fbpx

Tư duy kinh nghiệm, Giới hạn Thử và Sai – lỗi tâm lý thường gặp của các NĐT

Đầu tư có thể được coi là một trong những lĩnh vực khó khăn và phức tạp nhất của cuộc sống vì nó liên quan rất mật thiết đến tiền bạc. Vì vậy, nghiên cứu các vấn đề về tư duy xem ra sẽ giúp ích khá nhiều cho các nhà đầu tư đang bị căng thẳng hay lạc lối.

Huấn luyện viên nổi tiếng Jose Mourinho đã từng nói: “Một huấn luyện viên chỉ biết mỗi bóng đá không bao giờ là huấn luyện viên giỏi. Đã là huấn luyện viên, ai chả biết về bóng đá. Sự khác biệt nằm ở những lĩnh vực khác”. Nếu xét theo ý tưởng này thì nếu các NĐT chỉ biết mỗi chứng khoán thì có vẻ cũng… không ổn. Họ không cần trở thành triết gia nhưng có lẽ họ cũng cần biết thêm vài quy luật căn bản về tư duy.

Tư duy kinh nghiệm sẽ khó thích nghi

Tư duy kinh nghiệm

Tư duy kinh nghiệm xem xét, đánh giá sự vật, sự việc mới theo những cách thức có sẵn, cố gắng đưa sự nhận thức những sự vật, sự việc đó về những cái đã biết. Do đó, kiểu tư duy này thường gặp khó khăn khi tiếp xúc với những vấn đề có nhiều sự khác lạ.

Trong thị trường chứng khoán thì gần như bạn chẳng thể ra được một quyết định đúng hoàn toàn mà chỉ có thể ra được quyết định phù hợp với hoàn cảnh thị trường tại một thời điểm. Ngoại lệ luôn luôn xuất hiện và bạn phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với nó.

Rõ ràng nếu bạn quá nặng về tư duy kinh nghiệm, áp đặt thì bạn sẽ dễ bị cảm thấy bất ngờ nếu có ngoại lệ xuất hiện. Điều này không chỉ đúng với đầu tư mà còn đúng cả trong công tác quản lý, kinh doanh…

Ví dụ bên dưới của NTL – CTCP Phát Triển Đô Thị Từ Liêm sẽ giúp chúng ta làm rõ điều này. Thông thường, khi giá cắt xuống dưới đường MA (Moving Average) thì nhà đầu tư sẽ có xu hướng nghĩ rằng giá sẽ còn tiếp tục giảm. Nhưng rõ ràng trong giai đoạn cuối tháng 11/2012 và tháng 07/2014 hiện tượng cắt xuống đã xảy ra nhưng sau đó giá lại tăng mạnh, thậm chí là rất mạnh.

Cổ phiếu NTL
Cổ phiếu NTL

Nếu trong trường hợp này các nhà đầu tư vẫn cứ cố chấp mà không thừa nhận một sự thật khách quan rằng đây chính là một ngoại lệ của đường MA thì họ đã bỏ qua một cơ hội kiếm tiền đáng kể.

Giới hạn của phương pháp Thử và Sai

Trong các tác phẩm của Giáo sư Genrikh Saulovich Altshuller có đề cập đến sự giới hạn của phương pháp Thử và Sai (Trial And Error Method). Nếu nhà đầu tư chỉ áp dụng phương pháp này trên thị trường chứng khoán theo kiểu cứ đâm đầu vào “Thử” vô tội vạ thì họ phải đối mặt với rủi ro… thua sạch tiền trong giai đoạn thử nghiệm. Trường hợp này hay được gọi vui là “chết ngay trước cổng thiên đường”. Vì vậy, người thử nghiệm phải có nguồn tài chính vô hạn và thời gian thử nghiệm rất dài thì may ra bạn mới có thể tìm ra phương pháp phù hợp cho mình.

Trial And Error Method
Trial And Error Method

Nói cách khác, phương pháp này chỉ dựa trên suy nghĩ tự nhiên, dựa trên kinh nghiệm và sự liên tưởng của người giải (trong trường hợp này là nhà đầu tư) chứ không dựa trên việc phân tích, tìm hiểu tình huống một cách đúng đắn, khoa học.

Rõ ràng giải pháp ở đây là bạn cần có cái gọi là “cơ chế định hướng” để giải bài toán đầu tư của mình. Nhà đầu tư cần tránh lao vào mua bán vô tội vạ kiểu “đạp cửa xông vào, liều mình như chẳng có”, “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” mà hãy dành thời gian để chiêm nghiệm sai lầm cũng như nâng cấp, chỉnh sửa phương pháp của mình. Theo bản thân người viết thì có những yếu tố mà nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm:

Thứ nhất, lợi nhuận kỳ vọng và khả năng chịu đựng thua lỗ của bản thân. Nếu bạn chỉ đòi hỏi một mức lợi nhuận tương đối thấp (khoảng 10%-15%/năm) thì bạn sẽ dễ dàng chọn được những công cụ mang tính an toàn cao nhưng vẫn đảm bảo sinh lời như Directional Movement System, MA dài hạn… Nguy hiểm nhất là việc ảo tưởng sẽ thiết kế được một hệ thống vừa an toàn lại vừa sinh lời “khủng”. Điều này dễ khiến nhà đầu tư “Thử” và “Sai” liên tục nhưng vẫn không tìm thấy lời giải.

Thứ hai, thời gian đầu tư. Nhà đầu tư cần xác định xem mình thuộc dạng đầu tư dài hạn hay ngắn hạn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến những chỉ số cơ bản và chỉ báo kỹ thuật được lựa chọn. Thông thường thì những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn có xu hướng thích phân tích dòng tiền cũng như nhóm momentum hơn là các nhà đầu tư dài hạn.

Giải pháp hay nhất cho mình thường sẽ do mình tự nghĩ ra

Việc trông mong một “đàn anh” hoặc một “cao thủ” nào đó trên thị trường chỉ cho bạn các bí quyết để kiếm tiền thực sự hiệu quả đối với bạn nghe có vẻ hơi xa vời. Vì bí quyết ấy có thể phù hợp với họ nhưng chưa chắc phù hợp với chính bạn. Tư tưởng “ăn sẵn” này là cực kỳ nguy hiểm.

Mỗi nhà đầu tư đều sở hữu một tố chất riêng nên họ cần tự thiết kế cho mình một hệ thống đầu tư riêng. Việc thiết kế hệ thống riêng, chỉ báo riêng cho mình không phải nhằm mục đích “chơi nổi” hay thể hiện mà đơn giản nó là một yêu cầu hiển nhiên để đảm bảo thành công cho nhà đầu tư.

Hệ thống bạn tự thiết kế có thể đơn giản cũng có thể phức tạp nhưng miễn là nó vẫn giúp bạn kiếm được tiền (dù có thể chưa nhiều) thì xem ra bạn đã bắt đầu thành công rồi.

Nguồn: vietstock

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư tài chính happy.live

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề