Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hạnh phúc và thành công không chỉ nằm ở lợi nhuận
“Dẫu biết rằng mục đích tối hậu của doanh nghiệp là lợi nhuận, nhưng lợi nhuận phải đi kèm với lợi lạc. Nếu kiếm lợi nhuận mà đem lại an vui thì việc làm của ta không có gì là sai trái”… – Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh.
Hạnh phúc và thành công không chỉ nằm ở lợi nhuận
Trong buổi nói chuyện với các doanh nhân tại Tp Hồ Chí Minh hồi năm 2007, giới doanh nhân lúc này có đặt câu hỏi với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, rằng: “Sự cạnh tranh gay gắt trong giới kinh doanh khiến người ta ví thương trường như chiến trường. Doanh nhân phải làm gì để có thể giữ được tính thiện và sống đúng theo Ngũ giới trong một môi trường kinh doanh đầy khốc liệt?”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cho rằng hạnh phúc và sự thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở lợi nhuận, mà còn ở tình thương và hạnh phúc của từng cá nhân trong doanh nghiệp đó. Để chứng minh, ông lấy ví dụ từ Top 100 công ty tốt nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn mỗi năm.
Theo thiền sư, “khi nghiên cứu thì người ta thấy rõ điểm chung của tất cả 100 doanh nghiệp đó là họ biết lo lắng và chăm sóc cho những người làm trong doanh nghiệp như trong một gia đình. Trong những doanh nghiệp ấy có yếu tố của tình thương, yếu tố của trách nhiệm và yếu tố của tình huynh đệ”.
“Tình thương là nền tảng để mỗi người tuân thủ Ngũ giới, trong đó có giới bảo vệ sự sống. Có tình thương trong doanh nghiệp thì thế nào mình cũng tránh được hành động hủy hoại môi trường và hủy hoại sinh mạng của những loài khác”. Thiền sư nói, đồng thời, cho rằng: “Khi ý thức được rằng tuy đang có lợi nhuận nhưng mình đang sát sinh quá nhiều, thì tâm mình không an. Nếu tiếp tục như vậy thì cái không an của tâm sẽ càng ngày càng lớn lên và một ngày nào đó, sẽ đánh mất hạnh phúc hoàn toàn”.
Vì lẽ đó, Thiền sư khuyên các doanh nhân nên can đảm để thay đổi, thực tập “chánh niệm” trong công việc. Chánh niệm được hiểu là nghề nghiệp sinh sống chân chính, không tàn hại môi trường hay hủy hoại sinh mạng của các loài khác.
“Trong thương trường có sự tranh đấu, hình như là đó là sự tranh đấu không nương tay, không có tình thương. Nhưng mục đích của mình là gì? Mục đích của mình là hạnh phúc chứ không phải chỉ thành công về hình thức”, thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích.
“Mình có thể có rất nhiều tiền, có rất nhiều quyền lực, nhưng mà mình có thể đau khổ vô cùng. Cho nên mình phải xét lại điều này. Mục đích của mình là có hạnh phúc, hạnh phúc cho bản thân, và hạnh phúc cho những người thương. Mình biết rằng tình thương là yếu tố căn bản của hạnh phúc đó.”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh dặn mọi người đừng để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy tranh đoạt không nể nang, mà phải lấy tình thương làm gốc rễ. Ông coi những người chỉ biết chạy theo tiền tài và uy quyền là những người không có hạnh phúc, và cách duy nhất để giúp họ thấy điều đó là qua đời sống của chính mình.
Khi quản lý một doanh nghiệp, người lãnh đạo luôn phải hướng tới tương lai và đặt nhiều tham vọng, để không bị tụt hậu so với đối thủ. Đôi lúc, điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc an trú trong giây phút hiện tại.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng làm giàu không phải chuyện xấu, nhưng phải biết mình muốn giàu vì mình muốn hạnh phúc.
“Nếu giàu mà không có hạnh phúc thì giàu để làm gì?”, ông nói. “Khi mình hạnh phúc rồi thì tiền bạc đó sẽ tạo thêm hạnh phúc cho những người xung quanh mình. Khi xung quanh mình người ta hạnh phúc thì hạnh phúc của mình cũng tăng lên”.
Lo lắng và sợ hãi quá mức về tương lai là một trong những nhược điểm của con người. Theo thiền sư, làm như vậy chỉ phí hoài năng lượng và thời gian của bản thân, khiến tương lai thêm mờ mịt. Tương lai được xây dựng từ hiện tại, hiện tại được bồi đắp từ quá khứ. Chỉ cần quản lý hiện tại bằng tất cả khả năng là mình đã làm tất cả mọi cái cho tương lai.
“Vấn đề không phải là lo lắng, sợ hãi cho tương lai mà là ngồi thật vững trong hiện tại để nếu cần thì thiết kế cho tương lai. Trở về với giây phút hiện tại, mình chăm sóc được thân và tâm của mình”, ông diễn giải.
“Có những căng thẳng, đau nhức trong thân. Nếu mình cứ tiếp tục sống như lâu nay thì những căng thẳng, những đau nhức đó càng ngày càng bị dồn nén và nó sẽ sinh ra đủ thứ bệnh.”
“Khi trong tâm có căng thẳng và bực bội thì những tư tưởng, lời nói, cử chỉ và hành động của mình sẽ trở nên bạo động. Điều này tạo ra nhiều đổ vỡ trong bản thân, trong gia đình và trong doanh nghiệp của mình”.
Theo quan điểm của Phật giáo, để khắc chế vấn đề này, chúng ta cần phải phải ngưng chạy theo quyền hành, tiền tài, danh vọng và sắc dục. Bốn thứ ấy đi liền với nhau. Và theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, “không thực tập chánh niệm, ta sẽ là nạn nhân của chúng”.
Do vậy, theo Thiền sư, nhìn sâu, ta thấy rằng vẫn có cách tham dự vào thế giới kinh doanh đồng thời đem lại hạnh phúc cho ta và những người khác. Công việc của ta có ý nghĩa khi nó đem lại lợi lạc cho nhân loại và môi trường. Cũng là kiếm tiền nhưng kiếm tiền một cách có ý nghĩa, bởi vì nó đem lại an vui cho thế giới!
Doanh nhân nên “thực hành chánh niệm”
Để hoàn thành sứ mệnh của một “thiên sứ” với xã hội và trách nhiệm với người lao động, Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên các doanh nhân nên thực hành chánh niệm, sống trọn ở đây, ở ngay chính giây phút này.
Vị thiền sư được nhiều người xem là cha đẻ của pháp môn thực hành chánh niệm ở Tây phương, nói rằng miễn là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thực hành chánh niệm “thật sự” (“true” mindfulness), thì cho dù động cơ ban đầu khiến họ thực thành là để làm việc có hiệu quả hơn hay làm ra nhiều lợi nhuận cũng không sao. Bởi vì sự thực hành chánh niệm sẽ làm cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi một cách căn bản quan niệm của họ về cuộc sống. Với sự thực hành, trái tim của họ tự nhiên sẽ mở ra và lòng từ bi càng thêm lớn rộng, khi đó trong họ sẽ phát khởi ước muốn giúp người bớt khổ.
Tại trung tâm thực tập chánh niệm Làng Mai, gần thành phố Bordeaux, nước Pháp, trong tư thế ngồi kiết già, Thiền sư đã chia sẻ với tờ báo The Guardian, rằng “Nếu quý vị biết cách thực tập chánh niệm, quý vị sẽ chế tác được bình an và niềm vui ngay bây giờ và ở đây. Quý vị sẽ trân quý điều đó và nó sẽ làm quý vị thay đổi. Ban đầu, quý vị có thể nghĩ là nếu không trở thành nhân vật “số một” thì mình không thể nào hạnh phúc. Nhưng nếu thực tập chánh niệm, quý vị sẽ sẵn sàng buông bỏ quan niệm đó. Chúng ta không cần lo sợ chánh niệm chỉ có thể là phương tiện mà không phải là cứu cánh. Bởi vì trong chánh niệm, cứu cánh và phương tiện chỉ là một mà thôi. Không có con đường đưa đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”.
Tuy nhiên, Thầy cũng chỉ rõ rằng nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chỉ thực tập vì những lý do ích kỷ cá nhân thì họ chỉ thấy được cái bóng rất mờ nhạt của chánh niệm mà thôi.
“Nếu anh coi chánh niệm chỉ là phương tiện để kiếm thật nhiều tiền thì anh chưa tiếp xúc được với mục đích thật sự của nó”, Thiền sư nói. “Về hình thức, có vẻ như đó là sự thực tập chánh niệm nhưng về nội dung thì không có sự bình an, niềm vui và hạnh phúc được chế tác. Đó chỉ là một sự sao chép giả hiệu mà thôi. Nếu anh không cảm được năng lượng của tình huynh đệ, tình bằng hữu tỏa chiếu ở nơi làm việc thì đó không phải là chánh niệm”.
Theo Thiền sư “nếu anh hạnh phúc, anh không thể nào là nạn nhân của hạnh phúc. Nhưng nếu anh thành công, anh có thể trở thành nạn nhân của sự thành công”.
Hoai An Le (Theo Thương trường)