Tốt cho thị trường chứng khoán không chắc đã tốt cho toàn dân
Thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế và không mang tính đại diện cho lợi ích của đông đảo người dân. Khi thị trường chứng khoán đi lên, chỉ một bộ phận nhỏ đã hưởng gần như toàn bộ thành quả.
Thị trường chứng khoán không phải nền kinh tế, nhưng ảnh hưởng của thị trường chứng khoán đối với chi tiêu tiêu dùng có thể lớn hơn tác động của chương trình kích thích của chính phủ nhằm hạn chế hậu quả của đại dịch COVID-19. Hay ít nhất, đó là suy nghĩ của một nhà kinh tế.
Ông Steve Blitz, nhà kinh tế trưởng về Mỹ của công ty nghiên cứu TS Lombard viết trong một ghi chú hôm 17/8: “Khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung 600 USD/tuần rất cần thiết đối với những người được nhận, nhưng sự thiếu vắng của nó không có ảnh hưởng lớn đối với chi tiêu bán lẻ như nhiều người nghĩ”.
“Sự hồi sinh của chi tiêu bán lẻ phụ thuộc nhiều hơn vào sự phục hồi của thị trường cổ phiếu. Trong khi đó, thị trường cổ phiếu đi lên phần lớn là nhờ vào Cục dự trữ liên bang (Fed) và sự gia tăng của việc làm khi nền kinh tế mở cửa trở lại”.
Lập trường trên có thể gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với MarketWatch, ông Blitz cũng lưu ý: “600 USD là số tiền cực kì quan trọng đối với những người được nhận. Nhưng họ không phải là những người thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng” hay nền kinh tế.
Nhóm người dễ bị tổn thương nhất cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái COVID-19. Các công việc trả lương thấp trong ngành du lịch và khách sạn chịu tác động lớn nhất. Trong khi đó, 80% chi tiêu tiêu dùng lại đến từ nhóm 20% người có thu nhập cao nhất.
Tất cả những điều trên có liên quan gì đến chứng khoán? Ông Blitz chỉ ra rằng diễn biến của thị trường chứng khoán là “băng chuyền của sự tự tin”.
Dù mối liên kết này đã được Fed biết đến từ những năm 1990, nó chỉ thực sự nhận được sự chú ý sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Doanh số bán lẻ và thị trường chứng khoán rơi xuống đáy và bắt đầu hồi phục cùng lúc – tháng 3/2009 – dù tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao trong suốt khoảng thời gian khá dài sau đó.
Mô hình tương quan giữa tỉ lệ thất nghiệp, doanh số bán lẻ và thị trường chứng khoán hiện nay cũng tương tự như trong khủng hoảng 2008. Ông Blitz chỉ ra: “Tiêu dùng đã phục hồi và vượt qua mức trước khi COVID-19 bùng phát. Cùng lúc, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới hàng tuần vẫn cao hơn nhiều mức thông thường trong các đợt suy thoái trước”. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ liên tiếp phá đỉnh lịch sử.
Hiểu rõ điều gì đang thúc đẩy nền kinh tế vĩ mô là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc biết được những ai là người đứng sau các con số kinh tế cũng hệ trọng không kém.
Bất kể thị trường chứng khoán nói gì về nền kinh tế, hàng triệu người Mỹ quan tâm hơn nhiều đến việc làm sao có tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày. Và bất kì ai cần được chính phủ gửi tiền hỗ trợ nhiều khả năng sẽ không được hưởng lợi trực tiếp từ giá chứng khoán tăng cao.
Khoảng 50% hộ gia đình Mỹ có tham gia vào thị trường chứng khoán – dù ít hay nhiều – nhưng hầu hết họ là người giàu và da trắng: 61% hộ gia đình da trắng ở Mỹ sở hữu chứng khoán, theo Pew Research Center. Con số này đối với hộ gia đình da đen và gốc Tây Ban Nha lần lượt là 31% và 28%.
Dữ liệu Financial Times dẫn từ Goldman Sachs hồi tháng 2/2020 cho thấy 1% người giàu nhất nước Mỹ sở hữu 50% giá trị của thị trường chứng khoán. Nhóm 10% đứng đầu sở hữu 90%.
Dù thị trường chứng khoán tăng cao đến đâu đi nữa, phần lớn người Mỹ cũng không được hưởng lợi. Đây là một trong những lí do khiến Fed hứng chịu rất nhiều chỉ trích vì đã nâng đỡ giá tài sản tài chính trong cuộc Đại Suy thoái 2008.
Và đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ liên tục kêu gọi chính phủ tung ra thêm các biện pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.
“Fed cần phải thể hiện sự nhạy cảm đối với mọi bộ phận của nền kinh tế”, ông Blitz nói.
Giang
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường