Thúc đẩy hợp tác giữa VAMC và các TCTD trong xử lý nợ xấu
Trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, VAMC đã khẳng định được vai trò là công cụ đặc biệt trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần xử lý nhanh, dứt điểm và đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD về mức an toàn, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Thời gian tới, VAMC sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các TCTD để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu.
Ngày 22/8/2023, tại Hà Nội, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tổ chức Hội nghị “Hợp tác xử lý nợ xấu giữa VAMC với các Tổ chức tín dụng”. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan, đơn vị: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN); đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các công ty AMC của các TCTD, Hội viên CLB Xử lý nợ, các công ty tài chính; cùng Ban Lãnh đạo VAMC bao gồm: Hội đồng thành viên, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát, Trưởng/Phó các đơn vị và các cán bộ VAMC.
Dấu ấn trên chặng đường 10 năm góp phần “làm sạch” nợ xấu
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đặng Đình Thích, Phó Tổng Giám đốc VAMC cho biết, sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ và NHNN giao, VAMC đã khẳng định được vai trò là công cụ đặc biệt trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần xử lý nhanh, dứt điểm và đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD về mức an toàn, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong suốt chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, VAMC đã hợp tác sâu rộng với các TCTD trên toàn bộ các lĩnh vực hoạt động then chốt của mình: Mua bán xử lý nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) từ những ngày đầu mới thành lập, mua bán xử lý nợ mua theo giá trị thị trường (GTTT) từ năm 2017, hoạt động môi giới, tư vấn của Sàn Giao dịch nợ (SGDN) từ năm 2021.… Kết quả là đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, hiệu quả cho cả hai bên, góp phần tạo lập, phát triển thị trường mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Báo cáo cụ thể hơn về những kết quả đạt đã được của VAMC trên chặng đường 10 năm qua, ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc VAMC cho biết, trong hơn 10 năm đi vào hoạt động, VAMC đã hợp tác với hầu hết các TCTD để triển khai công tác mua nợ bằng TPĐB nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được NHNN giao phó. Kết quả, lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/7/2023, VAMC đã mua nợ bằng TPĐB được 28.030 khoản nợ, 17.377 khách hàng tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 413.635 tỷ đồng, giá mua nợ là 380.091 tỷ đồng.
“Thông qua hoạt động hợp tác mua nợ bằng TPĐB, VAMC cùng với các TCTD đã hoàn thành sứ mệnh được giao với tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức dưới 3% từ cuối năm 2015 trở lại đây, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế”, ông Lê Văn Hùng nhấn mạnh.
Đối với mua nợ theo GTTT. Nhờ hành lang pháp lý thuận lợi (sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14) cùng với việc được bổ sung tăng vốn (Vốn điều lệ của VAMC tăng từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng năm 2017 và tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng năm 2019), lũy kế từ năm 2017 đến ngày 31/7/2023, VAMC đã mua nợ theo GTTT từ 17 TCTD, với 405 khoản nợ từ 206 khách hàng, có tổng dư nợ gốc là 12.231 tỷ đồng, giá mua là 12.949 tỷ đồng.
Sau khi mua các khoản nợ theo GTTT, VAMC phối hợp với các TCTD triển khai ngay các biện pháp xử lý thu hồi nợ, bao gồm: Thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ); phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ khách hàng mua hoàn thiện thủ tục pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ, bán nợ, bán TSBĐ… Luỹ kế đến ngày 31/7/2023, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý ước đạt 9.341 tỷ đồng dư nợ gốc từ khoản nợ mua theo GTTT.
Công tác xử lý thu hồi nợ được VAMC và các TCTD phối hợp tích cực triển khai với việc triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý các khoản nợ đã mua. Kết quả, lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/7/2023, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý ước đạt 335.177 tỷ đồng dư nợ gốc (trong đó: xử lý từ khoản nợ mua bằng TPĐB ước đạt 325.836 tỷ đồng dư nợ gốc; xử lý từ khoản nợ mua theo GTTT ước đạt 9.341 tỷ đồng dư nợ gốc).
Đặc biệt, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD ra đời ngày 21/6/2017 với nhiều quyết sách ưu việt đã hỗ trợ tích cực hơn nữa cho công tác xử lý nợ xấu, giúp đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ tại VAMC cũng như tại các TCTD. Theo đó, từ thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực đến nay, kết quả thu hồi nợ của VAMC chiếm khoảng 66% tổng giá trị thu hồi nợ.
Chia sẻ thêm về kết quả đạt được của VAMC trong 10 năm qua, ông Đoàn Văn Thắng, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc VAMC cho biết, nhằm thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ, VAMC luôn chủ động, tích cực phối hợp với các TCTD thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần hình thành thị trường mua bán nợ, bao gồm: Thành lập, vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC và duy trì, đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ Xử lý nợ.
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động (tháng 10/2021 đến nay), Sàn giao dịch nợ VAMC (SGDN) đã đạt được nhiều kết quả khả quan với 194 khách hàng đăng ký thành viên (91 tổ chức và 103 cá nhân), trong đó có 41 TCTD và các chi nhánh của TCTD, 9 AMC của TCTD; 20 TCTD và chi nhánh TCTD đã kí Hợp đồng nguyên tắc với SGDN.
Từ năm 2018, VAMC đã kết hợp giữa tự tổ chức đấu giá và thuê tổ chức đấu giá, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và đã đạt được kết quả khả quan, trong đó đáng chú ý là 100% tài sản đấu giá thành đều do VAMC tự tổ chức. Công tác đấu giá tài sản tại VAMC được Bộ Tư pháp đánh giá cao. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, ông Đoàn Văn Thắng cho biết, Gần đây NHNN đã đề nghị Bộ Tư pháp sửa đổi Luật Đấu giá, nhằm cho phép VAMC phối hợp với TCTD đầu giá tài sản.
Tại hội nghị, ông Đoàn Văn Thắng cũng chia sẻ thông tin liên quan đến Câu lạc bộ Xử lý nợ (CLB AMC) được thành lập vào năm 2020 với thành viên là VAMC và các Công ty Xử lý nợ trực thuộc các TCTD. CLB AMC đã thu hút, duy trì 23 hội viên từ các AMC của các TCTD Việt Nam và 2 Hội viên liên kết là OK DTC và Welcome DTC. Đến nay, 90% hội viên CLB AMC đã tham gia Sàn giao dịch nợ VAMC.
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu
“Tại Hội nghị “Hợp tác xử lý nợ xấu giữa VAMC với các Tổ chức tín dụng” lần này, chúng tôi mong muốn đây là dấu ấn đặc biệt trong việc thúc đẩy hợp tác giữa VAMC và các TCTD, công ty tài chính; VAMC với các AMC của các tổ chức tín dụng và các thành viên CLB Xử lý nợ”, ông Đặng Đình Thích bày tỏ và cho biết: “Chúng tôi coi đây là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những kết quả từ hoạt động hợp tác xử lý nợ xấu của chúng ta; trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong thực tế, từ đó định hướng hợp tác trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu, tăng cường hoạt động hợp tác xử lý nợ xấu giữa VAMC với các TCTD, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của các TCTD”.
Qua phát biểu tại hội nghị, đại diện các ngân hàng, các công ty AMC (Agribank, BIDV, Vietcombank, Sacombank, MSB, BAOVIET Bank, Eximbank, NCB, HD AMC…) đều đánh giá cao vai trò và sự hỗ trợ tích cực của VAMC trong việc giúp các TCTD xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần giúp các ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, đại diện các ngân hàng và công ty AMC cũng nêu lên một số khó khăn vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý, thủ tục hành chính, khó khăn trong công tác đấu giá, tìm giải pháp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ….
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Ban Xử lý nợ có vấn đề Agribank cho biết, trong quá trình bán nợ và xử lý nợ TPĐB, cũng như mua bán nợ theo giá thị trường VAMC hỗ trợ tích cực TCTD trong đó có Agribank. Nhờ chia sẻ thông tin, hỗ trợ từ phía VAMC giúp ngân hàng tìm kiếm nhiều nhà đầu tư xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, nhanh hơn.
Để nâng cao hiệu quả trong xử lý nợ xấu, ông Trần Văn Trung hy vọng VAMC tiếp tục phát huy vai trò trong công tác xử lý nợ xấu cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa VAMC với ngân hàng như hỗ trợ ngân hàng tìm kiếm NĐT, xử lý nợ thu hồi vốn.
Đánh giá cao sự ra đời của VAMC trong việc góp phần giúp xử lý nợ xấu tại các TCTD, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Giám đốc trung tâm xử lý nợ của BIDV cho rằng, sứ mệnh xử lý nợ xấu bằng TPĐB đã thành công, hoạt động mua nợ theo GTTT cũng đang mang lại những kết quả tích cực. Dẫu vậy trong quá trình triển khai mua bán nợ, bà Nguyễn Thị Thu Giang cho biết, BIDV đang gặp khó khăn trong đấu giá khoản nợ khi hợp tác với VAMC. Để đảm bảo công khai minh bạch lựa chọn đấu giá khoản nợ thường theo thoả thuận nên làm chậm tiến trình đấu giá…
Phát biểu tại hội nghị, một số ngân hàng cho biết, đã thực hiện tất toán toàn bộ khoản nợ được VAMC mua bằng TPĐB. Một số ngân hàng đang phối hợp với VAMC tái cấu trúc các khoản nợ của khách hàng để bán nợ. Tuy nhiên, quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến bán khoản nợ khá chậm. Do đó, các TCTD đề nghị VAMC đẩy nhanh việc cải thiện quy trình, thủ tục mua bán nợ được thông suốt, nhanh chóng, qua đó giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu tốt hơn, nhanh hơn.
Về phía các công ty AMC, các phát biểu tại hội nghị đều nói lên những khó khăn vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý trong quá trình mua bán nợ, thông tin khách hàng…. Đại diện HD AMC cho biết, đến nay công ty đã mua được khoảng 400 khoản nợ thông qua SGDN. Tuy nhiên, công ty cũng đang gặp một số khó khăn/vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý. Do vậy, đại diện HD AMC mong muốn được hợp tác với VAMC, đồng thời đề nghị VAMC có những kiến nghị với cơ quan quản lý để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc các TCTD, cũng như các AMC đang gặp.
Cũng nêu vướng mắc liên quan đến mua bán các khoản nợ xấu, ông Moon Young So, Giám đốc điều hành Công ty Welcome DTC cho biết, dù mới hoạt động được hơn 1 năm nhưng đến nay công ty đã mua được 6 khoản nợ với giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ mua thêm một số khoản nợ khác.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các khoản nợ Welcome DTC gặp một số khó khăn liên quan đến thông tin khách hàng, bởi trong quá trình xử lý nợ xấu có khi kéo dài nên khách hàng thay đổi địa chỉ và không giữ liên lạc, khiến công ty khó kết nối để xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Do đó, đại diện Welcome DTC đề nghị được kết nối với Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) để nắm được thông tin khách hàng chi tiết hơn… Ngoài ra, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào hoạt động mua bán nợ, đại diện Welcome DTC cũng đề nghị tăng cường thông tin mua bán nợ qua SGDN để lan tỏa rộng hơn.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu cũng cho rằng, việc hợp tác giữa VAMC với các TCTD đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bên, tuy nhiên, quy mô hợp tác vẫn còn khá hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của toàn hệ thống các TCTD, đặc biệt trong một số lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của VAMC như: Mua bán nợ theo GTTT, hoạt động môi giới, tư vấn của Sàn Giao dịch nợ… Do đó, các ý kiến đề nghị, VAMC và các TCTD cần tăng cường hợp tác, qua đó giúp cho quá trình xử lý đạt hiệu quả cao nhất.
Các ý kiến của các ngân hàng và AMC tại hội nghị đều được Ban lãnh đạo VAMC trả lời. Bên cạnh đó, để việc hợp tác giữa VAMC và các TCTD ngày càng được mở rộng và đem lại hiệu quả thiết thực, ông Đoàn Văn Thắng đề nghị các TCTD tiếp tục phối hợp với VAMC trong hoạt động mua bán, xử lý nợ theo GTTT; mua bán, xử lý nợ thanh toán bằng TPĐB, coi đây là công cụ hữu hiệu nhằm giảm thiểu nợ xấu của các TCTD, góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài ra, xem xét mở rộng ký thoả thuận hợp tác với các TCTD khác (ngoài 5 TCTD đã ký thoả thuận hợp tác giai đoạn 2022-2025 nêu trên) dựa trên các tiêu chí lựa chọn như: TCTD đánh giá có tỉ lệ nợ xấu tiềm ẩn cao; TCTD có số dư trái phiếu đặc biệt VAMC đang quản lý; TCTD đang thực hiện các đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN…
Ông Đoàn Văn Thắng cũng cho biết, các khó khăn vướng mắc được các ngân hàng, công ty AMC nêu tại hội nghị sẽ được VAMC tập hợp để trình Ban lãnh đạo NHNN có giải pháp tháo gỡ, để từ đó tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu trong hệ thống các TCTD.
Tiến Phát