Bài học sống sắt đá của huyền thoại Lý Tiểu Long
Huyền thoại Lý Tiểu Long là biểu tượng cho sức mạnh và sự kiên trì của con người. Không chỉ giỏi võ thuật, ông còn là một tấm gương với những triết lý sống đáng học hỏi. Có thể nói, Lý Tiểu Long đã đạt đến đỉnh cao trong cuộc đời ngắn ngủi của mình.
Vào năm 1969, không có ai ngoại trừ một chàng trai Châu Á mảnh mai cùng tông giọng cao tin rằng, mình có thể trở thành một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ 20. Không ai có thể biết được điều này, ngoại trừ Lý Tiểu Long.
Năm đó, Lý Tiểu Long viết một lá thư cho chính bản thân mình:
“Tôi, Lý Tiểu Long, sẽ là siêu sao phương Đông đầu tiên và được trả lương cao nhất tại Mỹ. Để đáp lại, tôi sẽ mang đến những màn trình diễn hấp dẫn nhất và sẽ đảm bảo những gì chất lượng nhất trong khả năng của một diễn viên. Bắt đầu từ năm 1970, tôi sẽ đạt được độ nổi tiếng trên toàn thế giới và kể từ đó đến năm 1980 tôi sẽ có trong tay 10 triệu USD. Tôi sẽ sống theo cách mà tôi cảm thấy thoải mái và đạt đến sự hòa hợp và hạnh phúc trong tâm.
Lý Tiểu Long
Tháng 1.1969″
Bốn năm sau đó, Lý Tiểu Long qua đời…
Dù vậy, chỉ trong bốn năm ngắn ngủi đó, Lý Tiểu Long đã đạt được tất cả những gì ông viết và thậm chí còn nhiều hơn thế nữa. Ở tuổi 32, ông đã thay đổi bộ mặt của phim ảnh và võ thuật một cách ngoạn mục. Có thể thoạt đọc qua bạn cảm nhận thấy lá thư phía trên của Lý Tiểu Long chứa đầy sự tự tin đến ngạo mạn. Tuy nhiên, cần thiết một câu hỏi rằng sự tự tin ấy đến từ đâu?
Có thể chúng ta sẽ không bao giờ có được câu trả lời chính xác. Dù vậy, những gì Lý Tiểu Long viết được tổng hợp trong một số cuốn sách như Letters of the Dragon hay Striking Thoughts có thể mang đến một số gợi ý.
Hãy cùng đọc một lá thư được Lý Tiểu Long viết khoảng một thập niên trước khi ông mất, khi ông vẫn còn là một sinh viên 21 tuổi tại Đại học Washington.
“Ngọc thân mến!
Lá thư này sẽ rất khó hiểu. Nó chứa đựng giấc mơ của anh và lối suy nghĩa của anh, một cách tổng thể, em có thể gọi là phương hướng cuộc đời anh. Anh cũng cảm thấy khá rối rắm và khó để viết ra được chính xác những gì mình đang cảm thấy. Nhưng anh muốn viết và muốn cho em biết về điều đó. Anh sẽ cố viết thật rõ ràng và hy vọng rằng em cũng giữ một tâm trí thật thông thoáng và cởi mở với nó. Đừng đưa ra kết luận cho đến khi em đọc xong.
Có hai cách để tạo ra một cuộc sống đáng sống, một là kết quả của quá trình làm việc chăm chỉ, và cách còn lại, là kết quả của sự tưởng tượng (dĩ nhiên cũng yêu cầu làm việc và hành động nữa). Sự thật là lao động và tiết kiệm sẽ mang đến một số tiền đủ để chúng ta sống sung túc, chứ không phải một gia tài về mặt của cải. Nó là món quà dành cho những ai có thể nghĩ đến những điều chưa từng được nghĩ đến trước đó. Mỗi ngành, mỗi nghề, ý tưởng đều là những gì nước Mỹ đang tìm kiếm. Ý tưởng là những gì tạo ra nước Mỹ như hiện tại, và chỉ một ý tưởng tốt cũng biến một con người thành con người mà họ muốn trở thành.
Một phần cuộc đời anh là kung fu. Môn võ này ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách và suy nghĩ của anh. Anh tập kung fu như một thứ văn hóa thể chất, một dạng rèn luyện tinh thần, một phương pháp tự vệ và một phương hướng cuộc đời. Kung fu là môn võ hay nhất trong số tất cả các môn võ, trong khi đó các biến thể Trung Quốc của judo và karate chỉ là những ngón nghề cơ bản của kung fu lại đang phát triển trên khắp đất Mỹ.
Điều này xảy ra bởi chưa ai nghe đến môn võ quyền năng này, bên cạnh đó thì cũng không có người hướng dẫn… Anh tin rằng nhiều năm bảo vệ đai của mình là đủ để anh trở thành người hướng dẫn tiên phong cho sự thay đổi này. Dĩ nhiên, vẫn còn phải mất nhiều năm nữa để anh trau dồi kĩ thuật và nhân cách.
Vì thế, mục tiêu của anh là thành lập Học viện Kung Fu đầu tiên và sau đó mở rộng ra toàn nước Mỹ. (Anh tự đặt ra giới hạn thời gian từ 10 đến 15 năm để hoàn thành tất cả dự án này). Lý do anh làm việc này không chỉ vì tiền. Mục đích thì có rất nhiều nhưng một số trong đó là: Anh muốn thế giới biết đến sự tuyệt vời của võ thuật Trung Quốc, anh thích dạy và giúp người khác, anh muốn một cuộc sống lo đủ cho gia đình, anh muốn khởi đầu một thứ gì đó, Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, kung fu là một phần của anh.
Anh biết ý nghĩ của mình là đúng, và vì thế kết quả chắc chắn sẽ mãn nguyện. Anh không nghĩ nhiều về thành quả mà chỉ lo việc khởi động guồng máy để đạt được nó. Cống hiến của anh sẽ là thước đo cho thành quả và thành công.
Trước khi Dr. Charles P. Steimetz qua đời, ai đó đã hỏi ông: “Nhánh khoa học nào sẽ đạt được những bước tiến dài nhất trong hai mươi năm năm tiếp theo?”
Ông dừng lại và nghĩ một vài phút trước khi đưa ra câu trả lời dứt khoát: “Hiểu rõ về tinh thần”. Khi một người nhận thức rõ về những lực đẩy tinh thần tuyệt vời bên trong con người mình và bắt đầu dùng chúng cho khoa học, kinh doanh hay cuộc đời, bước tiến trong tương lai sẽ là không gì sánh kịp.
Anh cảm thấy anh có những lực đẩy tinh thần và sáng tạo bên trong thậm chí còn lớn hơn cả niềm tin, lớn hơn cả tham vọng, lớn hơn cả sự tự tin, lớn hơn sự quyết tâm và lớn hơn cả tầm nhìn. Nó là tất cả chúng kết hợp lại. Tâm trí anh như có từ tính với tất cả những lực đẩy anh có trong tay.
Khi em thả một hòn bi xuống một hồ nước, viên bi sẽ tạo ra những gợn sóng liên tục tỏa rộng cho đến khi trải ra toàn bộ mặt hồ. Đây chính là những gì xảy ra khi anh mang đến cho ý tưởng của mình một kế hoạch hành động không ngừng nghỉ. Ngay lúc này, anh có thể mường tượng suy nghĩ của anh vào tương lai và anh có thể nhìn thấy phía trước của chính anh.
Anh đang mơ (nên nhớ rằng những người mơ thực tế thì không bao giờ từ bỏ). Lúc này, có thể anh chẳng có gì ngoài một chỗ ở nhỏ dưới tầng hầm, nhưng một khi ý chí của anh đã được lên dây cót, anh thấy trong tâm trí mình là bức tranh của một Học viện Kung Fu đẹp và cao 5 – 6 tầng với nhiều cơ sở trên khắp đất Mỹ. Anh không phải người dễ nản lòng, anh đã sẵn sàng thấy mình vượt qua chướng ngại, vượt qua những khó khăn để đạt đến những mục tiêu “không thể”.
Anh không biết nữa, nhưng anh cảm thấy những lực đẩy mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, một thứ gì đó thật năng động trong tâm trí. Cảm giác này không thể mô tả được và không có một trải nghiệm nào có thể so sánh được. Nó như thể một cảm xúc mạnh mẽ nào đó hòa cùng niềm tin, nhưng mạnh hơn thế rất nhiều.
Nói chung, mục tiêu của những kế hoạch này và việc thực hiện nó là để tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời – sự thanh thản trong tâm. Anh biết tất cả những gì anh nhắc đến bên trên không nhất thiết sẽ tạo ra sự thanh thản trong tâm; nhưng chúng có thể cống hiến năng lượng của mình cho sự hoàn thiện của bản thân hơn là những trận đánh vô nghĩa.
Có thể mọi người sẽ nói anh chú tâm quá nhiều vào thành công. Anh không phải vậy đâu. Em thấy đó, ý chí của anh đến từ suy nghĩ rằng anh có thể làm được. Nó rất tự nhiên thôi, không có bất kì sự sợ hãi hay nghi ngờ nào trong tâm trí anh.
Ngọc, thành công sẽ đến với những người nhận thức được thành công. Nếu em không nhắm vào mục tiêu, bằng cách nào em nghĩ mình có thể đạt được nó?
Thân mến,
Lý Tiểu Long”
Có thể thấy, trong lá thư của Lý Tiểu Long chứa đựng rất nhiều điều thú vị mà bạn có thể học hỏi về sự thành công, trong đó đáng chú ý nhất là:
Thành quả đến từ sự cống hiến. Trở thành tỷ phú là một hiệu ứng phụ của việc giúp đỡ hàng triệu người. Lương thưởng hay sự ảnh hưởng của bạn không phải điểm kết thúc, chúng là một thước đo (không hoàn hảo) sự cống hiến của bạn cho thế giới.
Quyết tâm dữ dội. Lý Tiểu Long nhắc đến sự quyết tâm của mình bằng cụm từ “lực đẩy tâm hồn”. Rất nhiều người dành cả đời chạy theo “cái gì” (what) để rồi sau đó mới bắt đầu lo lắng về lý do “vì sao” (why). Thay vào đó, bạn sẽ tìm hiểu “vì sao” (why) trước và tất cả những điều còn lại sẽ dễ dàng hơn.
Hoàn toàn tự tin. Lý Tiểu Long hoàn toàn tự tin vào bản thân, vượt qua được mọi sự sợ hãi. Đây không phải là điều tự nhiên mà có. Nó là kết quả của nhiều năm rèn luyện về cả thể xác lẫn tâm hồn.
Theo: Vnwriter.net