fbpx

Thiết kế cuộc đời thịnh vượng: Đừng buồn và dằn vặt bản thân khi thất bại bởi những sự lựa chọn

(Thiết kế cuộc đời thịnh vượng) Tinh thần tích cực là điều kiện cần khi gặp, sống hoặc trải qua thất bại. Nhưng điều kiện đủ là đừng tích cực thái quá! Tại sao tôi lại nói như vậy? Bạn không thể tự lừa mình rằng mọi thứ vẫn đang rất ổn, trong khi bản chất nó chẳng ổn chút nào cả. Bạn không thể khuyến khích con bạn ăn nhiều hơn để chiều theo tính thèm ăn của nó, trong khi nó đã bị béo phì rồi. Bạn cũng không thể khen phòng ở của một người bừa bộn là ngăn nắp và sạch sẽ trong khi họ không hề cố gắng để làm điều đó.

Chúng ta không phải quá lạc quan khi nhìn về thất bại. Hoặc nếu đang sống nghèo khó. Đừng bao giờ cho rằng mình chỉ là đang không gặp thời, hoặc chờ đến khi người khác nhìn ra tài năng và trọng dụng mình. Nếu không khả năng cao là bạn sẽ nghèo đến hết đời thật!

Cốt lõi khi thất bại:

– Nhìn vấn đề đúng (như nó đang là)
– Nhìn vào khía cạnh tích cực
– Hướng đến tương lai theo cách bạn muốn

Tôi sẽ kể cho bạn nghe những điều tôi học được và muốn chia sẻ với người khác về những thất bại trong quá khứ của mình, cũng như cách mà tôi nhìn nhận về nó.

Phải nói rằng tôi rất dũng khí khi nói với các bạn tôi đã thất bại trong quá khứ như thế nào, cái này gọi là vạch áo cho người xem lưng, nhưng tôi cảm thấy mình cần chia sẻ những điều này đến các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn đang muốn khởi nghiệp để nói rằng trước khi thành công, tôi đã thất bại rất nhiều. Những thất bại này đã đóng góp 70% – 80% thành công sau này của tôi, giúp tôi thành công hơn và bớt ngu đi.

1. Thiếu sự chuẩn bị

Năm 2007, tôi đầu tư 800 triệu để mở quán trà sữa, tuy nhiên, tôi và vợ của mình vấp phải khá nhiều sai lầm: Lựa chọn mặt bằng chưa phù hợp, không có bãi đỗ xe, không nghiên cứu xem đường đó có phải làm lại hay không, hạ tầng đó có ổn định cho mình 3 – 5 năm để mình kinh doanh không.

Khi thất bại, đừng đổ vạ cho bất cứ điều kiện ngoại cảnh nào, hãy hỏi lại bạn đã chuẩn bị kỹ càng trước khi bắt đầu dự án ấy hay chưa.

2. Chưa tạo ra sự độc đáo, khác biệt

Như tôi đã chia sẻ trong rất nhiều video của mình, sao chép hoàn toàn từ người khác (không biết chọn lọc và sáng tạo) không phải là một cách hiệu quả để khởi sự, khởi nghiệp. Quán trà sữa của tôi không có điểm nổi bật nào so với những quán trà sữa khác, không có lợi thế cạnh tranh nào nổi trội. Người ta có trà sữa, mình cũng có trà sữa, người ta có hồng trà, lục trà, mình cũng có y như vậy. Nó là “me too” (khái niệm như nhau, sản phẩm như nhau, dịch vụ không nổi trội), gần giống như những quán trà sữa khác, không có gì đặc biệt. Cho nên, nếu không thuận đường, khách hàng cũng sẽ không chủ động ghé vào quán của tôi nữa.

3. Không phân tích SWOT

S: Strengths – điểm mạnh
W: Weaknesses – điểm yếu
O: Opportunities – cơ hội
T: Threats – thách thức

Khi không tiến hành tìm ra các điểm này cho doanh nghiệp của mình, tôi gần như không điều hành doanh nghiệp, mà doanh nghiệp đang điều hành tôi. Mình không làm chủ nó, mà nó làm chủ mình. Mở mắt ra mình cứ nghĩ về nó, nhưng không tìm ra cách để kiếm được nhiều tiền hơn khiến tôi đau khổ, trăn trở, cố gắng duy trì quán trà sữa đó để duy trì công việc cho nhân viên của mình.

Nhưng thực sự tôi không thích ngành này, thời điểm đó tôi chỉ thích tiền và tìm cách để kiếm tiền từ một ngành đang hot mà thôi. Đương nhiên tôi sẽ không thức khuya dậy sớm, nghiên cứu thêm công thức mới, sản phẩm sáng tạo để thu hút thêm khách hàng. Cho nên, khi quyết định rút khỏi dự án này, tôi không mở thêm quán trà sữa nào ở địa điểm khác, hay suy nghĩ thêm bất cứ điều gì về nó vì tôi thực sự không yêu ngành này.

4. Ảo tưởng sức mạnh

“Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, điều này cũng gần như “me too”, nhưng cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ảo tưởng sức mạnh. Thấy người ta làm được cứ nghĩ mình làm được, thậm chí làm tốt hơn!

Trước khi khởi nghiệp ở bất cứ lĩnh vực nào, hãy hỏi rằng mình đã học đủ chưa, kỹ năng mình đủ chưa, thị trường mình chuẩn bị tham gia như thế nào, kỹ năng, quan hệ, cộng sự, trình độ và tiền bạc, cộng sự của bạn đã đủ chưa? Ai là người sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng?

5. Không cân bằng được công việc và gia đình

Tôi đã từng dằn xé bản thân rằng cứ chăm chăm vào công việc mà bỏ quên gia đình. Nhưng sau này, khi thành lập Happy Live – tôi mới hiểu rằng không có work – life balance, chỉ có work – life integration. Khi chia sẻ bài học này, tôi muốn các bạn biết rằng, ở độ tuổi như của bạn tôi không khá hơn bạn là bao. Tôi cũng có rất nhiều bồng bột. Đừng sợ thất bại, các bạn còn trẻ và nếu thất bại càng sớm cuộc đời sẽ càng dạy cho bạn nhiều thứ hay ho!

Thất bại rất đáng sợ, nhưng tôi không lảng tránh nó, tôi nhìn nhận đúng, tìm ra bài học để làm tốt hơn cho những lần khởi nghiệp sau và định hình lại vấn đề theo cách mà tôi muốn.

Đừng trốn tránh, cũng đừng tồi tệ hóa những thất bại trong quá khứ. Nếu bạn không thông suốt được lỗi lầm trong quá khứ của mình, thì bạn sẽ lặp lại nó ở tương lai. Biết mình là ai, biết mình từng vấp ngã ở đâu, phân tích lý do và nhìn về phía trước xem đâu là những nơi giống với chỗ bạn từng vấp ngã ở quá khứ và tránh chúng đi.

Trích sách: Thiết kế cuộc đời thịnh vượng

Có thể bạn quan tâm: Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm

Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề