fbpx

Thị trường Halal: Cánh cửa đã rộng mở, đâu là chìa khóa để khai thác hiệu quả?

Thị trường Halal toàn cầu đang bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc, với quy mô dự kiến sẽ đạt hàng chục nghìn tỷ USD trong những năm tới. Đây không chỉ là cơ hội, mà còn là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) muốn khẳng định vị thế tại thị trường đầy tiềm năng nhưng không kém phần khắt khe.

Thị trường Halal với khoảng 2 tỷ người đang mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam
Thị trường Halal với khoảng 2 tỷ người đang mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam

Thị trường Halal cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Tiềm năng khổng lồ

Với cộng đồng người Hồi giáo đông đảo, trải rộng khắp các khu vực từ Trung Đông, Nam Á đến châu Phi và Đông Nam Á, thị trường Halal mang đến cơ hội không giới hạn cho các quốc gia sản xuất và xuất khẩu thực phẩm, trong đó có Việt Nam. Không dừng lại ở các quốc gia Hồi giáo, tiêu chuẩn Halal còn thu hút sự quan tâm của những thị trường phát triển như Mỹ, Nga và châu Âu nhờ các yếu tố về an toàn, chất lượng và tính bền vững.

Với khoảng 2 tỷ người tiêu dùng tập trung tại Trung Đông, Nam Á, châu Phi và một số nước khu vực Đông Nam Á, thị trường sản phẩm Halal được đánh giá là “mảnh đất vàng” cho các DN xuất khẩu. Chỉ riêng về thực phẩm, báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, cộng đồng Hồi giáo toàn cầu chi tiêu khoảng 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến tăng lên 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó, nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ có chứng chỉ Halal chiếm tỷ trọng lớn.

Ông Võ Trung Hiếu – Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk, cho biết: “Thị trường sản phẩm Halal có tiềm năng rất lớn. Không riêng cộng đồng người Hồi giáo, người tiêu dùng tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nga, EU… cũng rất quan tâm đến tiêu chuẩn này vì tính an toàn, chất lượng và bền vững của nó. Việc Việt Nam mở rộng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CEPA (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE) gần đây, đang tạo ra cơ hội lớn cho các DN trong nước tiếp cận nhóm khách hàng đông đảo này”.

Vinamilk, với nhãn hiệu Alpha, đã cho thấy sự thành công trong việc khai thác thị trường Halal thông qua chiến lược dài hạn và sự thấu hiểu thị trường. Các sản phẩm Halal hiện chiếm 80% doanh số xuất khẩu của Vinamilk, trải dài từ Đông Nam Á đến Trung Đông. Trong đó, có những nhóm thị trường tăng trưởng cao cả về tỷ trọng đóng góp lẫn giá trị, thậm chí có thị trường có mức tăng ước tính hơn 80% trong năm 2024.

Đây không chỉ là kết quả từ việc đạt chứng nhận Halal mà còn nhờ vào sự tinh chỉnh sản phẩm, bao bì, quảng cáo và xây dựng hình ảnh thương hiệu phù hợp với văn hóa và thị hiếu từng khu vực.

Ông Võ Trung Hiếu khẳng định rằng, logo Halal không chỉ là một chứng nhận, mà còn là cam kết của DN đối với người tiêu dùng. Đây là biểu tượng cho sự đảm bảo về chất lượng, an toàn và bền vững – những yếu tố giúp Vinamilk duy trì vị trí dẫn đầu với doanh số ổn định trong nhiều thập kỷ qua.

Không chỉ Vinamilk, các DN nông thủy sản Việt Nam cũng đang khai thác tiềm năng tại thị trường Trung Đông. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 11 tháng năm 2024, khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản 18%, chiếm gần 4% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Lần đầu tiên, Trung Đông lọt vào top 2 thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu thủy sản mạnh nhất, chỉ sau Trung Quốc, nhờ tập trung vào các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal.

Các sản phẩm Halal do DN Việt Nam sản xuất đang được người Hồi giáo quan tâm
Các sản phẩm Halal do DN Việt Nam sản xuất đang được người Hồi giáo quan tâm

Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP, người tiêu dùng Trung Đông (Israel, Saudi Arabia, UAE, Qatar) ưa chuộng các sản phẩm như cá ngừ đóng hộp, cá tra phi lê và cá đông lạnh đạt chuẩn Halal. Đáng chú ý, 70% cá ngừ đóng hộp xuất khẩu của Việt Nam được đưa sang Israel, trong khi cá tra đạt tiêu chuẩn Halal tại UAE ghi nhận mức tăng trưởng 28%.

Bứt phá bằng cách nào?

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù là thị trường lớn, rất tiềm năng, lại có thuận lợi về vị trí địa lý, song hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng nông thủy sản nói riêng sang thị trường Halal mới chỉ ở bước đầu khai phá. Dù đứng trong Top 20 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam chưa có tên trong Top 30 nước cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện Việt Nam chưa có đến 1.000 DN có sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Hệ thống chứng nhận Halal tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phức tạp của các thị trường lớn. Hơn nữa, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và quy định pháp lý khiến các DN gặp không ít khó khăn khi tiếp cận các đối tác Hồi giáo.

Cùng với đó, mạng lưới thương mại và logistics tại một số quốc gia Hồi giáo chưa đủ phát triển, buộc nhiều DN Việt phải thông qua các công ty trung gian quốc tế. Điều này làm tăng chi phí xuất khẩu, giảm sức cạnh tranh và khiến thương hiệu Việt Nam khó được nhận diện trên bản đồ Halal toàn cầu.

Muốn tiến sâu vào thị trường Halal, các DN cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận. Trước hết, sự thấu hiểu thị trường là yếu tố tiên quyết. Như Vinamilk đã làm, việc nghiên cứu kỹ lưỡng văn hóa, thị hiếu và phong tục của từng khu vực sẽ giúp DN tạo ra sản phẩm phù hợp cả về chất lượng lẫn hình thức.

Bên cạnh đó, sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ và DN là điều không thể thiếu. Xây dựng một hệ thống chứng nhận Halal uy tín, được thừa nhận quốc tế, sẽ là chìa khóa để hàng Việt Nam vươn xa. Đồng thời, việc đầu tư vào hạ tầng sản xuất, logistics và xây dựng thương hiệu sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh, tạo đà cho sự phát triển lâu dài.

Muốn “bám rễ” tại các thị trường Halal trong dài hạn, DN cần duy trì mối quan hệ bền chặt với đối tác bản địa
Muốn “bám rễ” tại các thị trường Halal trong dài hạn, DN cần duy trì mối quan hệ bền chặt với đối tác bản địa

Câu chuyện thành công của Vinamilk là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp giữa chiến lược kinh doanh bền vững và khả năng thích nghi. Ông Võ Trung Hiếu chia sẻ rằng, để “bám rễ” tại các thị trường Halal trong dài hạn, DN cần duy trì mối quan hệ bền chặt với đối tác bản địa. Chính họ là cầu nối giúp DN hiểu rõ hơn về nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó tối ưu hóa sản phẩm và chiến lược tiếp cận.

Thị trường Halal không chỉ là một cơ hội kinh doanh, mà còn là thước đo cho khả năng hội nhập và đổi mới của các DN Việt Nam. “Sự am hiểu và cam kết đối với người tiêu dùng chính là nền tảng để xây dựng niềm tin và chinh phục thị trường”, ông Võ Trung Hiếu nhấn mạnh.

Trong tương lai, với sự phối hợp giữa Chính phủ và cộng đồng DN, Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao vị thế trên bản đồ Halal toàn cầu, không chỉ qua những con số tăng trưởng mà còn bằng sự công nhận và tín nhiệm từ thị trường quốc tế. Để đạt được điều đó, không chỉ cần quyết tâm, mà còn đòi hỏi sự nhạy bén, sáng tạo và tầm nhìn chiến lược từ mọi thành phần trong chuỗi giá trị Halal.

Thanh Ngân (Theo Doanh Nhân Sài Gòn Online)

Có thể bạn quan tâm

post_web_hpl_294cd5cf8ac0441fba3b1785c948de2b_grande.jpg

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề