fbpx

Thiết kế cuộc đời thịnh vượng: Bẻ gãy niềm tin sai lệch, bằng cấp quyết định thành công

Bạn có biết rằng, thực chất bằng cấp chỉ là một tờ giấy ghi nhận quá trình và nỗ lực học tập của bạn.

Các bạn có thể tranh cãi với tôi rằng hiện giờ công ty nào khi tuyển dụng cũng yêu cầu bằng cấp. Tôi không phủ nhận điều này. Tuy vậy, với tôi bằng cấp ở trường hợp đó giống như một tấm vé thông hành cho bạn. Bạn có bằng cấp khá hay giỏi? Tốt thôi, hồ sơ của bạn được chấp nhận thu nộp nhưng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ có việc
làm.

Bẻ gãy niềm tin sai lệch, bằng cấp quyết định thành công

Việc có được công việc mà bạn muốn đòi hỏi bạn cần nhiều kỹ năng khác: Kỹ năng phỏng vấn xin việc, kinh nghiệm làm việc trước đó, kỹ năng mềm và cả những kỹ năng công việc cụ thể mà bạn có thể đảm nhận khi tham gia công ty và giúp đỡ công ty phát triển.

Tôi là người hiểu điều này sâu sắc. Tôi tốt nghiệp loại giỏi tại trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân năm 2004, sau khi ra trường tôi cầm hồ sơ của mình gồm bằng cấp nộp đơn cho bảy công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau ở Hà Nội. Sáu công ty từ chối, chỉ một công ty nhận tôi vào làm việc. Công ty làm việc trong lĩnh vực khách sạn, vốn không cần
bằng cấp của tôi. Dù vậy, tôi quyết định không lựa chọn công ty này để làm việc vì đó không phải là lĩnh vực tôi muốn gắn bó. Tôi đã tiếp tục sai lầm khi quyết định học tiếp lên Cao Học (với tấm bằng đỏ là giấy thông hành – tuyển thẳng lên Cao học) và làm việc ở Bộ Giáo dục và Đào tạo với một niềm tin sai lầm rằng có bằng Cao học tôi sẽ thành công hơn. 

Sau này, khi ra trường và hàng năm tiếp xúc, phỏng vấn hàng chục bạn trẻ, tôi lại càng thấm thía điều này: bằng cấp không quyết định sự thành công của bạn. Màu của bằng cấp dù đỏ hay bằng khá, bằng trung bình… cũng chỉ là một tiêu chí tham khảo.

Học giỏi ở cấp một chưa chắc đã học giỏi ở cấp hai, học giỏi ở cấp hai chưa chắc đã học giỏi ở cấp ba, cấp ba học giỏi chưa chắc đại học đã giỏi và việc học giỏi ở đại học không bảo đảm ra trường sẽ có việc làm. Một người bạn của tôi thời đại học, tốt nghiệp không phải với tấm bằng giỏi, nhưng nhờ nỗ lực học hỏi không ngừng trong công việc và thái độ cầu thị, hiện bạn tôi đang làm giám đốc bán hàng miền Bắc cho một tập đoàn lớn ở Việt Nam, một chức vụ rất đáng nể ở độ tuổi này. Nhiều người bạn khác của tôi – học lực trung bình; ra trường bươn chải nhiều ngành nghề khác nhau: từ ngân hàng, đến chứng khoán, đến bán hàng online,… tất cả đều khá thành công? Cũng như khi tôi thấy rất nhiều người khác dù không có bằng giỏi đại học, thậm chí không học đại học đều có thể trở thành giám đốc, tổng giám đốc cho những công ty lớn, hoặc những công ty do chính họ lập ra.

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi đã phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của giáo dục đại học. Bạn đừng hiểu sai chủ ý của tôi: Việc học tập với tôi là cần thiết, đó là việc trang bị cho bạn kiến thức cần có về kinh tế, kỹ thuật để bạn có thể tìm hiểu và học thêm nữa khi ra trường. Nhưng đừng tuyệt đối hóa kiến thức và có tâm lý trông chờ vào tấm bằng hay việc hoàn tất chương trình đại học sẽ mang lại một tấm vé có nhiều ưu đãi lớn lao và nếu có bằng cấp thì người khác phải trải thảm đỏ để rước bạn vào làm.

Bằng cấp chỉ là vé thông hành, một giấy chứng nhận bạn đã tham gia khóa học hay là một chương trình đào tạo nào đó. Nhưng điều nhà tuyển dụng quan tâm là bạn có kinh nghiệm gì với công việc của họ hay chưa, kỹ năng của bạn ra sao, thái độ của bạn thế nào.

Trích sách Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng

Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm

Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn

Sách Thiết kế cuộc đời thịnh vượng - Thái phạm

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề