng tôi chỉ muốn tự do làm những việc mà chúng tôi chọn. Khi không còn lo nghĩ về tiền bạc nữa thì bạn có thể dành thời gian để làm những việc quan trọng hơn cho bản thân và xã hội.”

Tại sao phải gấp?

Cô Simeon*, một kỹ sư công nghệ 25 tuổi sống tại Boston kiếm được 130 nghìn đô một năm, tiết kiệm 63% thu nhập bằng cách “tồn tại” với bánh pizza giá 5 đô la và đi mua hàng “sida” tại Goodwill. “Tôi chưa từng mua một cái áo phông mới nào từ hồi học đại học,” cô vui vẻ nói qua điện thoại.

Giống như Kevin, Simeon đặt mục tiêu tự do tài chính vào tuổi 32 – nhưng động lực của cô sâu sắc hơn.

“Bố mẹ tôi có lẽ sẽ không bao giờ có thể nghỉ hưu,” cô nói. “Bố tôi mất việc trong cuộc suy thoái kinh tế, và mẹ tôi là một nhân viên xã hội. Tôi đã chứng kiến họ vật lộn như thế nào trong cả cuộc đời mình, và tôi nghĩ rằng sự căng thẳng là một phần lý do khiến tôi muốn thoát khỏi cái guồng quay truyền thống ấy.”

Lối sống tằn tiện của một vài người theo trường phái FIRE dường như bị dẫn dắt bởi tâm lý nghi ngờ nền kinh tế. Họ ra trường vào thời gian đầu của cuộc khủng hoảng tài chính và bắt đầu đi làm trong thời buổi công việc khó ăn, lương bổng thì không tăng trong khi thị trường nhà đất lại làm nản lòng những người mới ra trường như họ.

Chưa hết, trong suốt thời gian này, bên tai họ lại toàn là những câu chuyện cổ tích về những thiên tài công nghệ trẻ tuổi có thể kiếm được hàng tỷ đô la khi mới hơn 20 tuổi.

Họ muốn thoát khỏi “xiềng xích” của hệ thống công sở truyền thống và muốn làm những gì mà mình thích, khi mình thích. Tự do, chứ không phải an toàn, mới là điều có giá trị nhất.

“Có những tảng đá lớn trên con đường đạt được tự do tài chính, và đó là những thứ mà hầu hết mọi người đều muốn” Diana, một kỹ sư 31 tuổi ở Seattle nói. “Đi học và trả khoản vay đại học, có con, mua nhà – đó đều là những thứ sẽ kéo bạn lại. Vậy nên bạn phải tự hỏi bản thân xem bạn muốn điều gì trong cuộc đời này. Tôi chọn tự do.”

Vào một buổi chiều thứ 7 ngập nắng ở Thung lũng Silicon, những người theo FIRE gặp nhau tại một góc của trường đại học Stanford.

Những người này cũng không phải quá đa dạng: tại đây có những kỹ sư lập trình của Facebook, Google và Symantec; những nhà tiếp thị của Apple và một vài doanh nhân tự xưng. Họ đều ở vào độ tuổi 20-30 và đang ở các giai đoạn khác nhau trên con đường tiến tới tự do tài chính của mình.

Họ xoay vòng để giới thiệu bản thân – tên, nghề nghiệp, chức danh, “thắng lợi tài chính” gần đây – rồi một người đàn ông mặc áo khoác gilê và đi giày lười lên tiếng.

“Công việc là chế độ nô lệ của thời hiện đại,” ông nói và nhận được cái gật đầu đồng tình của một số người, “và thứ duy nhất chống lại chế độ này chính là tài khoản ngân hàng của chúng ta.”

Theo Zachary Crokett/ The Hustle

 

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề