fbpx

Trung Quốc “giải cứu” nền kinh tế

Trong chuỗi ngày dài đi xuống, chứng khoán Trung Quốc gần đây có những phiên tăng điểm đáng chú ý,như phiên 19/10 chỉ số Shanghai tăng 3,7%, tiếp đó ngày 22/10 đánh dấu phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp với 3,5% và gần đây nhất là phiên ngày 25/10 tăng 2,5%.

Trung Quốc "giải cứu" nền kinh tế

Nỗ lực “giải cứu” thị trường chứng khoán

Động lực phía sau cho sự đảo chiều này ban đầu đến từ những lời trấn an dành cho thị trường của các nhà quản lý Trung Quốc, được đưa ra sau báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) không đạt được như kỳ vọng. Cụ thể, GDP quý III của Trung Quốc tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức tăng 6,7% của quý trước và cũng không đạt được con số tăng trưởng kỳ vọng là 6,6%.

Ngay sau đó, để kìm hãm đà giảm của thị trường, các quan chức Bắc Kinh đã giải thích lý do GDP sụt giảm là do các nhà quản lý nước này đã tập trung vào việc hỗ trợ thị trường chứng khoán, tạm dừng một số hoạt động ở những khu vực chịu ảnh hưởng từ cuộc đụng độ thương mại với Hoa Kỳ. Chưa dừng lại ở đó, nước này dự kiến sẽ thực hiện thêm hàng loạt giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng đang trên đà giảm.

Chính phủ Trung Quốc đã thực thi hàng loạt giải pháp để hỗ trợ thị trường trong thời gian qua. Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Liu Shiyu tuyên bố trước các nhà đầu tư rằng vực dậy niềm tin bằng cách đẩy mạnh cải cách thị trường vốn là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Trong bối cảnh thị trường trải qua những phiên bán tháo, CSRC đã gặp các chủ nợ của Beijing Orient Landscape & Environment, khuyên họ không nên bán giải chấp cổ phiếu hoặc đóng băng tài sản của công ty thông qua thủ tục pháp lý. CSRC khuyến khích các quỹ có sự hậu thuẫn của chính quyền các địa phương can thiệp để xoa dịu áp lực đối với một số công ty niêm yết có rủi ro bị bán giải chấp cổ phiếu.

Và những hành động cụ thể đã được thực thi, như trên sàn Thâm Quyến, các nhà quản lý đã phân bổ hàng chục tỷ CNY để giảm bớt rủi ro từ thế chấp cổ phiếu và cải thiện thanh khoản của các công ty niêm yết có đăng ký tại đây. Tại Quảng Đông, các cơ quan chuyên trách cũng đang cân nhắc về một kế hoạch hỗ trợ cho các công ty niêm yết ở địa phương nhằm giải tỏa bớt rủi ro thế chấp cổ phiếu.

Ở Bắc Kinh, các doanh nghiệp nhà nước và Công ty Chứng khoán Dongxing đã thiết lập một quỹ trị giá 10 tỷ CNY để hỗ trợ cho các công ty công nghệ niêm yết nhưng không có sự hỗ trợ của chính phủ để giải quyết rủi ro từ thế chấp cổ phiếu.

Trung Quốc cũng sẽ cho phép các công ty bảo hiểm tung ra các sản phẩm được thiết kế để giảm bớt rủi ro thanh khoản xuất phát từ  thế chấp cổ phiếu. Trong khi đó, các sàn giao dịch chứng khoán nước này cam kết sẽ giúp các công ty niêm yết giải quyết rủi ro liên quan tới thế chấp cổ phiếu. Sàn Thượng Hải sẽ cải thiện cơ chế phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn của các công ty niêm yết nhưng không có sự hậu thuẫn của chính phủ. Riêng sàn chứng khoán Thâm Quyến sẽ tăng cường hỗ trợ cho các công ty công nghệ.

Theo Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc, 11 công ty chứng khoán đã đồng ý đầu tư tổng cộng 100 tỷ CNY cho một kế hoạch quản lý tài sản với mục tiêu để giảm thiểu rủi ro từ thế chấp cổ phiếu cho các công ty niêm yết có triển vọng tốt.

“Giải cứu” nền kinh tế

Không chỉ hỗ trợ các thị trường tài chính, mà nhiệm vụ “giải cứu” nền kinh tế đang có nguy cơ hạ cánh cứng cũng là nhiệm vụ đầy khó khăn của chính phủ nước này. Có thể thấy thời gian gần đây Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã thực hiện hàng loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế cũng như giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế thiệt hại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Các chính sách này bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, làm suy yếu giá trị đồng CNY và bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Mới đây nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ hỗ trợ cho khu vực tư nhân, vốn chiếm hơn 60% GDP của nền kinh tế và 80% việc làm. Đối với việc cung cấp vốn, Trung Quốc cho biết sẽ hỗ trợ phát hành trái phiếu của các công ty tư nhân, trong đó PBoC sẽ cung cấp một phần vốn. PBoC đã công bố kế hoạch hỗ trợ phát hành trái phiếu của các công ty tư nhân và kêu gọi các quỹ vốn tư nhân hỗ trợ các công ty đang gặp khó khăn về nguồn tài trợ.

Bước đầu cơ quan này dự định cung cấp 10 tỷ CNY cho công ty bảo hiểm có sự hậu thuẫn của chính phủ để cung cấp tín dụng cho các đợt bán trái phiếu của các công ty tư nhân. Đồng thời, PBoC cho biết sẽ nâng hạn ngạch tái cho vay và tái chiết khấu thêm 150 tỷ CNY cho các công ty nhỏ và siêu nhỏ và các doanh nghiệp tư nhân.

Cần biết rằng chính quá trình siết chặt thanh khoản từ giảm bớt đòn bẩy của Trung Quốc được thực thi từ đầu năm nay đã dẫn tới số vụ vỡ nợ trái phiếu tăng lên mức kỷ lục và gây tổn thương tới tăng trưởng kinh tế, cũng như các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Thiệt hại ngày càng tăng lên khiến các nhà đầu tư nước ngoài càng tháo chạy, nhất là khi Trung Quốc rơi vào cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, có lẽ như nước này đã nhận thấy vấn đề, do đó đang quay trở lại với chính sách nới lỏng tiền tệ và bơm thanh khoản cho thị trường. Điều này có thể mang lại hệ quả không mong muốn là những rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế tiếp tục được dung dưỡng mà không được xử lý dứt điểm.

Đến một lúc nào đó, điểm hạ cánh cứng sẽ lại được kích hoạt trở lại và hậu quả còn nặng nề hơn. Hay nói cách khác, những giải pháp hỗ trợ và “giải cứu” được thực hiện cũng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, trong khi những vấn đề thật sự của nền kinh tế vẫn tiếp tục ở đó và đe dọa đến các thị trường.

Theo Khả Hân

DNSG

Các viết cùng chủ đề